BẢN ĐỒ TU PHẬT : DUY THỨC TÔN _ TẬP 05 _ PHẦN 03


V.-PHƯƠNG PHÁP TU
Như chúng ta đã biết vũ trụ vạn hữu tuy vô cùng phức tạp, nhưng nhà duy thức học có thể sắp xếp thành một trăm loại (bách pháp). Một trăm loại này, tuy hình tướng công năng có khác, chung cục lại cũng đều là Thức cả.
Vậy phương pháp tu hành của nhà duy thức học là làm thế nào để chứng ngộ cái lý nói trên, thể nhập với cái chân lý ấy. Để đạt mục đích này, nhà duy thức học dạy phải thực hành năm phép quán sau đây, gọi là “ngũ trùng duy thức quán”. Với năm phép quán này, hành giả đi từ thô đến tế, từ phức tạp đến tinh thuần, để cuối cùng chỉ còn thấy có thức tánh, tức là tâm chơn như.
1.-Bỏ cái hư giả, lưu lại cái chơn thật (khiển hư, tồn thật):
Bỏ cái hư giả tức là cái vọng chấp thật có ngã, có pháp do cái tánh “biến kế” tạo ra. Lưu lại cái chơn thật, tức là cái tánh “y tha khởi” và “viên thành”. Nói một cách khác cho dễ hiểu, trong pháp quán này, hành giả phải quán ngã và pháp là không thật (hư) để phá trừ cái chấp thật có. Hành giả lại quán tánh y tha, viên thành là thật có (thật) để phá trừ chấp không. Trong lối quán duy thức từng thứ nhất này “có” và “không” đối đãi nhau, để bỏ “biến kế” lưu lại “y tha” và “viên thành”.
2.-Bỏ cái lộn lạo, lưu lại cái thuần túy (xả lạm lưu thuần):
Cái lộn lạo nói ở đây là tướng phần (nội cảnh); cái thuần túy ở đây là kiến phần. Bỏ cái lộn lạo, lưu lại cái thuần túy, tức là bỏ phần “tướng” bị duyên (sở duyên) mà lưu lại cái phần “kiến” là phần năng duyên. Đây là lối quán thứ hai về duy thức, lấy tâm (năng) và cảnh (sở) đối đãi với nhau, và mục đích là bỏ cảnh (xả lạm) mà chỉ giữ lại tâm (lưu thuần). Lối quán thứ nhất là bỏ vọng cảnh ngoài tâm; lối quán thứ hai này là bỏ cảnh nội tâm là tướng phần của thức.
3.-Đem cái ngọn trở về gốc (nhiếp mạt quy bổn):
Cái ngọn ở đây tức muốn nói tướng phần và kiến phần, còn gốc ở đây tức là tự chứng phần. Kiến phần và tướng phần là “dụng” đều y theo tự chứng phần mà khởi ra, nên gọi là ngọn; còn tự chứng phần là “thể tánh” cho nên gọi là gốc. Lối quán duy thức thứ ba này là đem “dụng” và “thể” đối đãi với nhau, mà mục đích là bỏ cái phần tương đối ít quan trọng là dụng (kiến phần), chỉ giữ lại cái phần căn bản là thể (tự chứng phần).
4.-Giấu cái liệt làm hiển lộ cái thắng (ẩn liệt, hiển thắng):
Cái liệt muốn nói ở đây tức là các tâm sở, cái thắng tức là các tâm vương. Tâm sở thuộc vào tâm vương nên gọi là liệt hay kém; tâm vương là phần sai sử chủ động, nên gọi là thắng, hay hơn. Lối quán duy thức thứ tư này là đem 51 món tâm sở so sánh với 8 món tâm vương, mà mục đích là dẹp bỏ các món tâm sở và làm hiển lộ 8 món tâm vương.
5.-Bỏ thức tướng về thức tánh (khiển tướng chứng tánh):
Bốn tầng quán duy thức trên, tuy rốt ráo chỉ còn giữ lại các món tâm vương, nhưng tâm vương cũng có sự tướng và lý tánh. Lối quán thứ năm này là đem sự tướng đối đãi với lý tánh, mà mục đích cuối cùng là bỏ sự tướng của thức (thức tướng) để trở về với lý tánh của thức (thức tánh), tức cũng là chứng nhập pháp tánh hay tâm chơn như (quý độc giả muốn rõ thêm, xin xem bài Duy Thức quán đại cương của Ngài Thái Hư pháp sư).
Ngoài năm lớp quán Duy Thức của cổ nhơn mà chúng tôi vừa kể trên, còn có một lối tu nữa rất dễ dàng và thiết thực hợp với đại chúng, là chúng ta thường quán sát và kiểm điểm nội tâm của mình.
Chúng ta hãy đọc kỹ về hai loại Phiền não tâm sở và Thiện tâm sở trong Duy thức, để nhìn rõ mặt mày tướng trạng, công dụng, tánh tình và danh tự của chúng. Rồi hằng ngày chúng ta kiểm điểm ở nơi nội tâm. Mỗi khi hiện lên một tâm niệm gì, chúng ta kiểm điểm và quan sát thật kỹ tâm niệm này thiện hay ác (phiền não). Nếu tâm niệm thiện thì chúng ta nuôi dưỡng cho nó phát triển thêm, còn tâm niệm ác thì chúng ta phải mau mau lo diệt trừ đi. Chúng ta biết sửa đổi tâm niệm xấu (tu tâm) và nuôi dưỡng tánh tốt (dưỡng tánh) như thế, thì chúng ta sẽ thành được Thánh hiền (xem quyển Tu tâm và Dưỡng tánh).
VI.-NĂM ĐỊA VỊ HÀNH GIẢ PHẢI TRẢI QUA TRONG KHI TU DUY THỨC
Người tu học pháp môn Duy Thức, cũng như kẻ bộ hành, từ khi nảy sinh cái ý nguyện muốn đi cho đến khi tới đích, phải trải qua năm giai đoạn hay năm địa vị như sau:
1.-Vị Tư lương:
Tức là thời gian chuẩn bị, như người sắp đi xa, phải chuẩn bị lương thực trước khi cất bước lên đường.
Trong Duy thức Tam thập tụng có chép:
Nãi chí vị khởi thức
Cầu trụ Duy thức tánh
Ư nhị thử tùy mien
Du vị năng phục diệt.
Nghĩa là: từ khi chưa phát tâm cho đến khi đã phát tâm cầu an trụ Duy thức tánh, trong thời gian đó, hai món thủ (ngã chấp, pháp chấp) hãy còn miên phục, hành giả chưa có thể chinh phục hay diệt trừ được.
2.-Vị Gia hạnh:
Hành giả gia công tấn hạnh, cũng như người định đi xa, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hành lý, cất bước lên đường.
Trong Duy thức Tam thập tụng có chép:
Hiện tiền lập thiểu vật
Vị thị Duy thức tánh
Di hữu sở đắc cố
Phi thật trụ Duy thức.
Nghĩa là: Nếu hiện tiền còn thấy mình an trụ Duy thức tánh, dù nhỏ niệm bao nhiêu, thì cũng chưa phải thật an trụ Duy thức tánh, vì còn có chỗ sở đắc vậy.
3.-Vị Thông đạt:
Hành giả thông suốt đường lối tu hành, cũng như người bộ hành, nghiên cứu kỹ lưỡng con đường mà mình sắp đi, biết rõ đoạn nào tốt, đoạn nào xấu, đoạn nào nguy hiểm, đoạn nào không v.v…
Trong Duy thức Tam thập tụng có chép:
Nhược thời ư sở duyên
Trí độ vô sở đắc
Nhĩ thời trụ Duy Thức
Ly nhị thủ tướng cố.
Nghĩa là: Bao giờ cảnh sở quán và trí năng quán đều không, khi đó mới an trụ nơi Duy thức tánh, vì đã xa lìa được hai món thủ vậy.
4.-Vị Tu tập:
Hành giả đang tu tập, cũng như người đã lên đường và đang đi trên đường thiên lý.
Trong Duy thức Tam thập tụng có chép:
Vô đắc bất tư nghị
Thị xuất thế gian trí
Xá nhị thô trọng cố
Tiên chứng đắc chuyển y.
Nghĩa là: Cảnh giới “vô đắc” này không thể nghĩ bàn; đây là trí xuất thế gian vô lậu. Do đã xa lìa được hai món thô trọng (phiền não chướng và sở tri chướng), hành giả chứng được hai món chuyển y (Bồ đề và Niết bàn).
5.-Vị cứu cánh:
Quả vị rốt ráo của sự tu chứng, tức là quả Phật, cũng như người đi đường đã hoàn toàn tới chỗ.
Trong Duy thức Tam thập tụng có chép:
Thử tức vô lậu giới
Bất tư nghị, thiện, thường
An lạc, giải thoát thân
Đại Mâu-ni danh pháp.
Nghĩa là: Đây là cảnh giới vô lậu, cũng gọi là: a)Bất tư nghị,   b)Thiện,   c)Thường,   d)An lạc,   đ)Giải thoát thân,   e)Đại Mâu ni, cũng gọi là Pháp thân. (Quý vị muốn rõ thêm, xin xem quyển Duy thức học, tập V tức là Duy thức Tam thập tụng).

HẾT TẬP 05_PHẦN 03