TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ : LOẠI TÁC ĐỘNG
TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ
LOẠI TÁC ĐỘNG
Trong đời sống hằng ngày, ta thường quen với những hiện tượng không đảo chiều. Chính vì những kinh nghiệm sống không đảo chiều như vậy mà lâu dần thành tập khí (thói quen) sanh ra hai khái niệm sai biệt Quá Khứ và Vị Lai. Ký ức chỉ ghi Quá Khứ chứ không nhớ Tương Lai. Ta thường tin rằng không thể làm gì được để thay đổi Quá Khứ nhưng có thể hành động một cách nào đó để ảnh hưởng Tương Lai. Qua những danh từ thường dùng như hối hận, nuối tiếc, hy vọng, … ta thấy ngay một sự cách biệt quá rõ ràng giữa Quá Khứ và Vị Lai (nhưng chân thật lý không hề có Quá Khứ và Vị Lai).
Ngược lại, cho đến nay trong vật lý học, mọi định luật cơ bản về sức hút vạn vật, điện từ trường, và phản ứng hạt nhân, hết thảy đều thuận nghịch, nghĩa là không phân biệt Quá Khứ và Vị Lai. Đồng thời nếu tất cả các phân tử của một hệ thống phức hợp mỗi mỗi đều đổi hướng vận tốc thời những gì đã thu nhiếp về trước sẽ phóng khai trở lại. Theo thuật ngữ Phật Đạo, mọi hiện tượng đều do sự hiện hành theo những chủng tử đã được trưởng dưỡng. Để giải thích tính không đảo chiều trong thế giới hiện tượng huyễn, không bắt nguồn từ các định luật cơ bản, các nhà vật lý học phải thi thiết thêm nhiều khái niệm phức tạp như hệ thống kín, hệ thống hở, bảo toàn năng lượng, entropy, … và phải tốn nhiều công phu suy diễn tựa trên những dữ kiện thí nghiệm. Điều này cho thấy các định luật vật lý cơ bản không đủ khả năng mô tả toàn vẹn thực tại như thật. Tuy nhiên chúng vẫn có lợi ích cho thấy không có gì cố định trong mọi phát biểu về lý nhân duyên cái nào là Nhân và cái nào là Quả.
Từ thuở sơ khai con người đã biết tạo lửa bằng cách cọ xát hai phiến đá với nhau. Đó là áp dụng Tương quan Nhân Quả một chiều, “công sinh nhiệt”, “công là Nhân và nhiệt là Quả” (Vật lý học định nghĩa công là lực tác dụng nhân với quãng đường vật xê dịch). Đến khi hiểu được ngược lại nhiệt có thể chuyển hóa thành công, “nhiệt sinh công”, “nhiệt là Nhân và công là Quả”, tức là đến khi khám phá Tương quan Nhân Quả ứng hiện hai chiều “Nhân = Quả”, không có sai biệt giữa Nhân và Quả thời các máy chạy hơi nước và động cơ nổ được chế tạo, khởi đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ ở nước Anh vào cuối thế kỷ 18 thay đổi toàn diện cuộc sống trên mặt đất của chúng ta.
Tham khảo: Luận Giải Trung Luận Tánh Khởi và Duyên Khởi
Tác giả: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Đăng bài chuyển tải:
Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử đời chữ Nhật
Nhật Hiệp