BẢN ĐỒ TU PHẬT_TẬP 10_CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA_P.07 ./.


TẬP X: CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA

D.-NHẤT THỪA HAY TỐI THƯỢNG THỪA CŨNG GỌI LÀ PHẬT THỪA
Như chúng tôi đã nói trong lời mở đầu, Đạo Phật dù có bao nhiêu pháp môn, bao nhiêu con đường, nhưng rút lại chỉ còn một con đường chung, dẫn đến một mục đích cuối cùng. Đó là con đường này cũng gọi là Tối Thượng Thừa, nghĩa là con đường cao nhất, đưa đến tột đỉnh.
Chúng ta nên nhớ rằng, dù chúng ta có kẻ tu theo Nhơn-thừa, có kẻ tu theo Thiên-thừa, có kẻ Thanh-Văn, Duyên-Giác hay Bồ-Tát thừa, nhưng chúng ta đều nhắm về một hướng, cùng đi một chiều, như trăm sông, lớn nhỏ, sâu cạn, đục trong, khác nhau, nhưng cũng đều chảy ra biển Đại-dương. Những con sông ấy, không thể đi ngược chiều được. Bộ hành tùy theo phương tiện, sức khỏe, hoàn cảnh, có kẻ đi chậm, người đi nhanh, có kẻ đi xe người đi bộ, có kẻ đi hết mỗi chặng đường, lại dừng lại nghỉ ngơi, có kẻ mong cho mau đến đích nên đi một mạch, dù khó nhọc bao nhiêu cũng không dừng nghỉ. Nhưng dù sao, họ cũng không thể đi ngược chiều nhau mà tự bảo rằng: “Chúng tôi đều đi về phương Đông, phía mặt trời mọc” được. Họ chỉ có thể khác nhau ở phương tiện, không thể khác nhau ở mục đích cuối cùng. Mặc dù họ là người quốc tịch nào đi nữa, khi muốn đi vào nước Phật, thì phải có một giấy thông hành giống nhau, cùng đóng một khuôn dấu giống nhau, đó là “Tâm pháp ấn”, nếu đặc biệt Đại-thừa thì “Nhất thật tướng ấn”. Không thể tự xưng là Phật-tử mà không chấp nhận sự vô thường, vô ngã, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật và thật tướng.
Mục đích thành Phật là mục đích cao nhất, là mục đích tối thượng; do đó mà có danh từ “Tối Thượng Thừa” để chỉ con đường đi đến quả vị Phật. Các vị Bồ-tát mặc dù có đủ thần thông diệu dụng, đã tự giác và tự tha, có chí nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, nhưng chưa thể gọi được là Phật. Chỉ có thể gọi là Phật, các đấng đã tự giác, giác tha và sau khi giác hạnh đã viên mãn. “Giác hạnh viên mãn” là một điều kiện vô cùng khó khăn, mà ngoài các vị Phật, không ai có thể thực hiện được. Tất nhiên, để có được giác hạnh viên mãn, cần phải trải qua không biết bao nhiêu thời gian đời kiếp. Nhưng dù sao, đối với các vị Phật, thời gian cũng trở thành vô nghĩa. Vì quan niệm về thời gian, cũng như về không gian, chỉ có đối với chúng sanh, chứ không có đối với Phật, Đức Phật là những vị đã thể nhập với bản thể, vượt ra ngoài sự tương đối, không thể dùng ngôn ngữ, danh từ, hay một hình thức nào trong cõi đời tương đối này mà hình dung một cách rốt ráo được. Chỉ có thể ý niệm một cách khái quát rằng: Quả vị Phật là một quả vị cao nhất đối với các ngoại đạo. Đến địa vị này, tức là được hoàn toàn giải thoát, hoàn toàn giác ngộ, có đầy đủ thần thông, tự tại, có đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

TỔNG KẾT
VỀ TOÀN BỘ BẢN ĐỒ TU PHẬT
Đây là tập sách cuối cùng trong toàn bộ, 10 tập của “Bản Đồ Tu Phật”. Chúng tôi thành tâm cảm tạ và tán thán tinh thần cần học của quý vị đọc giả, đã theo dõi chúng tôi để tìm hiểu Phật Giáo qua 10 tập sách của “Bản Đồ Tu Phật”. Tuy 10 tập này chỉ có tánh cách như những tập bài giảng, không có gì là đồ sộ lớn lao, nhưng người đọc, dù có trí nhớ bao nhiêu, cũng khó có thể nhớ hết tất cả. Vả lại, những con đường tu của Đạo Phật, như đã trình bày, nhiều vô số, có cái ngắn, cái dài, cái ngang, cái dọc, cái hẹp, cái rộng, cái thẳng, cái cong, cái ẩn, cái hiện. Do đó, người đọc có thể bị lòa mắt, khi mới nhìn vào. Và dù có thấy rõ từng cái một, cũng khó có thể nhớ tất cả. Nhất là đối với những người chưa quen đọc bản đồ, chưa nắm được phương pháp đọc bản đồ, thì khi đi đường, cũng cứ bị lạc như thường.
Bởi ý nghĩ đó, trước khi tạm rời quý đọc giả thân mến, chúng tôi thấy có bổn phận ôn lại một cách tổng quát những con đường mà chúng tôi đã giới thiệu từ tập đầu cho đến tập cuối, và giản dị hóa Bản Đồ Tu Phật. Đã gọi là ôn lại, thì chẳng có gì là mới lạ cả. Tuy thế, nó sẽ giúp cho quý vị đọc giả có một cái nhìn tổng quát, quán xuyến để nhận định vị trí của mình. Đã gọi là giản dị hóa, tất nhiên những chi tiết rườm rà, phức tạp sẽ bị loại bỏ, nhưng cũng chính như thế mà quý đọc giả sẽ thấy được rõ ràng những nét đại cương, những con đường chính, hay đại lộ.
Những đại lộ này có thể chia làm các loại như sau:
-Con đường tu của quảng đại quần chúng: Con đường này, đúng ra, chẳng phải riêng của Đạo Phật. Những ai có ý muốn sửa đổi tâm tánh, ăn ở lương thiện, có đạo đức, biết phải trái, đều có thể đi vào con đường này.
-Con đường tu thông thường của Phật-tử: Đây là con đường dành cho những ai đã có biết đến Phật, đi chùa, thọ tam quy ngũ giới, làm những việc thông thường của một Phật-tử tại gia.
-Con đường tu chuyên môn của các tu sĩ: Con đường này dành riêng cho những người đã xuất gia. Nó có tánh cách riêng biệt, chuyên môn, thiên về một khía cạnh nào đó, một bộ môn nào đó trong các kinh điển. Loại đường này có nhiều sắc thái kỳ lạ, mà người sơ cơ không thể hiểu nỗi, hay có thể bị lạc đường, nếu dấn thân vào; con đường này gồm có nhiều ngành như sau:
1.-Luật Tôn
2.-Tịnh Độ Tôn
3.-Thiền Tôn
4.-Duy Thức Tôn
5.-Mật Tôn
6.-Pháp Hoa Tôn
7.-Hoa Nghiêm Tôn
8.-Tam Luận Tôn
9.-Câu Xá Tôn
10.-Thành Thật Tôn
-Con đường tu của các thừa: Con đường này là con đường thường được Phật-tử biết đến nhiều nhất. Nó gồm năm giai đoạn, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó, mà mục đích cuối cùng là hướng đến Phật quả.
Năm giai đoạn đó là:
1.-“Nhơn-thừa”, mà mục tiêu là sanh lại làm người kiếp sau.
2.-“Thiên-thừa”, mà mục tiêu là sanh lên cõi trời.
3.-“Thanh-Văn thừa”, mà mục tiêu là chứng được A-La-Hán.
4.-“Duyên-Giác thừa”, mà mục tiêu là chứng quả Độc-Giác hay Bích-Chi-Phật.
5.-“Bồ-tát thừa”, mà mục tiêu là chứng quả Bồ-tát.
Năm giai đoạn này, nếu phân chia một cách tóm tắt thì chỉ còn lại ba bực hay Tam-thừa là:
1.-Tiểu-thừa 2.-Trung-thừa 3.-Đại-thừa
Nếu đem phân loại một cách tóm tắt hơn nữa thì chỉ còn có hai bực hay Nhị-thừa là:
1.-Tiểu-thừa và 2.-Đại-thừa
Nhưng Tiểu-thừa hay Đại-thừa thì mục đích cuối cùng cũng là hướng đến quả Phật. Mọi Phật-tử dù khởi hành từ một điểm nào đi nữa, thì rồi cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm duy nhất là quả vị Phật.
Do đó, sau khi loại ra tất cả những sự dị biệt, những màu sắc sai khác, Phật-giáo chỉ còn một con đường rộng lớn duy nhất là Phật-thừa.
Thưa quý đọc giả, “Bản Đồ Tu Phật” đến đây đã hoàn thành. Quý vị đã thấy rõ tất cả những con đường trên bản đồ đó, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Quý vị không thể lầm lạc được nữa. Giờ đây là giai đoạn quyết định của quý vị. Quý vị hãy lựa chọn lấy con đường mà quý vị muốn đi. Tất nhiên quý vị phải hết sức thận trọng, suy xét, cân nhắc cho kỹ lưỡng, xem con đường nào sẽ thích hợp với căn cơ, khả năng ý thích của quý vị. Sau đó, quý vị hãy chuẩn bị tư lương, hành lý, rồi mạnh dạn cất bước lên đường. Có nhìn thấy rõ con đường mình sắp đi, và chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với mọi sự bất trắc thì cuộc hành trình xa vạn dặm mới khỏi dỡ dang.
Cầu chúc quý vị gặp may mắn trên đường và chóng đến đích tốt đẹp.

*****HẾT*****

BẢN ĐỒ TU PHẬT
Đã Giảng tại Hội Phật Học Nam Việt ngày 09/03/1958
Phật Học Đường Nam Việt ngày 30/03/1958