BẢN ĐỒ TU PHẬT : TẬP 07_TAM LUẬN TÔN-PHẦN 01


CON ĐƯỜNG TU THỨ TÁM TRONG MƯỜI TÔN
TAM LUẬN TÔN
*****

I.-DUYÊN KHỞI LẬP TÔN
Tôn này căn cứ vào ba bộ luận sau đây mà thành lập, nên gọi là Tam Luận Tôn:
1.-Bộ Trung-Luận, gồm có bốn quyển, do Ngài Bồ tát Long Thọ làm ra, mục đích chính là phá chấp của Tiểu thừa và kèm một phần phụ đả phá sai lầm của ngoại đạo.
2.-Bộ Bách-Luận, gồm có hai quyển, do Ngài Bồ tát Đề Bà làm ra, mục đích chính là phá chấp của ngoại đạo và kèm một phần phụ phá chấp của Tiểu thừa.
3.-Bộ Thập-Nhị-Môn Luận, gồm có một quyển, cũng do Ngài Long Thọ làm ra, mục đích phá cả Tiểu thừa và Ngoại đạo.
Tóm lại, ba bộ luận trên đây, đều phá sự thiên chấp sai lầm của Tiểu thừa và Ngoại đạo, và mục đích cuối cùng là làm sáng tỏ nghĩa lý sâu xa, mầu nhiệm của Đại thừa.
Tôn này được thạnh hành ở Trung Hoa trong đời Giao Tần do công đức hoằng dương của ngài Cưu-Ma-La-Thập, và trong đời Đường do công đức của ngài Đại sư Gia Tường.
II.-TÔN CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN
Như chúng ta đã thấy trong nội dung của ba bộ luận căn bản nói trên, chủ trương của tôn này là phá các điều tà chấp, nêu bày chánh lý.
Theo Tam Luận Tôn, tà chấp có bốn loại:
1.-Tà chấp của ngoại đạo:
Ngoại đạo tức là những học phái hay tôn giáo khác với đạo Phật. Ngoại đạo vì không thấu rõ lý ngã không và pháp không, nên chấp chặt tà kiến, như tà nhơn, tà quả, không nhơn mà có quả, có nhơn mà không quả v.v… những cái chấp này cần phải đả phá.
2.-Chấp trước của Tiểu thừa Tì-đàm-tôn:
Tiểu thừa Tì-đàm-tôn tức là Câu-xá-tôn. Tôn này chủ trương lý ngã không, pháp hữu, nghĩa là cho rằng cái ngã nơi thân người là không có, nhưng các pháp là có. Quan niệm sai lầm về lý pháp hữu ấy cần phải phá trừ.
3.-Chấp trước của Thành thật tôn:
Tôn này, tuy chủ trương ngã pháp đều không, nhưng lại chấp cái “không” ấy là thật có (thật có một cái không), chứ không biết rằng cái “không” ấy cũng không hoàn toàn là không, cho nên cần phải phá trừ.
4.-Chấp trước của người tu về Đại thừa:
Người tu về Đại thừa không còn những chấp trước mê lầm về ngã, pháp của ngoại đạo và Tiểu thừa, đã đoạn trừ những thành kiến chấp có, chấp không, chấp đoạn, chấp thường, nhưng còn có một số người ôm chặt cái sở đắc của mình, nghe nói “có” thì sa vào có, nghe nói “không” thì trệ vào không, nghe nói “trung đạo” thì chấp trước về trung đạo. Cho nên, cần phải phá trừ những chấp trước ấy.
Có người hỏi: – Tam luận tôn chủ trương phá tà như trên, có thể gọi là đầy đủ lắm, nhưng còn phần hiển chánh thì như thế nào?
-Xin thưa: Phá hết tà, tức là hiển chánh. Phá cũng tức là lập. Trừ mê tức là ngộ. Như vậy, tà chấp đã bị phá, thời chánh lý tự bày, ngoài sự phá tà, không có chánh lý nào riêng nữa.
Trong bộ “Tam luận huyền nghĩa” có nói: Sự phá tà hiển chánh phân làm bốn loại:
a).Phá mà không thâu, nghĩa là trước một đối thủ nói không hợp đạo, thì chỉ phá mà không thâu.
b).Thâu mà không phá, nghĩa là đối với người chủ trương hợp với chân lý thì chỉ thâu mà không phá.
c).Cũng phá mà cũng thâu, nghĩa là đối với người học đạo mà còn đầy lòng mê chấp, thì phải phá trừ chỗ mê chấp, và thâu lại giáo nghĩa mà họ đã hiểu lầm.
d).Không thâu mà cũng không phá, đây là trường hợp khi đã tiểu trừ ba loại nói trên, quy về một chơn thật tướng: đến đây thì đã xa lìa nói phô, bặt dứt niệm lự, không thể nói rằng phá, không thể nói rằng thâu.
Chủ trương phá tà hiển chánh trên này có thể cô đọng trong bốn chữ sau đây: “Trung đạo Bát Bất”.
Trung đạo tức là đạo lý viên dung, cũng gọi là Đệ nhất Nghĩa đế, nghĩa là cái chơn lý cùng tột, không gì hơn.
Bát Bất tức là tám cái “chẳng phải”.
Bất-Sanh, Bất-Diệt, Bất-Thường, Bất-Đoạn, Bất-Nhất, Bất-Dị, Bất-Lai, Bất-Xuất. Hiểu rõ tái cái “Bất” ấy, tức là nhận chân được nghĩa lý của Trung đạo.
Chúng ta hãy nghe bài kệ sau đây trong “Trung Luận” thì rõ:
Bất-Sanh, diệc Bất-Diệt,
Bất-Thường, diệc Bất-Đoạn,
Bất-Nhất, diệc Bất-Dị,
Bất-Lai, diệc Bất-Xuất,
Năng thuyết thị nhân-duyên,
Thiện diệt chư hý-luận,
Nả khể thủ lễ Phật,
Chư thuyết trung đệ nhất.
Giảng rộng đoạn văn trên này, ông Phan Văn Hùm, trong quyển Phật Giáo Triết Học, đã viết như sau:
Nhất thiết vạn hữu trong hiện tượng giới đều sinh diệt vô thường. Sinh diệt vô thường như thế, nguyên là vì không có tự tánh, mà bởi nhân duyên mê vọng nên sinh ra giả hữu.
Thế tục vì vọng kiến, nên chấp lấy cái giả hữu đó. Chân trí thời phủ định giả hữu mà đều nhận thấy là không … Siêu việt được tất cả hữu và vô là cái quan niệm tuyệt đối.
Muốn đạt cái quan niệm tuyệt đối ấy, phải biết rằng chư pháp đều do nhân duyên sinh ra …
Chư pháp, tuy là hữu, nhưng mà là phi thường hữu. Hữu, mà phi thường hữu là giả hữu. Giả hữu tuy là hữu mà phi hữu. Hữu mà phi hữu, thời cũng với vô có khác gì? Cho nên chư pháp tuy là vạn hữu, nhưng uyển nhiên là không.
Lý thể của Chân như tuy là không tịch, bất sinh diệt, mà bởi nó sanh ra chư pháp, cho nên nó là căn của giả hữu, thời mặc dù lý thể của Chân như là không, thật ra nó là phi không. Như thế, Chân như là không mà không thật là không cho nên cùng với hữu có khác gì? Vì thế, rốt lại, Chân như tuy là không tịch, mà nó uyển nhiên là hữu.
Hữu, Không, hai cái toàn nhiên cùng nhau bổn hiệp.
Trung đạo ra ngoài chỗ chấp hữu cùng chấp không”.
III.-BA THỜI GIÁO LÝ
Trong phần tôn chỉ và giáo lý căn bản nói trên, chúng ta thấy Tam Luận tôn bác tất cả các tôn phái của Tiểu thừa và một phần của Đại thừa. nhưng dù Tiểu thừa hay Đại thừa, cũng là dựa trên Giáo lý của Đức Phật cả. Vậy, bác các Tôn phái trong đạo Phật, tức là gián tiếp bác Giáo lý của Phật chăng?
Thật ra không phải thế. Tất cả lời dạy của Đức Phật chỉ có một tánh chất chung là Sự Giải Thoát, như tất cả nước của đại dương chỉ có một mùi vị là mặn. Phật nói ra các pháp môn, đều để đối trị những phiền não của chúng sanh. Người lương y giỏi tùy theo chứng bịnh mà cho thuốc, thuốc không cao thấp, lành bịnh là hay. Cũng thế, căn cơ chúng sanh không đồng nhau, cho nên pháp môn cũng tùy theo đó mà có sai biệt.
Theo Tam Luận tôn, thì Giáo lý của Đức Phật chia làm ba thời kỳ:
-Thời kỳ thứ nhất, tại vườn Lộc Giả, vì các vị căn trí hẹp, nói pháp Tiểu thừa, tâm cảnh đều có. Trong thời kỳ này vì cần phải phá cái chấp về tự tánh, thần ngã của ngoại đạo, nên Phật nói “pháp duyên sanh”, xác định là thật có.
-Thời kỳ thứ hai, Phật vì các vị căn trí bậc trung, nói “pháp tướng Đại thừa”, chỉ rõ đạo lý duy nhất “cảnh không tâm có” (thế giới hiện tượng không thật có, nhưng tâm thức thật có). Cũng trong thời kỳ này, Phật lần hồi phá trừ chỗ chấp của Nhị thừa về lý duyên sanh thật có, mà nói lý duyên sanh ấy chỉ là giả dối như tuồng có mà thôi, vì họ sợ về chỗ chơn không, nên phải để “giả hữu” lại để dìu dắt họ.
-Thời kỳ thứ ba, Phật vì các bậc thượng căn thượng trí nói ra giáo lý “vô tướng Đại thừa”, biện bạch tâm cảnh đều không, một mực bình đẳng là chơn liễu nghĩa. Đến thời kỳ này mới thật là chỗ rốt ráo của Đại thừa, chủ trương duyên sinh ấy tức là tánh không, một mực bình đẳng, viên dung cả hai đế (chơn đế, tục đế) không ngại.
Tóm lại thời kỳ thứ nhất, phá trừ ngoại đạo, chỉ dạy Tiểu thừa với giáo lý tâm cảnh đều có. Thời kỳ thứ hai, thông cả Tiểu thừa và một phần của Đại thừa (tam thừa) với giáo lý cảnh không, tâm có. Thời kỳ thứ ba, chỉ có Nhất thừa, với giáo lý tâm cảnh đều không. (Nhưng cái không đây tức là “chơn không, diệu hữu”).

_Hết Phần 01 – Tập 07_