NHƯ LAI THIỀN – ĐẠI NIỆM XỨ – PHÁP QUÁN : NGŨ UẨN THỦ


PHƯƠNG PHÁP HÀNH THIỀN ĐẠI NIỆM XỨ

PHÁP QUÁN

NGŨ UẨN THỦ

—oOo—

VĂN:

Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại xứ Kuru.
Xứ này có một thị trấn tên là Kamma-sadamma. Tại đó, Đức Phật đã dạy các Thầy Tỳ Khưu như vầy:
Này các thầy tỳ khưu”.
Và các Thầy Tỳ Khưu thưa:
Xin vâng, Bạch Thế Tôn”.
Và Đức Thế Tôn đã nói như sau:
“Đây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và Giác Ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.”
Bốn cách quán sát (hay bốn niệm xứ) đó là gì?
Này các thầy tỳ khưu, ở đây (trong lời dạy này); tỳ khưu quán sát thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại bỏ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Tỳ khưu quán sát thọ trong thọ, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Tỳ khưu quán sát tâm trong tâm, tinh cần tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Tỳ khưu quán sát pháp trong pháp, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời.

“Này các thầy tỳ khưu, ở đây thầy tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua ngũ uẩn thủ.
Và này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua ngũ uẩn thủ là như thế nào?
Này các thầy tỳ khưu, ở đây tỳ khưu biết:
Đây là Sắc; đây là sự khởi sinh hay nguyên nhân khởi sinh của sắc; đây là sự diệt tận hay nguyên nhân diệt tận của sắc.
Đây là Thọ; đây là sự khởi sinh hay nguyên nhân khởi sinh của thọ; đây là sự diệt tận hay nguyên nhân diệt tận của thọ.
Đây là Tưởng; đây là sự khởi sinh hay nguyên nhân khởi sinh của tưởng; đây là sự diệt tận hay nguyên nhân diệt tận của tưởng.
Đây là Hành; đây là sự khởi sinh hay nguyên nhân khởi sinh của hành; đây là sự diệt tận hay nguyên nhân diệt tận của hành.
Đây là Thức; đây là sự khởi sinh hay nguyên nhân khởi sinh của thức; đây là sự diệt tận của thức hay nguyên nhân diệt tận của thức.
Như vậy, tỳ khưu quán sát pháp trong nội pháp hay tỳ khưu quán sát pháp trong ngoại pháp hay tỳ khưu quán sát pháp trong nội pháp và ngoại pháp.
Tỳ khưu quán sát yếu tố sinh khởi (sự sinh khởi) của pháp hay tỳ khưu quán sát yếu tố diệt tận (sự diệt tận) của pháp.
Hoặc tỳ khưu chánh niệm rằng “chỉ có pháp mà thôi” (nghĩa là chỉ thuần chánh niệm trên pháp mà thôi).
Và chánh niệm này cần được thiết lập để giúp cho sự phát triển trí tuệ và chánh niệm về sau.
Tỳ khưu không tham ái và tà kiến mà lệ thuộc hay dính mắc vào bất cứ điều gì.
Tỳ khưu không dính mắc vào bất cứ điều gì trên thế gian do ngũ uẩn hợp thành này.
Như vậy, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua ngũ uẩn thủ.

LUẬN GIẢI:

Không dính mắc vào bất cứ điều gì trên thế gian do Ngũ Uẩn hợp thành.
Khi Đức Phật mô tả thế giới, sinh vật và vật vô tri (chúng hữu tình và chúng vô tình), đôi lúc Ngài dùng từ “Ngũ Uẩn”, đôi lúc Ngài dùng từ “Mười hai Căn Trần”, đôi lúc Ngài dùng từ “ Mười hai xứ” và đôi lúc Ngài dùng từ “Tứ Diệu Đế”.
Tùy theo sự cần thiết và trình độ của người nghe mà Đức Phật dạy cho họ những Pháp thích hợp: Một số cần phải nghe về “Ngũ Uẩn”, một số khác cần biết về “Mười hai Căn Trần”.
Khi dùng từ Ngũ Uẩn để mô tả thế gian, Ngài nói đến “Ngũ Uẩn Thủ”. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu Thế nào là “Ngũ Uẩn” (Khanda) và Thế nào là “Thủ” (Upadana).
“Thủ” ở đây có nghĩa là Tham Ái hay Tham Muốn Mạnh Mẽ.

Có hai loại Tham Ái.
Một loại Tham Ái nhẹ nhàng gọi là “Dính Mắc hay Tham Ái”.
Một loại Tham Ái mạnh mẽ hơn gọi là “Thủ hay Chấp Giữ” (upadana).

Thủ hay Chấp Giữ có nghĩa là “nắm giữ thật chặt”. Ở đây danh từ này được dùng theo nghĩa bóng để hình dung đến Tâm Chấp Giữ chứ không phải Hành Động Chấp Giữ bằng cơ thể. Do sự Chấp Giữ hay Dính Mắc có nghĩa là Sự bám níu chặt chẽ các đối tượng về phương diện tinh thần.

Có hai loại Thủ hay Chấp Giữ, đó là:
“Thủ do Tham Ái” “Thủ do Chấp Giữ Tà Kiến”.

1_ Thủ do Tham Ái: Khi thấy một vật nào đó mà bạn cho là đẹp đẽ, đáng yêu thì bạn thích, rồi bắt đầu dính mắc và muốn làm chủ vật này. Bạn có Tâm dính mắc như vậy bởi vì bạn luyến ái hay tham muốn vật đó.

2_ Thủ do Chấp Giữ Tà Kiến: Đôi khi bạn có tà kiến hay tư tưởng sai lầm về sự vật. Chẳng hạn như Đức Phật nói “tất cả mọi sự mọi vật trên thế gian này đều là vô thường, đều là đối tượng của khổ”. Nhưng đôi khi bạn thấy sự vật là trường tồn, đôi khi bạn nghĩ rằng “sự vật là tốt đẹp, ta phải làm chủ nó”.

Khi Đức Phật nói về “Ngũ Uẩn” thì Uẩn ở đây có nghĩa là Một nhóm hay Một tập hợp.
Có Năm Uẩn : Sắc Uẩn (Rupa) hay Cơ Thể Vật Lý, Thọ Uẩn (Vedana), Tưởng Uẩn (Sanna), Hành Uẩn (Sankhara) và Thức Uẩn (Vinnana).
Toàn thể thế gian là tập hợp của Năm Uẩn này.
Ngũ Uẩn bao gồm tất cả các hiện tượng Tâm và Vật Lý.
Các vật dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, bên trong, bên ngoài, thô hay tế cũng đều nằm trong Ngũ Uẩn. Như vậy có thể nói: Khi một vật được nhận biết trong quá khứ, hiện tại hay vị lai, bên trong, bên ngoài, thô hay tế thì vật đó được xem là thuộc về “Ngũ Uẩn”.

(==Chú Ý== Liên hệ với bài Kinh Bát Nhã đa thời chiếu kiến==)
Uẩn đầu tiên là Sắc Uẩn:

Đây là Uẩn thuộc về vật chất hay thuộc về thân thể. Thân thể chúng ta cũng như toàn thể thế giới bên ngoài như núi đồi, cây cối, sông hồ, đường xá, nhà cửa ….. tất cả đều thuộc về Sắc Uẩn.

Uẩn thứ hai là Thọ Uẩn:

Bạn có những cảm giác khác nhau trên cơ thể. Cũng như những cảm giác khác nhau trên các đối tượng. Mỗi lần thấy một vật gì bạn đều có cảm giác, hay cảm thọ.
Cảm Thọ có thể tốt, xấu hoặc vô ký.
Cảm Thọ có thể tốt, xấu hoặc vô ký. Khi bạn đau thì bạn sẽ có cảm giác đau, khi bạn nhận ra vật gì tốt đẹp bạn sẽ có cảm giác vui.
Cảm giác vô ký, không tốt không xấu, là cảm giác thuộc về Tâm, không phải là cảm giác về Thân. Đau nhức thuộc về Thân và cảm giác về sự đau nhức này thuộc về Tâm.
Một cảm xúc nào đó thuộc về vật chất và cảm nhận về cảm xúc này như là đau thì thuộc về Tâm. Về các lạc thọ cũng như vậy. Cảm xúc vui thú có thể thuộc về Thân, nhưng cảm nhận về các cảm xúc này thuộc về Tâm.
Thọ là một “Tâm Sở” hay “Tâm Sở nhận biết được đối tượng”.
Thọ có thể khổ, vui hay không vui không khổ. Khi bạn cảm thấy lo âu về một điều gì hay khi bạn cảm thấy hạnh phúc về một điều gì thì bạn kinh nghiệm được Một Tâm Sở và Tâm Sở này làm đối tượng cho Một Tâm Sở khác. Đó là Thọ Uẩn.

Uẩn thứ ba là Tưởng Uẩn:

Tưởng Uẩn có đặc tính nhận biết sự vật, có công năng tạo ra một dấu hiệu hay một hình ảnh trong tâm, làm điều kiện cho sự thấy lại hay nhận ra lại trong tương lai, “cái này cũng như vậy, cái này chính là cái đó”.
Như vậy, sự ghi nhận trong tâm một dấu hiệu hay một hình ảnh để nhớ hay để nhận ra khi bạn gặp một vật gì đó trong tương lai được gọi là Tưởng hay Sanna.
Tưởng được so sánh với một người thợ mộc vạch một dấu hiệu trên một khúc gỗ. Người thợ mộc vạch một dấu hiệu trên khúc gỗ để ông ta nhớ phần nào cần phải dùng, phần nào được cắt bỏ đi, và phần nào phải được đem đi chỗ nào.
Tưởng hay Tri Giác có thể sai, có thể đúng và chính xác.
Ví dụ có người mù gặp một con voi và muốn biết con voi như thế nào. Nếu người mù sờ vào chân voi thì voi đối với ông ta chỉ là một cái trụ.
Nếu sờ vào thân voi thì voi đối với ông ta chỉ là một bức tường. Nếu sờ vào đuôi voi thì voi đối với ông ta chỉ là một cái chổi. Nếu sờ vào tai voi thì voi đối với ông ta chỉ là một cái quạt … tùy theo người mù đó sờ tay vào phần nào của con voi mà có Tri Giác về phần đó.
Tưởng hay Tri Giác này biểu hiện đối với thiền sinh qua hành động diễn đạt hay giải thích dựa trên phương tiện là dấu hiệu đã biết được.
Có thể so sánh điều này với tưởng của một con nai khi nhìn thấy hình người bù nhìn. Muốn đuổi nai, không cho nai phá hoại mùa màng, nông gia làm những con bù nhìn bằng rơm có hình dạng người. Khi nhìn thấy bù nhìn, nai tưởng người thật nên không dám đến gần. Nhìn thấy bù nhìn, nai có phản ứng như nhìn thấy người thật. Bù nhìn là nguyên nhân gần khiến nai tưởng rằng đó là người thật. Bù nhìn là nguyên nhân gần khiến nai tưởng rằng đó là người thật.
Như vậy, Tưởng biểu hiện đối với thiền sinh là một hành động diễn đạt hay giải thích, bằng phương tiện là những dấu hiệu đã biết được trước đây. Nguyên nhân gần của Tưởng là lãnh vực của đối tượng, dầu cho đối tượng xuất hiện cách nào đi nữa.
Trong thực tế, đối tượng được hiểu là một cái gì đúng và chính xác. Do đó, Tưởng hay Tri Giác đã vẽ ra một dấu hiệu hay một hình ảnh khiến chúng ta có thể nhớ lại hay nhận ra đối tượng sau này.
Trong mỗi thời điểm chỉ có Một Tâm Sở Tưởng hiện diện mà thôi.
Được gọi là Uẩn (nhóm), bởi vì Tưởng chỉ có thể hoặc thuộc về quá khứ, hoặc thuộc về hiện tại, hoặc thuộc về tương lai; chỉ có thể hoặc ở trong hoặc ở ngoài; chỉ có thể hoặc thô thiển hoặc vi tế, … Một đối tượng không thể cùng lúc thuộc về quá khứ, hiện tại và tương lai; cũng không thể cùng lúc vừa ở bên trong vừa ở bên ngoài hay vừa thô thiển vừa vi tế.
Do đó, Tưởng được gọi là Một Tập Hợp hay Uẩn.

Uẩn thứ tư là Hành Uẩn:

Hành Uẩn (Sankhara) bao gồm nhiều Tâm Sở. Đó là những trạng thái hay là yếu tố của Tâm.
Có năm mươi loại hành, nghĩa là trong Hành Uẩn có Năm Mươi Tâm Sở.
Tham là một hành, Sân là một hành, Si là một hành, Tín là một hành, Niệm là một hành, Huệ cũng là một hành. Bởi chúng thuộc về Tâm nên gọi là Tâm Hành. Tất cả chúng hợp thành tập hợp gọi là Hành Uẩn.

Uẩn cuối cùng gọi là Thức Uẩn:

Trong giáo pháp của Đức Phật thì Tâm (Nàma) được chia thành hai phần: “Tâm Vương” (còn gọi là Thức) và “Tâm Sở”.
Thức chỉ là sự nhận biết đơn thuần về đối tượng. Nó không giống như sự nhận biết dùng để diễn tả sự chánh niệm.
Thức chỉ là sự nhận biết đơn thuần về một đối tượng chứ không biết rằng cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì xanh, cái gì đỏ …
Thức chỉ là một sự Hiểu Biết đơn thuần về một đối tượng, có nghĩa là thiền sinh chỉ nhận biết rằng đó là một đối tượng.
Thức và Tâm Sở luôn luôn khởi sinh cùng nhau. Có Tám mươi chín hay Một trăm hai mươi mốt thức (còn được gọi là Tâm Vương được mô tả trong Tạng Vi Diệu Pháp).
Khi thiền sinh biết hay nhận biết được Thức thì ta gọi là đã kinh nghiệm được Thức Uẩn.
Có nhiều loại Thức. Bạn đã nghiên cứu các Thức trong chương Niệm Tâm hay Quán Sát Tâm. Chẳng hạn như Tâm khởi sinh với Tham, Tâm khởi sinh với Không có Tham …

Trong Ngũ Uẩn, Uẩn đầu tiên thuộc về Sắc; Bốn Uẩn còn lại: Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc về Danh.
Bạn thấy được hai yếu tố trong một con người đó là Sắc và Danh, hay Thân và Tâm.
Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) thì Tâm được chia ra làm hai phần, Tâm Vương hay Thức và Tâm Sở.
Trong Ngũ Uẩn thì Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn là Tâm Sở; Thức Uẩn là Tâm Vương.

Thế nào là Ngũ Uẩn Thủ?

Chúng là những Uẩn làm đối tượng cho sự Chấp Thủ. Một số Uẩn này thuộc về thế tục và một số Uẩn khác thuộc về siêu thế.
Có Tám mươi chín loại thức, trong số đó có Tám mươi mốt Thức thuộc về thế tục và Tám Thức thuộc về siêu thế.
Có những Thọ, Tưởng, Hành phối hợp với các Thức siêu thế; có những Thọ, Tưởng, Hành phối hợp với các Thức thế tục.
Chỉ có Tám mươi mốt Thức thuộc thế tục mới có thể là đối tượng của Chấp Thủ. Bạn không thể Chấp Thủ vào các loại Thức siêu thế qua Tham Ái hay Tà Kiến.
“Ngũ Uẩn Thủ” có nghĩa là các Uẩn làm đối tượng cho Chấp Thủ và chúng là những Uẩn thuộc về thế tục.
Tóm lại, mọi vật trên thế gian này đều là Ngũ Uẩn Thủ. Khi thực hành Thiền Minh Sát, thiền sinh sẽ ý thức và nhận ra sự hiện diện của các Uẩn này.

Lại nữa, này các Thầy Tỳ Khưu, Thầy Tỳ Khưu biết: “đây là Sắc, đây là sự sanh khởi hay nguyên nhân khởi sinh của Sắc, đây là sự diệt tận hay nguyên nhân diệt tận của Sắc”.
Đó là phương pháp thiền sinh áp dụng để nhận ra Sắc Uẩn.

Chẳng hạn, thiền sinh quán sát hơi thở của mình và ghi nhận hơi thở vào ra. Sự Thở thuộc về Sắc Uẩn. Thiền sinh biết rằng Sự Thở thuộc về Sắc Uẩn.
Khi bạn nhìn một vật, bạn biết rằng đó là một vật, đó là vật chất, đó là vật để thấy, đó là Sắc. Khi nghe tiếng động, bạn biết rằng đó là tiếng động, đó là vật chất, đó là Sắc. Bằng cách này thiền sinh biết cái gì là Sắc, cái gì là Sắc Uẩn.
Câu: “đây là Sắc” trong Kinh này có nghĩa là “đây chỉ là Sắc mà không phải là gì khác”.
Câu: “đây là sự sanh khởi của Sắc” có nghĩa là thiền sinh quán sát và nhận ra Sự Khởi Sinh của Sắc, như sự khởi sinh của hơi thở chẳng hạn.
Hơi thở vào và Hơi thở ra, Đến và Đi.
Bởi vậy, khi đang ở giai đoạn thở vào thì không thể là đang trong giai đoạn thở ra, khi đang trong giai đoạn thở ra thì không thể là đang ở trong giai đoạn thở vào.
Như vậy thiền sinh nhận ra Sự Khởi Sinh của Sắc, đó là Hơi Thở.
Khi thiền sinh có sự hiểu biết về giáo pháp, thiền sinh có thể biết được Nguyên Nhân của Sắc.
“Sắc hay Hơi Thở này thuộc về cơ thể, và ta có cơ thể bây giờ bởi vì ta có Si Mê và Tham Ái trong quá khứ. Nhờ ta tích lũy được một số Nghiệp tốt trong quá khứ nên nay ta mới có cơ thể này hay Sắc này”.
Như vậy thiền sinh biết hay thấy Nguyên Nhân của Sắc. Khi thiền sinh quán sát một cách kỹ càng hơi thở của mình, thiền sinh sẽ nhận ra sự diệt mất của hơi thở. Hơi thở vào diệt và Hơi thở ra xuất hiện. Như vậy thiền sinh nhận ra được Sự diệt tận của Sắc cũng như thấy được Nguyên Nhân diệt tận của Sắc.
Nếu bạn không có Si Mê Ái Dục trong quá khứ thì bạn không tích lũy ác nghiệp (Kamma) trong quá khứ, và do đó, bạn không có Sắc này trong hiện tại.
Biết được Nguyên nhân sinh diệt của Sắc được gọi là “Minh Sát suy diễn”.

Có hai loại Minh Sát: Minh Sát trực tiếp và Minh Sát suy diễn.
Khi thiền sinh nhận ra nguyên nhân sinh và diệt của Sắc, đó là “Minh Sát Suy Diễn”. Sự nhận biết các Uẩn khác cũng xuyên qua suy diễn Minh Sát như vậy.

Đây là Cảm Thọ, đây là Sự sanh khởi hay Nguyên nhân sanh khởi của Cảm Thọ, và đây là Sự diệt tận hay Nguyên nhân diệt tận của Cảm Thọ.

Đối với Cảm Thọ, thiền sinh biết chỉ có Cảm Thọ mà thôi, chẳng có gì nữa cả. Khi bạn biết: đây là Lạc Thọ hay đây là Khổ Thọ, tức là bạn đã quán sát Cảm Thọ. Nhưng khi bạn biết đây chỉ là cảm thọ mà không có gì khác thì đó là bạn đã Quán sát Pháp.
Khi bị đau, thiền sinh biết rằng có sự đau hay thiền sinh có cảm giác đau. Thiền sinh cũng biết rằng: bởi có sự đau nên mới có cảm giác đau.
Đối với các Cảm Thọ khác, thiền sinh cũng có sự nhận biết tương tự. Như vậy, khi thiền sinh quán sát một cách tỉ mỉ, thiền sinh nhận ra được Sự khởi sinh của Cảm Thọ cũng như Nguyên nhân khởi sinh của Cảm Thọ.
Cảm Thọ sẽ hiện ra rõ ràng trong suốt thời gian hành thiền.
Sau khi ngồi chừng vài phút thì cảm giác sẽ khởi sinh, chẳng hạn như thiền sinh có cảm giác tê, cứng hay đau. Khi những cảm giác này khởi sinh thiền sinh biết rằng đây là cảm giác và chỉ là cảm giác mà thôi.
Thiền sinh ghi nhận: Cảm giác, Cảm giác, Cảm giác.
Thiền sinh cũng nhận ra được Sự khởi sinh của Cảm Thọ và sự biến mất của Cảm Thọ này, cũng như nhận ra được nguyên nhân khởi sinh của Cảm Thọ và nguyên nhân biến mất của Cảm Thọ này.

Đây là Tưởng (Tri Giác), đây là Sự sinh khởi hay Nguyên nhân sinh khởi của Tưởng, đây là Sự diệt tận của Tưởng hay Nguyên nhân diệt tận của Tưởng.

Thiền sinh cũng phải ý thức những Tri Giác hay Tưởng của mình. Tri Giác hay Tưởng thường không rõ ràng như Sắc hay Cảm Thọ. Những thiền sinh có sự hiểu biết về Vi Diệu Pháp và Ngũ Uẩn đôi lúc ghi nhận được những Tri Giác hay Tưởng này: bây giờ đang có Tưởng (Tri Giác) trong tôi và thiền sinh ghi nhận đó là Tưởng.
Tưởng là hiểu biết, nhận diện và đồng hóa. Đó là tiến trình tâm nhằm tạo tác ý nghĩa cho những cảm giác sanh khởi qua các căn. Tưởng khởi sinh bởi vì có đối tượng. Tưởng khởi sinh trong suốt cuộc đời của bạn. Bởi vì có si mê và tham ái trong quá khứ nên bạn tích lũy nghiệp và do đó có tưởng.
Thiền sinh biết được Sự diệt tận của Tưởng (Tri Giác) và Nguyên nhân diệt tận của Tưởng (Tri Giác).
Tưởng này có thể khởi sinh trong thiền sinh chỉ trong sát na rồi diệt mất. Khi sát na này trôi qua, Tưởng cũng biến mất. Thiền sinh cũng sẽ thấy Nguyên nhân diệt mất của Tưởng. Khi không có đối tượng của Tưởng thì Tưởng sẽ biến mất hoàn toàn.
Khi không còn Vô Minh, không còn Ái Dục, không còn Nghiệp, thì Tưởng không còn có thể khởi sinh nữa.

Đây là Hành, đây là Sự khởi sinh hay Nguyên nhân khởi sinh của Hành. Đây là Sự diệt tận hay Nguyên nhân diệt tận của Hành.

Khi thiền sinh kinh nghiệm được Hành Uẩn, thiền sinh ghi nhận Hành này.
Trong khi hành thiền đôi khi bạn có thể bị nóng giận, dã dượi buồn ngủ hay buồn chán; đôi khi bạn có những tư tưởng tốt. Khi những tư tưởng này xuất hiện trong tâm bạn và bạn nhận ra chúng là Hành Uẩn và ghi nhận: đây là Sự khởi sinh hay Nguyên nhân khởi sinh Hành Uẩn.
Bởi vì có đối tượng nên mới có Hành. Vì có Vô Minh và Tham Ái trong quá khứ nên bạn đã tích lũy nhiều Nghiệp (Kamma) do đó bây giờ bạn có những Hành này.
Về Sự diệt tận của Hành, trong khi hành thiền nếu có sự sân hận nổi lên chẳng hạn, bạn niệm: Sân Hận, Sân Hận, Sân Hận. Sân Hận biến mất sau đó. Đó là bạn đã thấy được Sự diệt mất của sân hận. Đối với những Hành khác cũng tương tự như vậy.
Nếu không có Vô Minh trong quá khứ, nếu không có Chấp Thủ trong quá khứ, thì bạn sẽ không tích lũy bất cứ Nghiệp nào trong quá khứ; do đó sẽ không có bất cứ Hành nào trong cuộc sống này.
Khi thiền sinh quán sát trên Hành Uẩn, thiền sinh sẽ nhận ra được tiến trình của nó.

Đây là Thức, đây là Sự sanh khởi hay Nguyên nhân sanh khởi của Thức. Đây là Sự diệt tận hay Nguyên nhân diệt tận của Thức.
Đối với Thức, thiền sinh nhận ra rằng Thức chỉ là Thức mà thôi, không phải Thức đi kèm với Tham Ái, không phải Thức đi kèm với Không Tham Ái …
Nếu bạn thấy Thức đi kèm với Tham Ái hay Không Tham Ái thì bạn đã Quán sát trên Thức (Niệm Tâm).
Nhưng bạn thấy Thức chỉ là Thức thôi, thì bạn đã Quán sát trên Pháp (Niệm Pháp) hay Quán sát Ngũ Uẩn.
Có nhiều loại Thức. Khi bạn thấy vật gì thì bạn có Thức Thấy (Nhãn Thức). Khi bạn nghe điều gì thì Thức Thấy biến mất và Thức Nghe hiện khởi. Như vậy, thiền sinh biết được các loại Thức đến và các loại Thức đi như thế nào. Khi bạn thấy Sự đến đi hay Sự sanh diệt của Thức, đó là bạn đã Quán sát trên Pháp hay Niệm Pháp.

Đức Phật không bắt buộc thiền sinh phải cố trú trên Ngũ Uẩn. Thiền sinh không được tìm kiếm Ngũ Uẩn. Khi có Uẩn nào xuất hiện thì thiền sinh ghi nhận và ý thức Uẩn đó mà thôi.

Bạn ghi nhận tất cả những gì khởi sinh trong bạn. Đối tượng của Sự nhận biết của bạn có thể là Vật Chất hay Sắc, có thể là Cảm Thọ, có thể là Tưởng, có thể là Hành, có thể là Thức.
Như vậy, thiền sinh biết được Năm Uẩn.
Khi thiền sinh theo dõi, quán sát Năm Uẩn đó nơi mình là thiền sinh Quán sát Pháp trong Nội Pháp.
Nhưng khi thiền sinh Quán sát Pháp của người khác, chẳng hạn như: “Uẩn này có trong tôi thì cũng có trong người khác”. Quán sát như thế là Quán sát bên ngoài, hay nói cách khác đó là Quán Pháp trong Ngoại Pháp.
Khi thiền sinh Quán sát Ngũ Uẩn chính mình rồi lại Quán sát Ngũ Uẩn của người khác, tới lui như vậy, thì gọi là Quán cả hai, Quán Pháp trong Nội Pháp lẫn trong Ngoại Pháp.

Như vậy, thực hành Quán sát Pháp dựa theo Ngũ Uẩn,  bạn sẽ nhận ra được Sự sinh diệt của Năm Uẩn và sẽ không thấy gì để dính mắc.
Bạn An Trú vào Chánh Niệm về Ngũ Uẩn mà không nắm giữ hay dính mắc vào bất cứ vật gì.

 Trích dẫn :       Kinh Đại Niệm Xứ
                          Thiền Sư U SILANANDA
Dịch giả:      Tỳ Kheo Khánh Hỷ
                     (Aggasami Trần Minh Tài)

Đăng bài chuyển tải:
                     Nhóm Kim Cang Tử đời Chữ Nhật
                     Dòng Mật Pháp VajraPani