BẢN ĐỒ TU PHẬT – TẬP III – THIỀN TÔN – P.01
SOẠN GIẢ :
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA
BẢN ĐỒ TU PHẬT
TẬP III
THIỀN TÔN
(QUYỂN NHỨT)
CON ĐƯỜNG TU THỨ BA TRONG MƯỜI TÔN
THIỀN TÔN
Phần mở đầu
Sau khi đi qua bốn con đường đầu tiên trong Bản đồ tu Phật là con đường tu của quảng đại quần chúng, con đường tu thông thường của giới Phật tử, con đường tu về Luật-tôn và Tịnh-độ-tôn. Hôm nay chúng ta đi vào con đường tu thứ năm là Thiền-tôn. Con đường này mở chung cho cả hàng Đại-thừa và Tiểu-thừa. Cũng như bao nhiêu tôn phái khác trong Phật giáo, vị khai sáng đầu tiên của Thiền-tôn vẫn là Đức Phật. Trước Ngài, sự tham thiền nhập định của các ngoại đạo không phải là không có. Nhưng đến Ngài, phương pháp Thiền-định mới đạt đến chỗ rốt ráo. Như chúng ta đều biết qua lịch sử của Ngài, sau khi xuất gia, Đức Phật đã trải qua nhiều năm đi tìm đạo và tu khổ hạnh, nhưng vẫn chưa đạt được đạo quả như ý muốn. Ngài tự bảo cái đạo ấy không phải đi tìm đâu xa mà chính phải tìm trong trí huệ sáng suốt của Ngài. Và từ đó, luôn trong 49 ngày đêm dưới cội Bồ-đề, Ngài đã ngồi tham thiền nhập định cho đến khuya mồng 08 tháng chạp âm lịch, lúc sao mai vừa mọc thì Ngài “minh tâm kiến tánh”, chứng được đạo quả Bồ-đề. Đó là một cuộc tham thiền nhập định vô tiền khoán hậu, mở đầu cho một pháp môn vô cùng hiệu nghiệm của đạo Bồ-đề. Và từ đấy về sau, một tôn phái riêng đã được thành lập. Đó là Thiền-tôn.
Sao gọi là Thiền tôn?
Thiền-tôn là một tôn phái của Phật giáo lấy pháp môn tham thiền nhập định làm căn bản tu hành.
Chữ “Thiền” là do chữ “thiền-na”, một tiếng Phạn, phiên âm theo tiếng Trung-hoa, và dịch nghĩa là định-lự (định các tư lự). Hiệp chung cả tiếng Phạn và tiếng Trung-hoa, thành ra chữ Thiền-định.
Có chỗ giải: Chữ “Thiền” xưa dịch là “tư duy”, nay dịch là “tịnh tự”. Tư duy có nghĩa là suy nghiệm, nghiên cứu, suy tầm những đối tượng của tâm thức (tức là quán). “Tịnh lự” có nghĩa là để tâm vắng lặng không cho khởi các vọng tưởng tư lự (tức là chỉ) để cho tâm thể được sáng tỏ.
Chữ “định” nguyên tiếng Phạn là Samadhi, người Trung-hoa phiên âm là tam-muội, nghĩa là tập trung tư tưởng vào một cảnh duy nhất không cho tán loạn.
Hợp hai chữ “Thiền” và “Định”, chúng ta có một nghĩa chung như sau: Tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không cho tán loạn, để cho tâm thể được vắng lặng, tâm dụng được sáng tỏ, mạnh mẽ, đặng quan sát và suy nghiệm chơn lý.
Phương pháp Thiền-định có hai cách:
1-Tham cứu về lý thiền, để cầu minh tâm kiến tánh, tỏ ngộ đạo quả, nên gọi là “tham thiền”, như tham cứu câu thoại đầu (câu nói thiền) v.v…
2- Tập trung tư tưởng để quan sát cho sáng tỏ chân lý về một vấn đề gì, như quán bất-tịnh, quán từ-bi, v.v…, nên cũng gọi là “quán tưởng”.
Có chỗ gọi là tu “chỉ quán” hay tu “định huệ”. Chỉ là đình chỉ các vọng tưởng, không cho khởi động, tức là Định. Quán là quán sát cho sáng tỏ một vấn đề gì tức là Huệ.
“Chỉ” là nhơn, mà “Định” là quả.
“Quán” là nhơn, mà “Huệ” là quả.
CHỦ TRƯƠNG CỦA THIỀN TÔN
Tất cả chúng sinh, trải bao đời kiếp phải trôi lăn trong biển khổ sanh tử luân hồi vì bị vô minh mê hoặc.
Tại sao lại có vô minh mê hoặc?
Chúng ta hàng ngày bị thất tình (1) lục dục (2) bát phong (3) xuy động làm cho tâm tánh của chúng ta phải bị mờ ám; cũng như ngọn đèn bị gió thổi leo lét, không sáng tỏ được để phá tan cái hắc-ám ở chung quang và soi sáng cảnh vật. Đèn tâm của chúng ta không giờ phút nào chẳng bị gió lục trần (4) làm chao động. Vì đèn tâm chao động (không định) nên ánh-sáng trí-huệ không thể tỏa ra; và vì ánh-sáng trí-huệ không tỏ sáng nên không xé tan được mây vô-minh hắc-ám ở chung quanh và không chiếu soi chơn-lý của vũ trụ.
(1) Thất tình: Mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn.
(2) Lục dục: Những sự dục do lục căn sanh ra.
(3) Bát phong: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc.
(4) Lục trần: Sáu trần cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Vậy hành giả muốn rõ chơn-lý của vũ trụ, muốn được minh tâm kiến tánh thành Phật, thì phải phá trừ mây vô-minh hắc-ám. Muốn phá trừ vô-minh hắc-ám, hành giả phải làm sao cho đèn trí-huệ của mình được sáng tỏ. Muốn thế, hành giả phải tu thiền-định. Tâm có định, mới phát sinh trí-huệ. Trí-huệ có phát sinh mới phá trừ được vô-minh hắc-ám, và mới minh tâm kiến tánh thành Phật.
Mới nghe qua chủ trương của Thiền tôn thì thấy không có gì là mới lạ và tưởng là dễ dàng quá; nhưng khi thực hành thì lại không phải dễ dàng như thế. Trái lại, phép tu thiền định rất khó, phải thường có thiện-hữu tri-thức dắt dẫn, phải tốn rất nhiều công phu và kiên nhẫn, phải trải qua một thời gian lâu dài, thì mới thu được kết quả.
_Hết Phần 01 – Tập III_