BẢN ĐỒ TU PHẬT : DUY THỨC TÔN_TẬP 05_PHẦN 04


VII.-KẾT QUẢ TU CHỨNG
Hành giả, sau khi đã dày công tu luyện pháp môn duy thức này, sẽ được nhiều thành quả tốt đẹp như sau:
1.-Được bốn trí:
a).Thành sở tác trí:
Trong khi còn sống trong mê vọng, năm thức trước của chúng ta là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt và thân thức, duyên với cảnh giới năm trần là sắc, thanh hương, vị và xúc trần; nhờ thế, chúng ta mới thấy được sắc, nghe được tiếng, ngửi được mùi, nêm được vị và cảm giác được với cảnh giới xung quanh. Nhưng cái giá trị và tầm hoạt động cũng như công dụng của năm thức ấy rất nhỏ hẹp và thường hay sai lạc, nhận giả làm thật. Do đó, chúng ta tạo ra các nghiệp sanh tử luân hồi, quay cuồng trong lục đạo. Đối với người tu Duy thức khi đã thành tựu rồi, thì năm thức này chuyển ra cái trí “thành sở tác”, nghĩa là cái trí có những công năng vô cùng rộng lớn như thị hiện thần thông biến hóa, hiện ra ba món hóa thân, để tùy theo căn cơ của chúng sanh mà hóa độ.
b).Diệu quán sát trí:
Khi đang còn ở trong mê, thức thứ Sáu chỉ biết so đo, tính toán trong phạm vi nhỏ hẹp, tầm hoạt động không thể bao quát cùng khắp được. Do đó mà, nó thường hay sai lạc, lầm lẫn, và lôi kéo thân và miệng làm nhiều điều tội lỗi, tạo ra các nghiệp sanh tử luân hồi. Đến khi đã chứng được Duy thức quả rồi, thì cái thức thứ sáu này chuyển thành cái trí “diệu quán sát”, nghĩa là cái trí quán sát rất là mầu nhiệm, có thể thấy được hằng sa thế giới; trong mỗi thế giới thấy được toàn thể chúng sanh; trong mỗi chúng sanh thấy được bao nhiêu tâm niệm v.v…Và nhờ sự quán sát huyền diệu rốt ráo như thế mà, tùy theo nguyện vọng, tâm lý, làm lợi lạc cho chúng sanh.
c).Bình đẳng tánh trí:
Trong khi mê, thức thứ Bảy chấp kiến phần của thức thứ Tám làm ngã. Khi đã chấp “ngã”, tất chỉ biết có cái ngã là quan trọng nhất, và mọi ý nghĩ, mọi hành động, mọi lời nói gì cũng đều quy tụ chung quanh cái ngã. Điều gì thích hợp với cái ngã thì yêu thương, chiều chuộng, cung dưỡng, điều gì trái với cái ngã thì khinh ghét, hất hủi, chà đạp. Do đó, gây ra không biết bao nhiêu là bất công, bất bình đẳng, làm xáo trộn, điêu đứng, phá hủy cõi trần gian này. Đến khi chứng được Duy thức quả, thức thứ Bảy này không còn chấp ngã nữa, mà chỉ thấy mình và người, cho đến loài vật đều bình đẳng như nhau. Khi đã có được trí bình đẳng rồi thì sẽ dùng tâm từ bi hiện đủ phương tiện, để tùy theo căn cơ mỗi loài mà hóa độ, làm cho chúng sanh đều được giải thoát.
d).Đại viên cảnh trí:
Khi còn mê mờ bị thức thứ Bảy chấp ngã và bị các chủng tử phiền não hữu lậu, nhiễm ô chi phối, nên thức thứ Tám không được sáng suốt thanh tịnh. Đến khi nhờ tu hành, chứng được Duy thức tánh, thức thứ Tám này trở thành như một cái gương lớn được lau chùi sạch bụi bặm, có thể phản chiếu khắp cả mười phương thế giới, nên gọi là “Đại viên cảnh trí”.
2.-Hai trí:
Bốn trí trên này, tuy có phân chia khác nhau, tùy theo công năng của mỗi thứ, nhưng rốt lại, có thể gồm trong hai trí sau đây là Căn bản trí và Hậu đắc trí.
a).Căn bản trí:
Tức là trí thể, chư Phật và chúng sanh đều sẵn có. Trí này cũng gọi là Vô phân biệt trí.
b).Hậu đắc trí:
Tức là trí dụng. Sau khi chứng quả Thánh, được Căn bản trí rồi mới được Hậu đắc trí. Trí này cũng gọi là Sai biệt trí; nghĩa là trí phân biệt các pháp do tánh y tha khởi mà có sai khác.
Tóm lại, thành quả rốt ráo của người tu học Duy thức là chuyển đổi được tám thức thành bốn trí là: Thành sở tác trí, Diệu quán sát trí, Bình đẳng tánh trí và Đại viên cảnh trí. Đứng về mặt thể và dụng mà xét thì bốn trí này chỉ gồm lại làm hai là: Căn bản trí và Hậu đắc trí. Khi đã có được hai trí này hành giả đã chứng được Duy thức tánh, ngộ nhập chơn tâm, hoàn thành quả Phật.
VIII.-LỢI ÍCH THIẾT THỰC TRONG KHI HỌC VÀ TU DUY THỨC.
Kết quả thu hoạch được như trên, hành giả tất phải trải qua nhiều kiếp tu hành. Nhưng chúng ta đừng thấy con đường đi quá xa xôi, diệu vợi mà nản chí. Vả lại không phải đợi đến khi thu hoạch kết quả cuối cùng mới nhận chân được sự lợi ích của pháp môn này. Ngay trong khi đang tu học, môn Duy thức này cũng đã đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống hiện tại rồi:
1.-Chúng ta biết được mình một cách rõ ràng:
Từ hồi nào đến giờ, chúng ta cho thân tâm này là của ta, tưởng rằng chúng ta hiểu rõ bản thân của ta nhiều lắm. Nhưng nghĩ cho kỹ, chúng ta chỉ biết sơ sài về chúng ta mà thôi. Về thân xác này, chúng ta chỉ thấy được những bộ phận ở bên ngoài như mặt, mũi, tay, chân v.v… Muốn biết các bộ phận bên trong chúng ta tất phải học khoa giải phẫu.
Về tâm tánh chúng ta lại càng dốt hơn nữa. Nhiều khi chúng ta tưởng hiểu rõ nội tâm của mình kỳ thật đã lầm nhiều lắm. Vậy muốn rõ biết tâm tánh một cách rõ ràng chúng ta hãy tu học Duy thức. Như phần trên đã nói, Duy thức học đã phân tích, chia chẻ một cách tường tận, tỉ mỉ tâm lý của chúng ta, liệt kê ra thành nhiều loại; mỗi loại có những tên riêng, hành tướng, công năng, phạm vi hoạt động khác nhau như thế nào. Học Duy Thức, chúng ta thấy được phần nội tâm một cách rõ ràng như người cầm gương soi, thấy tất cả những gì ở trên mặt. Chúng ta sẽ biết rõ những tâm niệm xấu xa để diệt trừ (tu tâm), những tánh tình tốt đẹp để bồi dưỡng (dưỡng tánh). Do đó, chúng ta sẽ trở thành người hiền lương, đạo đức.
2.-Chúng ta thấy được cái chánh phủ nội tâm của chúng ta:
Tâm lý của mỗi người mới xem qua thật vô cùng phức tạp; nhưng nếu suy nghiệm cho kỹ, chúng ta thấy vẫn có một tổ chức gần giống như một liên bang. Trước tiên, thức thứ Tám như một vị tổng thống của liên bang; các tâm vương khác như các vị đứng đầu của các tiểu bang; các tâm sở biến hành như các vị bộ trưởng; các tâm sở bất định như các vị dân biểu không đảng phái; các tâm sở thiện như các vị công thần liêm khiết hay các vị công chức tận tâm vì dân vì nước; các tâm sở phiền não như những tham quan ô lại, hay giặc giã, lưu manh v.v… còn các chủng tử (thiện, ác, vô ký) thì như toàn thể dân chúng trong liên bang.
Với một liên bang nội tâm như thế, nếu chúng ta biết sắp đặt điều hòa bộ máy chính quyền nội tâm cho vững vàng, thì tất nhiên liên bang ấy sẽ vững mạnh, hùng cường, và văn minh tiến bộ. Trái lại, nếu chúng ta không nắm vững được bộ máy hành chánh nội tâm, thì liên bang ấy sẽ loạn lạc, đói khổ, và không sớm muộn, sẽ rơi vào vực thẳm tối tăm.
Duy thức học giúp cho chúng ta thấy rõ chính phủ nội tâm của mình, để tự điều hòa cho được thạnh trị, thái bình.
3.-Chúng ta trao đổi được một đức tánh tốt đẹp là tánh kiên nhẫn:
Học Duy thức, trước tiên, chính là chúng ta học đức tính kiên nhẫn. Thật vậy, người không kiên nhẫn, không thể học duy thức đến nơi đến chốn được, vì môn học này chia chẻ tâm lý một cách tỉ mỉ, phiền toái; mỗi tâm niệm đều có nhiều danh từ chuyên môn, và được nghiên cứu kỹ lưỡng về tánh chất, hành vi, tướng trạng … Những người không chịu khó, tánh tình hời hợt, nóng nảy, không thể nào thành công trên đường tu học duy thức. Cho nên chỉ những người kiên nhẫn mới thành công, hay ngược lại muốn thành công thì phải luyện tập đức tánh kiên nhẫn. Từ xưa đến nay, trong đạo đức hay ngoài đời, những người được thành công vĩ đại, đều nhờ đức tánh kiên nhẫn.
4.-Chúng ta giữ được thái độ bình tĩnh tự tại:
Như các đoạn trước đã nêu rõ, mọi sự vật trong vũ trụ này đều do thức biến hiện, chứ không chắc thật. Do đó, khi gặp được nhiều may mắn, chúng ta không kiêu hãnh, ngã mạn, cống cao; khi gặp cảnh đau buồn, như tử biệt sanh ly v.v…chúng ta bớt khổ não, kêu than, giữ được thái độ bình tĩnh.
Và cũng do biết được cõi đời là giả tạm, như mây bay, như gió thoảng, nên chúng ta không say đắm, tham lam luyến tiếc, và nhờ thế, chúng ta bớt dần những nghiệp dữ, chóng được giải thoát.
5.-Chúng ta nắm vững lòng tin:
Học duy thức, chúng ta thấy rõ được giá trị cao siêu của nó, nên lại càng tin tưởng mạnh mẽ vào tôn giáo của chúng ta, một tôn giáo không phải dựa trên giáo điều độc đoán, mà dựa lên thực nghiệm, và lấy ngay nội tâm của con người làm nền tảng cho sự tu học của mình.
IX.-KẾT LUẬN
Chúng tôi đã trình bày xong những điểm chính yếu của Duy thức tôn, hay Pháp tướng tôn. Tất nhiên, với khuôn khổ của một tập sách nhỏ thuộc vào loại “những bài giảng” này, chúng tôi không thể đi sâu vào chi tiết, trình bày một cách rộng rãi, đầy đủ hơn. Quý vị nào muốn nghiên cứu sâu xa về môn học này, xin hãy tìm trước tiên ba bộ sách chính tông của Duy thức là: Đại thừa bá pháp minh môn luận, Duy thức nhập môn, Duy thức Tam thập tụng, và Bát thức quy củ tụng; sau đó sẽ nghiên cứu thêm những tập sách khác hiện đã được xuất bản, rất nhiều ở Việt Nam.
Tuy thế, sau khi xem qua nội dung trình bày trong tập sách này, quý vị cũng đã có thể quyết định được con đường tu hành của quý vị rồi. Nếu quý vị thấy đây là một con đường tu hành thích hợp và thiết thực lợi ích đối với đời mình thì xin hãy hạ thủ công phu ngay, nghĩa là ngày đêm hãy quan sát kiểm thảo tâm thức của mình. Như quý vị đã biết, trong mỗi chúng ta đều có sáu đầu đảng giặc cướp là sáu món Căn bản phiền não. Sáu đầu đảng này lại có hai mươi tên bộ hạ nguy hiểm là 20 Tùy phiền não. Chính bọn giặc cướp này, từ vô thỷ đến nay, phá hại chúng ta vô cùng vô tận, làm cho chúng ta phải điêu đứng và trầm luân trong biển khổ sanh tử luân hồi. Nếu ngày nay chúng ta biết được sự tàn phá của chúng, quyết tâm diệt trừ, không cho chúng hoành hành nữa, chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ được an cư lạc nghiệp (xem quyển Tu Tâm).
Hơn nữa, bên cạnh những bọn giặc cướp ấy chúng ta còn có những anh hùng nghĩa sĩ, chuyên làm các việc thiện là 11 món tâm sở thiện. Với những vị hảo hán này, chúng ta phải luôn luôn ân cần, trọng đãi, khuyến khích, cổ võ, để cho họ càng thêm hăng hái và mạnh mẽ làm các việc lành (xem quyển Dưỡng Tánh).
Một khi các tâm niệm xấu hoàn toàn tiêu diệt, các tánh tốt hoàn toàn đầy đủ, chúng ta sẽ thành Phật quả.
Cầu mong quý vị thành công.
HẾT QUYỂN NĂM