BẢN ĐỒ TU PHẬT – TẬP III – THIỀN TÔN – P.03


THIỀN TÔN (tiếp theo)

II.-PHÀM PHU THIỀN

Phàm phu thiền cũng gọi là thế gian thiền. Sở dĩ gọi là phàm phu hay thế gian thiền là vì các pháp thiền này chưa có thể đưa hành giả ra ngoài tam giới, chưa chứng được thánh quả, mà vẫn còn quanh quẩn trong vòng phàm phu hay thế gian. Các pháp như Tứ-thiền, Tứ-không v.v… đều thuộc về phàm phu thiền.
1.-Tứ-Thiền tức là bốn giai đoạn tham thiền của phàm phu, đi dần từ chỗ nhàm chán cái vui thô thiển đến cái vui vi tế thanh tịnh. Bốn giai đoạn tham thiền nầy tuần tự diễn tiến như sau:
a/-Sơ-thiền, ly sanh hỷ lạc. – Hành giả khởi đầu bằng tâm lý nhàm chán cái ô trược của cõi Dục, và mong cầu được xa lìa. Sau khi nhờ tham thiền mà xa lìa được cái ô trược của dục giới, hành giả sanh vui mừng (sanh hỷ lạc). Đó là kết quả của giai đoạn tham thiền đầu tiên (sơ-thiền).
b/-Nhị-thiền, định sanh hỷ lạc. – Nhưng cái vui mừng nói trên, lại làm cho tâm chao động, cần phải dứt trừ; vì thế hành giả phải vào định. Khi định có kết quả, các vui mừng thô phù của Sơ-thiền chấm dứt và cái vui mừng vi tế ở trong định lại nẩy sanh; vì thế cho nên gọi là “Định sanh hỷ lạc”.
c/-Tam-thiền, ly hỷ diệu lạc. – Cái vui mừng ở cõi Nhị-thiền mặc dù vi tế, nhưng vẫn còn làm cho tâm rung động, vì thế hành giả lại cần bỏ cái vui mừng ở cõi Nhị-thiền. Khi bỏ được ái vui mừng nầy, thì một nỗi vui mầu nhiệm khác lại phát sinh; vì thế cho nên gọi là “Ly hỷ diệu lạc”.
Trong các kinh thường chép: cõi Tam-thiền là vui hơn hết (diệu lạc), vì ở các cõi dưới thì chỉ có cái vui thô động, còn ở các cõi trên thì chỉ là tịch tịnh, không còn vui nữa.
d/-Tứ-thiền, xả niệm thanh tịnh.- Ở cõi Tam-thiền, tuy đã hết cái vui thô động của Sơ-thiền và Nhị-thiền; nhưng vẫn còn cái vui mầu nhiệm. Nhưng hễ còn niềm vui, thì tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh. Hành giả lại còn phải tiến lên một bậc nữa, đi vào cái thiền thứ tư xả luôn cả cái niệm vui, để tâm được hoàn toàn thanh tịnh, vì thế nên gọi là “Xả niệm thanh tịnh”.
2.- Tứ-Không định. – Sau khi đã trãi qua Tứ-thiền và đã thành tựu viên mãn, hành giả tiếp tục tu thiền-định và sẽ trãi qua bốn giai đoạn gọi là Tứ-không định sau đây. Sở dĩ gọi là Tứ-không, vì khi vào bốn định nầy, thiền giả sẽ không còn thấy có cảnh và thức tâm nữa.
a/. Không vô biên xứ định. – Thiền giả khi đã đạt được Tứ-thiền, tâm đã được hoàn toàn thanh tịnh, nhưng vẫn còn thấy có sắc giới, còn thân còn cảnh và bị hình sắc trói buộc, nên sanh tâm nhàm chán. Để rời bỏ các hình sắc về thân và cảnh, thiền giả vào định thứ nhất của Tứ-không, thể nhập vơi “hư không vô biên”, tức là không thấy có ngăn cách, có biên giới của cảnh.
b/. Thức vô biên xứ định. – Thiền giả khi đã được định thứ nhất của Tứ-không, rời bỏ được sắc tướng của thân và cảnh, thấy được cái vô biên của hư không, nhưng vẫn còn giữ cái bản ngã hẹp hòi, vẫn còn thấy biên giới của tâm thức. Vậy thiền giả phải vào định thứ hai của Tứ-thiền, để xóa bỏ cái biên giới của thức; khi thành tựu, tức thể nhập được vào cõi “Thức vô biên”.
c/. Vô sở hữu xứ định. – Thiền giả mặc dù không còn thấy biên giới, ngăn cách của thức, nhưng vẫn còn thấy có ngã, có tâm thức, có năng sở; mà hễ còn thấy có năng sở, tức còn thấy mình và người, còn thấy có sở hữu. Vậy thiền giả phải vượt lên một tầng nữa, xa lìa sự chao động, năng sở, tức nhập định “Vô sở hữu xứ” (cõi không sở hữu).
d/. Phi tưởng, phi phi tưởng xứ định. – Thiền giả khi đã nhập định “Vô sở hữu”, không còn thấy nhân ngã, năng sở, nhưng vẫn còn “tưởng”. Mà còn tưởng thì còn vọng động. Vậy thiền giả phải tiến lên một tầng nữa, vào cõi “Định không tưởng”. Nhưng không tưởng đây, không có nghĩa là vô tri vô giác như đất đá; không tưởng, nhưng không phải không tưởng của đất đá, không tưởng mà vẫn sáng suốt như một tấm gương, chứ không phải là một tấm ván hay mặt đá. Đó là ý nghĩa của cõi định “Phi tưởng, phi phi tưởng”.
*****
Có chỗ nói định “Tứ Không” thuộc về ngoại đạo. Những người tu thiền, bắt đầu từ Sơ-thiền đến Tam-thiền, lúc bấy giờ có hai con đường tẻ; một con đường đi về ngũ A-na-hàm (1) ở cõi Tứ-thiền (2) thuộc về cảnh giới của thánh thứ ba (3), một con đường đi về Tứ-Không của cõi Vô-Sắc, thuộc về ngoại đạo.

(1)Ngũ A-na-hàm là năm cõi A-na-hàm: a) Vô phiền , b) Vô nhiệt , c) Thiện kiến , d) Thiện hiện , đ) Sắc cứu cánh. 
(2)Tứ-thiền có chín cõi, ngoài năm cõi A-na-hàm, còn bốn cõi: Vô vân, phước sanh, quảng quả, vô tưởng.
(3)Tiểu thừa Thanh-văn có 04 quả thánh, A-na-hàm thuộc quả thánh thứ ba.

_HẾT Phần 03 – Tập III_