KINH VIÊN GIÁC : CHƯƠNG 08 – BIỆN ÂM BỒ TÁT
KINH VIÊN GIÁC
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế-Tôn Nhập vào Chánh-Định tên là Kho-Tàng Ánh-Sáng Vĩ-Đại của Thần-Thông. Kho tàng ấy là chỗ ở giữ một cách sáng chói tôn nghiêm của các Đức Thế-Tôn, là tính Tuệ-Giác vốn rất trong suốt sạch sẽ của các loại chúng sinh. Đức Thế-Tôn Nhập vào Chánh-Định ấy nên Thân Thể và Tâm Trí đều vắng lặng, đồng nhất với bản thể phổ biến vũ trụ, nghĩa là thích ứng với Sự Bất-Nhị. Chính Sự Bất-Nhị này biểu hiện thế giới Trong Sạch. Đức Thế-Tôn ở nơi thế giới Trong Sạch này, và cùng ở với Ngài có Mười Ngàn vị Đại Sĩ mà các bậc đứng đầu là Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Phổ Nhãn, Bồ-tát Kim Cang Tạng, Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ, Bồ-tát Uy Đức Tự Tại, Bồ-tát Biện Âm, Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Bồ-tát Phổ Giác, Bồ-tát Viên Giác, Bồ-tát Hiền Thiện Thủ; các vị này, và các vị tùy thuộc, cùng Nhập vào Chánh-Định, nên cùng dự Pháp Hội Bình Đẳng của Đức Thế-Tôn.
CHƯƠNG 08 : BIỆN ÂM
Lúc ấy Bồ-tát Biện Âm ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quỳ thẳng, chắp tay mà tác bạch:
Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả, phương tiện mà Ngài khai thị trên đây thật là hiếm có. Thưa Đức Thế Tôn, đối với phương tiện ấy, nghĩa là đối với cửa ngõ của Viên Giác, các vị Bồ-tát có mấy cách tu tập để nhập vào ? Con thỉnh cầu Đức Thế Tôn khai thị cho đại chúng này, và cho cả những người thời kỳ cuối cùng, làm cho ai cũng tỏ ngộ đích thực.
Tác bạch rồi, Bồ-tát Biện Âm gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ-tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ-tát Biện Âm :
Tốt lắm, Thiện Nam Tử, Ông có thể vì đại chúng này, và vì cả những người sau này, mà hỏi Như Lai cách thức tu tập ba phương tiện. Ông hãy nghe kỹ, Như Lai sẽ nói cho.
Bồ-tát Biện Âm vâng lời, hoan hỷ, cùng cả Đại Chúng yên lặng lắng nghe.
Đức Thế Tôn dạy:
Thiện Nam Tử, Viên Giác trong sáng mà Chư vị Như Lai chứng ngộ vốn không có sự tu tập và người tu tập. Các vị Bồ-tát, và người sau này, dựa vào năng lực huyễn ảo của Tuệ Giác tỏ ngộ nhưng chưa hoàn toàn tỏ ngộ mà tu tập, thì khi ấy có ra hâm lăm bánh xe thiền quán trong sáng.
Một là nếu Bồ-tát chỉ nắm Cực Tĩnh, do sức mạnh Cực Tĩnh mà diệt hẳn phiền não một cách cứu cánh hoàn thiện, không rời khỏi chỗ của mình mà nhập Niết Bàn liền, đó là Bồ-tát tu riêng mặt Cực Tĩnh.
Hai là nếu Bồ-tát chỉ quán Như Huyễn, do sức mạnh Phật Đà mà biểu hiện mọi thứ thân cảnh tùy theo nhu cầu của các thế giới chúng sinh, làm đủ mọi thứ việc làm trong sáng tinh tế của Bồ-tát mà không mất cái nhớ Cực Thuần và cái biết Cực Tĩnh đối với các pháp Tổng Trì, đó là Bồ-tát tu riêng mặt Cực Động.
Ba là nếu Bồ-tát chỉ diệt trừ mọi sự huyễn ảo, nghĩa là không nắm lấy sự biểu hiện mà chỉ triệt đoạn phiền não, phiền não triệt đoạn là chứng ngộ thực tướng, đó là Bồ-tát tu riêng mặt Cực Thuần.
Bốn là nếu Bồ-tát trước nắm Cực Tĩnh, sau đem Tuệ Giác Cực Tĩnh chiếu soi huyễn ảo, thì trong sự chiếu soi này nổi lên việc làm Bồ-tát, đó là Bồ-tát trước tu Cực Tĩnh, sau tu Cực Động.
Năm là nếu Bồ-tát đem Tuệ Giác Cực Tĩnh chứng ngộ Bản Thể Cực Tĩnh, thì phiền não dứt liền, sinh tử thoát hẳn, đó là Bồ tát trước tu Cực Tĩnh, sau tu Cực Thuần.
Sáu là nếu Bồ-tát đem Tuệ Giác Cực Tĩnh, lại dùng sức mạnh huyễn ảo biểu hiện đủ cách mà hóa độ chúng sinh, rồi hủy diệt phiền não mà nhập vào Niết Bàn, đó là Bồ-tát trước tu Cực Tĩnh, giữa tu Cực Động, sau tu Cực Thuần.
Bảy là nếu Bồ-tát dùng sức mạnh Cực Tĩnh mà hủy diệt phiền não, rồi nổi lên việc làm tinh tế và trong sáng của Bồ-tát mà hóa độ chúng sinh, đó là Bồ-tát trước tu Cực Tĩnh, giữa tu Cực Thuần, sau tu Cực Động.
Tám là nếu Bồ-tát dùng sức mạnh Cực Tĩnh, rồi hóa độ chúng sinh và xây dựng Quốc Độ mà hủy diệt phiền não, đó là Bồ-tát trước tu Cực Tĩnh, sau cùng lúc tu Cực Động và Cực Thuần.
Chín là nếu Bồ-tát đem sức mạnh Cực Tĩnh giúp cho sự nổi lên mọi cách biểu hiện, sau đó hủy diệt phiền não, đó là Bồ-tát cùng lúc tu Cực Tĩnh và Cực Động, sau tu Cực Thuần.
Mười là nếu Bồ-tát đem sức mạnh Cực Tĩnh giúp cho sự dứt bặt, sau đó nổi lên mọi cách biểu hiện, đó là Bồ-tát cùng lúc tu Cực Tĩnh và Cực Thuần, sau tu Cực Động.
Mười một là nếu Bồ-tát đem sức mạnh biến ảo thích ứng đủ cả, sau đó nắm lấy sự Cực Tĩnh, đó là Bồ-tát trước tu Cực Động, sau tu Cực Tĩnh.
Mười hai là nếu Bồ-tát đem sức mạnh biến ảo biểu hiện đủ cả, sau đó nắm lấy sự dứt bặt, đó là Bồ-tát trước tu Cực Động, sau tu Cực Thuần.
Mười ba là nếu Bồ-tát đem sức mạnh biến ảo làm mọi việc Phật làm, rồi đứng trong sự tĩnh lặng mà hủy diệt phiền não, đó là Bồ-tát trước tu Cực Động, giữa tu Cực Tĩnh, sau tu Cực Thuần.
Mười bốn là nếu Bồ-tát đem sức mạnh biến ảo mà hoạt động vô ngại, rồi hủy diệt phiền não và sống trong sự Cực Tĩnh, đó là Bồ-tát trước tu Cực Động, giữa tu Cực Thuần, sau tu Cực Tĩnh.
Mười lăm là nếu Bồ-tát đem sức mạnh biến ảo mà hoạt động bằng mọi phương tiện, rồi thích ứng với sự Cực Tĩnh và sự dứt bặt, đó là Bồ-tát trước tu Cực Động, sau cùng lúc tu Cực Tĩnh và Cực Thuần.
Mười sáu là nếu Bồ-tát đem sức mạnh biến ảo nổi lên đủ mọi tác dụng giúp cho sự Cực Tĩnh, sau đó hủy diệt phiền não, đó là Bồ-tát cùng lúc tu Cực Động và Cực Tĩnh, sau tu Cực Thuần.
Mười bảy là nếu Bồ-tát đem sức mạnh biến ảo giúp cho sự dứt bặt, sau đó sống trong sự tĩnh tâm trong sáng và bất động, đó là Bồ-tát cùng lúc tu Cực Động và Cực Thuần, sau tu Cực Tĩnh.
Mười tám là nếu Bồ-tát đem sức mạnh dứt bặt mà phát Cực Tĩnh và sống trong sáng, đó là Bồ-tát trước tu Cực Thuần, sau tu Cực Tĩnh.
Mười chín là nếu Bồ-tát đem sức mạnh dứt bặt mà nổi lên hoạt động, sự hoạt động đối với cảnh ngộ nào cũng vẫn thích ứng Cực Thuần, đó là Bồ-tát trước tu Cực Thuần, sau tu Cực Động.
Hai mươi là nếu Bồ-tát đem sức mạnh dứt bặt mà đặt mọi tính cách biểu hiện vào trong sự tĩnh tâm, rồi nổi lên mọi sự biểu hiện, đó là Bồ-tát trước tu Cực Thuần, giữa tu Cực Tĩnh, sau tu Cực Động.
Hâm mốt là nếu Bồ-tát đem sức mạnh dứt bặt, từ bản thể bất động mà nổi lên hoạt động, hoạt động có đặc tính trong sáng ấy lại quay về sự tĩnh tâm cả, đó là Bồ-tát trước tu Cực Thuần, giữa tu Cực Động, sau tu Cực Tĩnh.
Hâm hai là nếu Bồ-tát đem sức mạnh dứt bặt làm cho mọi sự đều trong sạch, rồi đứng trong sự tĩnh tâm mà nổi lên mọi sự biểu hiện, đó là Bồ-tát trước tu Cực Thuần, sau cùng lúc tu Cực Tĩnh và Cực Động.
Hâm ba là nếu Bồ tát đem sức mạnh dứt bặt giúp cho sự Cực Tĩnh mà nổi lên mọi sự biểu hiện, đó là Bồ-tát cùng lúc tu Cực Thuần và Cực Tĩnh, sau tu Cực Động.
Hâm bốn là nếu Bồ-tát đem sức mạnh dứt bặt giúp cho sự biểu hiện, ròi từ đó phát sinh đối cảnh và Tuệ Giác trong sáng của sự Cực Tĩnh, đó là Bồ-tát cùng lúc tu Cực Thuần và Cực Động, sau tu Cực Tĩnh.
Hâm lăm là nếu Bồ-tát đem Trí Tuệ Viên Giác mà hóa hợp tất cả, tất cả đặc tính và sự dụng không rời Viên Giác, đó là Bồ-tát tu cả ba phương tiện thích ứng trong sáng với Viên Giác.
Thiện Nam Tử, hâm lăm bánh xe của thiền quán mà tất cả Bồ-tát tu tập là như vậy. Nếu các vị Bồ-tát, và những người sau này, muốn y cứ vào hâm lăm bánh xe ấy, thì trước phải giữ phạn hạnh, lắng tĩnh tư duy, khẩn thiết sám hối. Ba tuần bảy ngày làm như vậy rồi, đem hâm lăm bánh xe này mỗi thứ ghi riêng, gấp lại, chí thành khẩn cầu tha thiết, dùng tay mà lấy, mở ra thì biết bánh xe lấy được là tính cách tu tập liền liền hay tính cách tu tập dần dần. Làm như vậy mà len vào một thoáng ngờ vực là bất thành.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây .
Biện Âm nên biết,
Tuệ Giác trong sáng
của các Bồ-tát
sinh từ thiền quán —
Thiền quán ba mặt
Cực Tĩnh Cực Động
cùng với Cực Thuần,
tu tập liền liền
hay là dần dần
thành hâm lăm cách.
Chư vị Như Lai
trong mười phương hướng,
những người tu hành
thuộc ba thì gian,
không ai không nhờ
phương tiện như vậy
mà được thành tựu
Tuệ Giác Bồ Đề.
Chỉ trừ những người
tỉnh ngộ liền liền,
cùng với những kẻ
không chịu Phật pháp,
còn các Bồ-tát
và người sau này
thường xuyên nắm giữ
phương tiện như vậy,
thích ứng, nỗ lực,
và tu tập theo,
thì nhờ sức mạnh
Từ Bi của Phật,
sẽ không bao lâu
chứng được Niết Bàn ./.
¯