TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ : LOẠI NHẤT ĐA TƯƠNG TỨC


TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ

LOẠI NHẤT ĐA TƯƠNG TỨC

Nói rằng sự vật không có tự tính không có nghĩa là chúng không có Bản tánh hay Thật tướng. Thật tướng của chúng là Không, là Thực tại cứu cánh. Bản tánh của sự vật là Phi Bản tánh; chính cái Phi Bản tánh là Bản tánh của chúng.

Tánh Không bàn bạc khắp nơi, nghĩa là Tánh Không có trong mọi sự vật. Tánh Không của một Pháp đồng nhất với Tánh Không của tất cả mọi Pháp. Bởi Tánh Không an lập trong mọi Pháp nên do tương đồng mà Tánh Không vô hạn, không có biên giới, do đó bao hàm được vạn Pháp. Vạn hữu tức vũ trụ không tự hiện hữu, chỉ hiện hữu khi đủ duyên, chỉ hiện hữu bằng vào quan hệ, lớp này lớp khác trùng trùng vô tận, một làm duyên cho tất cả, tất cả làm duyên cho một, tất cả nơi một, một nơi tất cả.

Vì thế vũ trụ ví như một mạng lưới nhân sinh vĩ đại, tất cả khởi lên đồng thời, nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, mỗi hữu không chướng ngại hiện hữu và hoạt động của hữu khác. Mạng lưới ấy còn gọi là Pháp Giới (Dharma Dhàtu), là hình tướng tích cực của Tánh Không, là biểu lộ động của Chân Như. Pháp giới vừa chỉ thế giới hiện tượng tức thế gian giới, chi phối bởi định lý y tánh duyên khởi Pháp, vừa chỉ cảnh giới Chân Như của Chư Phật, vô vi tịch diệt, ái tận Niết Bàn. Nếu xét về toàn thể tiến trình duyên khởi của vũ trụ, thời bản tính của hiện khởi là vũ trụ nói theo nhân, là Tánh Không, là Pháp Giới.

Pháp giới duyên khởi là lý thuyết cho rằng vũ trụ nói theo quả là cộng đồng tạo tác của tất cả mọi loài, tương quan liên hệ trên đại thể, và hiện khởi trong hỗ tương giao thiệp. Hết thảy mọi sự vật cá biệt giao thiệp nhau, nhưng mỗi sự vật duy trì trọn vẹn cá biệt tính trong tự thân.

Stephen Hawking, nhà bác học trứ danh về vật lý lý thuyết, đề xướng một vũ trụ tương tợ Pháp Giới Hoa Nghiêm. Vào năm 1970, cùng với vật lý gia Roger Penrose, ông sử dụng thuyết tương đối của Einstein, và khám phá một định lý toán học theo đó vũ trụ hiện khởi từ một dị điểm toán học gọi là điểm nguyên thủy của vũ trụ. Thuyết này thường được gọi là Thuyết Bùng Nổ (Big Bang).

Nhưng thuyết này mới giải quyết vấn đề hiện khởi của vũ trụ được một nữa mà thôi, vì thuyết tương đối không đủ khả năng mô tả điểm nguyên thủy của vũ trụ.
Bởi vậy, vào năm 1981, Stephen Hawking tìm cách phối hợp thuyết tương đối với cơ học lượng tử, dùng ảo số biểu tượng thời gian, và thành công chứng minh bằng toán học rằng vạn hữu hiện khởi không phải từ một dị điểm mà từ một thực tại nhất thể, đồng nhất và đối xứng, không dị điểm, không sai biệt, không sinh không diệt. Theo nguyên lý bất định của Heisenberg, sự vật hiện khởi là do Thực tại tự tánh sai biệt, bất biến tùy duyên, mà thăng giáng năng lượng phát khởi, phá hủy tính đối xứng nguyên thủy của Thực tại. Bắt đầu tiến trình biến chuyển là sự sinh khởi tương thành có tính cách đối xứng, nghĩa là những cặp đối đãi hạt và phản hạt phát hiện đồng thời, đồng biểu hiện một năng lượng giống nhau nhưng khác ở điểm “hạt là năng lượng dương” và “phản hạt là năng lượng âm”. Sở dĩ cân bằng âm dương như thế tại vì sinh khởi của hạt và phản hạt phát xuất từ một vũ trụ mà tổng số năng lượng là không. Nói theo thuật ngữ Phật Đạo, vũ trụ là Chân Không và sinh khởi tương thành những cặp đối đãi hạt – phản hạt là Diệu Hữu. Trong trường hợp hạt và phản hạt va chạm nhau thời chúng tương hủy theo nghĩa là chúng hỗ tương nhiếp nhập hoàn chuyển năng lượng trở lại. Về sau cứ mỗi lần nhiệt độ của vũ trụ giảm đến một mức độ nào đó thời lại thêm một lần tính đối xứng ở mức độ đó bị phá hủy. Số hạt và số phản hạt bắt đầu chênh lệch, số hạt trở nên nhiều hơn số phản hạt. Do đó, với thời gian phát hiện những hạt sai biệt, trước là hạt nặng như dương điện tử, trung hòa tử, sau là hạt nhẹ như âm điện tử. Sau đó do lực hấp dẫn các hạt tập hợp lại tạo thành nguyên tử, nguyên tử thành phân tử, … Rồi đến lượt thiên hà thành hình, từ đó khởi sinh sao và các hệ thống hành tinh, v.v … Sinh mệnh cuối cùng thành lập do hội đủ các yếu tố cần thiết.

Về mặt Pháp Tướng, mỗi một sự vật cá biệt tự giữ được tính riêng, làm đối tượng cho sự nhận biết nó là nó.

Về mặt Pháp Tánh, Thật Tướng của vạn hữu là Không, không có giới hạn, không có phần vị sai biệt.

Do đó mỗi một sự vật châu biến và bao hàm dung thông vũ trụ. Đây là nhãn quan Viên dung của Hoa Nghiêm: Chân Như vốn Thanh tịnh, mãn túc, và viên minh, nhưng cũng có diệu dụng năng sanh tạo ra thế giới sum la vạn tượng. Có thể nói Thế giới này là một thế giới trùng trùng duyên khởi nằm gọn trong lòng một vi trần mà không bị thu nhỏ lại.

Có bốn trường hợp tương dung:

  1. Cái một ở trong cái một: một hiện hữu cá biệt duy trì trọn vẹn cá biệt tính về phương diện Pháp Tướng, đồng thời về mặt Pháp Tánh bao hàm một cá thể khác là do cả hai cá thể cùng có Thật Tướng là Không.
  2. Cái một ở trong tất cả: tất cả không để mất cá biệt tính của chúng đồng thời dung chứa mỗi mỗi cá thể mà Pháp Tánh đồng nhất với Pháp Tánh của tất cả.
  3. Tất cả ở trong cái một: cái một vẫn giữ được cá biệt tính, đồng thời bao hàm tất cả là do tất cả đồng nhất một Tánh Không.
  4. Tất cả ở trong tất cả: tất cả duy trì cá biệt tính của chúng về mặt Pháp Tướng, đồng thời mỗi mỗi cá thể bao dung tất cả về mặt Pháp Tánh.

Tóm lại, Thực tại cá biệt được bao hàm trong một Thực tại bao la, và Thực tại bao la này lại thấy tham dự trong từng mỗi Thực tại cá biệt. Thêm nữa, mỗi mỗi hiện hữu cá biệt bao hàm trong chính nó tất cả những hiện hữu khác. Như thế có thể nói có một sự hỗ tương giao thiệp toàn diện trong Pháp Giới, quan hệ loại Nhất Đa Tương Tức còn được gọi là Không (Sùnya), là Vô sinh (Anutpàda), và Vô tự tính (Asvabhàva).

Tham khảo:    Luận Giải Trung Luận Tánh Khởi và Duyên Khởi

                         Tác giả: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Đăng bài chuyển tải:

Dòng Mật Pháp VajraPani

Nhóm Kim Cang Tử Đời Chữ Nhật

Nhật Hiệp