MẬT TÔNG – KỲ 03 : NHƯ THẾ NÀO GỌI LÀ MANDALA


MẬT TÔNG

_ Kỳ (03) _

NHƯ THẾ NÀO GỌI LÀ MANDALA

(MẠN-TRÀ-LA)

Mạn-Trà-La có nhiều tên gọi do nhiều nhà dịch tên gọi khác nhau, nhưng nghĩa thì không khác.

Ví như, Cựu dịch là Mạn-Trà-La hay gọi là đạo tràng, Tân dịch là Luân Viên Cụ Túc. Nếu nói về thể của Mạn-Trà-La, lấy chủng tử phạn tự hoặc đàn pháp hay đạo tràng làm trung tâm, còn về nghĩa, lấy tận ý gọi là Luân Viên Cụ Túc hoặc tu tập tác nghiệp làm chánh ý.

Nơi Bộ Kinh Đại Nhật làm giáo chỉ, trong kinh Đại Nhật, Ngài Kim Cang Thủ Bí Mật Chủ thưa hỏi Đức Thế Tôn, sao gọi là Mạn-Trà-La?

Đức Thế Tôn dạy: Vì nơi thể Mạn-Trà-La là Chân Như Bất Biến, nên hữu tình đã sẵn có Bổn Tánh Bất Sanh, đủ duyên gieo Bồ Đề Tâm vào nơi ấy sẽ phát sanh thành Phật nên gọi là (MANDALA). Giáo pháp Mạn-Trà-La là tối tôn tối thắng đệ nhất Kim Cang Bất Hoại. Nên gọi là Màn-Trà-La.

1) ĐẠI MẠN-TRÀ-LA

Nghĩa rộng là thân của các loài hữu tình, vô tình, tứ sanh, các cảnh cõi nghiệp loài, các thiên hà, ngân hà, vũ trụ, vạn pháp trong mười phương pháp giới, là sắc tướng, Mạn-Trà-La đều y theo lục đại mà hiển lộ. Còn theo nghĩa bí mật là chỉ cho hình sắc, hảo tướng của Chư Phật, Chư Minh Vương, Bồ Tát được biểu thị bằng các pho tượng, ảnh tượng, chạm trổ, tô vẽ . . .

2) TAM MUỘI DA MẠN-TRÀ-LA

Nghĩa rộng là biểu thị mọi hiện tượng cùng tất cả sự-sự vật-vật trong vũ trụ mà ta thấy và biết cùng vật dụng thường ngày của chúng sanh. Hay nói cách khác, đó là đặc tính riêng biệt của mỗi pháp: Đất, Nước, Lửa, Gió, Núi, Sông, Cây, Cỏ … Còn nghĩa Bất Khả Tư Nghì Mật là chỉ cho Pháp Khí, Pháp Cụ của Chư Phật, Chư Minh Vương, Bồ Tát cầm nơi tay để nói lên Hạnh Nguyện như Hoa Sen, chày Kim Cang Ngũ Cổ, Tam Cổ và Độc Cổ, Cờ Phướng, Hạt Châu, Bình Cam Lồ, Hộp Kinh Phạm Kiệt . . . Biểu thị cho Bổn Thệ Nguyện cứu độ chúng sanh của Chư Phật, Chư Tôn, Chư Bồ Tát, Đại Bồ Tát.

3) PHÁP MẠN-TRÀ-LA

Nghĩa rộng là tất cả các âm thanh, ngôn ngữ, lời nói, hình tướng, sơn hà đại địa, tinh tú, tên gọi các sự vật trong vũ trụ; Còn Mật nghĩa Bất Khả Tư Nghì chỉ cho những chủng tử Chân Ngôn Phạn tự, Đàn Pháp, Ấn Khế của Chư Phật, Chư Minh Vương, Bồ Tát. Chủng tử là các Mẫu tự Đà-la-ni. Chủng tử Mẫu Phạn Tự tức là Tâm Mật của Chư Phật, Minh Vương Bồ Tát. Vì vậy chúng sanh nên thận trọng cung kính. Còn các Mẫu tự kết nhiều tự thành chân ngôn là Mật-Hạnh của Chư Phật, Thế Tôn, Bồ Tát. Cùng văn, tự, ngữ nghĩa, trong các kinh điễn. Điều này phải theo Minh Sư A-XÀ-LÊ học hiểu và hành đúng như pháp thì sẽ gặt hái tức thân thành Phật. (KHÔNG THỂ TỰ Ý LÀM CÀN)

4) YẾT-MA MẠN-TRÀ-LA

Nghĩa là các cử động làm mọi sự nghiệp hay nói cách khác là tác Tam Nghiệp Chúng Sanh. Nghĩa rộng là chỉ cho mọi động tác chúng sanh và vạn vật trong tạo tác để sinh tồn. Còn nghĩa Thâm Mật Bất Khả Tư Nghì chỉ cho oai nghi, động tác tác nghiệp lực của Chư Phật, Chư Tôn, Chư Bồ Tát, Thánh Chúng cứu độ chúng sanh.

Trong Tứ Chủng Đàn Mạn-Trà-La “Mạn-Trà-La có bốn thứ hoặc năm thứ khác nhau”. Kinh Kim Cang Đảnh Kinh, Tỳ-Lô-Giá-Na Phật nói: “Bốn thứ đàn, đàn vuông, đàn tròn, đàn tam giác và đàn hình bán nguyệt (tức nữa vầng trăng), còn thứ năm là đàn hình hoa sen không sắc”.

Đàn Vuông phối với Địa Đại Chủng tử (    -A), Đàn Tròn phối với Thủy Đại Chủng tử (    -Vâm), Đàn Tam Giác phối với Hỏa Đại Chủng tử (  -Lam), Đàn Bán Nguyệt phối Phong Đại Chủng tử (  -Hăm), Đàn Hoa Sen Không Sắc là Đại Không, tức là Pháp Thân Đại Mạn-Trà-La Vô Tướng.

Vì đại sự nhân duyên nơi tam giới Đức Tỳ-Lô-Giá-Na tuyên thuyết Giáo Pháp Mạn-Trà-La: cho thiện nam tín nữ tu hành tam mật tương ưng thì ngay nơi nhục thân này có thể thành tựu đại Phật sự tức thân thành Phật.

 

Y cứ: Kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cang Đảnh, Đại Tạng Nguyên Bản

Dòng Mật Pháp VajraPani

Nhóm Kim Cang Tử Đời Chữ Nhật