BẢN ĐỒ TU PHẬT_THIỀN TÔN_ĐẠI THỪA THIỀN_TẬP 4_PHẦN 1
THIỀN TÔN
(Tiếp theo và Hết)
PHẦN 4: -ĐẠI THỪA THIỀN
Trong Thiền Tôn tập I, chúng ta đã biết qua các loại thiền: Ngoại đạo thiền, Phàm phu thiền, Tiểu thừa thiền và phương pháp tu luyện của họ. Trong tập này, chúng tôi sẽ dành riêng toàn tập để nói về Đại-thừa thiền. Nội dung của tập này sẽ gồm những mục chính sau đây:
I.-Các pháp môn của Đại-thừa thiền
II.-Sự truyền thừa của các Tổ trong phái Thiền tôn, ở Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam
III.-Các ma chướng trong lúc tu thiền
IV.-Các kinh sách nói về thiền
Trước khi đi sâu vào các mục nói trên, chúng ta hãy hiểu qua thế nào là Đại-thừa thiền ?
Đại Thừa Thiền là pháp tu thiền của bực Đại-thừa, cũng gọi là xuất thế gian thượng thượng thiền. Pháp thiền này chỉ dành riêng cho những người thượng căn rất thông minh và lanh lợi tu. Những bực Đại-thừa Bồ-tát đã nhiều đời nhiều kiếp tu hành, phá hết các phiền não thô trược, chỉ còn vi tế vô minh, nếu kiếp này gặp được minh sư chỉ giáo cho phép tu Đại-thừa thiền này, thì sẽ được tỏ ngộ. Cũng như cành hoa sắp nở, chỉ thêm chút ít công phu vun tưới, thì hoa sẽ trổ ngay. Yếu tố căn bản của Đại-thừa thiền là trí huệ. Thiền giả phải lấy trí huệ để tự quan sát tâm tánh. Nếu thiếu trí huệ, thiền giả khó được kết quả khi tu theo Đại-thừa thiền.
I.-CÁC PHÁP THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠI THỪA
Các pháp thiền định của Đại-thừa rất nhiều như : Pháp hoa tam muội, Niệm Phật tam muội, Ban châu tam muội, Giác ý tam muội, Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Tự tánh thiền, Nhứt thế thiền, Nhứt thế môn thiền, Thiện nhơn thiền, Nhứt thế hạnh thiền, Trừ phiền não thiền, Thử thế tha thể thiền, Thanh tịnh tịnh thiền, Tự tánh thanh tịnh thiền, Như Lai tối thượng thừa thiền, Đạt Ma Tổ Sư thiền, v.v…
Dưới đây chúng ta hãy nghiên cứu qua một số pháp thiền định thông thường của Đại-thừa.
1.-Sao gọi là Pháp Hoa tam muội ?
Tam muội hay “Tam-ma-đề” là do chữ Phạn “Samadhi” phiên âm ra. Người Trung Hoa dịch là “Điều trực định”, nghĩa là khiến tâm điều hòa chánh trực, như như chẳng động; cũng có chỗ dịch là “Chánh định” hay “Chánh thọ”.
Sỡ dĩ gọi là “Pháp Hoa Tam muội”, vì phép thiền này căn cứ theo kinh Pháp Hoa mà thành lập. Kinh chép: “Người muốn đặng Pháp Hoa tam muội, phải tu tập theo kinh Pháp Hoa, đọc tụng Đại-thừa …”
Ngài Trí Giả Đại sư trong khi chép quyển “Pháp Hoa tam muội” có dạy phương pháp tu pháp tam muội, gồm có mười điều như sau:
a).Nghiêm tịnh đạo tràng ; b).Tịnh thân ; c).Tịnh nghiệp ; d).Cúng dường chư Phật ; đ). Lễ Phật ; e). Sám hối sáu căn ; ê). Đi nhiễu ; g). Tụng kinh ; h). Tọa thiền ; i). Chứng tướng.
2.-Sao gọi là Niệm Phật tam muội?
Phương pháp này căn cứ theo kinh Ban Châu niệm Phật. Hành giả thường niệm danh hiệu của Phật A-Di-Đà ở Tây Phương, ngày đêm không dứt. Khi được tam muội rồi, hành giả thấy chư Phật hiện ra trước mắt, nghe Phật thuyết pháp ở bên tai, và thọ trì được vô lượng công đức.
3.-Sao gọi là Giác ý tâm muội?
Phương pháp này căn cứ theo kinh Đại Phẩm Bát Nhã. Hành giả tu pháp này, tâm ý giác ngộ tất cả pháp và được vô sanh nhẫn. (Đọc giả nào muốn rõ thêm, hãy xem lời thích luận của ngài Trí Giả Đại sư).
4.-Sao gọi là Thủ Lăng Nghiêm tam muội?
Phương pháp này căn cứ theo kinh Thủ Lăng Nghiêm. Hành giả phải nhận chân rằng các pháp đều từ thực thể là Như Lai tạng tâm mà tùy duyên biến hiện, như huyễn như hóa. Hiểu rõ các pháp đều như huyễn như hóa, rồi dựa theo lý ấy mà tham thiền nhập định, nên cũng gọi như huyễn tam muội.
5.-Sao gọi là Tự tánh thiền, Nhứt thế thiền, Nan thiền, v.v…?
Các món thiền như “Tự tánh thiền, Nhứt thế thiền, Nan thiền, Nhứt thế môn thiền, Thiện nhơn thiền, Nhứt thế hạnh thiền, Trừ phiền não thiền, Thử thế tha thế thiền, Thanh tịnh tịnh thiền”, gồm cả thảy chín món và được gọi là Đại-thừa thiền.
Sỡ dĩ gọi các món thiền này là Đại-thừa thiền, vì các vị Bồ tát nhờ y theo các món thiền này mà tấn tu làm nên được các công hạnh rộng lớn, thẳm sâu không thể lường được. (Đọc giả nào muốn hiểu rõ thêm, hãy đọc quyển “Pháp giới thứ đệ sơ môn” do ngài Trí Giả đại sư soạn).
6.-Sao gọi là Trực chỉ thiền?
Trực chỉ thiền là pháp thiền chỉ thẳng tâm người, thấy Tánh thành Phật, không dung phương tiện tu quán và cũng không cần kinh giáo.
7.-Sao gọi là Như Lai thanh tịnh thiền?
Như Lai thanh tịnh thiền là pháp thiền thanh tịnh của Như Lai. Như chúng ta đã biết, Đức Phật Thích Ca trước khi chưa thành đạo, đã ngồi tham thiền sáu năm dưới gốc cây Bồ Đề. Sau khi phá trừ hết vô minh phiền não, tâm được thanh tịnh, Ngài chứng được đạo Bồ Đề. Do đó, phép thiền này được gọi là “Như Lai thanh tịnh thiền”.
8.-Sao gọi là Như Lai tối thượng thừa thiền?
Đây là phép thiền cao siêu hơn tất cả phép thiền mà Đức Như Lai đã ứng dụng.
9.-Sao gọi là Đạt Ma Tổ-sư thiền?
Như chúng ta đã biết, Ngài Đạt Ma sau khi từ Ấn Độ qua Trung Hoa truyền đạo, đã ngồi xây mặt vào tường chín năm, tại chùa Thiếu Lâm để tham thiền. Đạt Ma Tổ-sư thiền tức là phép thiền mà Ngài đã tu luyện ở chùa Thiếu Lâm vậy.
Các phép thiền của Đại-thừa, như quý đọc giả đã thấy ở phần trên, tuy nhiều không kể xiết, tựu chung có thể chia làm hai loại lớn :
1.- Một loại thường gọi là tam muội, căn cứ theo kinh sách của Phật-tổ truyền dạy mà tu tập, có tu có quán, có phương pháp nhất định, như Pháp Hoa tam muội, Niệm Phật tam muội, Ban Châu tam muội, Giác ý tam muội, Thủ Lăng Nghiêm tam muội, v.v… Các loại tam muội này vì có quy cũ, có phương pháp nhất định và được phổ biến bằng văn tự, tương đối ít khó khăn và bí hiểm hơn loại thứ hai mà chúng tôi sắp nói dưới đây, nên được nhiều người tu luyện và số người thành tựu cũng nhiều.
2.- Một loại thứ hai, được truyền dạy không căn cứ theo kinh giáo, không có văn tự, tức là loại thiền “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”, như các pháp “Trực chỉ thiền, Như Lai thanh tịnh thiền, Tự Tánh thanh tịnh thiền, Như Lai tối thượng thừa thiền, Đạt-Ma Tổ-sư thiền, v.v…”. Với loại thiền này người ngộ trước dung tâm giác ngộ của mình để ấn chứng cho người sau giác ngộ. Đó tức là loại thiền “Dĩ tâm ấn tâm, trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành Phật”: Vị minh sư dùng tâm mình để tiếp xúc với tâm của đệ tử, truyền thẳng sự giác ngộ của mình qua tâm của đệ tử; như dùng ngọn đèn sáng chói mà tâm mình đã bừng phát ra để chiếu vào tâm đệ tử; và tâm này cũng lại nhờ ảnh hưởng trực tiếp của sự giác ngộ của thầy mà bừng sáng lên và truyền nối từ thầy đến trò, từ đời này sang đời khác. Loại thiền này tức là loại thiền đã được truyền nối từ Đức Phật Thích Ca xuống cho đến Ngài Lục Tổ. Đây là một lối “truyền đạo” hay “truyền đăng” trực tiếp, linh động chính thống, nhưng không phổ biến như lối trên, vì mỗi đời chỉ truyền cho một người, chứ không thể truyền cho nhiều người trong một lúc được. Và người được ấn chứng phải là một vị có trí huệ xuất chúng, siêu phàm không ai sánh kịp.
Cách truyền đạt pháp thiền này lại có hai lối:
a).Tham cứu một câu thoại đầu. Thoại đầu là một câu nói thiền hay “công án”, nghĩa là một đề án hay luận án gồm một câu rất ngắn, nhưng ý nghĩa sâu xa, đối với người thường không hiểu được.
Khi một vị Tổ của phái thiền tôn này nhận thấy trong hàng đệ tử của mình có một vị xuất chúng, có thể giữ giềng mối đạo, tiếp nối sự nghiệp của thiền tôn và tỏ ngộ đạo mầu được, thì vị Tổ trao cho vị đệ tử ấy một câu thoại đầu (một luận án, như bây giờ các vị bác sĩ hay tiến sĩ, trước khi ra trường, phải nạp cho ban giám khảo). Vị đệ tử này, đêm ngày tham cứu câu thoại đầu ấy, có nhiều khi trãi qua một thời gian mười năm hoặc mười lăm năm mới tỏ ngộ được. Sau khi xét thấy đệ tử của mình đã tỏ ngộ đạo mầu rồi, vị Tổ sư mới ấn chứng cho.
b).Nhưng nhiều vị Tổ sư lại không trao cho đệ tử mình một câu thoại đầu để tham cứu, mà lại dùng những hình thức rất lạ lùng, người thường khó có thể hiểu được như: đánh, hét, ra dấu, mời ăn cơm, uống nước trà, v.v… chẳng hạn như có một vị đệ tử đến cầu đạo với một Tổ sư; vị này không nói gì cả, chỉ dùng thiền trượng (roi thiền) đánh đập vị đệ tử kia, để xem sự phản ứng của vị đệ tử ấy như thế nào. Do sự phản ứng ấy mà vị Tổ sư biết được vị đệ tử kia đã giác ngộ hay chưa.
Tóm lại, pháp thiền này rất là mầu nhiệm, không thể nghĩ bàn được, cho nên người xưa có nói: “thiền cơ huyền diệu”. Các vị Tổ sư trong khi truyền đạo, không dựa theo một nguyên tắc, một phương pháp gì nhất định cả. Các Ngài tùy theo thời cơ mà ứng biến, nghĩa là quan sát căn cơ của người cầu đạo, xét đã đúng thời chưa, và phải dùng phương pháp gì cho đệ tử kia được ngộ đạo, rồi các Ngài đối cơ lập pháp. Tất nhiên phương pháp này các Ngài dùng chỉ trong nhất thời thôi. Do đó, mà không thể biết trước được các Ngài sẽ dùng phương pháp gì để truyền thọ.
Về sau cũng có người bắt chước những phương pháp như đánh, hét, v.v… nhưng vì không biết quán thời cơ, nên chỉ làm cho người đau và sợ mà thôi, chứ không có hiệu quả gì.
_Hết Phần 1_Tập 4_