BẢN ĐỒ TU PHẬT – TẬP III – THIỀN TÔN – P.02


CON ĐƯỜNG TU THỨ BA TRONG MƯỜI TÔN

THIỀN TÔN

B-Các loại Thiền-định

Thiền định có nhiều loại, nhiều thứ. Có thứ chánh, thứ tà, có thứ sâu, thứ cạn, có thứ thiền của ngoại đạo, có thứ thiền của phàm phu, có thứ thiền của Tiểu-thừa, có thứ thiền của Đại-thừa.
Hãy nghe Ngài Tôn-Mật thiền sư dạy:
“… Người muốn cầu Thánh-đạo, tất phải tu thiền. Chơn tánh không có dơ và sạch, thánh và phàm. Song, thiền định có cạn và sâu, từng bực không đồng:
-Người tà kiến, chấp trước sai lạc, ưa cõi trên, chán cõi dưới mà tu thiền, là ngoại đạo thiền;
-Người chánh tín nhơn-quả, nhưng cũng dùng sự ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu thiền, là phàm phu thiền;
-Người biết rõ lý “Ngã không” mà tu thiền, là Tiểu-thừa thiền;
-Người ngộ được lý “Ngã, Pháp đều không” mà tu thiền, là Đại-thừa thiền;
-Người đốn ngộ tự tâm, xưa nay vốn thanh tịnh, không có phiền não, đầy đủ trí huệ vô lậu, tâm ấy tức là Phật, rốt ráo không khác; y theo tâm ấy mà tu thiền là Tối-thượng-thừa thiền, cũng gọi là chơn-như tam-muội”
Vì thiền có nhiều loại khác nhau như thế, nên trước khi muốn thực hành cho đúng đắn, chúng ta cần biết sơ lược các lối tu thiền, để khỏi lạc vào đường nguy hiểm.

I-NGOẠI ĐẠO THIỀN
Trong phần ngoại-đạo thiền này, chúng tôi muốn nói đến các loại thiền của ngoại-đạo như đạo tiên, đạo bà-la-môn, các lối thôi-miên, và những tà thiền-định với mục đích không chơn chánh.
Sao gọi là không chơn chánh?
-Theo quan niệm của đạo Phật thì những hành động gì không nhằm mục đích trau giồi tâm-tánh, dẹp trừ phiền não hữu-lậu, để cầu giải-thoát sanh-tử luân-hồi, đều là không chơn chánh. Dựa vào quan niệm trên mà phê phán thì những tà thiền-định hay những loại thiền-định của ngoại-đạo đều không chơn chánh; vì những người tu theo các lối thiền-định này chỉ nhằm mục đích cầu được sống lâu, cầu được khỏe mạnh, được thần thông biến hóa để dạo chơi các thế giới, được những phép lạ, huyền-bí để cám dỗ, mê hoặc người, hay được thành tiên để hưởng lạc thú tiêu diêu nơi tiên cảnh v.v..
Bởi họ dụng tâm không chơn chánh, tu phương pháp không chơn chánh, nhằm mục đích thiển cận, bề ngoài, và bị các phiền não tham, sân, si, làm động cơ thúc đẩy, nên các loại thiền của họ không thể rốt ráo và toàn thiện được. Trước tiên, chúng ta hãy nói đến các tà thiền-định.

1.-Tà thiền-định:
-Đọc những sách truyện xưa, chúng ta thường nghe nói đến các loài cầm thú như: bạch-xà, chồn, cáo, khỉ, vượn, v.v… tu luyện lâu năm ở trong rừng sâu núi thẳm, cuối cùng cũng có được những phép thần thông, biến hóa. Nhưng mục đích của chúng là cầu cho được nhiều phép tắc để gần gũi phụ nữ, nhiễu hại nhơn dân, hớp hồn, hớp vía người lương thiện, để thỏa mãn thú tánh. Đó là những loài yêu tinh quỉ quái, mà ngày nay theo con mắt nhà khoa học thì khó có thể tin được là có. Nhưng có lẽ người xưa muốn đặt ra những chuyện yêu tinh quỉ quái như thế, để ngụ ý các loài thú, nếu tu luyện lâu năm cũng có thể có phép thuật hơn người. Nhưng bởi chúng thiếu lòng nhân, thiếu thiện tâm, cho nên phép thuật càng cao cường bao nhiêu lại càng gây tai họa lớn lao bấy nhiêu.
Chúng ta cũng thường nghe các thầy phù thủy luyện thiên-linh cái (đầu lâu). Họ cũng tập trung tư tưởng, luyện phép định tâm, và khi thành công, cũng sai được âm binh bộ hạ, được ma quỉ mách bảo cho các việc quá khứ, vị lai v.v… và cũng tác oai, tác quái không ít.
Đó cũng là do tu định cả, nhưng bởi dụng tâm tà, nên gọi là tà thiền-định, và kết quả là có hại cho mình và nhân-quần xã-hội.
Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy Ngài A-Nan trong kinh Lăng-Nghiêm về các lối tà thiền-định:
“…A-Nan! Nếu ông tu thiền-định mà không đoạn lòng dâm, thì quyết đọa vào ma đạo, bực thượng thành ma chúa, bực trung làm ma dân, bực hạ làm ma nữ … Vì gốc của nó là dâm, thì làm sao khỏi sanh-tử luân-hồi được? …
“…A-Nan! Nếu ông tu thiền-định mà không đoạn tâm sát hại, thì chỉ đọa vào thần đạo; bực thượng thành đại-lực quỉ, bực trung làm phi-hành dạ-xoa và các quỉ tướng soái, bực hạ làm địa-hành la-sát và các quỉ thần …
“…A-Nan! Nếu ông tu thiền-định mà không đoạn trừ tâm trộm cướp thì quyết đọa vào tà đạo; bực thượng thành loài yêu tinh, bực trung làm ma quỉ, bực hạ làm người tà, bị các tà ma nhập (đồng bóng)..

2.-Thiền-định của đạo tiên:
Theo các kinh sách của đạo tiên để lại như kinh Huỳnh-đình, hay bộ Tánh-mạng khuê-chỉ v.v… thì con người sở dĩ sống được và minh mẫn là nhờ có đủ ba món tinh, khí và thần. Tinh, khí là chủ của xác thân; thần là chủ của mạng sống. Hễ thất tình lục dục quá mạnh thì tinh khí hao mòn; tinh khí hao mòn thì thân bị che lấp tối tăm, con người mất sáng suốt. Vì thế cho nên cần phải trừ dục-tình để dưỡng tinh, luyện khí cho thân được cởi mở và phát hiện.
“Tiên đạo cho rằng khắp giáp thân-thể con người đều có những cái huyệt, tức là những lỗ thông khí âm-dương; huyệt ở chót bàn chân gọi là chi-âm; huyệt ở đỉnh đầu là thiên-thông. Khí đi trở lên là dương-khí, đi trở xuống là âm-khí. Người tu tiên cốt luyện cho âm-khí mất đi, chỉ còn cái khí thuần-dương đi lên đỉnh đầu, tức là có thần thông và đắc đạo. Vì sao phải trừ bỏ khí âm? Bởi vì âm-khí là trược-khí, làm cho nặng nề tối tăm, ưa thích điều dâm-dục, làm hao tổn tinh thần. Hễ tinh thần hao tổn thì cái Thần là cái linh động sáng suốt nhất cũng là cái thông hiệp với trời đất, bị bế tắc. Vậy nên, kẻ phàm là kẻ còn nặng khí-âm, còn bực tiên chỉ còn là khí thuần-dương mà thôi (1)”.

(1) “Yoga và tọa-thiền” trong Đại-chúng tuần-san số 219

Để luyện khí, người tu tiên có nhiều phép tu gần giống như phép tọa-thiền, nghĩa là ngồi ở một nơi thanh tịnh, rồi tập luyện các phép như: “tọa công”, “giao thiên trụ”, “thiệt giải thấu yếu” v.v…
Tóm lại, những người tu theo đạo này, nếu chuyên tâm trì chí tập trung tư tưởng, luyện “tinh” hóa “khí”, luyện “khí”, hóa “thần”, sau khi đã thuần-thục, cũng được năm phép thần thông biến hóa. Họ trở thành tiên, có thể xuất thần bay đi dạo chơi các thế giới. Hoặc họ hứng nước mặt trăng, luyện tinh đơn để trị bệnh hay để uống cho được trường sinh bất tử, thành Địa-tiên.
Những vị tiên này, rất tiếc là ngày nay, chúng ta không được thấy, nên không dám chắc là có hay không. Nhưng dù có đi nữa, thì trên lý thuyết, các vị này vì chưa được lậu-tận-thông (phiền-não hữu-lậu chưa hết) nên khi phiền não nổi lên, họ cũng bị đọa trở xuống, như trường hợp ông Uất-Đầu-Lâm-Phất, hay ông Độc-Giác Tiên-Nhân v.v… Hơn nữa, dù họ có luyện cái thân mình cho được trường sanh bất tử, cũng không thể toại nguyện được, vì cái thân này là do tứ đại giả hiệp, tất phải bị luật vô-thường chi phối, không thể sống vĩnh viễn được. Nó lại là cái đãy da chứa các vật bất tịnh, thì dù có công dưỡng cho mấy, rốt cuộc rồi cũng bị tan rã. Bởi lẽ đó, người tu hành phải xem nó như cái bè đưa qua sông, khi qua sông rồi, chẳng nên mến tiếc cái bè mà chẳng chịu lên bờ.
Trong bộ Qui-nguyên Trực-chỉ, có kể chuyện ông tiên Lữ-Đồng-Tân, học trò của tiên Hớn-Chung-Ly, sau khi đấu phép với ngài Huỳnh-Long Hòa-Thượng bị thua, đã bỏ đạo tiên theo đạo Phật. Lý do sự đầu Phật này là vì ông Lữ-Đồng-Tân tự nhận thấy mình đã dụng tâm sai và đã đi lầm đường tu hành. Do đó, ông đã làm bài thơ sau đây để nói lên sự sai lầm của ông:
Nguyên văn:
Khí khước biển nan, kích tý cầm,
Như kim bất luyến hống trung câm.
Từ tùng nhứt kiến Huỳnh-Long hậu
Thỉ giác tùng tiên thố dụng tâm.

Dịch nghĩa:
Bỏ bầu linh-dược, ném đờn cầm,
Tôi nay chẳng tiếc nước miếng vàng (1)
Từ khi gặp Huỳnh-Long hòa-thượng
Mới biết từ trước dụng tâm sai.
(xem cuốn Lữ-Đông-Tân đầu Phật)

(1) Nước miếng vàng: Đối với người tu tiên, thì nước miếng rất quí, họ không bao giờ nhổ nước miếng, vì sợ tổn khí, và dùng nước miếng của mình để luyện thành linh dược.

3-Luyện Du-già (Yoga):
-Yoga là một danh từ Ấn, gốc là ở chữ Yuj; Tàu dịch là Du-già, nghĩa đen là “tự đặt mình dưới một cái ách”; nghĩa bóng là “tự trói buộc cả tinh thần, thể xác vào một quy luật khắc khe” tự kiềm chế mình theo một kỷ luật đặc biệt, mà mục đích là tập trung toàn thể thân tâm làm Một với bản thể của trời đất.
Du-già cũng gọi là thuật luyện khí của Ấn-Độ, gần giống như thuật luyện khí của Đạo-Tiên. Theo thuyết Du-già, trong thân thể con người có rất nhiều huyệt; trong số ấy, có bảy huyệt từ hậu môn lên tới đỉnh đầu là quan trọng nhất. Bảy huyệt ấy nằm dài theo xương sống, và có một đường lên, một đường xuống thông nhau. Vì sự si mê và các thứ dục vọng che lấp cho nên bảy huyệt ấy bị chướng ngại khiến cho cái “chân hỏa” từ dưới “hỏa hậu” (chỗ hậu môn) không thể lên được. Nhất là vì thân thể không luyện tập, xương sống bị cong đi, các huyệt do đó dễ bị bế tắc. Vậy muốn cho hỏa-hậu (tức là cái thần lực trong con người) được thông qua các huyệt, lên tới đỉnh đầu thì phải chú tâm luyện cho xương sống giãn ra, các khớp xương được thông và thẳng.
Để đạt được mục đích nói trên, người luyện Du-già phải tập nhiều tư thế, như tư thế “giãn lưng”, tư thế “lưỡi cày”, tư thế “trồng chuối” (trút đầu xuống dưới, trở chân lên đầu), để cho hỏa-hậu dễ lưu thông tới đỉnh đầu.
Ngày nay Du-già được phổ biến sang các nước Âu-Mỹ, gần như một phong trào. Phần đông cho đó là một phương pháp thể dục, để luyện cho thân thể được khỏe mạnh, trí huệ được sáng suốt để tính toán và làm việc được nhiều hiệu quả. Một số người đi xa hơn, muốn luyện Du-già để được sống lâu, trẻ mãi, vượt ra khỏi những sự ràng buộc của xác thân đầy dục vọng, thoát ra ngoài những nỗi lo âu, sợ sệt hằng ngày và sống một cuộc đời an vui, tự tại. Lại có một hạng người khác, mong rằng Du-già sẽ làm cho họ khám phá ra những năng lực tiềm tàng ẩn núp trong con người và làm cho họ trở thành những nhân vật phi thường, có những thần thông biến hóa, phép mầu chước lạ. Họ cũng tập trung tư tưởng, định tâm chú ý như các lối tu thiền-định; ngoài ra họ còn tu tập một cách rất khổ sở, hành hạ thân xác, bắt nó chịu đựng những thử thách cực độ, như phơi nắng dầm sương, ngồi trên chông gai, đứng bằng hai tay, treo chân lên cổ, nhịn đói, nhịn khác v.v… Đó là những đạo-sĩ mà người Ấn-Độ thường gọi là “pha-kia” (fakir).
Những người nầy, khi tu đến mức độ cao, cũng có được những phép lạ, như dao chém không đứt, đâm không thủng, nhai ve chai, uống ác-xít không sao, nằm ngủ một giấc luôn trong ba tháng không ăn, không uống v.v…
Nhưng dù họ thành công bao nhiêu đi nữa, thì cũng không thể thoát ngoài vòng trần tục liễu sanh thoát tử và minh tâm kiến tánh được.

4-Luyện thôi miên:
-Đây cũng là một lối tu thiền của ngoại đạo, hiện nay rất thạnh hành trên thế giới. Nguyên tắc của phương pháp tu luyện nầy cũng là vận dụng, tập trung tư tưởng vào một chỗ để cho tinh thần có sức mạnh sai khiến được sự vật. Người tập thôi miên lúc mới đầu ngồi yên một chỗ, nhìn chăm chú vào một chấm đen vẽ ở trên tường, để cả tâm trí tập trung vào đó, ngoài ra không còn để ý vào một sự vật gì ở chung quanh nữa. Họ tập ngồi hàng giờ như thế, bao giờ tinh thần không còn tán loạn nữa, và có đủ sức mạnh để sai sử kẻ khác là họ thành công. Những người thôi miên giỏi, có thể dùng thôi miên để trị lành bệnh, hay sai sử những người khác làm những chuyện phi thường, như xuất thân đi đến một xứ khác để thăm bà con, kể lại quá khứ hay tiền thân của một người khác v.v…
Tóm lại nhờ luồng điện tinh thần đã được tập trung thành sức mạnh, người thôi miên có thể bắt người khác làm những việc kỳ lạ theo ý muốn của mình. Nhưng vì lợi dụng tâm không chơn chánh, chỉ tham cầu những điều huyền bí, mầu nhiệm bên ngoài, không lo dẹp trừ phiền não hữu lậu, trau giồi tâm tánh bên trong, để được minh tâm kiến tánh, nên không phải là chánh đạo. Đến khi phiền não hữu lậu nổi lên hoặc nhiễm sắc tham tài v.v… thì các thần thông, diệu dụng đều mất hết. Bởi thế nên Phật dạy các đệ tử: “Ngộ được Đạo thì tự nhiên sẽ có các thần thông. Nếu được thần thông mà chưa ngộ được Đạo thì thần thông ấy có khi bị mất.”

_Hết phần 02 – Tập 3_