TÂM TRONG QUAN ĐIỂM MẬT GIÁO


Phật Đạo là Bàn Tay Mở

Tâm Mở tức là Đạo Mở

Đạo Mở tức là Ngộ Mở

Ngộ Mở tức là Thức Mở

Thức Mở tức là Giác Mở

Giác Mở tức là Duyên Lành lại Mở

 -I-

TÂM  trong quan điểm Mật Giáo.

Tất cả Tông Phái Phật Giáo đều nói về Tâm Tánh Phật.

Mật Tông gọi là Bồ Đề Tâm: Ở Chư Phật không tăng, ở Chúng sanh không giảm. Đại Tịch Tịnh, chẳng riêng chẳng khác.

Hành Giả Mật Tông lấy Bồ Đề Tâm làm Nhân, Đại Bi làm Gốc, Phương Tiện thiện xảo làm Cứu Cánh.

Mọi đến-đi sanh-diệt thường-đoạn một-hai, thảy cũng chỉ là duyên, Vô Tự Tánh.

Bồ Đề Tâm Vô Tướng. Tướng thị hiện cứu độ là Tướng Phương Tiện; Tướng Hạnh Nguyện.

Bồ Đề Tâm Vô Động. Không từ đâu, nơi đâu sanh Tâm; Thoáng thấy động, do nhiêu ích hữu tình chúng sanh mà động. Động nơi Vô Động, dụng Động chế Động, để chúng sanh hiển lộ Chân Tâm Vô Động.

Bồ Đề Tâm Vô Nhiễm. Không chổ trụ nên không có cái để Nhiễm.

Bồ Đề Tâm Vô Nguyện. Vì Giác Ngộ chúng sanh thị hiện, Đại Nguyện luôn tỏa sáng như nhiên cùng khắp đẳng đẳng ba thời không ngần mé. Chân Lý tối thượng nên Vô Nguyện.

Bồ Đề Tâm Vô Tác. Rõ Nhân Duyên Vô Tự Tánh nên Tác tức Vô Tác. Tất cả việc làm của Chư Phật cũng chỉ vì lợi ích hữu tình Giác Ngộ, mà hành lại Hạnh Phật Tâm mình, nên Chư Phật tác và hành đều Vô Tác – Vô Hành.

Bồ Đề Tâm Vô Ngã.  Ngã Tánh tức Phật Tánh. Ngã xem là Đại Ngã. Khác mà chẳng khác, y nhiên nơi Bổn Giác.

Bồ Đề Tâm Vô Đắc. Đồng một thể Tánh. Như Sóng, Nước, Bóng, Biển. Nên Vô Đắc.

Bồ Đề Tâm Vô Sanh. Pháp giả hợp, không thật có, không thể được. Các Pháp từ nơi Không mà ra nên Bất Khả Đắc, Vô Sanh.

Bồ Đề Tâm Vô Cấu. Pháp không chổ có, vốn không.  Chỉ vì thể hiện Tâm, nên Vô Cấu.

Bồ Đề Tâm Vô Hành. Trong Hạnh Nguyện, Phân biệt Vô Phân Biệt tác lợi khắp pháp giới. Nên Hành Vô Hành.

Tất cả đồng Bồ Đề Tâm Đại Tịch Tịnh. Là Phật đã thành, Phật đang thành, Phật sắp thành, Phật sẽ thành; Nên Đại Tịch Tịnh.

Bồ Đề Tâm đẳng đẳng 03 thời, không không gian thời gian, không mất còn sâu cạn; chưa từng rời xa một pháp mười phương chưa từng dừng trụ ở một pháp mười phương.

Đó là một phần lượng trong quan điểm về Tâm của Mật Tông.
Cần Phát Bồ Đề Tâm, Hành Bồ Đề Giới, Quán Nhập Linh Nhiễm Bồ Đề Trí,  Hoằng dương  Bồ Đề Nguyện Hạnh,  Rộng kiến mở Bồ Đề Cảnh, Cứu Cánh Bồ Đề Quả Vị. Khắp tất cả đồng viên mãn tròn toàn Bổn Giác Tánh.

“Phàm là người học đạo, hiểu đạo, tu đạo, chứng đạo; phải phổ pháp trợ hạnh tạo duyên lành khắp hữu tình giới.”

OṂ VAJRA KO’SA BODHI CITTÀ HUṂ

 Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử Đời Chữ Nhật