(Tiếng Việt) BẢN ĐỒ TU PHẬT _ TẬP 09 – ĐẠI THỪA BỒ TÁT _ P02


III.-ĐẠI HẠNH CỦA CÁC VỊ ĐẠI-THỪA BỒ-TÁT.
Như trên đã nói, đại nguyện của hàng Đại-thừa Bồ-tát lớn lao vô cùng, nên phải có những hạnh tu cũng lớn lao, mới tương xứng và thể hiện được mục đích. Nói một cách khác, Bồ-tát đã có đại nguyện tất phải có đại hạnh. Nếu không thì chẳng khác gì anh chàng nói suông, ngồi khoanh tay mà nói chuyện đội đá vá trời. Đại hạnh của Bồ-tát không những lớn lao mà lại còn có nhiều loại, nhiều tánh chất khác nhau. Người tu hạnh Bồ-tát có thể làm tất cả mọi việc, có nhiều khi rất thông thường, nhưng có nhiều khi lại vượt ra ngoài mực thước, không ai ngờ được, không ai làm nỗi. Sự tu hành của các vị này, không chỉ hạn cuộc trong chùa, trong tịnh xá hay một nơi thâm sơn cùng cốc, mà có thể diễn ra ở tất cả mọi nơi, mọi địa hạt: trong gia đình, giữa chợ búa, trong công trường, ngoài đường xá, hay những nơi ô uế, thối tha. Sự tu hành của họ cũng không theo một đường lối nhất định, có sẵn, mà tùy theo hoàn cảnh căn cơ, phương tiện, miễn làm sao thực hiện được đại nguyện thì thôi. Hạnh tu của Bồ-tát rất phóng khoáng, nhưng không bao giờ ra ngoài tinh thần: “dĩ lợi sanh vi bổn hoài” (lấy việc làm lợi ích cho chúng sanh làm bản nguyện tu hành) hay “lấy lợi tha làm tự lợi”.
Sau đây, chúng tôi xin kể qua một số các Đại hạnh của hàng Đại-thừa Bồ-tát:
1.-Giác ngộ chúng sanh là hạnh tu của Bồ-tát:
Giác ngộ là nhận chân được sự thật của nhân sanh vũ trụ. Có biết rõ sự thật này, mới có thể tu hành và giải thoát được. Chúng sanh đau khổ lặn hụp mãi trong biển sanh tử luân hồi, vì không thấy rõ được mình đang ở đâu và mình sẽ đi đâu. Vì không thấy rõ được hoàn cảnh của mình trong hiện tại, và không thấy được con đường sáng trong tương lai, nên không thể thoát ra ngoài vòng tục lụy, đớn đau, mà cứ dẫm chân mãi trên những con đường chông gai nguy hiểm, tối tăm, đầy cạm bẫy. Vậy hạnh tu của Bồ-tát là đem lại ánh sáng cho cõi đời u tối soi sáng đầu óc và cõi lòng tối tăm của chúng sanh. Ánh sáng mà các vị Bồ-tát đem đến là ánh sáng của trí huệ. Trí huệ ở đây không phải là sự thông minh lanh lẹ thông thường. Trí huệ ở đây là sự hiểu biết rốt ráo, đúng như thật; là ngọn hải đăng soi sáng biển cả trong cơn giông tố, để thuyền bè khỏi bị đắm chìm.
Bồ-tát vì xem chúng sanh như mình, vì muốn cứu độ chúng sanh, nên phải đem trí huệ soi sáng chúng sanh, gieo trí huệ vào đầu óc chúng sanh, làm cho đầu óc chúng sanh cũng bừng sáng lên, để họ thấy rõ sự thật, biết đường mà đi. Công việc ấy gọi là “Giác ngộ chúng sanh”.
Trong đạo Phật, giác ngộ là vấn đề quan trọng nhất, là vấn đề căn bản. Do đó đạo Phật thường được gọi là: “Đạo Giác Ngộ” và Đức Phật cũng gọi là: “Đấng Giác Ngộ”. Người tu hành Bồ-tát mà không làm công việc giác ngộ ấy thì khó mà thành tựu quả Phật.
2.-Nuôi dưỡng lòng Từ-Bi quảng đại là hạnh tu của Bồ-tát:
Sau Trí-Huệ là Từ-Bi. Từ là cho vui, Bi là cứu khổ (Từ, năng dữ nhứt thế chúng sanh chi lạc; Bi, năng bạt nhứt thế chúng sanh chi khổ). Sau khi đã giác ngộ rằng chúng sanh và mình cùng chung một bản thể, người vui là mình vui, người khổ là mình khổ, hàng Đại-thừa Bồ-tát cố gắng không ngừng, để làm cho đời bớt khổ thêm vui.
Muốn làm được công việc ấy, phải có một tình thương rộng lớn vô biên, như trời cao, như biển cả. Tình thương này không phải chỉ hạn cuộc trong phạm vi loài người, mà còn lan tràn đến toàn thể sinh vật cỏ cây, không phân chia nhân ngã, bỉ thử không phân biệt bạn và thù, thân và sơ. Hễ còn chúng sanh đau khổ là còn tìm cách để cứu vớt, an ủi vỗ về; hễ còn chúng sanh khao khát được vui là tìm cách đem vui tới. Bồ-tát thương tất cả chúng sanh như mẹ thương con, nên không nài-hà khó nhọc, không quản ngại giang nguy, không từ chối một điều gì, cho đến cả thân mạng. Nhưng tình thương rộng lớn này, không phải tự nhiên mà có được. Cần phải nuôi dưỡng, tập luyện nó ngày đêm, không bao giờ dừng nghỉ, bất luận khi ăn khi nằm, khi đi khi đứng. Và khi đã coi mọi sinh vật đều có một sự sống, biết tìm vui, lánh khổ, sợ chết thì dù là một con ve, con kiến, người tu hạnh Bồ-tát cũng không tàn sát một cách vô cớ. Cho đến cỏ cây vì cũng đều có sự Sống, nên hành giả cũng cố tránh sự tàn phá một cách vô ích. Thể hiện tinh thần tôn trọng sự Sống, nuôi dưỡng tình Thương, hàng Đại-thừa Bồ-tát giữ gìn, thận trọng từng cử chỉ nhỏ nhặc hằng ngày, để tránh sự gieo rắt khổ đau và chết chóc quanh mình: dùng lưới che đèn để ngăn chận những con thiêu thân khỏi bị nạn cháy thiêu; lọc nước với một cái lưới trước khi dùng để những sinh vật nhỏ sống trong nước khỏi bị hại lây, lọc xong đổ cái lưới lọc nước về chỗ cũ để sinh vật khỏi bị chết khô; khi vào cầu tiêu phải gảy móng tay 03 tiếng để cho sinh vật ở dưới cầu biết mà tránh; khi đi đường, nhìn xuống đất để khỏi dẫm đạp trùng, kiến, hay dẫm lên cây cỏ. Đành rằng đây là những cử chỉ nhỏ nhặc, nhưng chính vì nhỏ nhặc mà giữ được hàng ngày mới khó. Nếu không nhớ nghĩ đến luôn và không có một lòng Từ-Bi quảng đại, thì không dễ gì giữ được mãi những cử chỉ ấy.
Kinh chép: “Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử”, thực đúng vậy. Hàng tu Đại-thừa Bồ-tát, nếu xem thường lòng Từ-Bi, không trau dồi cho có một tình thương rộng lớn như Phật, thì không thể thành tựu được đại nguyện của mình.