Xét về toàn thể tiến trình duyên khởi của vạn hữu, thời Pháp Giới được thành lập dựa trên hai nguyên lý: nguyên lý hỗ tức (mutual identity) và nguyên lý hỗ nhập (mutual penetration).
“Hỗ Tức” biểu đạt ý câu “Sắc Tức Thị Không, Không Tức Thị Sắc”.
“Hỗ Nhập” tương ứng với nguyên lý duyên khởi theo đó không có sự vật nào hiện hữu độc lập, có sẵn định tánh nơi bản thể của nó, và mọi vật đồng thời hiện khởi, nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cái này không chướng ngại sự hiện hữu và hoạt động của những cái kia. “Hỗ nhập” vẽ ra ba công thức: Đồng thời câu khởi, Đồng thời hỗ nhiếp, Đồng thời hỗ dung để thuyết minh lý duyên khởi.
Theo triết gia Alfred North Whitehead, các nhà khoa học thường phân chia hiện thực thành loại riêng biệt để thiết lập những bảng phân hạn khoa học. Chẳng hạn, phân hạn vạn vật phát sinh thành nhiều loại: người, động vật, thực vật, tế bào sống, vô cơ thô, và lượng tử vi tế. Đó là một việc làm rất cần thiết đối với phương pháp khoa học, nhưng rất nguy hiểm đối với triết học, bởi vì sự phân hạn như vậy ngăn cản không cho thấy trên thực tế các hiện thực được phân thành loại khác nhau không hẳn hoàn toàn khác biệt nhau. Mỗi một sự vật đều tương dung với các sự vật khác, và khi chia ra nhiều diện như vậy thì mỗi khi diện này được hiển bày, diện khác tất bị che khuất.
Con người thường đứng trên quan điểm cá biệt mà nhìn vào sự vật, do đó luôn thiên vị và độc đoán, không thể nào có được cái nhãn quan viên dung khi nhìn vào thực tại. Nếu thông đạt lý đồng thời câu khởi thì một mặt bớt thiên vị hẹp hòi, mặt khác tâm trở nên quãng đại không còn bị Ngã Chấp trói buộc và cảm giác về sự hữu hạn chế ngự.
Trong đời sống hàng ngày, ý nghĩa về sự hiện hữu của một sự vật bị giới hạn trong khung ý niệm và phương cách diễn đạt riêng biệt của cá nhân hay cộng đồng liên hệ. Vì vậy định nghĩa và danh xưng của sự vật không thoát khỏi giới hạn của thời gian và không gian, không bao hàm hết thảy mọi quan hệ của sự vật mà chỉ nói lên một số hạn định hình tướng hay phẩm tính của sự vật tại một nơi nhất định vào một thời nhất định. Như thế, sự vật hay hiện tượng được nói đến thường ngày chỉ là những khái niệm do vọng tưởng phân biệt là danh tự giả tướng.
Nhân thứ sáu trong mười nhân khởi Pháp Giới vô ngại trùng trùng vô tận: “Vì các Pháp hiện hành trong vũ trụ được coi như ảnh tượng” làm sáng tỏ lý “Đồng Thời Câu Khởi” và “Đồng Thời Hỗ Dung”. Ngài Pháp Tạng thực hiện thí nghiệm vật lý để giải thích hiện tượng “Hỗ Tức Hỗ Nhập” cho Nữ Hoàng Võ Tắc Thiên hiểu cụ thể về cái nhìn viên dung vô ngại.
Ngài cho đặt mặt kính khắp nơi trong một căn phòng, trên trần và sàn nhà, trên bốn vách tường bao quanh,và cả bốn góc phòng. Ngay chính giữa phòng, Ngài đốt một ngọn nến để sát bên cạnh một tượng Phật. Nữ Hoàng kinh ngạc không tả xiết nhận ra hình ảnh của hết thảy mọi mặt kính cùng với hình ảnh của tượng Phật phản chiếu trong tất cả và mỗi một mặt kính. Trong tất cả và mỗi một hình ảnh phản chiếu trong bất cứ mặt kính nào cũng tìm thấy được hết thảy mọi hình ảnh phản chiếu trong tất cả mặt kính khác cùng với hình phản chiếu của tượng Phật. Thí nghiệm chứng minh lý Hỗ Nhiếp và Hỗ Dung đồng thời sáng tỏ Thế giới trùng trùng vô tận.
Ngài Pháp Tạng lấy trong tay áo ra một quả cầu thủy tinh nhỏ, đặt trên lòng tay, rồi nói: “Trong quả cầu nhỏ bé này, hiện ra tất cả mặt kính cùng với hết thảy phản chiếu. Đây là một thí dụ về cái nhỏ chứa cái lớn và cái lớn chứa cái nhỏ. Điều này chứng minh tánh vô ngại của kích thước lớn nhỏ hay là của không gian, nhưng không chứng minh được tánh vô ngại của thời gian, quá khứ dung nhiếp tương lai và tương lai dung nhiếp quá khứ, vì đây là một thí nghiệm tĩnh, thiếu tính cách động của thời gian. Không thể nào với phương tiện thông thường có thể trưng dẫn bằng chứng cụ thể về thời gian vô ngại, hay thời gian và không gian vô ngại. Muốn chứng nghiệm một hiện tượng như thế phải có một mức độ nhận thức khác.”
Ảnh phản chiếu trên gương được dùng để biểu đạt ba lý do về Pháp Giới Vô Ngại và minh chứng lý Đồng Thời Hỗ Nhiếp:
Hai lý Đồng Thời Đốn Khởi và Đồng Thời Hỗ Nhiếp cũng được minh giải bằng ẩn dụ gọi là “Hải Ấn Tam Muội” hay “Hải Kính Tam Muội”. Thuật ngữ Hoa Nghiêm “Hải ấn” hay “Hải kính” biểu tượng Phật Tâm, biển Tâm thanh tịnh. Do gió cảnh thổi nên sóng thức nổi dậy. Người đạt được ngoại cảnh vốn Không thời biển Tâm tự vắng lặng. Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thì mặt trời mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng. Đó là “cái gương phalê tên là năng chiếu, gương này trong sạch sáng suốt, lớn vô lượng vô biên bằng mười thế giới. Trong các quốc độ, tất cả hình tượng của núi sông, của mọi loài, nhẫn đến ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục đều hiện trong gương đó” (Phẩm 35: Như Lai Tùy Hảo).
Phật Tâm, còn gọi là Tâm Chân Như, chỉ cho bản thể Chân Tâm lìa các vọng niệm. Tâm này sẵn có trong tất cả chúng sanh. Tâm chúng sanh và Tâm Phật Hỗ Tức Hỗ Nhập, phản chiếu lẫn nhau một cách kỳ diệu.
Tham khảo: Luận giải Trung Luận Tánh Khởi và Duyên Khởi – Tác giả: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Dòng Mật Pháp Vajra Pani
Nhóm Kim Cang Tử Đời Chữ Nhật
Đăng bài Chuyển tải: Nhật Hiệp