BẢN ĐỒ TU PHẬT – TẬP III -THIỀN TÔN – P.04


III.-NHỊ-THỪA THIỀN

Nhị-thừa thiền hay Tiểu-thừa thiền thuộc về xuất-thế-gian thiền, nghĩa là những người tu theo các loại thiền nầy có thể vượt ra ngoài thế gian, thoát được sanh-tử luân-hồi. Tuy thế, những pháp tu thiền nầy không đem lại một chứng quả mau lẹ, lớn lao toàn diện như các lối Đại-thừa thiền, mà chỉ có tánh cách chậm chạp, tuần tự, cuộc bó, tu một pháp chỉ trừ được một phiền não, nghĩa là chứng quả thấp nhỏ, có hạn lượng, nên thuộc về Nhị-thừa thiền (Nhị-thừa là Thinh-văn-thừa và Duyên-giác-thừa).
Nhị-thừa thiền có rất nhiều phương pháp tu, như Ngũ-đình-tâm-quán, Thập-nhứt-thế-xứ-quán, bát-bối-xả, bát-thắng-xứ-quán, cửu-tưởng-quán, thập-lục đặc thắng, lục-diệu pháp-môn, tứ-vô-lượng-tâm, thông-minh thiền, bát-niệm, thập-tưởng, thứ-đệ định, sư-tử phấn-tấn, siêu-việt tam-muội, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, v.v… Tóm lại, hành giả của Nhị-thừa thiền có thể đem giáo lý của một hay nhiều pháp môn của Nhị-thừa để quán sát tham-thiền.
Trong phạm vi hẹp hòi của tập sách phổ-thông nầy, chúng tôi không thể nói hết tất cả pháp môn tu thiền của Nhị-thừa được. Chúng tôi xin chỉ nói sơ-lược một ít phương pháp. Nếu hành giả muốn đi sâu vào đường tu nầy, phải chuyên môn học tập, phải nhờ Minh-sư dạy bảo, phải trãi qua nhiều thời gian và nhiều công phu tu tập mới thành công.

1.-Ngũ đình tâm quán:
Quán sổ tức, trừ tâm tán loạn
Quán bất tịnh, trừ tâm tham sắc dục
Quán từ bi, trừ tâm sân hận
Quán nhân duyên, trừ tâm si mê
Quán giới phân biệt, trừ tâm chấp ngã
(Xem Phật-học Phổ-thông khóa IV)

2.-Cửu tưởng quán:
a/. Tưởng thây sình trướng
b/. Tưởng thây hoại
c/. Tưởng máu mủ chảy
d/. Tưởng thây rục rã
đ/. Tưởng thây xanh chàm
e/. Tưởng thây bị giòi rúc rỉa
ê/. Tưởng thây tan rã
g/. Tưởng thây còn lại đống xương
h/. Tưởng thây bị đốt tiêu

3.-Tứ Vô Lượng Tâm:
a/. Tâm từ vô lượng: Thiền giả mở rộng lòng Từ vô lượng, bao bọc chúng sanh trong tình thương rộng lớn vô biên.
b/. Tâm bi vô lượng: Thiền giả mở rộng lòng Bi vô lượng, cứu khổ cho chúng sanh trong năm đường.
c/. Tâm hỷ vô lượng: Thiền giả mở rộng tâm Hỷ (hoan hỷ) vô lượng, làm cho chúng sanh đều được hỷ.
d/. Tâm xả vô lượng: Thiền giả mở rộng lòng Xả vô lượng, không lưu luyến, cố chấp một việc gì.
Tứ-vô-lượng tâm là một pháp môn rất linh nghiệm: Phàm phu tu Tứ-vô-lượng tâm, thì sau khi mạng chung sẽ sanh làm vua ở cõi Tứ-thiền; Nhị-thừa tu Tứ-vô-lượng tâm, thì phước đức được tăng trưởng, mau đặng Niết-bàn; Bồ tát tu Tứ-vô-lượng tâm thì lòng từ-bi mở rộng vô biên và làm lợi ích cho chúng sanh không xiết kể.
(Xem Phật-học Phổ-thông khóa IV)

4.-Thập lục đặc thắng:
Thập lục đặc thắng tức là mười sáu phép rất đặc biệt thù thắng, có thiền có quán, đủ các thứ thiền và có thể phát sanh ra quả vô lậu, không phải như Tứ-thiền, Tứ-không, không ra khỏi sanh tử. Mười sáu phép đặc biệt thù thắng nầy là:
a/. Biết hơi thở vào
b/. Biết hơi thở ra
c/. Biết hơi thở dài ngắn
d/. Biết hơi thở khắp thân
đ/. Trừ các thân hạnh
e/. Thọ hỷ
ê/. Thọ lạc
g/. Thọ các tâm hạnh
h/. Tâm tác hỷ
i/. Tâm tác nhiếp
k/. Tâm tác giải thoát
l/. Quán vô thường
m/. Quán xuất tán
n/. Quán ly dục
o/. Quán diệt
p/. Quán khí xả

5.-Thông-minh thiền:
Thông-minh thiền tức là tham thiền để được lục-thông và tam-minh.
a/. Lục-thông tức là sáu phép thần thông như: thiên-nhãn thông, thiên-nhĩ thông, tha-tâm thông, thần-túc thông, túc-mạng thông, lậu-tận thông.
b/. Tam-minh tức là thiên-nhãn minh, thiên-nhĩ minh, lậu-tận minh.

6.-Thập nhứt thế xứ quán:
Thập nhứt thế xứ quán tức là phép quán mười món biến khắp các xứ sở, sau đây:
a/. Quán sắc Xanh, khắp giáp tất cả chỗ
b/. Quán sắc Vàng, khắp giáp tất cả chỗ
c/. Quán sắc Đỏ, khắp giáp tất cả chỗ
d/. Quán sắc Trắng, khắp giáp tất cả chỗ
đ/. Quán Đất, khắp giáp tất cả chỗ
e/. Quán Nước, khắp giáp tất cả chỗ
ê/. Quán Gió, khắp giáp tất cả chỗ
g/. Quán Lửa, khắp giáp tất cả chỗ
h/. Quán Hư-không, khắp giáp tất cả chỗ
i/. Quán Thức tâm, khắp giáp tất cả chỗ

7.-Bát bối xả quán:
Bát bối xả quán tức là tám phép quán có thể trái bỏ (bối xả) cảnh giới Tứ-thiền, Tứ-định của thế gian, để thành tựu pháp xuất thế gian. Tám phép bối xả quán là:
a/. Trong có sắc tướng, ngoài quán sắc để trái bỏ cảnh giới Sơ-thiền.
b/. Trong không sắc tướng, ngoài quán sắc, để trái bỏ cảnh giới Nhị-thiền.
c/. Quán thanh tịnh để trái bỏ cảnh Tam-thiền và Tứ-thiền.
d/. Quán trái bỏ Hư không vô biên xứ
đ/. Quán trái bỏ Thức vô biên xứ
e/. Quán trái bỏ Vô sở hữu xứ
ê/. Quán trái bỏ Phi tưởng, phi phi tưởng xứ
g/. Quán trái bỏ Diệt thọ tưởng

8.-Bát thắng xứ quán:
Thắng có nghĩa là thù thắng, là hơn; tám phép quán này về cảnh sở duyên, cũng như công đức thu thập được trong khi tu hành, đều thù thắng hơn tám món Bối-xả nói trên, nên gọi là “Bát thắng xứ quán”.
a/. Trong có sắc tướng, ngoài quán ít sắc, thắng xứ;
b/. Trong có sắc tướng, ngoài quán nhiều sắc, thắng xứ;
c/. Trong không sắc tướng, ngoài quán ít sắc, thắng xứ;
d/. Trong có không tướng, ngoài quán nhiều sắc, thắng xứ;
đ/. Quán sắc xanh, thắng xứ;
e/. Quán sắc vàng, thắng xứ;
ê/. Quán sắc đỏ, thắng xứ;
g/. Quán sắc trắng, thắng xứ;

9.-Lục diệu pháp môn:
Lục diệu pháp môn là sáu pháp môn mầu nhiệm sau đây:
a/. Sổ   b/. Tùy   c/. Chỉ   d/. Quán   đ/. Hoàn   e/. Tịnh
(Xem quyển Lục-diệu Pháp-môn)

10.-Bát niệm quán:
Với phép quán tám niệm sau nầy, thiền giả sẽ trừ được sự sợ hãi khi tu Cửu tưởng và sẽ được đạo quả:
a/ Niệm Phật   b/ Niệm Pháp   c/ Niệm Tăng   d/ Niệm giới   đ/ Niệm xả   e/ Niệm thiên   ê/ Niệm hơi thở ra vào   g/ Niệm chết (nhớ chết).

11.-Thập quán tưởng:
Thập quán tưởng gồm có:
a/ Tưởng vô thường         b/ Tưởng khổ          c/ Tưởng vô ngã
d/ Tưởng ăn vật bất tịnh  đ/ Tưởng thế gian không vui
e/ Tưởng chết                   ê/ Tưởng bất tịnh     g/ Tưởng đoạn
h/ Tưởng lìa                     i/ Tưởng hết

12.-Cửu thứ đệ định:
Cửu thứ đệ định là 09 món thiền-định mà thiền giả sẽ tuần tự theo thứ lớp tu luyện: từ Sơ-thiền đến Tứ-thiền, rồi đến Tứ-định và cuối cùng, cộng thêm định Diệt-thọ-tưởng là chín món tất cả.

13.-Sư-tử phấn tấn tam muội:
Với pháp thiền này, hành giả bắt đầu tham thiền như pháp Cửu-thứ-đệ-định nói ở trên, nghĩa là bắt đầu từ Sơ-thiền đến thiền-định thứ chín là Diệt thọ tưởng định, rồi đi ngược trở lại, từ thiền thứ chín đến Sơ-thiền. Thiền giả tới lui trong thiền-định một cách thông suốt, tự tại, đường hoàng, oai nghi như dáng đi dáng đứng, tiến thoái của con sư tử, nên gọi là “Sư tử phấn tấn tam muội”. Kết quả của lối thiền này, nếu được hoàn toàn siêu việt thì thiền giả sẽ là Bồ tát; nếu không hoàn toàn tự tại và chưa siêu việt thì thành Thanh-văn.

14.-Ba mươi bảy món trợ đạo:
Thiền giả cũng có thể lấy một pháp môn hay nhiều pháp môn trong số 37 món trợ đạo để tham thiền, tu luyện. Ba mươi bảy món trợ đạo đã có nói rõ trong Phật-học Phổ-thông khóa III. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc qua để quý độc giả nhớ lại thôi:
a/ Ngũ căn
b/ Ngũ lực
c/ Tứ chánh cần
d/ Tứ như ý túc
đ/ Tứ niệm xứ
e/ Thất Bồ-đề phần
ê/ Bát chánh đạo phần.

_HẾT_TẬP III_PHẦN 04_