BẢN ĐỒ TU PHẬT_THIỀN TÔN_ĐẠI THỪA THIỀN_TẬP 4_PHẦN 3
HAI PHÁI_NĂM DÒNG (tt)
1.-Dòng Lâm Tế:
a)-Sự truyền thừa của Dòng Lâm Tế tuần tự như sau:
-Hoài Nhượng Thiền Sư
-Đạo Nhứt Thiền Sư (họ Mã, tục gọi là Mã Tổ)
-Bách Trượng Thiền Sư (Hoài Hải)
-Huỳnh Nghiệt Thiền Sư (Hy Vân)
-Lâm Tế Nghĩa huyền
b)-Sự truyền pháp (thiền cơ) của tôn Lâm Tế:
Như đã nói ở phần đầu, sự truyền pháp của phái Thiền Tôn thật khó mà hiểu được đối với người thường. Chẳng hạn như trong phái Lâm Tế, sự truyền pháp chỉ dùng thiền trượng đánh và hét to lên, mà làm cho thiền giả được ngộ đạo. Cái lối khai ngộ này khởi đầu từ ngài Huỳnh Nghiệt Thiền Sư:
Để cầu giác ngộ, một hôm ngài Lâm Tế hỏi ngài Huỳnh Nghiệt:
-Sao gọi là đại ý Phật pháp?
Ngài Huỳnh Nghiệt liền lấy thiền trượng đánh ngài Lâm Tế một cái. Ba lần ngài Lâm Tế hỏi, ba lần đều bị đánh như thế.
Ngài Lâm Tế lấy làm bối rối, không hiểu ý nghĩa làm sao, nên đến tham học với ngài Đại-Ngu thiền sư, nhờ thế ngài Lâm Tế mới ngộ được tôn chỉ của ngài Huỳnh Nghiệt.
Từ đó về sau, dòng Lâm Tế mỗi khi khai ngộ cho đệ tử, đều dùng phương pháp đánh và hét ấy.
Ngài Lâm Tế nói:
“Có khi hét một tiếng như bửu kiếm kim cang vương, có khi hét một tiếng như sư tử dậm chân, có khi hét một tiếng như quơ cây nơi bóng cỏ, có khi hét một tiếng, không khởi cái dụng của tiếng hét”.
Bởi thế nên người đời gọi là “Lâm-Tế tứ yết” (bốn tiếng hét của Lâm-Tế).
Dòng Lâm-Tế về sau lại chia làm hai nhánh: Dương Kỵ và Huỳnh Long. Từ đời Tống về sau, dòng Lâm-Tế rất thạnh hành. Cho đến ngày nay về Thiền tôn trong các đại tòng lâm, phần nhiều là dòng Lâm-Tế.
2.-Dòng Qui Ngưỡng:
Tổ Bách Trượng thiền sư truyền cho ngài Linh Hựu thiền sư ở núi Qui Sơn đất Đàm Châu. Ngài Linh Hựu truyền cho ngài Qui Ngưỡng Huệ Tịch.
Ngài Qui Ngưỡng là một vị thiền sư đắc đạo, sự mầu nhiệm của ngài không ai có thể lường được. Ảnh hưởng của ngài rất lớn, vì thế cho nên người ta đã lấy tên ngài để đặt tên cho cả một dòng thiền tôn. Sự truyền đạo của ngài cũng rất kỳ lạ. Mỗi khi có ai hỏi đến đạo thì ngài Qui Ngưỡng chỉ vẽ tướng trâu, hoặc vẽ tướng người, tướng Phật hay chữ vạn, mà người được ngộ đạo.
3.-Dòng Tào Động:
Sự truyền thừa của tôn này thứ tự như sau:
a). Ngài Thanh Nguyên thiền sư.
b). Ngài Hy Thiên thiền sư, tức ngài Thạch đầu hòa thượng.
c). Ngài Dược Sơn thiền sư.
d). Ngài Vân Nhâm thiền sư.
đ). Ngài Lương Giới thiền sư ở núi Đông Sơn.
e). Ngài Bổn Tịch thiền sư ở núi Tào Sơn.
Ngài Vân Nhâm thiền sư đã dùng pháp Bửu Cảnh tam muội, truyền cho ngài Lương Giới (Đông Sơn), ngài Lương Giới cũng dùng pháp này để truyền cho ngài Bổn Tịch (Tào Sơn).
4.-Dòng Vân Môn:
Sự truyền thừa của tôn này thứ tự như sau:
a). Ngài Thạch Đầu thiền sư
b). Ngài Thiên Hoàng
c). Ngài Long Đàm
d). Ngài Đức Sơn
đ). Ngài Tuyết Phong
e). Ngài Vân Uyển thiền sư ở đất Thiều Châu, Vân Môn.
Cách truyền pháp của ngài Vân Uyển (Vân Môn) cũng rất kỳ lạ, ít ai hiểu được nghĩa lý: ai đến hỏi đạo thì Ngài chỉ nói một chữ “Dám”. Nếu người cầu đạo còn ngần ngại không hiểu thì Ngài nói thêm: “Di”. Vì Ngài chỉ đáp có một chữ như thế cho người cầu đạo, nên người đời gọi phép quán của Ngài là “nhứt tự quán” (quán sát cái lý trong một chữ Dám hay chữ chữ Di).
5.-Dòng Pháp Nhãn:
Sự truyền thừa của tôn này thứ tự như sau:
a). Ngài Tuyết Phong thiền sư
b). Ngài Huyền Sa thiền sư
c). Ngài Xa Hán thiền sư
d). Ngài Vân Ích thiền sư.
Phương pháp khai thị cho người đến cầu đạo của ngài Vân Ích thiền sư là dùng sáu tướng trong kinh Hoa Nghiêm sau đây:
-Tổng tướng: tức là muốn nói đến chơn như nhứt tâm.
-Biệt tướng: tức là các duyên sanh khởi từ chơn như nhứt tâm.
-Đồng tướng: các pháp đều đồng như nhau.
-Dị tướng: tùy theo mỗi tướng không bình đẳng.
-Thành tướng: dựng lập ra cảnh giới.
-Hoại tướng: vị trí không đồng tức là hoại tướng.
_Hết_Phần 3_Tập 4_