BẢN ĐỒ TU PHẬT_TẬP 10_CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA_P.05


TẬP X: CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA

V.- CON ĐƯỜNG TU CỦA BỒ-TÁT THỪA
Đây là con đường rộng rãi xa xăm nhất trong năm con đường hướng đến cõi Phật. Chỉ những người căn cơ vững chắc, chí nguyện lớn lao, ý chí dũng mãnh mới dám dấn bước trên con đường vạn dặm này. Cho nên những người nào muốn đi con dường này, trước tiên phải tự lượng sức mình, xem thường mọi sự gian khổ trên đời này, xem thường tài sản và tánh mạng; phải có một quan niệm rộng lớn: cho rằng mình và chúng sanh không khác, chúng sanh đau khổ là mình đau khổ, mình sung sướng thì cũng phải làm cho chúng sanh sung sướng như mình, và nhất là phải Phát Bồ-Đề-Tâm, nghĩa là phát tâm rộng lớn vô cùng tận, mà nội dung, gồm trong bốn lời nguyện sau đây:
1.- Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ hết
Chúng sanh tức là tất cả loài hữu tình, có sự sống trên thế giới này. Số lượng của chúng sanh nhiều như cát sông Hằng, không thể đếm được. Chúng sanh lại gồm rất nhiều chủng loại, mỗi chủng loại lại gồm nhiều căn cơ, nhiều nghiệp duyên, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng mặc dù chúng sanh số lượng nhiều không thể kể xiết và tánh chất phức tạp như thế, người theo Hạnh Bồ-tát Thừa cũng nguyện độ cho tất cả.
2.- Phiền não không tận, thệ nguyện đều dứt sạch
Từ vô thỉ đến nay, chúng sanh gây tạo không biết bao nhiêu phiền não; những phiền não này tánh chất cũng lại phức tạp, từ thô thiển cho đến vi tế, từ nông cạn cho đến sâu kín trong lòng, thật là vô cùng tận. Nhưng người tu theo Hạnh Bồ-tát Thừa, cương quyết thệ nguyện sẽ trừ diệt cho thật sạch.
3.- Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học
Chúng sanh đã vô lượng, phiền não đã vô cùng, thì pháp môn để đối trị, tất nhiên cũng phải nhiều vô số kể. Do đó, có thành ngữ “ba vạn sáu ngàn pháp môn”, để chỉ rõ cho số lượng lớn lao của các pháp môn, mà Đức Phật đã chế ra. Mặc dù pháp môn nhiều không xiết kể, nhưng một khi hành giả tu theo Bồ-tát Thừa cũng nguyện tu học cho hết.
4.- Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành
Thành tựu được quả vị Phật tức là một quả vị cao thượng nhất, nhưng cũng khó khăn nhất. Tuy thế, người tu theo Hạnh Bồ-tát Thừa, quyết đi đến chỗ viên mãn hoàn toàn, chứ không chịu dừng nghỉ khi chưa đến đích cùng tột.
Hành giả mỗi ngày, mỗi lúc phải luôn luôn nhớ nghĩ, tụng đọc Bốn lời thệ nguyện ấy, không bao giờ được xao lãng. Có được một sự phát tâm rộng lớn như thế rồi, hành giả mới có đủ sức để vượt qua muôn ngàn gian khổ, khó khăn đang chờ đợi mình trên con đường hành đạo, để đi đến quả vị viên mãn, cao thượng cùng tột nói trên.
Pháp môn tu luyện của Bồ-tát nhiều không xiết kể (xem Bản Đồ Tu Phật, quyển IX), trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin nói đến pháp môn mà các vị tu theo Bồ-tát Thừa, thường hạ thủ công phu nhiều nhất, tức là pháp Lục Độ. Lục Độ hay Ba-La-Mật, nghĩa là vượt qua, đi đến chỗ hoàn toàn. Chúng sanh sống trong cảnh Dục Giới, chẳng khác gì những nạn nhân bị chìm tàu, đang lặn hụp ngoi ngóp trong biển khổ tối tăm. Pháp môn này như con thuyền có công năng cứu vớt được những nạn nhân sắp chết đuối ấy, để đưa vào bờ sáng sủa, yên vui, xa lìa mọi nguy hiểm tối tăm, trong biển đời đau khổ.
Lục Độ ấy là:
1). Bố Thí : Bố thí là đem công, của, tất cả những gì mình có, ban bố cho mọi người.
Thấy người thiếu cái gì mà mình có, thì liền đem cho, không kể đó thân hay sơ, bạn hay thù, đồng một chủng tộc hay khác chủng tộc.
Bố thí có ba loại:
a). Tài Thí: Bố thí bằng tiền tài, vật dụng, thân mạng.
b). Pháp Thí: Bố thí bằng chánh pháp, nghĩa là đem chánh pháp phá trừ mê muội, tà kiến, chấp trước của chúng sanh.
c). Vô Úy Thí: Bố thí bằng cách đem lại cho người khác sự không sợ hãi, sự bình tâm, tỉnh trí trước mọi nguy nan, tai biến.
2). Trì Giới : Trì giới là giữ gìn, không phạm các điều bất thiện, như không nghĩ các điều ác, không làm các việc ác.
Giới Luật rất nhiều, nhưng có thể phân chia làm ba loại:
a)-Nhiếp Luật Nghi Giới: là giữ gìn các giới luật oai nghi của Phật đã chế, để ngăn ngừa những tội lỗi về thân, khẩu, ý.
b)-Nhiếp Thiện Pháp Giới: là thực hành những việc thiện, có lợi ích cho mình và người, như thực hành 10 điều thiện, bố thí, ái ngữ, v.v…
c)-Nhiêu Ích Hữu Tình Giới: là hóa độ, cứu khổ cho toàn thể loài hữu tình trong thế gian.
Tóm lại, có thể nói chung rằng: trì giới tức là ngăn ngừa các điều ác, không cho phát sanh và thi hành các điều thiện. Nhờ sự trì giới mà ba nghiệp được thanh tịnh, các thiện công đức phát sanh, chúng sanh được lợi lạc.
3). Nhẫn Nhục : Nhẫn nhục là giữ cho lòng mình bình lặng trước mọi hoàn cảnh, không phẫn uất trước nghịch cảnh, không bị lôi cuốn trước thuận cảnh, an nhiên trước thành công hay thất bại.
Nhẫn nhục có thể chia làm bốn loại:
a)-Thuận sanh Nhẫn: là không kiêu căng tự đắc trước sự thán phục, cung kính của chúng sanh.
b)-Nghịch sanh Nhẫn: là không bực tức, thù ghét trước sự chửi mắng, đánh đập của chúng sanh.
c)-Nội Pháp Nhẫn: là nhẫn nhục đối với những phiền não bên trong. Không để cho lòng mình bị xao động vì những tánh xấu xa, như tham, sân, si v.v…
d)-Ngoại Pháp Nhẫn: là xem thường không than phiền, phẫn uất trước những cảnh đói rét, những sự đánh đập, áp bức thân thể.
Tóm lại, nhẫn nhục là chịu đựng, bình tĩnh đối với tất cả mọi trường hợp, dù nghịch hay thuận, dù được khen hay bị chê, dù từ bên trong phát ra, hay từ bên ngoài đưa đến, dù tinh thần hay vật chất.
4). Tinh Tấn : Tinh là tinh thuần, không ô nhiễm, Tấn là đi tới luôn luôn. Tinh tấn nghĩa là luôn luôn nhất tâm tiến tới mục đích giải thoát và giác ngộ, không để cho các nhiễm ô chi phối, không bao giờ sờn lòng, nhụt chí dù cho gặp nghịch cảnh khó khăn bao nhiêu.
Tinh tấn có thể chia làm bốn loại:
a)-Đối với các điều ác chưa sanh, tinh tấn giữ gìn không cho phát sanh.
b)-Đối với các điều thiện chưa sanh, tinh tấn làm cho mau phát sanh.
c)-Đối với các điều ác đã sanh, tinh tấn diệt trừ.
d)-Đối với các điều thiện đã sanh, tinh tấn làm cho mau tăng trưởng.
Tóm lại, tinh tấn có công năng làm cho các điều ác bị diệt trừ, làm cho các điều thiện tăng trưởng, để hành giả đến đạo quả giải thoát và giác ngộ.
5). Thiền Định : Thiền là quán sát để diệt trừ các vọng duyên điên đảo; Định là để tâm chuyên chú vào một cảnh sở quán. Thiền định là chuyên tâm chú ý vào một cảnh nhất định, để tìm ra sự thật rồi dựa vào đó mà tu hành.
Thiền định, gồm nhiều pháp quán, như:
a)-Quán Sổ Tức : là chuyên tâm quán sát hơi thở không để cho vọng niệm xen vào.
b)-Quán Bất Tịnh : là quán sát sự xấu xa, dơ bẩn trong mọi sự vật ở đời, chẳng hạn như quán sát thân thể chúng ta, thấy mọi cơ quan trong người đều không có gì là đẹp đẽ, trong sạch, càng về già lại càng xấu xa, và khi chết thì lại không có gì thối tha nhơ nhớp bằng.
c)-Quán Từ Bi : là chuyên tâm nhớ nghĩ đến tình thương; lan trải lòng từ bi trên mọi loài, mọi vật, như tình mẹ đối với con cái.
d)-Quán Nhân Duyên : là quán sát tất cả các pháp trong thế gian, từ vi trần đến sơn hà đại địa, đều do nhiều nhân duyên hòa hợp mà thành, chứ không phải do một đấng tạo hóa nào sinh ra. Bởi do nhân duyên hòa hợp, nên cũng do nhân duyên mà tan rã, chứ không có cái gì là vĩnh viễn trường tồn.
e)-Quán Niệm Phật : là chuyên tâm tưởng niệm đến chư Phật, tưởng niệm đến những đức tướng của Phật, để bắt chước và để cho tâm khỏi tán loạn theo vọng niệm.
Tóm lại, các môn quán trên này, có công năng rất lớn. Nhờ các pháp quán mà hành giả có thể kềm chế được tham dục, giữ cho tâm khỏi loạn động, trừ nóng giận, tăng tình thương, thêm trí huệ … (xem Bản Đồ Tu Phật, tập III và IV).
6). Trí Huệ : Trí Huệ tức là trí sáng suốt, nhận chân đúng đắn sự thật, biết phân biệt tà, chánh, hư thật, phá trừ được màn vô minh dày đặc, đã lâu đời lâu kiếp che kín thực thể của vũ trụ nhân sinh.
Trí huệ có thể phát triển được, do:
a)-Văn Huệ : nghĩa là chuyên nghe, học hỏi chánh pháp chánh lý.
b)-Tư Huệ : nghĩa là suy nghiệm, tư duy về chánh pháp, chánh lý.
c)-Tu Huệ : nghĩa là thật hành, tu luyện theo chánh pháp, chánh lý. Tóm lại, trí huệ là trí sáng suốt, có công năng diệt trừ vô minh, soi sáng sự thật. Trí huệ này do chuyên nghe, suy nghiệm và thực hành đúng theo chánh pháp mà phát chiếu.
Như chúng tôi vừa trình bày ở đoạn trên, trong các pháp môn tu luyện của hàng Đại-thừa Bồ-tát, Lục-độ, hay Sáu pháp Ba-la-mật là pháp môn thường được áp dụng một cách có hiệu quả nhất. Chư Phật và chư Bồ-Tát viên mãn được công hạnh tư lợi và lợi tha phần nhiều đều lấy pháp Lục-độ này làm căn bản.

_HẾT_ P.05 – Tập 10_