BẢN ĐỒ TU PHẬT_TẬP 09_ĐẠI THỪA BỒ TÁT-P.05


CON ĐƯỜNG TU CỦA BẬC ĐẠI THỪA BỒ TÁT (Phần 05)

IV.-NHỮNG GƯƠNG SÁNG TRONG HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC VỊ BỒ TÁT

1.-Ngài Thiện-Tài Bồ-tát
Trong Kinh Hoa-Nghiêm về phẩm “Thiện-Tài ngũ thập tam tham” có chép về sự tu hành của Ngài Thiện-Tài, đại ý như sau:
Ngài Thiện-Tài, sau khi theo học với Ngài Văn-Thù, ngộ được căn-bản-Trí rồi, thì đi tìm các vị Thiện-tri-thức khác để tu học, hầu chứng ngộ được sai-biệt-Trí. Mỗi khi Ngài đến tham học với một vị Thiện-tri-thức và ngộ được một pháp-môn rồi, vị này lại giới thiệu Ngài đến học với một vị Thiện-tri-thức khác. Ngài đã đi tham học như thế với đầy đủ các hàng Thiện-tri-thức. Khi thì Ngài đến học Đạo với một vị vua hung ác; vị vua này là một Bồ-tát thị hiện, dùng những phương-tiện đánh khảo để thức tỉnh những người hung ác, khiến họ hồi tâm hướng thiện. Mục đích của Ngài Thiện-Tài khi đến tham học với các vị vua này là cốt để xem mình có thật ngộ được pháp “quán như huyễn” không. Nếu khi bị đánh đập, kềm kẹp mà Ngài vẫn còn cảm thấy khổ sở thì tức là Ngài chưa chứng được pháp quán ấy.
Khi đã thành tựu được pháp quán này, Ngài lại đi học với một vị Bà-la-môn, mà cũng chính là một vị Bồ-tát thị hiện. Vị này hứa dạy, nhưng với một điều kiện là Ngài phải leo lên núi cao để nhảy xuống hố. Ngài đã ưng thuận, làm y như vị Bà-la-môn bắt buộc, để xem mình đã thật sự chứng đến pháp “quán vô-ngã” không. Nếu không dám làm, là còn nghĩ đến cái “Ngã”, còn lo sợ cho thân mình bị hủy hoại, nghĩa là chưa chứng được lý “vô-ngã”.
Rồi sau đó, Ngài lại đến học đạo với Ngài Thắng-Nhiệt. Ngài Thắng-Nhiệt cũng lại bảo Ngài phải nhảy vào lửa và lên núi gươm v.v… rồi mới chịu dạy đạo nhiệm mầu. Mục đích của sự bắt buộc này là cốt để thử xem Ngài Thiện-Tài có thật đã chứng được lý “Bát-Nhã chơn-không: Sắc tức thị Không” chưa. Ngài Thiện-Tài đã làm theo đúng như lời Ngài Thắng-Nhiệt. Sau khi ngộ được pháp môn mầu-nhiệm này, Ngài Thiện-Tài có làm bài kệ sau đây:
Dịch âm:
Đồng-Tử tầm cầu Thắng-Nhiệt công
Môn-đình biệt lộ nhứt gia phong
Đao sơn hỏa tụ phương đăng khiếu
Đốn ngộ viên minh sắc thị không
Dịch nghĩa:
Thiện-Tài đồng-tử đến xin học đạo với Ngài Thắng-Nhiệt. Gia-phòng của Ngài Thắng-Nhiệt hiện ra trước sân. Ngài Thắng-Nhiệt dạy phải nhảy vào lửa, leo lên núi gươm đao. Do đó, Ngài Thiện-Tài được tỏ ngộ lý “Sắc tức thị Không”.
*** *** ***
Ngài Thiện-Tài lại đến học đạo với bà Tu-Mật-Nữ. Bà này là một vị Bồ-tát thị-hiện làm người mua son bán phấn, để cảm hóa những người ham mê sắc dục (đồng sự nhiếp) trở về đường chánh. Bà Tu-Mật-Nữ thử Ngài đủ cách để xem Ngài còn nhiễm trần không. Sau một thời kỳ tham học, Ngài Thiện-Tài ngộ được pháp môn “tận tham dục tế” (đến chỗ bất tham dục) và làm ra bài kệ sau đây:
Dịch âm:
Tương phùng tương kiến hữu hà duyên
Cao-Hạnh Như-Lai nhứt bảo tiền
Chấp thủ bảo thân tâm nguyệt tịnh
Vẫn thần tiếp thiệt giới châu viên
Nhơn phi nhơn nữ gia tùy hiện
Thiên dữ thiên hình ứng bất thiên
Tam đức dĩ minh tham dục tế
Tửu lâu hoa động túy thần tiên
Dịch nghĩa:
Bởi nhân-duyên gì hôm nay được gặp nhau? Do đời trước có cúng một đồng tiền quý cho đức Cao-Hạnh Như-Lai. Ôm ấp, nắm tay mà tâm-nguyệt vẫn thanh-tịnh. Hôn môi, chạm lưỡi mà giới-thể vẫn châu viên. Tùy mỗi loại ứng hiện thân hình để hóa độ cùng khắp tất cả; hiện người, hiện không phải người, hiện nam nữ và trời v.v… Lòng tham dục đã hết, ba đức (pháp-thân, bát-nhã và giải-thoát) được viên minh. Tửu lâu hoa động là cảnh giới của thần tiên.
*** *** ***
Ngài Thiện-Tài lại đến học đạo với Đức Di-Lặc. Khi đến lầu đài của Đức Di-Lặc, Ngài Thiện-Tài phải đứng chờ một hồi lâu, vì Đức Di-Lặc đi phương xa chưa về. Khi trở về, Đức Di-Lặc chỉ khảy móng tay ba lần, cửa lầu liền mở. Ngài Thiện-Tài theo Đức Di-Lặc đi vào và làm lễ Ngài. Đức Di-Lặc lại khảy móng tay ba lần, bỗng xuất hiện vô số Đức Di-Lặc và Thiện-Tài; và cứ mỗi Đức Di-Lặc lại có một Ngài Thiện-Tài đứng làm lễ. Cảnh giới huy hoàng tráng lệ, nguy nga trùng điệp, không sao kể xiết. Sau khi Ngài Thiện-Tài làm lễ xong, Đức Di-Lặc nhiếp thần hóa, thì chỉ còn lại một Đức Di-Lặc và một Ngài Thiện-Tài đứng trước mà thôi. Ngài Thiện-Tài ngạc nhiên hỏi: _ Tại sao có sự biến hóa kỳ lạ như thế?
Đức Di-Lặc dạy: _ Chư pháp như thị, như huyễn như hóa (như thế đó, các pháp đều là huyễn hóa).
Ngài Thiện-Tài nghe nói, liền tỏ ngộ và làm bài kệ sau đây:
Dịch âm:
Lầu các môn tiền lập phiến thì
Long-hoa sư chí viễn phương quy
Bất duy đờn chi quan thăm diệu
Hựu thính từ âm ngữ tế vi
Lý trí viên dung siêu nhựt nguyệt
Bồ-đề tâm thị đạo xu ky (cơ)
Hứa đa cảnh giới hà lai khứ
Vạn lý thiên biên nhứt nhạn phi
Dịch nghĩa:
Thiện-Tài đứng chờ trước cửa lầu một hồi. Đức Di-Lặc từ phương xa về, khảy móng tay, cửa lầu liền mở. Chẳng những Thiện-Tài nầy thấy được cảnh-giới thâm diệu mà lại còn nghe được lời thuyết pháp mầu nhiệm của Đức Di-Lặc. Thiện-Tài được ngộ đạo, lý trí sáng suốt, chiếu soi hơn nhật nguyệt. Tâm Bồ-đề chính là cái máy đạo. Bao nhiêu cảnh giới vừa rồi, đi đâu cả. Bây giờ chỉ còn một con nhạn bay trong bầu trời muôn dặm xa.
*** *** ***
Sau đó, Ngài Thiện Tài lại đến tham học với Ngài Đức-Vân tại núi Diệu-Cao. Nhưng sau 07 ngày đến đây, Ngài mới gặp được Ngài Đức-Vân và được Ngài dạy cho pháp môn “phổ-Kiến”. Được tỏ ngộ rồi, Ngài Thiện-Tài làm bài kệ sau đây:
Dịch âm:
Đức-Vân thường tại Diệu-Cao phong
Hành nhiễu phong đầu bất kiến tung
Thất nhựt ký vong tầm bất kiến
Nhứt tiêu hà cố đắc tương phùng
Phát tâm trụ xứ sư tư hiệp
Phổ kiến môn trung Phật cảnh dung
Dịch nghĩa:
Ngài Đức-Vân thường ở núi Diệu-Cao. Ngài Thiện-Tài đến đây đã bảy ngày rồi mà không trông thấy. Một hôm tình cờ thầy trò được gặp nhau. Ngài Thiện-Tài ngộ được “pháp môn phổ kiến”; thấy cảnh Phật viên dung.
*** *** ***
Câu chuyện học Đạo của Ngài Thiện-Tài trên này, đem lại cho chúng ta hai ý nghĩa:
a/. Người học đạo, muốn đạt được cứu cánh rốt ráo, phải tìm tòi học hỏi luôn luôn, không quản ngại gian lao, nguy hiểm.
b/. Những thuận duyên, thuận cảnh giúp cho hành-giả dễ tu, dễ chứng đã đành, mà những nghịch duyên, nghịch cảnh lại càng giúp cho hành-giả chóng thành đạo quả.
2.-Ngài Đơn-Hà đã phá chấp cho chúng sanh như thế nào?
Đối với những người tu hành bình thường thì không bao giờ dám vượt ra ngoài mực thước, quy luật đã định sẵn. Nhưng đối với các vị Bồ-tát, thì có nhiều khi cần phải dùng những phương tiện bất thường, trái ngược với quan niệm thông thường để phá chấp cho chúng sanh, hầu đưa họ đến bờ giác ngộ.
Theo các Ngài, mọi phương tiện nào có thể cứu độ chúng sanh, đều được áp dụng.
Cũng ở trong tinh thần ấy, sau khi quán sát căn cơ chúng sanh, biết đã đến lúc, Ngài Đơn-Hà đã đốt tượng Phật, để phá chấp cho chúng sanh. Nhận thấy chúng sanh thường mê chấp Sự-tướng bên ngoài, mà bỏ Lý-tánh (tánh Phật) bên trong; cứ chạy theo hình thức hư giả, nên Ngài muốn giác-ngộ cho chúng sanh, bắt phải từ bỏ giả tướng để xoay trở lại tìm kiếm bên trong, tánh Phật của mình.
Một hôm Ngài đã bưng tượng Phật gỗ ở trên bàn thờ, đem xuống chẻ ra và châm lửa đốt để sưởi ấm. Tất cả Tăng chúng ở trong chùa đều thảy kinh ngạc; nhất là vị Trụ Trì đã quá sợ hãi, đến nỗi râu mày đều rụng hết. Vì theo quan niệm thông thường, thì tội đốt Phật sẽ bị đọa xuống địa ngục A-Tỳ. Nhưng Ngài Đơn-Hà điềm nhiên dạy rằng: “Ta thiêu Phật để tìm Xá-Lợi”. Ý của Ngài muốn nói: Thiêu cái xác Phật, để tìm Tâm Phật, (đốt cái chấp ở nơi Phật gỗ, để tìm Phật Tâm). Phá cái vọng chấp chạy theo tướng Đức Phật ở bên ngoài, để quay lại tìm Đức Phật lý-tánh ở trong Tâm.
Do đó, Cổ-nhân có bài kệ rằng:
Đơn-Hà thiêu mộc Phật
Viện-chủ lạc tu my
Nhất trường kỳ đặc sự
Thiên hạ thiểu nhơn tri.
Dịch nghĩa:
Đơn-Hà đốt Phật gỗ
Trụ-trì rụng râu mày
Trường hợp đặc biệt này
Thiên hạ ít người biết.
 3.- Ngài Phật-Ấn hóa độ Ông Tô-Đông-Pha
Ông Tô-Đông-Pha là một nhà đại thi-sĩ. Ngài Phật-Ấn là bạn của ông, muốn hóa độ ông, nên đã dùng pháp đồng sự nhiếp (trong Tứ nhiếp pháp) sau đây:
Ngài Phật-Ấn đã hòa mình trong đời sống của Tô-Đông-Pha, kết giao mật thiết với ông, để nhắc nhở ông, mỗi khi ông sắp làm điều gì sai quấy.
Một hôm ông Tô-Đông-Pha lén Ngài Phật-Ấn đi chơi thuyền uống rượu, thưởng trăng. Ngài Phật-Ấn có tha-tâm-thông, biết được nên xuống thuyền trước nằm đợi sẵn. Khi thuyền ra giữa dòng, thấy bèo lục bình dạt ra, có con cá đang nhởn nhơ bơi lội, nhà thi-sĩ họ Tô tức cảnh, liền ứng khẩu ngâm bài thơ sau đây:
Phù bình bát khai
Ngư du xuất lai
Đắc kỳ sở tại!
Đắc kỳ sở tại!
Dịch nghĩa
Bèo cỏ vẹt hai
Cá lội chơi đây
Thích thú lắm thay!
Thích thú lắm thay!
Để ông Tô-Đông-Pha ngâm xong, Ngài Phật-Ấn liền thoát ván chun ra và đọc bài thơ đáp lại:
Bình bản bát khai
Phật-Ấn xuất lai
Nhơn yên sưu tai!
Nhơn yên sưu tai!
Dịch nghĩa
Ván bằng vẹt hai
Phật-Ấn lại đây
Người giấu được thay!
Người dấu được thay!
Một lần khác, ông Tô-Đông-Pha lén ăn mặn trong ngày chay. Ngài Phật-Ấn biết, liền đi đến nhà ông để ngăn chận. Khi thấy Ngài đến ở ngoài ngõ, ông Tô-Đông-Pha liền bưng dĩa cá giấu trên kệ cửa. Sau khi vào nhà chào hỏi, Ngài Phật-Ấn giả quên, hỏi:
Quan lớn họ Tô, vậy chữ Tô viết thế nào?
Ông Tô-Đông-Pha thật tình trả lời:
Vậy chứ Hòa Thượng quên chữ “Tô” họ nhà tôi rồi sao? – Chữ “Thảo” ở trên là cỏ, chữ “Ngư” ở bên trái là cá, chữ “Hòa” ở bên phải là lúa. Chữ “Tô” nghĩa là sống, cá sống dưới cỏ và bên bụi lúa.
Ngài Phật-Ấn trả lời:
-Tôi nhớ chữ “Tô” hình như là chữ “Ngư” ở trên, rồi chữ “Thảo” ở dưới, mới đúng chứ!
Ông Tô-Đông-Pha vô tình cải lại:
Đâu có chữ “Tô” gì lạ vậy, Hòa Thượng?
Ngài Phật-Ấn lấy tay chỉ dĩa cá để trên ngạch cửa, vừa cười vừa nói:
-Chữ “Tô” của Cổ-nhân chế ra, thì là cá núp dưới cỏ cây, còn chữ “Tô” của nhà ông thì cá ở trên cây? (dĩa cá để trên bệ cửa).
Đó là một cách hóa độ khôn khéo, tùy thuận chúng sanh mà làm. Biết rằng ông Tô-Đông-Pha là một người thích văn chương thi phú, Ngài Phật-Ấn cũng dùng văn chương thi phú để cảm hóa, làm cho ông đi vào con đường ngay, lẽ phải một cách tự nhiên, không miễn cưỡng bó buộc trái với sở thích của mình. Đó cũng là một hạnh tu của Bồ-tát.
V.- KẾT LUẬN
Qua các phần trình bày ở các đoạn trên, chắc quý độc giả đã có một ý niệm rõ ràng về con đường tu hành rộng lớn của các vị Đại-Thừa Bồ-tát.
Thật vậy, con đường đi của các Ngài vô cùng rộng rãi, cao thâm tột bực, không một con đường nào sánh kịp. Sở dĩ được như vậy là vì Đại-Nguyện của các Ngài vĩ đại vô cùng, có tính cách vị tha vô lượng.
Đại-Nguyện đã lớn lao, thì Đại-Hạnh cũng phải kỳ diệu mới tương xứng. Bởi thế, chúng ta thấy trong hành vi cử chỉ của các Ngài có nhiều lúc vượt ra ngoài quan niệm thông thường của thế tục.
Đối với các Ngài, không giờ phút nào mà không tu: đi, đứng, nằm, ngồi đều là Tu cả; thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm, đều là Tu cả.
Đối với các Ngài, không phải chỉ ở trước bàn Phật, tụng kinh niệm Phật mới là tu, không phải ngồi tham thiền nhập định mới là tu; các Ngài tu khắp nơi, mọi chỗ; tu hết cảnh thuận, cảnh nghịch; tu hết cảnh thanh tịnh, cảnh uế trược; để rèn luyện tâm trí, chịu đựng thử thách, xem tâm mình còn nhiễm ô không để tiếp tục thanh trừ.
Cách tu hành của các Ngài, như lóng nước gạn bùn: ban đầu để yên cho cặn-cáu lắng xuống; đến khi lọc hết cặn rồi, lại chao động nữa để xem còn cặn bẩn sót lại không, để trừ cho thật sạch. Khi đã thật sạch rồi thì nước vẫn là trong, không còn ngại ngùng gì nữa.
Đối với các Ngài, tất cả chúng sanh đều là con chung, không phân biệt xa gần, lớn nhỏ, bạn thù, hễ chúng sanh còn khổ là còn cứu độ.
Tóm lại, con đường tu của Đại-Thừa Bồ-tát thật là cao siêu vô cùng, rộng rãi, bao la vô tận.

HẾT TẬP 09