BẢN ĐỒ TU PHẬT_TẬP II_LUẬT TÔN và TỊNH ĐỘ TÔN_Phần 01: Lời Nói Đầu


SOẠN GIẢ :
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA

BẢN ĐỒ TU PHẬT TẬP II
LUẬT TÔN và TỊNH ĐỘ TÔN

LỜI NÓI ĐẦU

MƯỜI CON ĐƯỜNG TU CHUYÊN MÔN CỦA GIỚI TU SĨ

Trong tập thứ nhất của Bản đồ tu Phật, chúng tôi đã chỉ rõ con đường tu hành thông thường của quảng đại quần chúng và của giới Phật-tử tại gia rồi. Bắt đầu từ tập hai này, chúng tôi sẽ tuần tự nói đến mười con đường tu chuyên môn của giới tu sĩ, tức là mười tôn phái trong Phật giáo.
Cách tu hành từ đây có phần khó hơn các lối tu trước, phải tốn nhiều thì giờ và mất nhiều công phu tu tập. Vì thế, chỉ những người ít bị cuộc đời hằng ngày ràng buộc như giới tu sĩ, hay những ai muốn đi sâu vào đạo mới hy vọng thực hành có kết quả.
Tuy thế, đã là Phật-tử hay muốn thành Phật-tử chơn chánh, chúng ta không thể mù mờ về những giáo phái của Phật đạo được. Mặc dù trong giới Phật-tử ngày nay có một số đông vì cuộc đời ràng buộc chưa thể có đủ thì giờ và hoàn cảnh để thực hành trọn vẹn một trong 10 tôn phái trên, nhưng chúng ta hãy cứ tìm hiểu và làm theo được phần nào để gieo nhân, rồi một ngày kia, khi đã đủ nhân duyên hãy tu tập hoàn bị hơn.
Thật ra trong rừng giáo lý mênh mông bát ngát của Phật giáo, không biết bao nhiêu là đường ngang ngả dọc, chứ không phải chỉ có 10 con đường này mà thôi. Nhưng đây là những con đường chính, những đại lộ có thể đưa bộ hành đi đến đích mà không sợ lạc đường. Người học Phật biết được 10 con đường lớn này có thể nói là đã thấy được gần toàn diện khu rừng Phật giáo.
Theo các kinh sách Phật giáo, người ta thường liệt kê các tôn phái trên theo thứ tự như sau:
Câu Xá Tôn, Thành thật tôn, Luật tôn, Pháp tướng tôn, Tam luận tôn, Thiên thai tôn, Hoa nghiêm tôn, Mật tôn (hay chơn ngôn tôn), Thiền tôn và Tịnh độ tôn.
Nhưng sắp đặt như trên là đứng về phương diện thuần nghiên cứu, dựa trên giáo sử, đi từ Tiểu-thừa đến Đại-thừa.
Trong Bản đồ tu Phật này, chúng tôi căn cứ theo trình độ hiểu biết, hoàn cảnh và sự nhu cầu thiết thực của đa số Phật tử Việt Nam, sắp đặt 10 tôn theo thứ tự dưới đây. Chúng tôi sẽ tuần tự biên soạn và xuất bản theo thứ tự ấy, để quý vị Phật tử hiện đang cần những tôn trên có trước những tài liệu mà nghiên cứu và tu hành:
1.- Luật tôn (thuộc về Tiểu-thừa và Đại-thừa)
2.- Tịnh độ tôn (thuộc Đại-thừa)
3.- Thiền tôn (thuộc cả Đại-thừa và Tiểu-thừa)
4.- Duy thức tôn (thuộc Đại-thừa, cũng gọi là Pháp tướng tôn)
5.- Mật tôn (thuộc Đại-thừa, cũng gọi là Chơn ngôn tôn)
6.- Pháp hoa tôn (thuộc Đại-thừa, cũng gọi là Thiên thai tôn)
7.- Hoa nghiêm tôn (thuộc Đại-thừa, cũng gọi là Hiền thủ tôn)
8.- Tam luận tôn (thuộc Đại-thừa, cũng gọi là Tánh không tôn)
9.- Câu xá tôn (thuộc Tiểu-thừa, cũng gọi là Hữu tôn)
10.- Thành thật tôn (thuộc Tiểu-thừa)

Tóm lại, trong 10 tôn này, Luật tôn và Thiền tôn thông cả Đại-thừa và Tiểu-thừa; Câu xá tôn và Thành thật tôn chỉ thuộc về Tiểu-thừa; sáu tôn còn lại thuộc về Đại-thừa.
Tuy Phật giáo có chia ra nhiều tôn phái, hay nhiều con đường tu hành như trên, nhưng người tu hành muốn đi theo con đường nào cũng đều đến một mục đích là thành đạo, chứng quả. Cũng như nhà có nhiều ngõ, đi ngõ nào cũng đều vào nhà được cả. Tuy nhiên, ngõ có rộng, có hẹp, có dài, ngắn khác nhau; con đường tu hành có khó, dễ, dài, ngắn không đồng. Hành giả phải kỹ lưỡng chọn lựa con đường nào thích hợp với trình độ và hoàn cảnh của mình mà tu hành, mới thâu hoạch được kết quả tốt đẹp.
Trong mỗi tôn, đều có rất nhiều kinh sách và phương pháp dạy bảo tu hành cũng rất tinh vi, có nhiều từng bực, thứ lớp. Hành giả phải tận tâm học tập và nghiên cứu mới thấu suốt được, rồi hạ thủ công phu một cách kiên nhẫn dẽo dai, mới được thành công.
Hiện nay Phật tử Việt Nam, kinh sách của 10 tôn phái thì có tôn rất nhiều, như Tịnh độ tôn, Luật tôn, Duy thức tôn; có tôn rất hiếm kinh sách như Mật tôn, Tam luận tôn … Nó là hiếm, chứ không phải là không có, nếu muốn nghiên cứu hay tu hành thì tôn nào cũng vẫn có đủ kinh sách để cung cấp cho chúng ta. Khổ một nỗi là những kinh sách ấy bằng chữ Hán, lý nghĩa rất thâm huyền, súc tích, nếu không có một cái vốn Hán học vững vàng thì cũng khó mà thấu suốt được. Thêm nữa, chúng ta lại ít có những vị hướng dẫn uyên bác, chuyên môn để đưa đường chuyển lối. Có lẽ vì thế mà ở Việt Nam chúng ta, ít có Phật tử chuyên tu về một môn phái nào rõ rệt.
Nhận thấy cái khuyết điểm ấy, nên chúng tôi với khả năng và sức hiểu biết có hạn lượng, cố gắng giới thiệu những con đường tu chuyên môn nói trên, tạm thời làm người hướng dẫn trong những bước đầu. Và chúng tôi hy vọng rằng nhờ những bước đầu đó, quý độc giả sẽ ham thích học hỏi và đi sâu dần vào các con đường tu, hướng dẫn những người đi sau, tạo thành những môn phái riêng biệt như ở Trung Hoa ngày xưa, và nhất là Nhật Bản bây giờ, mà tôn phái nào cũng thịnh hành, có rất đông môn đồ như Thiền tôn (mà Tổ đình là chùa Tổng Trì); Tịnh độ tôn (Tổ đình là chùa Tăng Thượng); Pháp tướng tôn (Tổ đình là chùa Dược Sư .v.v…). Nếu Phật giáo Việt Nam mà được cái phong cách sung mãn hùng hậu như thế, thì vận mệnh đất nước đã đến thời kỳ rạng rỡ, hưng thịnh rồi vậy.

Soạn giả  THÍCH THIỆN HOA

(Hết Tập 02_Phần 01_còn tiếp)