LUẬN KINH VIÊN GIÁC – Đề Kinh
KINH VIÊN GIÁC
KINH:
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế-Tôn Nhập vào Chánh-Định tên là Kho-Tàng Ánh-Sáng Vĩ-Đại của Thần-Thông. Kho tàng ấy là chỗ ở giữ một cách sáng chói tôn nghiêm của các Đức Thế-Tôn, là tính Tuệ-Giác vốn rất trong suốt sạch sẽ của các loại chúng sinh. Đức Thế-Tôn Nhập vào Chánh-Định ấy nên Thân Thể và Tâm Trí đều vắng lặng, đồng nhất với bản thể phổ biến vũ trụ, nghĩa là thích ứng với Sự Bất-Nhị. Chính Sự Bất-Nhị này biểu hiện thế giới Trong Sạch. Đức Thế-Tôn ở nơi thế giới Trong Sạch này, và cùng ở với Ngài có Mười Ngàn vị Đại Sĩ mà các bậc đứng đầu là Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Phổ Nhãn, Bồ-tát Kim Cang Tạng, Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ, Bồ-tát Uy Đức Tự Tại, Bồ-tát Biện Âm, Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Bồ-tát Phổ Giác, Bồ-tát Viên Giác, Bồ-tát Hiền Thiện Thủ; các vị này, và các vị tùy thuộc, cùng Nhập vào Chánh-Định, nên cùng dự Pháp Hội Bình Đẳng của Đức Thế-Tôn.
LUẬN GIẢI:
Mở đầu kinh cũng đã soi sáng đề kinh “Viên Giác”.
Như thông thường theo từ ngữ thì “Viên” nghĩa là tròn đủ; “Giác” nghĩa là toàn giác; tức không còn y theo ý thức căn, tức là giác ngộ về Chân Tánh đã tròn đủ. Nói cách khác là đã giác được cái Thức, đã tỉnh ngộ Chân Pháp. Chân Pháp đã cho chúng ta thấy ba thời Quá Khứ, Vị Lai và Hiện Tại.
Giác ngộ một thời, tức đã nói lên nơi không có không gian thời gian. Thường thì phải một trong ba thời Quá Khứ, Hiện Tại hay Vị Lai nhưng khi nói một thời là đã không có thời nào tức Vô Thời.
Vượt qua không gian thời gian, không còn hạn cuộc bởi ý thức căn, mới thấy được sự bất khả tư nghì của Tính Viên Giác. Tính Viên Giác vốn trong suốt sạch sẽ của các loại chúng sinh. Nơi Bổn Tánh đã như nhiên viên mãn chỉ do ngộ nhận của 6 Căn duyên 6 Trần thành 6 Thức, lấy Thức làm Tâm phan duyên theo Pháp Trần phân biệt chấp ngã, nên che mờ Bản Tánh Viên Giác vốn sẵn có.
Bản Tánh Viên Giác vốn thanh tịnh, vắng lặng Nhân Không Pháp Không, nên muốn đạt Viên Giác thì lìa vọng buông ngã ta để cùng hòa nhập cảm nhận Pháp Hội Bình Đẳng của Đức Thế-Tôn.
Đức Thế-Tôn nhập vào Chánh-Định là nhập vào Pháp Thân Thường Trụ Vô Tướng và viên dung khắp mười phương không ngần mé. Khi đó Thân Thể và Tâm Trí hợp nhất thấy biết như thật tức là thật tướng các Pháp là vô tướng, nên thích ứng Sự Bất-Nhị. Chính Sự Bất-Nhị này biểu hiện thế giới trong sạch nghĩa là không còn một niệm nào, trở về tự tánh thanh tịnh thường hằng bất biến mới thấy giữa Đức Thế-Tôn và hữu tình chúng sanh không khác, đều đồng ở tính Tuệ-Giác vốn trong suốt sạch sẽ tức Tánh Viên Giác.
Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử Đời Chữ Nhật
Nhật Mai