Sự Pháp Giới, Lý Pháp Giới, và Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới chỉ là những phương tiện thuyết giảng nhằm dẫn đến Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Thật vậy, trong Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới của Phật Đạo, đem tất cả Sự Sự quy thu vào Lý chẳng những thiết lập một toàn thể không sai biệt mà hơn nữa tạo thành một thế giới viên toàn nhịp nhàng hòa điệu, năng động và vô ngại, kết dệt lại hay đồng nhất hóa tất cả thực tại dị biệt hay đối nghịch. Thực ra, việc quy thu Sự vào Lý là một luận chứng nhằm khai thị cho hữu tình chúng sanh dễ hiểu, chứ Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới tự nó hiện hữu không cần đến luận lý thông tục hay một bản sắc đối đãi, tương đối nào cả. Pháp Giới duy nhất hiện hữu là Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới.
Trong thế giới đó mỗi một vật thể cá biệt đồng nhất với mọi vật thể cá biệt khác mà tất cả những giới hạn phân cách giữa chúng đều bị bác bỏ. Chúng hỗ tương giao thiệp toàn diện trong những tương quan vô tận và vô ngại. Sự hỗ tương giao thiệp của hiện hữu trong Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới không thể thấu đạt bằng suy lý hay tưởng tượng. Đó là sự nội chứng nơi tự tâm không cần nhờ đến biểu tượng hay trí năng. Vì do kiến chấp vạn vật có tự tính nên mọi suy luận và nói năng đều còn trong cặp phạm trù đối đãi Có – Không, Đúng – Sai , Tốt – Xấu. Phải thay đổi vị trí nhìn vạn hữu từ nơi Tánh Không và Nhất Thiết Trí mới có được Nhãn Quan Viên Dung. Chỉ có Nhãn Quan Viên Dung Hoa Nghiêm vượt thoát hoàn toàn mọi khung ý niệm tự tính mới thấy rõ vạn vật hỗ nhập hỗ tức, bình đẳng bất nhị, đồng thời sinh khởi và hoại diệt.
Trong vũ trụ toàn ký, Nguyên Lý Hỗ Nhập Hỗ Tức được tượng hình như sự giao thoa các luồng sóng điện từ, sóng âm thanh, sóng âm điện tử, sóng dương điện tử, v.v… đúng như quan niệm “Pháp Giới là một thế giới của ánh sáng không mang theo bất cứ hình dạng bóng mờ nào. Bản tính cốt yếu của ánh sáng là hỗ giao mà không xảy ra sự ngăn ngại hay hủy diệt lẫn nhau. Mỗi ánh sáng độc nhất phản chiếu trong chính nó tất cả những ánh sáng khác, vừa toàn thể, vừa cá biệt.” (Thiền luận. D.T. Suzuki, Tập Hạ, Tuệ Sỹ dịch giải).
Bằng vào sự kiện hình tướng và cấu trúc của toàn thể sự vật được thu nhiếp trong mỗi một vùng của ảnh toàn ký qua mẫu hình ánh sáng giao thoa, chúng ta có thể suy ra rằng trật tự của ánh sáng chuyển động bao hàm đủ mọi thứ trật tự và nhân duyên tạo nên toàn thể cấu trúc vật thể được chiếu sáng. Chẳng hạn những lần ngước mắt nhìn trời ban đêm, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh của những cấu trúc kéo căng khắp những vùng không gian rộng lớn truyền dẫn đến mắt chúng ta qua những khoảng thời gian dài hàng chục tỷ năm. Thế mà tất cả thu nhiếp vừa đủ lọt qua con ngươi nhỏ bé của mắt chúng ta !
Nhà Vật Lý Học David Bohm gọi đó là Trật Tự Thu Nhiếp (implicate order) và phân biệt thứ trật tự này với Trật Tự Phóng Khai (explicate order). Trong vật lý học, Trật Tự Phóng Khai, ví như đếm tăng lên theo chiều các hiện tượng xuất sinh, có nghĩa là mỗi mỗi sự vật chiếm cứ một vùng không thời riêng biệt của nó và nằm ngoài những vùng các sự vật khác chiếm cứ. Đó là lối nhìn cổ điển qua thấu kính (lens) chú trọng vào sự phân tích chia chẻ ra thành phần riêng biệt. Trái lại Trật Tự Thu Nhiếp, ví như đếm giảm xuống, nằm trong chuyển động truyền dẫn của các sóng. Sóng truyền dẫn khắp nơi và trên nguyên tắc, sự truyền dẫn đó thu nhiếp toàn thể không thời gian của vũ trụ vào trong mỗi mỗi vùng. Ở đây danh từ sóng chỉ vào loại sóng tuân theo những định luật cơ học lượng tử. Nghĩa là có tính gián đoạn không tương quan nhân quả và phi cục bộ tức đồng thời đốn khởi. Toàn bộ chuyển động thu nhiếp và phóng khai của các sóng không thể nào nằm trong tầm mức thấy biết của chúng ta, nghĩa là bất khả tư nghì và bất khả thuyết. Bohm gọi toàn bộ chuyển động sóng ấy là toàn lưu (holomovement), còn gọi là vũ trụ toàn ký. Vũ trụ toàn ký của Bohm có thể xem như tương đồng với Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới của Hoa Nghiêm.
Tham khảo: Luận giải Trung Luận Tánh Khởi và Duyên Khởi
Tác giả: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Đăng bài Chuyển tải
Dòng Mật Pháp Vajra Pani
Nhóm Kim Cang Tử Đời Chữ Nhật
Nhật Hiệp
Vô Ngã tức Đại Bi.
Hữu tình chúng sinh sanh tử luân hồi miên trường trong chính tự Tâm mình là do Ngã Chấp. Do thấy có Ta Ngã nên sinh ra Ái, Ái tiếp tục Thủ rồi Hữu, mới khởi lên Tham, Sân, Si.
Dùng tri kiến Phật chiếu soi thì Ta Ngã do huyễn nhân duyên 04 Đại hợp thành, tất cả vạn Pháp cũng đồng như thế; trùng trùng trong một Pháp Giới Tánh bình đẳng duyên khởi, thì làm gì có Tham, Sân, Si; vì chẳng có Năng, cũng chẳng có Sở.
Khi Chấp Ngã hết thì Đại Bi Tâm hiển lộ không bờ bến, vì thế Vô Ngã chính là Đại Bi.
Vật lý gia David Bohm, đồng sự của Einstein và bạn của Krishnamurti, đã ví Ngã như nguyên tử (atom). Đúng hơn Bohm ví nguyên tử như “người suy tưởng” (thinker).
Nên biết rằng nguyên tử không phải là một thực thể. Đó là một danh xưng của một xuất hiện tánh khi hội đủ một số điều kiện. Sự dính kết các hạt âm điện tử, dương điện tử, và trung hòa tử lại với nhau để tạo thành nguyên tử cần đến một số năng lượng liên kết (binding energy) rất lớn.
“Người suy tưởng” giống như nguyên tử đang sử dụng năng lượng liên kết ra công sức dính kết các hạt lại với nhau. Chính nguồn năng lượng này đã phát sinh, bảo tồn “người suy tưởng” (tức nguyên tử), duy trì nơi “người suy tưởng” cái ảo tưởng rằng mình là một hiện thực bền vững, tối giản, và độc lập riêng biệt. Cái dụng của năng lượng liên kết như vậy là bị kiềm chế hạn định trong sự chấp trì một ảo tưởng và chủ trì một kiến thức hư tưởng. Nó nuôi dưỡng phiền não tạng là chướng hoặc do vô minh tập khí, tập quán, và tập tục ung đúc hợp thành. Tư tưởng của “người suy tưởng” ví như cái nhìn bị vật chất ngăn bít tù hãm trong một khung tâm ba thứ nguyên (3-dimensional mind).
Khi nguyên tử phân tán vỡ nát trong máy gia tốc hạt nhân (atomic accelerator), thời vô số năng lượng liên kết bị kiềm chế bấy lâu được giải tỏa. Cũng vậy, nhờ “Phát Tâm rộng lớn như hư không giới, khởi Tâm vô ngại, bỏ tất cả cõi, rời tất cả chấp, Tâm Vô Ngại đi trong tất cả Pháp Vô Ngại, Tâm Vô Ngại vào khắp tất cả thập phương, Tâm Thanh Tịnh vào cảnh giới của Nhất Thiết Trí”, “người suy tưởng” bị tiêu diệt, Ngã Chấp hoàn toàn tan vỡ. Năng lượng được giải tỏa chính là lực Đại Từ Bi, Viên Dung Vô Ngại, có vô hạn thứ nguyên (infinite dimensionality), là căn nhân của hiện khởi trong sự giác ngộ của Phật. Đó là một thứ năng lực điện quang khai hiển “trí huệ của Đức Như Lai, vô lượng vô ngại, có thể lợi ích khắp tất cả chúng sanh, đầy đủ ở trong thân chúng sanh. Chỉ vì hàng phàm phu vọng tưởng chấp trước nên chẳng biết chẳng hay, chẳng được lợi ích”.
Bohm và Krishnamurti gọi thí nghiệm nghiền nát nguyên tử là “tỉnh thức” (awareness). Quá trình phá nát Ngã Chấp dẫn Thức trực tiếp cảm giác năng lượng điện quang được giải tỏa và thực chứng bản Tánh của vũ trụ (pháp giới) là Biển Đại Bi, biển rộng lớn vô biên tràn đầy vô lượng năng lực tình thương. Theo thuật ngữ Hoa Nghiêm, Tâm bình đẳng nơi tất cả Thân chúng sanh và nơi tất cả Pháp được gọi là mầm giống của hỗ nhập và là bản tánh hỗ tức của Pháp Giới.
Tham khảo: Luận Giải Trung Luận Tánh Khởi và Duyên Khởi
Tác giả: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Đăng bài chuyển tải:
Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử đời chữ Nhật
Nhật Hiệp