BẢN ĐỒ TU PHẬT_THIỀN TÔN_ĐẠI THỪA THIỀN_TẬP 4_PHẦN 4
THIỀN TÔN Ở VIỆT NAM
Như chúng ta đã biết, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Trung Hoa. Cho nên, nếu ở Trung Hoa thiền tôn được thịnh hành truyền bá, thì ở Việt Nam thiền tôn cũng được xem như là môn phái chính của đạo Phật lúc bấy giờ. Đấy cũng là một lẽ dĩ nhiên không có gì là khó hiểu.
Phật giáo truyền vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II Tây lịch, do các vị danh Tăng người Ấn Độ và Trung Hoa, như các ngài Ma Ha Kỳ Vực, ngài Khương Tăng Hội (người Ấn Độ), ngài Mâu Bác (người Trung Hoa). Trong thời gian xa xưa này, chúng ta không thể biết được các vị này thuộc tôn phái nào, và truyền vào Việt Nam giáo lý gì. Nhưng chúng ta có thể biết chắc là không phải phái Thiền tôn. Vì Thiền tôn ở Việt Nam là do Trung Hoa truyền sang. Mà Thiền tôn ở Trung Hoa thì phải đợi đến đầu thế kỷ thứ VI dưới đời Lương Võ Đế (528), Tổ Bồ Đề Đạt Ma mới đưa vào. Vậy thì nhất định là Thiền tôn ở Việt Nam chỉ có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ VI Tây lịch. Sự phỏng đoán này đã được lịch sử truyền giáo ở Việt Nam chứng minh. Vào năm 580 (cuối thế kỷ thứ VI) ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, lần đầu tiên truyền Thiền tôn vào Việt Nam, và là vị sơ tổ về Thiền tôn Việt Nam. Sau ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng có nhiều vị danh tăng khác đem truyền thiền tôn vào Việt Nam và nhờ đó, Việt Nam cũng có nhiều môn phái Thiền tôn như ở Trung Hoa. Một điều đặc biệt là ngoài những phái Thiền tôn ở Trung Hoa truyền sang, ngay ở nước ta, cũng có một phái Thiền tôn do một vị vua sáng lập, đó là phái Trúc Lâm mà vị sơ tổ là vua Trần Nhân Tôn.
Dưới đây, chúng ta tuần tự nói về các môn phái Thiền tôn ấy:
1.-Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi:
a). Vị Sơ tổ Thiền tôn ở Việt Nam:
Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, là đệ tử ngài Tăng Xáng (tam tổ Thiền tôn).
Lần đầu tiên gặp tổ Tăng Xáng ở núi Tư Không, thấy phong mạo của Tổ khác thường, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi sanh lòng kính phục, chắp tay đảnh lễ. Ngài đảnh lễ ba lần mà Tổ vẫn ngồi lim dim đôi mắt; chứ không nói gì hết (thiền cơ). Ngài đứng yên nghĩ ngợi một hồi, bỗng thấy trong người đổi khác, như tỏ ngộ được điều gì. Ngài liền sụp xuống lạy ba lạy. Tổ cũng chỉ gật đầu ba cái mà thôi (thiền cơ). Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, Ngài trở thành một trong số những đệ tử xuất sắc của Tổ Tăng Xáng.
Về sau, Tổ dạy ngài sang phương Nam để truyền đạo. Ngài vâng lịnh sang Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI, trụ trì tại chùa Pháp Vân ở tỉnh Hà Đông.
Khi sắp thị tịch Ngài gọi đệ tử là ngài Pháp Hiển vào phòng, phú chúc rằng:
“Tâm ấn cửa Phật, không có thể mập mờ được. Tâm ấn viên mãn như thái hư không thừa, không thiếu, không đến, không đi, không được, không mất, không phải đồng nhất, cũng không phải sai biệt, không thường cũng không đoạn, không sanh cũng không diệt, không xa cách không phải không xa cách. Chỉ vì đối với vọng nên giả đặt ra tên ấy (tâm ấn) mà thôi.
Chư Phật trong ba đời do đó (tâm ấn) mà được đạo. Lịch đại Tổ sư cũng do đó mà chứng ngộ. Ta đây cũng vậy, mà ông cũng thế, cho đến các loài hữu tình vô tình cũng đều như thế cả.
Khi đệ tam Tổ Tăng Xáng ấn chứng “tâm ấn” cho ta đã bảo rằng: “Ông nên sang phương Nam hoằng đạo, chớ ở đây làm gì”.
Do đó, ta đi trải qua bao nhiêu chỗ mới đến đây. Ta nay được gặp ông, thật đúng như lời huyền ký ấy. Vậy ông nên nhớ kỹ lời ta.
Giờ đây nhằm lúc ta đi rồi!”
Dạy xong, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi chắp tay ngồi yên lặng mà tịch diệt. Đệ tử trà tỳ (thiêu) rồi thu xá lợi xây tháp để thờ.
Về sau, vua Lý Thái Tôn có bài kệ truy tán ngài như sau:
Sáng tự lai Nam quốc
Văn quân cửu tập thiên
Ứng khai chư Phật tín
Viễn hợp nhất tâm nguyên
Hạo hạn Lăng già nguyệt
Phân phân Bát nhã liên
Hà thời hạnh tương kiến
Tương dữ thoại trùng huyền.
Dịch nghĩa:
Mở lối qua nước Việt
Nghe ngài thông thạo Thiền
Nguồn tâm thông một mạch
Cõi Phật rộng quanh miền
Lăng già ngời bóng nguyệt
Bát nhã nứt mùi sen
Biết bao giờ được gặp
Đàm đạo lẽ thâm huyền.
b). Ngài Pháp Hiển thiền sư, vị Tổ thứ hai của Thiền tôn Việt Nam:
Sau khi tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch, ngài Pháp Hiển là vị Tổ thứ hai của phái Thiền tôn Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ngài họ Đỗ, quê ở quận Chu Diên (Sơn Tây bây giờ). Khi tới chùa Pháp Vân, tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi thấy ngài, thì nhìn kỹ vào mặt mà hỏi:
– Chú họ gì?
Ngài Pháp Hiển hỏi lại:
– Hòa thượng họ gì?
Tổ lại hỏi:
– Chú không có họ à?
Ngài trả lời:
– Sao lại không có! Nhưng đố hòa thượng biết?
Tổ quát lên:
– Biết để làm gì?
Ngài Pháp Hiển chợt hiểu ý Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thiền cơ) liền sụp xuống lạy, xin theo làm đệ tử và sau được truyền tâm ấn.
Được ít lâu sau khi Tổ tịch, ngài vào núi Từ Sơn tu thiền định, những loài cầm thú thường quấn quýt chung quanh. Người đời thấy thế càng lấy làm lạ và kính mộ. Đệ tử tìm đến học đạo rất đông. Thiền tôn ở trong thời kỳ này có thể nói là thạnh nhất. Đó cũng nhờ công đức hoằng hóa của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi và ngài Pháp Hiển. Về sau phái này cũng có nhiều vị thiền sư xuất sắc như ngài Pháp Thuận, Vạn Hạnh, v.v…
2.-Phái Vô ngôn thông:
a). Vị Sơ tổ của phái Thiền tôn thứ hai ở Việt Nam
Ngài họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, xuất gia ở chùa Song Lâm (Triết Giang bây giờ). Tính ngài điềm đạm ít nói, nhưng sự lý gì cũng thông hiểu, nên người đời đặt danh hiệu cho ngài là Vô Ngôn Thông. Ngài là đệ tử của Bách Trượng thiền sư (đệ tử của Mã Tổ).
Khi ngài mới đến yết kiến Bách Trượng thiền sư, gặp lúc thiền sư đang dạy chúng tăng học. Một vị tăng hỏi Bách Trượng thiền sư rằng:
-Thế nào là pháp môn đốn ngộ của phái Đại thừa?
Bách Trượng thiền sư dạy rằng:
-Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu (nếu tâm địa được thông thì mặt trời huệ tự nhiên chiếu sáng).
Nghe được câu ấy, ngài Vô Ngôn Thông tự nhiên ngộ đạo. Năm 820, ngài qua Việt Nam tu tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng (Bắc Ninh). Ngài ngồi xây mặt vào vách, trọn ngày tham thiền nhập định. Ngài tu như thế mấy năm không ai biết, chỉ trừ vị sư ở chùa ấy là Cảm Thành thiền sư, biết ngài là bậc cao tăng đắc đạo trong phái Thiền tôn, nên tôn Ngài làm Thầy.
Trước khi tịch, ngài gọi Cảm Thành thiền sư mà bảo:
-Ngày xưa Tổ sư Nam Nhạc, khi sắp tịch có dặn lại bài kệ rằng:
“Nhất thế chư pháp, giai tùng tâm sanh,
Tâm vô sở sanh, pháp vô sở trú
Nhược đạt tâm địa, sở trú vô ngại
Phi ngộ thượng căn, thận vật khinh hứa.”
Nghĩa là: “Hết thảy các pháp, đều tự tâm sanh; tâm nếu không sanh, pháp không chỗ trú. Nếu hiểu được tâm địa ấy, thì làm việc gì cũng không trở ngại. Cái tâm pháp ấy, nếu không gặp được bậc thượng căn, chớ nên truyền bậy.”
Đó là lời dặn của người xưa, nay ta cũng dặn lại câu ấy.”
Nói xong Ngài chắp tay mà tịch.
b). Vị nhị tổ của phái Vô Ngôn Thông:
Cảm Thành thiền sư: Thiền sư quê ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) trụ trì tại chùa Kiến Sơ (Bắc Ninh).
Khi ngài Vô Ngôn Thông vân du qua đấy, thấy ngài có đủ tư cách để truyền mối đạo, nên ở lại. Và ngài Cảm Thành cũng nhận thấy ở ngài Vô Ngôn Thông một vị thiền sư đắc đạo, nên tôn làm thầy, sớm tối hầu hạ không hề trể nãi. Hai thầy trò rất mến nhau, do đó ngài Vô Ngôn Thông mới đặt cho ngài đạo hiệu là Cảm Thành.
Ngài Cảm Thành thật xứng đáng là người nối chí của ngài Vô Ngôn Thông. Một hôm có vị đệ tử hỏi ngài:
-Thế nào là Phật?
Ngài trả lời:
-Chỗ nào cũng là Phật cả.
Vị đệ tử lại hỏi:
-Thế nào là Tâm của Phật?
Ngài trả lời:
-Không hề che đậy chỗ nào.
Đây cũng là một câu chuyện nhỏ, nhưng nói lên được cái lối truyền thọ tâm pháp đặc biệt, tuy giản ước mà bao hàm nhiều ý nghĩa cao thâm vô cùng.
Ngài Cảm Thành không bệnh mà tịch, và truyền tâm pháp cho Thiện Hội thiền sư.
c). Vị tam tổ của phái Vô Ngôn Thông:
Ngài Thiện Hội thiền sư: Ngài Thiện Hội quê ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Ngài là đệ tử của Cảm Thành thiền sư, hầu thầy đã hơn 10 năm. Một hôm ngài vào phòng hỏi thầy:
-Trong kinh Phật có dạy: “Đức Thích Ca Như Lai từng tu hành trải vô số kiếp mới thành Phật, thế mà nay thầy cứ dạy rằng “tâm tức là Phật, Phật tức là tâm” là nghĩa làm sao? Thật đệ tử không hiểu, xin thầy dạy rõ cho.”
Cảm Thành thiền sư nói:
-Ngươi bảo trong kinh Phật nói thế là ai nói đó?
-Vậy lời ấy không phải là Phật thuyết sao?
-Lời ấy phải đâu là Phật thuyết. Kinh Văn Thù Phật có dạy: “Ta trú ở thế gian dạy chúng sanh 49 năm, chưa từng đặt ra một câu bằng văn tự để nói với ai bao giờ!”. Vì theo chánh đạo, nếu lấy văn tự làm bằng chứng để cầu đạo, ấy là nệ; lấy sự khổ hạnh để cầu Phật, ấy là mê; lìa tâm ra mà cầu Phật, ấy là ngoại đạo; mà cố chấp cái tâm ấy là Phật, cũng lại là ma vậy.
-Nếu bảo tâm ấy tức là Phật, thì trong tâm ấy, cái gì là Phật, cái gì là không phải Phật?
-Ngày xưa có người hỏi Mã Tổ rằng: “Nếu bảo tâm ấy là Phật, thì trong tâm ấy cái gì là Phật?” Mã Tổ trả lời: “Thế ông ngờ trong tâm ấy, cái gì không phải là Phật, hãy chỉ vào đấy cho tôi xem?” Người ấy không chỉ được. Mã Tổ lại tiếp: “Đạt được thì khắp mọi nơi chỗ nào cũng là Phật, mà không đạt được thì cứ sai lầm đi mãi mãi”. Thế là chỉ vì một lời nói nó che đi mà thành ra sai lầm đó thôi. Ngươi đã hiểu chưa?
Ngài Thiện Hội trả lời:
-Nếu vậy đệ tử hiểu rồi.
-Ngươi hiểu thế nào?
-Đệ tử hiểu rằng khắp hết mọi nơi chỗ nào cũng là tâm Phật cả.
Nói xong Thiện Hội thiền sư sụp xuống lạy.
Ngài Cảm Thành nói:
-Thế là người hiểu tới nơi rồi đó.
Do sự lãnh hội mau chóng đó mà ngài Cảm Thành mới đặt cho đệ tử mình đạo hiệu Thiện Hội, nghĩa là “khéo hiểu”.
Trên đây là một vài câu chuyện về đốn ngộ mà chúng ta thường thấy trong các vị thuộc phái Thiền tôn.
Sự truyền pháp từ thầy đến trò trong phái Vô Ngôn Thông diễn ra như thế được 15 đời. Đến đời cư sĩ Ứng Thuận (1221) là cuối cùng.
3.-Phái Thảo Đường:
Năm Kỷ Dậu (1069) vua Lý Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành về có bắt được vua nước ấy là Chế Cũ và rất nhiều thường dân và binh lính. Số binh lính và thường dân này được phân phát cho các quan trong triều đình để làm quân hầu. Trong số các quan triều có một vị Tăng Lục. Một hôm vị này đi vắng về thấy bản “Ngữ lục” của mình bị một tù binh sửa chữa lại cả. Hỏi ra thì mới biết đó là một vị thiền sư người Trung Hoa theo thầy qua Chiêm Thành, chẳng may bị bắt làm tù binh. Vị thiền sư ấy chính là ngài Thảo Đường, đệ tử của ngài Tuyết Đậu Minh Giác ở Trung Hoa.
Khi biết tung tích của Thảo Đường thiền sư, vua Thánh Tôn liền sắc phong cho ngài làm Quốc Sư. Ngài Thảo Đường lập đàn khai giảng ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Đệ tử đến học rất đông. Ngài Thảo Đường lập ra thành một phái Thiền tôn thứ ba ở Việt Nam. Phái Thảo Đường truyền xuống được năm đời, đắc đạo cả thảy được mười chín vị.
4.-Phái Trúc Lâm
Đệ nhất tổ của phái Trúc Lâm tức là vua Trần Nhân Tôn (1278_1308), ngài mộ đạo khi còn nhỏ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử, ngài cố nhường lại cho em nhưng không được, nên trèo thành trốn đi, định vào tu ở núi Yên Tử, nhưng ngài mới đi nửa đường thì bại lộ tung tích, bị vua cha sai quan đi bắt về. Sau ngài lên làm vua, trở thành một vị anh quân và giữ vững độc lập nước nhà trước sự xâm lăng của quân Nguyên. Sau khi đuổi được giặc Nguyên, ngài truyền ngôi lại cho con là Anh Tôn, và vào tu ở núi Yên Tử, thực hiện chí nguyện thuở thiếu thời của mình. Ngài lấy hiệu là “Hương Vân Đại Đầu Đà” lập trường giảng pháp, môn đồ tìm đến tu học kể có hàng vạn người. Ngài thường đi khắp nơi để giảng đạo và phát thuốc. Ngài tịch một cách rất bình tĩnh vào lúc 51 tuổi.
Trong các phái Thiền tôn ở Việt Nam, chỉ có phái Trúc Lâm là phát tích tại đất nước Việt. Trong phái này, cũng có nhiều vị thiền sư có tiếng tăm như ngài Pháp Loa tôn sư, ngài Huyền Quang tôn sư, v.v…
5.-Phái Lâm Tế
Phái Lâm Tế do ngài Nguyên Thiều khai sáng tại Trung Việt. Ngài họ Tạ, quê ở Quảng Châu (Trung Hoa). Ngài đi theo tàu buôn qua và trú ở phủ Qui Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà, mở trường truyền dạy. Sau ngài ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng.
Sau một thời gian truyền đạo ở Việt Nam, ngài phụng mệnh vua Anh Tôn trở về Trung Hoa tìm mời danh Tăng và cung thỉnh pháp tượng pháp khí. Ngài thỉnh được Hòa Thượng Thạch Liêm và các danh tăng khác trở về Việt Nam mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Sau đó chúa Nguyễn sắc ban ngài giữ chức Trụ trì chùa Hà Trung.
Năm Bảo Thái thứ 10 nhà Lê, ngài tịch tại chùa Hà Trung, sau khi dặn dò đệ tử và truyền lại bài kệ sau đây:
Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không
Đại ý: Thể pháp thân thanh tịnh sáng suốt như bức gương sáng không bụi, như hạt minh châu trong sáng bóng ngời. Tuy hiện tiền các sự vật sai khác, nhưng đều là thể pháp thân hiển hiện. Thể pháp thân thường vắng lặng, mà không phải là không, tức là lý “chơn không diệu hữu”.
Xét trong “Lịch truyền Tổ đồ” thì ngài đứng về đời 69, xét về chánh thống phái Lâm Tế thì ngài đứng về đời 33, còn xét riêng về phái Lâm Tế ở Trung Việt thì ngài là Sơ Tổ.
6.-Phái Liểu Quán
Phái Liểu Quán xuất phát từ Liểu Quán Hòa Thương. Ngài Liểu Quán quê ở Phú Yên (Sông Cầu). Ngài ra Thuận Hóa thọ giới Sa Di với ngài Thạch Liêm Hòa Thượng. Năm 1702, ngài đến Long Sơn cầu học pháp tham thiền với ngài Tử Dung Hòa Thượng (Tổ khai sơ chùa Từ Đàm Huế, người Trung Hoa).
Tổ Tử Dung dạy ngài tham cứu câu: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ”, (muôn pháp về một, một về đâu?). Ngài tham cứu mấy năm, đến khi xem bộ Truyền Đăng Lục, thấy có câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhơn bất hội xứ”. Ngài liền tỏ ngộ, năm 1742, cuối mùa thu, ngài thọ bịnh. Trước khi lâm chung, ngài gọi môn đồ đến dạy rằng: “Nhơn duyên đã hết, ta sắp chết đây”.
Thấy môn đồ khóc, ngài dạy rằng: “Các người khóc làm gì? Các Đức Phật ra đời còn nhập Niết Bàn. Ta nay đi đến rõ ràng, về có chỗ. Các người không nên khóc và đừng buồn thảm”.
Rồi ngài viết bài kệ từ biệt sau đây:
Thất thập dư niên thế giới trung,
Không không, sắc sắc diệu dung thông
Kim triêu nguyệt mãn, hoàn gia lý
Hà tất bôn ba vấn tổ tông.
Dịch nghĩa:
Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
Không không, sắc sắc thảy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ
Nào phải ân cần hỏi tổ tông.
Viết xong, ngài bảo môn đồ:
-Sau khi ta đi, các người phải nghĩ cơn vô thường nhanh chóng, cần phải siêng năng tu học. Các người hãy cố gắng tới chớ bỏ qua lời ta.
Ngài tịch vào ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742), vào giờ Mùi, sau khi dùng nước trà xong và vui vẻ từ biệt môn đồ.
Đến đây chúng ta cũng nên nhận định cho rõ ràng điểm này: Như chúng tôi đã nói ở đoạn trước, Thiền tôn do người Việt sáng lập chỉ có một phái độc nhất do vua Trần Nhân Tôn làm Sơ Tổ là phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhưng đến đây, chúng ta lại thấy phát xuất một phái nữa là phái Liểu Quán, do ngài Liểu Quán một danh tăng Việt Nam chủ xướng. Như vậy có mâu thuẫn với sự nhận xét ở trên không? Thật ra, so với các phái Thiền tôn khác ở Việt Nam, thì phái Liểu Quán chỉ là một phái nhỏ, nằm trong phạm vi mấy tỉnh miền Trung-Việt.
Vả lại, ngài Liểu Quán cũng là đệ tử của ngài Tử Dung, một vị sư Trung Hoa thuộc phái Lâm Tế. Do đó, phái Liểu Quán, nếu chúng ta đi tìm nguồn gốc xa hơn một chút nữa, thì cũng chỉ là một nhánh của phái Lâm Tế mà thôi.
_HẾT TẬP 4_PHẦN 4_