BẢN ĐỒ TU PHẬT : THIỀN TÔN_ĐẠI THỪA THIỀN_TẬP 04_PHẦN 09


MƯỜI MÓN MA VỀ THỨC ẤM

1.-Chấp minh-đế
Người tu thiền định khi hành ấm hết, chỉ còn thức ấm, các tướng sanh diệt đã hết, mà tâm thanh tịnh tịch diệt chưa hiện bày. Lúc bấy giờ nếu hnahf giả móng tâm chấp là chơn thường, thì mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, thành bè bạn với phái ngoại đạo Ta-tỳ-ca-la, chấp minh đế (sơ tướng A-lại-da) là cái chỗ trở về của vạn vật, trái với thành Niết-bàn, đọa về ngoại đạo.
2.-Chấp năng sanh
Người tu thiền định khi hành ấm hết, các tướng sanh diệt đã diệt, mà tâm thanh tịnh tịch diệt chưa hiện, khi đó thấy thức tâm mình châu biến, rồi khởi ra cái chấp: “Tất cả chúng sanh đều do ta sanh ra”. Vì sanh tâm chấp như thế, nên hành giả mất chánh kiến, mê lầm tánh Bồ-đề, thành bà con của trời Đại ngã mạn (Ma-hê-thủ-la-thiên).
3.-Chấp chơn thường
Người tu thiền định khi hành ấm hết, thức ấm hiện ra, rồi sanh tâm nghi: thân mình và mười phương hư không đều từ thức kia hiện ra, nên sanh tâm chấp cho “thức là chơn thường”, mất chánh kiến, mê tánh Bồ-đề thành bè bạn của Trời tự tại.
4.-Chấp cỏ cây cũng đều biết
Người tu thiền định, khi hành ấm hết tướng sanh diệt đã diệt, chơn tâm tịnh diệt chưa hiện bày, lúc bấy giờ thấy thức ấm biến khắp tất cả, rồi sanh tâm chấp: “Mười phương cỏ cây cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ cây chết làm người, người chết trở lại làm cỏ cây”. Vì mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh kiến, nên hành giả sẽ làm bè bạn với hai chúng ngoại đạo Bà-tra và Tán-ni, chấp tất cả vạn vật đều có tri giác (biết).
5.-Chấp tứ đại hóa sanh
Người tu thiền định khi hành ấm hết, chơn tâm chưa hiện, lúc bấy giờ thấy lửa sáng, nước trong, gió động, đất cứng, do bốn món này sanh ra các vật, rồi chấp cho là thường còn, hết lòng cung kính phụng thờ. Như ông Ca-Diếp-Ba và phái Bà-la-môn thờ lửa, thờ nước v.v… để cầu ra khỏi sanh tử, mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh kiến, đọa làm ngoại đạo.
6.-Chấp hư vô
Người tu thiền định khi hành ấm hết, thấy thức ấm viên minh, rồi sanh ra chấp cái thức ấm hư vô, là chỗ nương của muôn vật, tất cả các vật đều về chỗ hư. Vì vậy mà mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề nên người tu thiền thành bè bạn với trời Vô-tưởng, Tứ-không và thần Hư-không.
7.-Tham cầu sống lâu
Người tu thiền định khởi tâm tham cầu thân thường còn, cố làm cho thân này được sống hoài không chết, nên thành bè bạn của tiên A-tư-đà, cầu mạng sống lâu, mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh kiến, đọa về ngoại đạo.
8.-Tham luyến cảnh dục
Người tu thiền định, khi hành ấm hết, lúc bấy giờ thấy thân thể và thức tâm tiêu diệt, cho nên sanh tâm lưu luyến cảnh trần, tự biến hóa ra nhiều cảnh báu đẹp và nhiều mỹ nữ, rồi mặc tình vui thú. Vì mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, nên thành bè bạn của Thiên ma ở cõi trời Tự-tại (trên đảnh cõi dục).
9.-Định tánh Thinh Văn
Người tu thiền định, khi hành ấm hết, các tướng sanh diệt đã diệt, mà chơn tâm tịch diệt chưa viên, lúc bấy giờ khởi tâm tham luyến, ở chỗ không tịch, chẳng muốn tăng tiến, vì mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ-đề, đọa về hàng Định tánh Thinh Văn, như ông Vô-văn Tỳ-kheo, sanh tâm tăng thượng mạn.
10.-Định tánh Duyên Giác
Người tu thiền định, khi hành ấm hết, chỉ thấy một màu thanh tịnh sáng suốt, lúc bấy giờ sanh tâm chấp cho đó là Niết-bàn; rồi họ tham trước ở cảnh này, không cầu tăng tiến, mê mờ tánh Bồ-đề, mất chánh kiến nên đọa về hàng Định tánh Duyên Giác.

TÓM LẠI
A-Nan, mười món ma này, do người tu thiền, khi dụng tâm phá trừ thức ấm, nên nó biến hiện ra các cảnh như vậy. Vì mất chánh tri kiến, mê lầm tánh Bồ-đề, khởi tâm chấp trước, cho mình đặng thiền, đặng đạo, thành Phật, thành Thánh v.v… có người sanh ra điên cuồng, nên đều đọa về ngoại đạo cả.
Vậy các ông phải gìn giữ nơi lòng, vâng lời ta dạy. Sauk hi ta diệt độ rồi, các ông phải đem lời ta dạy đây mà truyền lại cho chúng sanh đời sau, bảo hộ người tu hành chớ để cho chúng ma làm hại. Trên đường tu hành họ được thẳng vào chỗ tri kiến của Phật, chẳng gặp các đường tẽ.
Này A-Nan, người trong khi tu thiền, gặp ma biến hiện ra nhiều cảnh rất là vi tế. Nếu các ông hiểu biết, rửa sạch tâm cấu nhiễm, các ông sẽ thẳng đến đạo Bồ-đề.
Còn như đời sau, có chúng sanh nào chẳng dám tu thiền, sợ bị các ma nhiễu hại, thì ông nên khuyên họ nhứt tâm trì chú Lăng Nghiêm này, để các ma chướng kia không thể hại được, rồi thế nào họ cũng thẳng đến được đạo Bồ-đề.
Khi Phật nói kinh này rồi, toàn cả hội chúng, nào: tăng, ni, htieejn nam, tín nữ, trời, người, thần A-tu-la, thánh, tiên, quỷ thần, Thinh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, tất cả đều hoan hỷ lễ Phật rồi trở lui.

IV.-CÁC KINH SÁCH NÓI VỀ THIỀN
Kinh sách nói về thiền không thể kể xiết được. Tuy thế, để quý đọc giả khỏi bỡ ngỡ trong khi nghiên cứu để học hỏi, chúng tôi xin dẫn một số kinh sách thiết yếu sau đây:
1-Kinh Lăng Già
2-Kinh Lăng Nghiêm
3-Kinh Viên Giác
4-Kinh Pháp Bảo Đàn
5-Đại Thừa Chỉ Quán
6-Tiểu Chỉ Quán
7-Đồng môn Chỉ Quán
8-Lục Diệu Pháp Môn
9-Kinh Kim Cang
10-Truyền đăng lục
11-Thiền gia ngữ lục
12-Tọa thiền chỉ nam
13-Tông cảnh lục (của ngài Tống Diên Thọ thiền sư)
14-Luận Đại Thừa khởi tín (của Bồ tát Mã Minh)
15-Vô môn quán (của Tống Tôn Thiện thiền sư)
16-Bích Nham Lục (của Phật quả Viên ngộ)
17-Thung-dung-lục (của Vạn tùng Lão nhơn)
18-Thiền Lâm Vĩnh-gia tập (của Huyền Giác)
19-Thiền tôn chỉ-nam (của Vua Trần Thái Tôn)
v.v…
PHẦN TỔNG KẾT
Thiền định có nhiều loại, nhưng tóm lại, có thể chia làm hai loại lớn: Chánh định và Tà định, hay phàm phu thiền và thánh nhơn thiền, hoặc ngoại đạo thiền và Phật giáo thiền.
Thiền định của ngoại đạo
Những người theo lối thiền định này do tâm niệm không chơn chánh (phiền não, tham, sân, si, v.v…) làm động cơ thúc đẩy. Họ không nhắm ngay mục đích dẹp trừ vô minh phiền não, cầu được minh tâm kiến tánh, hay giác ngộ, giải thoát, mà chỉ nhắm mục đích nhỏ hẹp, thiển cận, như cầu được thấy những điều huyền diệu, cầu được thần thông biến hóa để đi dạo chơi ở các thế giới khác, cầu thành tiên để hưởng lạc thú tiêu dao ở cảnh tiên, cầu cho thân thể không bịnh hoạn , được trường sinh bất tử, cầu được phép lạ để trị bịnh, để thiên hạ sùng bái kính phục, hoặc để gần gũi nữ sắc, hay cầu tài lợi, v.v…
Hãy nghe tổ Tôn Mật dạy: “Người tà kiến chấp trước sai lầm, ưa cõi trên, chán đời dưới mà tu thiền đó là ngoại đạo thiền”.
Thiền định của phàm phu
Những người tu theo loại thiền này không có tâm niệm cao thượng, chỉ vì chán ngán cõi Dục là ô trược mà cầu sinh về cõi Sắc và Vô Sắc để hưởng thú vui thanh thoát.
Hãy nghe tổ Tôn Mật phê phán hạng người tu về loại thiền này: “Người chánh tin nhơn quả, nhưng dùng sự ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu thiền là phàm phu thiền”.
Thiền định của Phật giáo
Thiền định của Phật giáo có hai loại: Tiểu thừa thiền và Đại thừa thiền.
Tiểu thừa thiền: là những pháp thiền dành cho người có căn tánh Tiểu-thừa người tu phép thiền định này chỉ có công dụng hạn cục, vì tu pháp nào thì chỉ trừ được phiền não của pháp ấy. Và sự tu luyện ở đây cũng chỉ tuần tự mà tiến, chứ không thể đốn ngộ ngay được.
Hơn nữa, người tu Tiểu-thừa thiền, tuy đã phá ngã chấp, nhưng còn bị pháp chấp. Họ không ngộ được rằng: Những phương pháp tu hành đều là phương tiện để giúp cho họ dẹp trừ vô minh phiền não, tiến lên chỗ giác ngộ, chớ không nên cố chấp có thật tu, thật chứng.
Ngài Tôn Mật định nghĩa về Tiểu-thừa thiền như sau: “Người biết rõ lý ngã không (nhưng còn chấp pháp) mà tu thiền là Tiểu-thừa thiền”.
Đại thừa thiền: Đây là phương pháp tu thiền của những Bồ-tát, căn tánh mau lẹ vượt bực. Với hạng này, các vị chỉ nghe một câu nói hay tu một pháp, cũng có thể liền tỏ ngộ; như ngài Huệ Năng, chỉ nghe câu “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, hay ngài Ca-Diếp, chỉ thấy Phật đưa cành hoa sen lên mà liền tỏ ngộ.
Sở dĩ các vị này được mau tỏ ngộ như thế là vì họ đã trải qua nhiều kiếp tu hành rồi, sắp được giác ngộ, nay gặp thời cơ, nhân duyên thì liền phát chiếu, như cành hoa đã được vun tưới đủ sức rồi, chỉ chờ thời tiết là trổ bông.
Hãy nghe tổ Tôn Mật nói về các vị này:
“Người ngộ được lý ngã, pháp đều không mà tu thiền là Đại-thừa thiền. Người đốn ngộ tự tâm xưa nay vốn thanh tịnh, không có phiền não, đầy đủ trí huệ vô lậu, tâm ấy tức là Phật, rốt ráo không khác. Y theo tâm này mà tu thiền là Tối-thượng-thừa thiền, cũng gọi là Chơn-như tam-muội”.
Về phương pháp tu chứng và truyền thọ của Đại-thừa thiền có ba cách:
Cách thứ nhất: Đây là các loại tam muội, mà hành giả căn cứ theo các kinh sách Đại-thừa tu luyện, như Pháp-hoa tam-muội, Niệm Phật tam-muội, Giác-Ý tam-muội, Thủ-Lăng-Nghiêm tam-muội, v.v…
Cách thứ hai: Lối thiền này không căn cứ theo kinh điển, văn tự, mà chỉ dùng một câu nói ngắn ngủi, để chỉ giáo. Trong Phật giáo gọi lối thiền này là: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (không dùng văn tự, truyền ngoài kinh giáo). Thiền giả chỉ căn cứ theo một câu nói ấy mà nghiên cứu mãi cho đến khi tỏ ngộ. Công việc tham cứu này thiền-giả có nhiều khi kéo dài hàng chục năm.
Cách thứ ba: Với cách này, chúng ta khó có thể suy nghĩ luận bàn gì được. Trong cách, các tổ sư, khi có người đến cầu pháp, không dùng lời nói mà chỉ dùng một cử chỉ gì đó, hay một tiếng la hét mà thôi.
Như dòng Lâm-Tế, khi có người đến cầu đạo, Thiền-sư chỉ dùng gậy đánh và tiếng hét.
Như dòng Quy-Ngưỡng, các vị Tổ-sư chỉ vẽ hình thú, hình người, hình chữ Vạn mà khai ngộ cho đệ tử.
Như dòng Vân-Môn, có vị Tổ chỉ nói một chữ mà làm cho người cầu đạo tỏ ngộ.
Như có ngài chỉ đãi nước trà (ngài Triệu Châu) hay mời ăn cơm mà người cầu đạo được giác ngộ.
-Có người lại ngắm bóng mình dưới nước, khi đi ngang qua cầu, liền ngộ đạo và cười (hổ khê tam tiếu chí kim truyền), hay nghe chim oanh hót trên cành liễu, hay lấy gậy đập cục đất cho bể tan mà liền ngộ đạo.
Thật là thiền cơ mầu nhiệm, người ngoài không thể suy nghĩ, luận bàn được.
Muốn cho người cầu đạo được kết quả các vị truyền pháp phải hội đủ ba điều kiện sau đây:
-Biết căn cơ người cầu đạo
-Biết thời tiết đúng lúc truyền đạo
-Biết phương pháp nào thích hợp, trong ba phương pháp nói trên. Nếu truyền pháp không hợp cơ, hợp thời, hợp pháp thì người tu thiền không có kết quả.
Trước khi dừng bút, chúng tôi có một nhận xét sau đây mà chắc quý đọc giả cũng đồng ý là: nước ta ngày xưa là một nước chịu ảnh hưởng lớn của Thiền-tôn, và Thiền-tôn là môn phái rất thịnh hành nhất trong nước. Thế mà ngày nay, vì bao cuộc biến thiên của lịch sử, Thiền-tôn không còn được truyền thọ trong các chùa cũng như trong dân chúng một cách sung mậu như ngày xưa nữa.
Vậy chúng tôi hy vọng rằng, từ đây về sau, nhờ sự giao thông tiện lợi từ nước này sang nước khác, nhờ sự trao đổi văn hóa, và nhờ sự gia tâm tu học của các Phật tử Việt Nam, Thiền-tôn sẽ thấy lại sắc thái sung mậu ở Việt Nam như các thời Lý, Trần.

Tác giả: THÍCH THIỆN HOA

_HẾT_TẬP 04_PHẦN 09_