BẢN ĐỒ TU PHẬT – TẬP II – TỊNH ĐỘ TÔN – Phần 02


CON ĐƯỜNG TU THỨ HAI TRONG 10 TÔN

TỊNH ĐỘ TÔN

IV- PHƯƠNG PHÁP TU VỀ TỊNH ĐỘ

Sau khi đã chuẩn bị đủ ba yếu tố hay ba món tư lương tịnh độ nói trên, chúng ta phải hạ thủ công phu ngay. Nhưng muốn cho có hiệu quả, chúng ta cần hiểu rõ phương pháp tu hành. Vẫn biết rằng pháp môn niệm Phật là một pháp môn rất giản dị, chỉ cần niệm Phật là đủ. Nhưng niệm Phật cũng có nhiều cách, nhiều loại, mà chúng tôi xin dẫn một ít phương pháp ra sau đây:

1.- Trì danh niệm Phật: – Trong lối niệm Phật này, hành giả chỉ cần chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Phật A Di Đà.  Mỗi ngày từ khi mới thức dậy cho đến lúc đi ngủ, hành giả phải nhớ niệm luôn, không cho xen hở. Khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi ăn, trước khi ngủ, hành giả đừng bao giờ quên niệm Phật. Ngoài ra, muốn cho có hiệu quả hơn hành giả cần phải theo phương pháp “kinh hành niệm Phật” (xem nghi thức kinh hành niệm Phật có phụ sau đây) hay “tọa thiền niệm Phật” (xem nghi thức tọa thiền niệm Phật có phụ sau đây). Mỗi khi niệm xong, hành giả đều hồi hướng cầu sanh về Tịnh độ.

2.- Tham cứu niệm Phật: – Trong lối tu này, hành giả phải tham khảo cứu xét, suy nghiệm câu niệm Phật. Như khi niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, hành giả phải quán sát câu niệm Phật này, từ đâu mà đến, đến rồi sẽ đi về đâu? niệm đây là ai niệm v.v…. Nhờ sự chuyên tâm chú ý tham khảo một câu niệm Phật như thế, sóng vượt tưởng dần dần chìm lặng, nước định tâm hiện bày, hành giả được “nhất tâm bất loạn”, đến khi lâm chung, sẽ được sanh về cảnh giới của Phật. Phép niệm Phật này giống như phép tham cứu câu “thoại đầu” bên Thiền tôn, nên gọi là tham cứu niệm Phật.

3.- Quán tượng niệm Phật: – Trong lối tu này, hành giả chăm chú quán sát hình trạng của Phật.

Hành giả ngồi trước tượng Phật, chú tâm chiêm ngưỡng, quán sát các tướng tốt mà liên tưởng đến các đức tánh của Phật. Như khi chiêm ngưỡng đôi mắt Phật thì liên tưởng đến trí tuệ, khi chiêm ngưỡng nụ cười hiền hậu của Phật thì liên tưởng đến đức tánh từ, bi, hỷ, xả của Phật. Nhờ quán trí huệ của Phật mà tánh Si của hành giả phai dần, nhờ quán từ bi của Phật mà tánh Sân của hành giả bớt dần … Hễ quán thêm một đức tánh của Phật, thì một tánh xấu của hành giả được bớt đi. Tánh tốt của Đức Phật như tia sáng mặt trời, tánh xấu của hành giả như vết mực, tia sáng mặt trời sáng càng nhiều và càng chiếu rọi lâu ngày, thì vết mực càng phai nhanh. Tóm lại, nhờ sự chú tâm quán các tướng tốt trên hình tượng của Phật, mà các đức tánh như từ, bi, hỷ, xả, bình đẳng, lợi tha được huân tập, thấm nhuần vào tâm hành giả; lâu ngày, tâm hành giả sẽ thanh tịnh lọc sạch những niệm ác độc và sẽ giống tâm Phật, được vãng sanh về cõi Phật.

4.- Quán tưởng niệm Phật: – Trong lối tu này, hành giả ngồi yên một chỗ, mặc dù không có hình tượng Phật trước mặt, mà hành giả vẫn quán tưởng như có Đức Phật A Di Đà, cao lớn đứng trên hoa sen, phóng tỏa hào quang như tấm lụa vàng, bao phủ cả thân hình mình. Hành giả ngồi ngay thẳng, hai tay chắp lại, cũng tưởng mình ngồi trên tòa sen, được Phật tiếp dẫn. Hành giả chuyên chú quán tưởng mãi mãi như thế: đi, đứng, nằm, ngồi cũng không dừng nghỉ cho đến khi nào, mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy được Phật, tức là phép quán đã thuần thục. Khi lâm chung, hành giả chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh độ.

Trong kinh Quán Phật tam-muội chép rằng: “Phật vì phụ vương, nói pháp quán tưởng bạch hào …”. Quán tưởng bạch hào nghĩa là quán tưởng lông trắng có hào quang sáng chiếu giữa hai chân mày của Phật như trăng thu tròn đầy, trong suốt như ngọc lưu ly. Đây là một phương pháp quán tưởng niệm Phật.

5.- Thật tướng niệm Phật: – Thật tướng niệm Phật là pháp niệm Phật đã đạt đến bản thể chơn tâm. Chơn tâm không sanh diệt, không khứ lai, bình đẳng như như không hư giả, cho nên gọi là “thật tướng”.

Trong năm phép niệm Phật trên này, thì bốn phép trước đều thuộc về Sự, có niệm, có tu; còn phép thứ năm (thật tướng niệm Phật), thì thuộc về Lý, không còn niệm, còn tu, không còn năng sở, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến chỗ này mới hoàn toàn rốt ráo.

Nhưng, hành giả phải luôn luôn nhớ rằng: nhờ có Sự, Lý mới được hiểu. Trước hết phải tu bốn phép niệm Phật trên, cho đến khi thuần thục, không còn thấy có mình là người niệm, Phật là bị niệm, chỉ có một tâm yên lặng chiếu soi, không năng sở, bỉ, thử, không hữu, không vô. Đến chỗ này, kinh Di Đà gọi là “được nhất tâm bất loạn”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng chép: “niệm đến chỗ vô niệm, mới là chơn niệm”.

Trong năm phép niệm Phật trên này, từ xưa đến nay, người tu tịnh độ thường lựa pháp môn trì danh, là một pháp môn dễ hạ thủ công phu, hành giả ở trình độ nào cũng tu được. Thật là một pháp môn rất thù thắng.

V.- LỢI ÍCH CỦA PHÉP NIỆM PHẬT

Lợi ích của phép niệm Phật thật vô lượng vô biên, tựu chung có thể chia làm hai phần: lợi ích về Sự và lợi ích về Lý.

1.- Lợi ích về Sự:

  1. a) Niệm Phật sẽ trừ được các phiền não:

Những người gặp các cảnh khổ như tử biệt sanh ly, nhà tan cửa nát, tai nạn bất thường v.v… sanh các phiền não, nếu biết chí tâm niệm Phật, thì các phiền não khổ đau sẽ dần dần tiêu tan hết. Vì sao lại có kết quả tốt đẹp như thế? Vì tâm ta cũng như dòng nước luôn luôn tuôn chảy, nếu chúng ta pha vào những chất cấu bẩn, thì nước trở thành đục vẩn; nếu chúng ta pha vào những chất thơm tho, thì nước sẽ trở thành thơm mát. Tâm ta nếu chỉ nhớ nghĩ đến những tai nạn, khổ đau, thì luôn luôn sẽ bị phiền não khuấy đục. Khi ta niệm Phật thì cố nhiên ta sẽ nhớ Phật, quên đau khổ. Đem sự nhớ Phật này thế cho cái nhớ sự khổ đau, một giờ niệm Phật thì đổi được một giờ đau khổ. Đem sự nhớ Phật này thế cho cái nhớ sự khổ đau, một giờ niệm Phật thì đổi được một giờ sầu khổ, một ngày niệm Phật thì đổi được một ngày khổ đau. Cứ như thế, nếu niệm Phật được tăng chừng nào, thì sự buồn phiền đau khổ sẽ giảm đi chừng ấy. Cho nên cổ nhân có câu: “Một câu niệm Phật giải oan khiên”.

  1. b) Niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh:

Chúng sanh hằng ngày nhớ nghĩ đến những điều tội lỗi như tham, sân, si v.v…; miệng thốt ra những lời ác độc, thân thực hành những ý niệm xấu xa. Đó là những ác nghiệp của chúng sanh. Nay nếu chúng ta niệm Phật, thì chúng ta không còn thì giờ để thực hành những ác nghiệp trên nữa. Như thế là niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh. Niệm Phật càng nhiều thì niệm chúng sanh càng ít. Niệm Phật hoàn toàn thì niệm chúng sanh dứt sạch.

  1. c) Niệm Phật sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng an ổn:

Bệnh tật của chúng ta, một phần do thể xác, nhưng một phần cũng do ảnh hưởng của tinh thần. Nhiều người mất ăn, bỏ ngủ vì uất hận, nhục nhã v.v… Do đó, uất khí tích tụ lâu ngày trong người, mà sinh bệnh, mất ăn bỏ ngủ. Gặp những trường hợp như vậy, nếu chúng ta niệm Phật cho ra tiếng, thì những nỗi uất hận đè nặng tâm can chúng ta, sẽ như được trút ra cùng hơi thở, cùng tiếng niệm, và thâm tâm ta sẽ được nhẹ nhàng, dễ chịu. Những người yếu tim nếu biết niệm Phật sẽ mau bình phục. Vì bệnh yếu tim, thường làm cho người bệnh hồi hộp, lo sợ, nay nhờ niệm Phật nên tâm định, tâm định thì những sự hồi hộp lo nghĩ giảm đi. Do đó mà ăn được, ngủ yên, và bệnh mau bình phục.

  1. d) Niệm Phật, tâm trí sẽ sáng suốt, học hành mau nhớ:

Những người tâm trí loạn động thì tối tăm như ngọn đèn bốn phía bị gió đàn, không sáng được. Nhờ niệm Phật, tâm trí sẽ định tĩnh, như ngọn đèn có ống khói, không lay động. Do đó tâm trí sẽ phát chiếu, như ngọn đèn tỏa ánh sáng vậy.

  1. e) Niệm Phật khi lâm chung sẽ được sanh về Tịnh độ:

Như chúng ta đã thấy ở trên, niệm Phật đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống hiện tiền, về phương diện thể chất lẫn tinh thần, về tính tình lẫn trí huệ. Nhưng cái lợi ích lớn nhất là ở đời sau. Nếu chúng ta thực hành pháp niệm Phật này, đúng như lời Phật dạy, cho đến “nhất tâm bất loạn” thì sau khi lâm chung, sẽ sanh về Tịnh độ, được luôn luôn thấy Phật, nghe pháp, làm bạn với thánh hiền tăng, và có đủ nhiều thiện duyên để tiếp tục tu hành cho đến quả Phật.

2.- Lợi ích về Lý:

Khi hành giả niệm Phật được “nhất tâm bất loạn”, thì các vọng tưởng hết, chơn tâm thanh tịnh hiện ra. Chơn Tâm không sanh diệt hư hoại là Thường, thanh tịnh vắng lặng là Tịch, sáng suốt vô cùng là Quang. Cảnh “Thường Tịch Quang Tịnh Độ” là đó, chứ không đâu khác.

Lại nữa, chơn tâm không hoại diệt là “Phật Vô Lượng Thọ”; chơn tâm chiếu soi vô tận là “Phật Vô Lượng Quang”, và đó cũng tức là “Thanh tịnh diệu pháp thân của Phật A Di Đà”.

Tóm lại, người niệm Phật đến khi hết vọng, ngộ nhập được chơn tâm rồi, thì Phật A Di Đà hay cảnh Tịnh độ cũng chỉ ở nơi tâm mình hiện ra, chứ không phải đâu xa. Bởi thế nên kinh chép:

“Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ” là vậy.

VI.- SỰ QUY NGƯỠNG VÀ CẦU SANH VỀ TỊNH ĐỘ CỦA CÁC VỊ BỒ TÁT VÀ TỔ SƯ

Chúng ta đừng tưởng rằng pháp môn Tịnh độ là một pháp môn dễ dàng, giản dị chỉ để cho những người căn trí thấp thỏi, hẹp hòi tu hành mà thôi. Thật ra, mặc dù pháp môn này không đòi hỏi hành giả có một sức hiểu biết thâm sâu, một trí óc thông minh xuất chúng, nhưng vì nó dễ tu dễ chứng, hiệu quả chắc chắn, nên từ xưa đến nay, rất nhiều vị Bồ tát và Tổ sư đã thực hành pháp môn này để cầu sanh về Tịnh độ. Ngài Văn Thù là một vị Bồ tát có một trí huệ tối thắng, không ai sánh kịp, thế mà cũng đã phát nguyện sanh về nước Cực Lạc của Phật A Di Đà như sau:

Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời,

Tâm trừ nhất thế chư chướng chướng ngại

Diện kiến bỉ Phật A Di Đà

Tức đắc vãng sanh an lạc sát”.

(Tôi nguyện đến khi lâm chung, diệt trừ hết cả chướng ngại, trước mắt thấy được Phật A Di Đà, liền được vãng sanh về cõi An lạc).

Các vị Bồ tát như ngài Phổ Hiền, Quán Âm, Đại Thế Chí cũng đều nguyện sanh về cõi Tịnh Độ.

Các vị Tổ ở các tôn khác, mặc dù hoằng truyền tôn mình, nhưng cũng vẫn tu về Tịnh độ. Như ngài Thiên Thân, tổ của Duy-Thức-tôn; ngài Trí Giả đại sư, tổ của Thiên-Thai-tôn; ngài Hiền Thủ, tổ của Hoa-Nghiêm-tôn; ngài Nguyên Chiếu luật-sư, tổ của Luật-tôn; ngài Mã Minh, Long Thọ, tổ của Thiền-tôn v.v… cũng đều thực hành pháp môn Tịnh độ.

Sau nữa, các vị Đại sư danh tiếng ở Trung Hoa, như ngài Đàm Loan, ngài Đạo Xước, ngài Thiện Đạo, ngài Thừa Viễn, ngài Pháp Chiếu, ngài Thiếu Khương, ngài Tĩnh Am v.v… đều dùng pháp môn này để tự độ và độ tha, và mãi mãi lưu truyền cho đến ngày nay.

VII.- KẾT LUẬN

Chúng ta đã biết qua tôn chỉ, đặc điểm, phương pháp tu hành và giá trị của Tịnh độ tôn. Đến đây, chúng ta cần phải lắng tâm suy xét kỹ lưỡng, xem con đường tu về Tịnh độ tôn này, có thiết thực lợi ích và có thích hợp với chuáng ta không. Trong phút giây quan trọng này, chúng ta hãy hết sức thành thực; nếu chúng ta nhận thấy con đường này rõ ràng không thích hợp với chúng ta, thì chúng ta có quyền chờ đợi và lựa chọn một tôn khác. Nhưng nếu chúng ta nhận thấy nó có một giá trị thiết thực, lợi ích chắc chắn cho đời chúng ta trong hiện tại và mai sau, thì chúng ta đừng chần chờ gì nữa, hãy hạ thủ công phu ngay. Thời gian vùn vụt trôi qua, chẳng chờ ai cả. Hãy chuẩn bị ngay ba món tư lương là Tín, Nguyện, Hành; và tinh tấn thực hành các phương pháp niệm Phật.

Với một thái độ thiết tha chân thành, một quyết tâm không thối chuyển, chúng ta chắc chắn sẽ niệm Phật đến chỗ “Nhất tâm bất loạn”.

HẾT-Tập 02