BÁT NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA


BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

 Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa là bài Kinh được Ngài Huyền Trang (đời Đường_Trung Quốc) dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung-Hoa, tiếng Phạn nguyên gốc là Prajnàpàramità, Việt Nam thêm chữ “Tâm Kinh” nghĩa là trung tâm của các Kinh điển. Bát-nhã dịch sát nghĩa là Trí Tuệ, là bộ nhớ Tam Muội thấy hết quá khứ_hiện tại_vị lai mười phương ba đời.
Trong kinh điển các vị Tổ nói “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa” chứ không nói cho chúng-sinh. Tuy vậy bây giờ tất cả mọi người chỉ ứng dụng ngay chỗ triệt ngộ cái lý; người ta tưởng rằng họ đã xong hết, bởi vì chúng ta không biết được rằng khi đã là Bồ- tát rồi Ngài Quán Tự Tại mới quán chiếu và phát hiện ra ngũ uẩn giai không thì mới độ được nhất thiết khổ ách. Như vậy, chúng ta phải đi lùi về thời gian đầu xem Ngài tu cái gì ?!
“Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.
“Hành” có nghĩa là cái tư tưởng khởi niệm tư duy trong Đệ Nhất Nghĩa Đế là Trí Tuệ . “Đa thời” nghĩa là nhiều thời khắc, nhiều thời gian lúc nào cũng vậy tư duy, nên nó tạo thành trường lực và Ngài đột biến trong tự tâm mới thấy tất cả những thứ đa thời chiếu kiến. “Chiếu” là soi rọi, “Kiến” là thấy. “Ngũ uẩn giai không”: năm ấm sắc_thọ_tưởng_hành_thức đều là không, chúng là một nhóm do duyên tạo không hề có thật. “Nhất thiết”: nhất có nghĩa là nhiều vô lượng vô biên, đồng tự-tánh Không nên gọi là nhất. Nhất thì vô tướng chứ đừng nên hiểu cái nghĩa “nhất” là một.
Ngài Xá Lợi Tử tức là Xá Lợi Phất, là bậc đệ nhất Trí Tuệ mà còn phải nhờ Ngài Quán Tự Tại Bồ-tát thông-truyền cái thông-tri mới vừa Giác-Ngộ này. Như vậy thì chúng ta luận để thấy rằng: Ngài Quán Tự Tại Bồ-tát ở cấp độ nào, Ngài Xá Lợi Phất ở cấp độ nào mới học tới Bát-Nhã. Do đó phải đi lui về thời gian đầu mới tu, không có một vị Bồ-tát nào không đi qua Tứ Niệm Xứ, Thập Bát Bất Cộng mà đi thẳng tới Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa được. Khi người ta vừa quán chiếu Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa: năm ấm của người đó là một, người đó là hai, quán chiếu lý Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa là ba, cái ngôn ngữ là cái vật bị suy lường ra cái nghĩa bị quán chiếu, như vậy vị Bồ-tát quán chiếu Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa mà không đi qua các giai đoạn kia thì vị Bồ-tát đó sẽ thủ đắc cái lý này. Cũng như muốn xây một nhà lầu thì trước tiên phải xây dàn móng thật kiên cố.
Bất cứ ai tu học giáo lý Đạo Phật mà lại không biết đến bốn đại, sáu căn, sáu trần, sáu thức; nhưng chúng ta quên xâu chuỗi kết nối từ đó để đi lên đến Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa, mà thường thì chúng ta nhập thẳng vào luôn Bát-Nhã. Còn bằng không thì sáu thức một bên và Bát-Nhã một bên, chúng ta có học thì cũng chỉ làm tăng trưởng cái hiểu của cái ý thức này còn Bát-Nhã vẫn là Bát-Nhã, vì chúng ta chưa dung hòa được do thiếu giai đoạn đầu làm nền tảng.
Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa liên quan đến thế giới của Giải-Thoát, Giác-Ngộ, thế giới Niết-bàn và sanh-tử. “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”, như vậy Niết-bàn là nơi sanh-tử, sanh-tử tức là nơi Niết-bàn. Sắc tức là Không: cái Không đó là của Sắc nên cái Không đó không phải là Không của đoạn diệt. Thọ, tưởng, hành, thức: cái Sắc của nó tức là Không, Không của nó tức là Sắc, do đó khi đã triệt ngộ chân lý, đối với tất cả sự vật, hiện tượng muốn Không thì Không, muốn Sắc thì Sắc.
“Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” thì mọi diễn biến của hành tinh này, cái tướng của hành tinh này là Sắc, tức là Không, Không tức là Sắc. Như vậy cái tướng của thế giới này là Sắc nhưng thực chất của nó là Chân-Không, Chân-Không là Niết-bàn. Như vậy Niết-bàn tức sanh-tử, sanh-tử tức Niết-bàn.
Cả thế giới này tướng phiền-não là Sắc, không phiền-não lại là Không, Không và Sắc không thể tách rời chúng ra được. Như vậy hãy lần mối đi đến chỗ trí và thức; trí tức là thức, thức tức là trí, trí và thức đồng thời câu khởi. Do đó, khi sống trong cái đồng thời câu khởi giữa sanh-tử và Niết-bàn thì ngã-tánh tức Phật-Tánh. Hay nói cách khác, từ vô thỷ Tánh-Giác và nghiệp chướng đồng sanh cùng một lượt, đó là Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa. Hiểu như vậy thì thế giới này không còn gì để run sợ hoặc đắm chấp.
“Xá Lợi Tử, thị chư Pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh”. Đích thị các pháp không có tướng là vô tướng nên tướng của nó là tướng hư không, cho nên đừng nhìn tướng hữu vi này. Bởi vậy giáo lý Nhà Phật chỉ chấp nhận những gì là thật, tồn tại bất biến thường hằng là Chân-Không. Chân-Không không có tướng nên không sanh, không diệt, không tăng, không giảm, không dơ, không sạch. Cái Không đó không có tướng, còn cái tướng đó đích thị là Không; không thể tách hai thực thể này ra khỏi nhau được, nếu tách riêng được là đang sai lầm và đang bị rơi vào biên kiến. Khi người ta đã giác-ngộ rồi thì mọi chuyện của dòng đời này cứ bình thường như vậy, không thủ không xả. Còn nếu chúng ta thấy thế giới này có hoặc không thì đang bị biên kiến. Sự thật tướng và không tướng có một chỗ nên không thể tách rời.
Hai thực thể đó không xa rời nhau và chúng đều như-huyễn. Tới đây bặt mọi lời nói ngôn ngữ. Chính chỗ không có lời nói ngôn ngữ nên không dơ, không sạch, không phải một, không phải hai, không đến, không đi. Tới đây mô tả Chân-Không là cảnh giới Niết-bàn. Cảnh giới Niết-bàn với cảnh giới sanh-tử nơi tự Tâm mình chỉ có một. Trở lại lần nữa, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, sanh-tử tức Niết-bàn, phiền-não tức Bồ-Đề, ngã-tánh tức Phật-Tánh, chúng-sanh sự Phật sự không một cũng không khác, đều y nhiên nơi Bổn-Giác.
Khi đã triệt ngộ như vậy để củng cố thêm một lớp nữa, thế giới này có theo duyên và nó không cũng theo duyên. Thêm một lớp duyên đó nữa, thế giới này do duyên nên nó huyễn, đi xuyên qua lớp huyễn đó lại là vô-sanh, vô-sanh thì đồng Chơn-Như bất biến thường hằng. Thế giới này chỉ như vậy thôi.
Một tỷ Hành Tinh này là một dãy Thiên Hà, một tỷ dãy Thiên Hà là một Vũ Trụ, trong Vũ Trụ bao la này các dãy Thiên Hà, Ngân Hà, Thái Dương Hệ đều là Sắc. Mỗi Hành Tinh là một Quốc-độ, biết bao nhiêu cảnh cõi nghiệp loài đang sống trên Hành Tinh này. Ra khỏi Vũ Trụ này còn hằng hà sa số các Vũ Trụ khác với vô lượng vô biên các dãy Thiên Hà, Ngân Hà được nhập vào cảnh giới Hoa Nghiêm một là tất cả, tất cả là một và đều là Sắc. Cả cảnh giới Hoa Nghiêm là cảnh giới như-thật, Tự-tánh của nó bất biến thường hằng. Hiểu như vậy thì cái Tuệ mới sâu rộng, quán mới sâu rộng. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Khi đã thống nhất Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc viên dung như vậy thì bắt đầu thấy được Tánh-khởi và duyên-khởi. Một niệm khởi tràn lan pháp-giới. Một niệm vô minh thì cả pháp-giới tâm mình u tối. Một niệm Giác-Ngộ thì pháp-giới tự tâm mình vào tịnh nghiêm. Thế giới này như-huyễn thì cứ mãi mãi như thế, do đó không ai chết đi và cũng không ai sanh ra, nên không có bốn tướng tứ lưu là sanh, lão, bệnh, tử lưu chuyển từ đời này qua đời khác. Mới vừa sanh đã chuyển qua lão, lão chuyển sang bệnh, bệnh chuyển sang tử rồi tiếp tục lại qua sanh. Nếu chúng ta không toàn triệt lý Bát-Nhã thì làm sao ra khỏi thế giới này.
Triệt ngộ ngay chỗ năm ấm của mình, toàn bộ mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân chạm xúc đều là Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Không Tánh. Như vậy không thể tách rời sanh-tử và Niết-bàn ra làm hai hệ, cho nên đừng cầu rời xa sanh-tử mà nhập Niết-bàn, còn ấn tượng vi-tế đó khó thành. Đừng cầu rời xa phiền-não để thanh tịnh vì thanh tịnh và phiền-não chỉ được dứt điểm khi Giác-Ngộ. Trí và thức đồng thời câu khởi cùng một lúc. Khi nắm được điều đó, các vị Bồ-tát nhập trần. Vì khi nhập trần giữa thực thể của thế giới hiện hữu với thực thể của Chân-Không đồng một chỗ. Nhưng hiện tượng của huyễn ảo lại nổi lên, nếu nhập vào đó người ta sẽ bị nhiễm trần. Như vậy, khi triệt ngộ chân lý thì Bồ-tát nhập vào thế giới sanh-tử này bởi vì tình thương của Chư Bồ-tát không bao giờ dứt đối với chúng sanh.
Giáo lý của Nhà Phật phá đi chấp-ngã, phá đi kiến chấp sai lầm chứ không phá pháp, bởi vì không có pháp “ có” và pháp “ không”. Bát-Nhã văn tự miêu tả chân lý, tận cùng của văn tự là cái nghĩa. Khi đã hiểu cái nghĩa tận cùng thì cái nghĩa đó không có, đó là tướng Bát-Nhã và còn lại cái ấn tượng hiểu cũng là tướng Bát-Nhã. Tới chỗ xóa luôn cái tướng của Bát-Nhã là 49 năm Đức Phật chưa nói lời nào.
Như vậy tận cùng của Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa là Trí Tuệ thấy đúng Như thị không có bên đây bên kia nên Bát-Nhã là Trung-đạo. Trọn vẹn của Trí Tuệ là sự đại thanh tịnh, cái gốc của Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa mà mọi người đang tu khi về đến đích là một sự thanh tịnh bất biến thường hằng.
Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử đời Chữ Nhật
Nhật Hương