PHÁP GIỚI DUYÊN KHỞI (01) _ SỰ – LÝ _ LÝ – SỰ VIÊN DUNG VÔ NGẠI


PHÁP GIỚI DUYÊN KHỞI (01)

SỰ-LÝ _ LÝ-SỰ   VIÊN DUNG VÔ NGẠI

Khi nói về cảnh giới các cảnh cõi là hàm ý những khu vực có biên giới. Lấy ly nước làm thí dụ. Nhìn nước trong ly, người thường cho đó là đồ giải khát; hóa học gia nghĩ đó là hợp chất hydro và oxy; nhà vật lý thấy đó là trạng thái lỏng do chấn động của các phân tử tạo thành. Đối với một triết gia, nước biểu hiện các tương quan nhân quả; đối với một bậc Đại Giác thời đó là hiện tướng của Chân Như….
Điều đáng ghi nhận không mơ hồ là nước có thể sử dụng để giải khát không làm ngăn trở nước là một hóa hợp của hydro và oxy, nước là thành quả phức tạp của chấn động phân tử, nước là biểu hiện các tương quan nhân-quả, hay là hiện tượng của Chân Như. Trên bình diện, trong cảnh giới cõi lỏng, nước là phương tiện để dập tắt lửa. Trên bình diện khác, trong cảnh giới hóa chất, nhiên liệu hydro có thể tách riêng để đốt thành lửa. Cùng là một sự vật, nhưng tùy theo khung ý niệm quy chiếu, hay tùy theo góc độ của nhãn quan, ý nghĩa và giá trị gán cho sự vật ấy hoàn toàn sai khác và có khi đối nghịch.
Như vậy, ly nước bao hàm nhiều cõi, mỗi cõi có cảnh giới riêng biệt. Cảnh giới các cõi ấy đồng thời hiện khởi và cộng đồng hiện hữu, trong quan hệ cả không gian lẫn thời gian, “đồng thời câu khởi”.
Cảnh nào hoạt dụng trong cảnh giới của cõi ấy và đồng thời tương quan giao thiệp hòa điệu với các cõi khác. Nhất thể và phức thể bao hàm và dung nạp lẫn nhau mà không hề xảy ra sự ngăn ngại hay hủy diệt lẫn nhau, “đồng thời vô ngại”.
Bây giờ, hãy lưu ý rằng trong giây phút ta nghĩ đến nước là đồ giải khát, thì đồng thời trong giây phút ấy ta không thể nghĩ được nước là hóa chất H2O,nước là do các chấn động phân tử,.v.v. Mỗi lần nhìn ta chỉ có thể thấy một cõi mà thôi và phải dịch chuyển từ cảnh giới này sang cảnh giới khác theo trình tự thì mới có thể thay đổi cõi thấy. Đó là phương cách con người nhìn thấy sự vật, hoàn toàn trái nghịch với nguyên lý “đồng thời câu khởi” của Hoa Nghiêm. Phải có Nhất thiết Chủng Trí tức Bát Nhã Trí của Đức Phật thì mới có thể thấy toàn thể cảnh giới các cõi của sự vật cùng trong một lúc, nghĩa là thấy chúng “Châu biến hàm dung”, “Hỗ tương nhiếp nhập”, tất cả đồng thời hiện khởi trong một toàn thể vô cùng lớn vô cùng tận. Nói cách khác, nếu không chứng được lý Vô Ngại, thì không thể nào nắm được cái nhìn cơ bản của tâm linh, “lối nhìn nhắm thẳng vào thế giới và tâm linh”. Hoa Nghiêm gọi Nhãn quan ấy là nguyên lý Viên Dung. Viên dung là nhìn hình tướng toàn thể các biệt thể hợp thành tổng thể, Vô Ngại hàm ý tương quan giao thiệp giữa các biệt thể bên trong cảnh giới các cõi được nhìn từ quan điểm Viên Dung.
Trên phương diện bản thể luận, nguyên lý “Đồng Thời Vô Ngại” được xem như nền tảng triết lý Hoa Nghiêm, bởi vì không chứng nghiệm lý Vô Ngại thời không thể nào thấy được hệ thống của quan hệ toàn diện, cùng một lúc, tồn tại giữa những hiện hữu cá biệt cũng như giữa những cá thể và phổ biến, giữa những sự vật riêng rẽ và những ý tưởng tổng quát. Tánh Không là trục chính của Vô Ngại, và Vô Ngại là trục chính của Viên Dung.
Như vậy, Pháp giới, hình tướng tích cực của Tánh Không, biểu hiện động của Chân Như, có thể mô tả một cách ngắn gọn là Viên Dung và Vô Ngại. “Viên Dung” hàm ý tất cả Đức Tánh của Tâm Chân Như, như Đại Trí, Đại Bi, Đạo Hạnh, Thệ Nguyện rộng lớn, năng lực thần thông, không mục đích, không mong cầu, phương tiện thiện xảo phát sinh từ trí tuệ siêu việt. “Vô Ngại” hàm ý giải thoát khỏi mọi trói buộc của chấp trước và nghiệp chướng. Trên phương diện bản thể học, thời Viên Dung là Nhân, Vô Ngại là Quả. Nhưng đối với hành giả, Vô Ngại là Nhân, Viên Dung là Quả, nghĩa là phải lìa bỏ chấp trước và dứt đoạn nghiệp chướng thời mới chứng đắc Phật Quả.

Tham khảo:   Luận Giải Trung Luận Tánh Khởi và Duyên Khởi
                     Tác giả: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Đăng bài chuyển tải:
Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử đời chữ Nhật
Nhật Hiệp