BẢN ĐỒ TU PHẬT_TẬP 09_ĐẠI THỪA BỒ TÁT – P.01
CON ĐƯỜNG TU CỦA BẬC ĐẠI THỪA BỒ TÁT
I.-LỜI NÓI ĐẦU
Trong các quả tu chứng trước khi thành Phật, thì quả Bồ-tát là cao hơn cả, tốt đẹp viên mãn hơn cả. Muốn đến quả đó, con đường tu hành tất nhiên phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, gian khổ, hơn tất cả những con đường mà chúng tôi đã trình bày trong “Bản Đồ Tu Phật”. Thật ra, trong mười con đường tu Phật của “mười Tôn-phái ở Trung-hoa” mà nhà xuất bản Hương-Đạo đã giới thiệu vơi quý đọc giả qua những tập “Bài-giảng”, chúng ta cũng đã thấy có những con đường dẫn đến quả vị Bồ-tát. Nhưng những con đường ấy chỉ được giới-thiệu một cách sơ-lược thiếu sót. Bản ý của chúng tôi là muốn dành riêng một tập để nói về “Con đường tu quảng-đại và cao tột độ của các bậc Đại-thừa Bồ-tát”.
Với nội dung ấy, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày tôn chỉ cao-thượng, đại-nguyện và đại-hạnh cùng các pháp-môn tu hành của các bậc ấy. Cuối cùng chúng tôi sẽ nêu lên số gương sáng trong sự tu hành của quý Ngài để dẫn chứng cho các đoạn đã nói trên.
Qua những gương sáng ấy, quý vị sẽ thấy các pháp tu của Đại-thừa Bồ-tát không theo một đường lối, thể thức nhất định nào cả, cũng không hạn cuộc vào một quy luật nào nhất định.Tuy thế, người tu hành Bồ-tát vẫn nắm vững một nguyên tắc chính, qua muôn vạn hình thái sai biệt trong sự tu hành: đó là lấy lợi-tha làm tự-lợi. Nắm vững được nguyên tắc ấy rồi, hành giả tu theo hạnh Bồ-tát có thể làm bất luận một hành động gì, có nhiều khi trái với quan niệm thông thường về sự tu hành, nhưng vẫn có thể chứng quả như thường. Do đó, hành động của các vị tu hạnh Bồ-tát, có nhiều sự khó hiểu đối với một số người thường, quen sống trong mực thước.
Tóm lại, tư tưởng và hành động của các vị tu hạnh Bồ-tát vô cùng tự do và phức tạp, nhưng vẫn không ra ngoài một nguyên tắc chính là “Bồ-tát dĩ lợi sanh vi bổn hoài” (Bồ-tát lấy việc làm lợi ích cho chúng sanh làm hoài bão của mình).
II.-TÔN CHỈ VÀ ĐẠI NGUYỆN CỦA BẬC ĐẠI THỪA BỒ TÁT
Tôn-chỉ của bậc tu theo hạnh Đại-thừa Bồ-tát vô cùng cao cả, rộng rãi, khác với hàng phàm phu và Tiểu-thừa.
Phàm phu và Tiểu-thừa có tư tưởng yếm-thế, tiêu-cực, nên mong cầu được sớm giải thoát cõi đời ô-trọc này, tìm một cảnh giới an-vui khác. Họ nghĩ đến tự-lợi trước lợi-tha, giải thoát cho mình rồi mới giải thoát cho người sau. Họ nhàm chán cảnh giới ô-trọc, đầy ngũ-trược, ác thế, đầy máu lệ và khổ đau này, để cầu mong sanh về cõi an-lạc, thanh-tịnh trường-tồn hơn. Qua bao nhiêu đời kiếp trôi nổi hụp lặn trong biển sanh-tử, quay lăn theo bánh xe luân hồi, họ đã quá ê chề mệt-mõi, nên thường không hy vọng gì khác hơn là được vào sống trong cõi Niết-bàn tịch-tịnh. Tự nhận biết mình tài hèn sức yếu, dễ bị hoàn cảnh lôi kéo, nhiễm-ô, họ cố tránh những cảnh nghịch, tìm những cảnh thuận, tránh những nơi phồn hoa đô hội, tìm nơi thanh vắng để dễ tu hành.
Trái lại, bậc Đại-thừa Bồ-tát, có tư-tưởng tích cực, nhập thể, chủ trương lấy lợi-tha làm tự-lợi; tự-giác và giác-tha là một, không thấy có mình và người riêng khác. Họ không sợ nghịch cảnh, trái lại, chịu đựng các thử thách, gian khổ để xem trình độ tu học của mình đến mức nào. Họ xông pha trong cảnh phồn-ba, náo nhiệt, đầy phiền-não, lăn lộn trong cõi dục-giới đầy quyến rũ, để xem tâm mình còn phiền-não nhiễm-ô hay không, đặng trừ. Sự tu hành của Đại-thừa Bồ-tát, cũng như ly nước qua nhiều lần gạn lọc, nhưng còn thử xem nó đã thật hết cặn cáu hay chưa, nên lại còn phải khuấy động, lắc mạnh nữa để nếu thấy còn cáu bẩn, thì lại gạn lọc nữa. Cho nên đối với bậc này, khi gặp trở ngại thì xem đó là cơ hội để tu hạnh, xem như đã trả xong một mối nợ. Cũng trong ý nghĩa đó, những kẻ ác độc thường phá hại người tu hành cũng được xem như thiện-hữu. Chính Đức Thích Ca cũng đã dạy: “Đề-bà-đạt-đa cũng là thiện-hữu tri-thức của ta. Nhờ Đề-bà-đạt-đa mà ta chóng thành Phật quả”.
Vì không có tâm phân-biệt “tự” và “tha” và lấy lợi-tha làm tự-lợi, nên các vị Đại-thừa Bồ-tát có một đại nguyện không ai theo kịp, đó là nguyện cứu độ cho tất cả, không phân biệt bạn và thù, thân và sơ, người và vật; hễ còn thấy có chúng sanh đau khổ là còn tìm cách cứu độ. Vì Bồ-tát xem tất cả chúng sanh là mình, nên chúng sanh còn trầm luân tức là mình chưa tự-tại giải thoát. Do đó mà Bồ-tát thường có những câu phát nguyện vô cùng hùng dũng như sau:
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề; Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật.
Nghĩa là: Sau khi độ tất cả chúng sanh, tôi mới chịu chứng quả Bồ-đề; trong địa ngục nếu còn tội nhân, tôi thề chẳng thành Phật. Điều ấy mới nghe qua, người ta có cảm tưởng như các vị Bồ-tát đã nói quá đáng. Nhưng nếu nghĩ cho kỹ, thì thấy đó là một lý đương nhiên. Vì các vị Bồ-tát đã giác-ngộ rằng: mình với chúng sanh cùng chung một bản thể, nếu chúng sanh còn trầm luân đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát an vui được?! Cũng như mọi bộ phận trong người dù có hình dáng địa vị sai khác, nhưng một khi còn bệnh tật đau ốm, thì dù bộ phận ấy nhỏ nhặt bao nhiêu cũng làm đau chung cho cả cơ thể.
Vì giác-ngộ điều ấy, nên Ngài A-Nan cũng đã thệ nguyện rằng:
Phục thỉnh Thế-tôn vị chứng minh;
Ngũ trược, ác thế, thệ tiên nhập
Như nhất chúng sanh vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ Nê-hoàn.
Nghĩa là: Kính thỉnh Đức Thế-tôn chứng minh cho lời đại nguyện của con: “Trong đời tội ác, năm trược này, con thề xung phong vào trước để cứu độ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì con nguyện không chứng đạo quả Niết-bàn”.
Tóm lại, để nhắc nhở mình thực hiện đại nguyện lớn lao trên đường tu tập, người tu hạnh Đại-thừa Bồ-tát thường tụng đọc mỗi ngày 04 lời thệ nguyện sau đây:
-Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ hết
-Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn hết
-Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học hết
-Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành tựu.
Tôn-chỉ và đại-nguyện đã cao cả, lớn lao như thế, thì chắc chắn hạnh tu của các vị Bồ-tát cũng phải khác thường, mới mong chứng ngộ được.