BẢN ĐỒ TU PHẬT_THIỀN TÔN_TẬP III_P.07


VÀI CÂU CHUYỆN ĐẶC BIỆT CỦA NHỊ THỪA THIỀN

a/. Một thiền giả ở đời Tùy:
-Đời nhà Tùy ở Trung Hoa, có một đệ tử của Ngài Huệ Viễn, tu pháp Diệt-tận-định, tọa thiền trong bọng cây đại-thọ. Vì ngồi lâu năm chầy tháng, thiền giả dần dần bị thân cây bọc lại, không còn vết tích gì nữa. Đến đời Đường, nhà vua sai người lên rừng đốn cây về tu bổ cung điện. Thợ rừng đốn nhằm cây ấy, đem về cưa đến khúc có thiền giả ngồi, thì cây chỉ nháy ra lửa, chứ không đứt. Thợ cưa lấy làm lạ, bổ ra xem, thì thấy một khối tròn, giống hình người ngồi. Nhà vua cho đăng bảng hỏi dân chúng, xem có ai biết cái khối ấy là gì không.
Trong bảng có hai câu thơ như sau:
“Tá vấn sơn trung cổ lão chùy,
Cá trung tiêu tức hữu thùy tri?”
Dịch nghĩa:
“Trong non có khối lão chùy,
Hỏi ai có biết thứ gì đó không?”
Sau một thời gian, có một vị thiền sư đi ngang qua, thấy tấm bảng đề hai câu thơ trên, đến gỡ tấm bảng và được lính gác mời về cung. Nhà vua mừng rỡ, hỏi thiền sư vật ấy là gì? Thiền sư trả lời:
-“Tâu bệ hạ, nếu bần đạo hiểu không lầm, thì đây là một vị tu thiền, do sức định kiên cố mà duy trì được thân hình không tan rã và trở thành cứng rắn như thế”
Nhà vua hỏi:
-“Làm sao để thí nghiệm lời giải thích ấy là đúng?”
-“Xin cho hai cái linh”
Quan hầu đem ra hai cái linh, thiền sư nắm lắc một hồi lâu, thì cái khối ấy từ từ bung ra như cây pháo tre bị sút mối. Đây là những sợi râu, tóc và móng tay của thiền giả, do nhiều năm không cạo, cắt nên nó quấn tròn lấy thiền giả. Thiền sư lấy dao cạo râu tóc và lấy kéo xắp móng tay cho thiền giả. Bấy giờ thiền giả đứng dậy chào hỏi mọi người và nói:
-“Tôi nhập định từ đời nhà Tùy”
Nói xong, thiền giả cáo từ mọi người và đi thẳng về núi. Tính ra thì đúng một ngàn năm.
b/.Câu chuyện ướp xác của các vị thiền giả ở Nhật Bản:
Gần đây, một nhà bác học Nhật Bản, có viết một bài báo so sánh thuật ướp xác của người Ai-cập mấy ngàn năm về trước và của các vị thiền sư Nhật ở thế kỷ 13, 14 và cho rằng kỹ thuật ướp xác của các vị thiền sư Nhật hơn hẳn về mọi phương diện kỹ thuật ướp xác của người Ai-cập, mà từ trước đến nay được xem như là tinh vi, kỳ diệu nhất trên thế giới, và chưa ai có thể bắt chước được. Bài báo này đã làm chấn động dư luận thế giới và rất được nhiều tờ báo khác đăng tải lại.
Nội dung bài báo ấy đại khái như sau:
Vào những thế kỷ 13 và 14, ở Nhật các thiền sư sau nhiều năm tham thiền nhập định đã có kết quả, quyết tâm giữ lại cái thân cho được nguyên vẹn, mãi mãi như khi còn sống. Họ tập ăn rất ít và tránh ăn các món có chất dầu mỡ. Dần dần họ chỉ ăn một ít ngũ cốc và hoa quả. Mỡ thịt trong người họ tiêu dần, chỉ còn da và xương. Vào khoảng vài năm cuối cùng, họ chỉ uống nước, để rửa cho sạch ruột gan. Và họ ngồi tham thiền mãi như thế cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Các đệ tử của họ tắm rửa sạch sẽ thân thể của thiền giả, rồi đem đến một nơi chuyên về kỹ thuật ướp xác, để giữ cho thân thể của thiền giả được tồn tại mãi. Sau đó, các đệ tử đặt thiền giả lên bàn thờ.
Theo nhà bác học nói trên, thì lối ướp xác này hơn hẳn lối ướp xác của người Ai-cập, vì người Ai-cập khi ướp xác, phải mổ xác người chết, lấy ruột gan ra để khỏi sình thúi, rồi mới tẩm thây vào các chất hóa học, để giữ cho thây đừng tan rã. Còn lối ướp của người Nhật thì không cần phải mổ bụng, lấy ruột gan ra, vì thiền giả trong lúc sinh thời đã tự làm cho các bộ phận trong người sạch sẽ và teo dần. Và vì không mổ bụng, toàn thân được nguyên vẹn như khi sống, cho nên linh khí trong người thiền giả không mất. Hơn nữa, thiền giả trước khi trút hơi thở cuối cùng, vẫn sáng suốt và làm chủ được thân xác mình, chứ không phải bị thân xác chi phối. Và do đó, có thể nói rằng thiền giả vẫn còn mãi mãi ở trong thiền định.

KẾT LUẬN VỀ NHỊ THỪA THIỀN
Các pháp tu thiền của Nhị-thừa hay Tiểu-thừa nói trên, như quý độc giả đã thấy, nhiều không thể kể xiết. Tuy thế, hành giả muốn cho có kết quả, phải chọn lựa phương pháp nào thích hợp với trình độ của mình, chứ không phải gặp pháp môn nào tu pháp môn nấy được. Sự lựa chọn này cũng cần được các bậc thầy hướng dẫn. Vì thế, chúng ta thường nghe ngày xưa các vị chân tu đi “cầu pháp”, hết xứ này đến xứ nọ, không quản công lao khó nhọc, có nhiều khi hy sinh cả đến tánh mạng nữa. Cầu pháp nghĩa là tìm cầu minh sư chỉ dạy phương pháp tu hành như ngài Thiện Tài đi tham cầu 53 vị Thiện-tri-thức, ngài Huyền Trang đi hết nước Trung Hoa rồi sang Ấn Độ để cầu Pháp. Hành giả sau khi được vị minh sư nhận lời, còn phải theo hầu hạ một thời gian rất lâu để vị minh sư ấy quan sát căn cơ trình độ của học trò như thế nào, rồi mới truyền cho phương pháp tu. Có như thế, sự tu hành của hành giả mới có kết quả. Trái lại, nếu vị minh sư truyền lầm pháp môn cho đệ tử, vì không quan sát, thăm dò căn cơ, trình độ một cách chu đáo, như ngài Xá-Lợi-Phất đem pháp Sổ-tức dạy người giữ nghĩa địa, hay phép quán Bất-tịnh dạy người thợ rèn tu, thì chỉ hoài công vô ích, chứ không kết quả gì hết.
Hành giả cũng nên nhớ một điều nữa, là trên bước đường tu hành chớ nên bồn-chồn, nóng nảy vô ích. Sự tu hành cũng như nghề trồng cây, không thể nóng nảy được; người trồng cây, hằng ngày lo vô phân tưới nước, làm đầy đủ bổn phận của mình, rồi kiên nhẫn chờ đợi; đến khi đủ sức, đúng thời tiết, cây sẽ tự đơm bông trổ trái một cách tự nhiên.
Người tu hành cũng vậy, cứ hằng ngày lo tu tập, tích trữ nhiều năm, đến khi công tròn quả mãn, thì được minh tâm kiến tánh.
Hãy nhớ rằng tu hành phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp, chứ không thể mới một hai đời mà thành Phật được.
(Tập sau sẽ nói về Đại-thừa Thiền)