BẢN ĐỒ TU PHẬT HAY LÀ CHỌN ĐƯỜNG TU _TẬP I_ Phần 01


SOẠN GIẢ :
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA

BẢN ĐỒ TU PHẬT HAY LÀ CHỌN ĐƯỜNG TU

_TẬP I_

LỜI TỰA

Từ lâu không biết bao nhiêu người, ở ngoài đời cũng như trong đạo, rất bỡ ngỡ về vấn đề tu hành. Như một kẻ bộ hành ngơ ngác, lạc lõng giữa ngã ba đường, họ băn khoăn tự hỏi :
Tu làm sao đây?
Tu phương pháp gì?
Và phải hạ thủ công phu làm sao mới đúng?
Họ có cảm tưởng như đi lạc vào rừng rậm, tìm không được lối ra, mặc dù trong số ấy, có nhiều người đã quy y lâu ngày hay đã ở chùa nhiều năm.
Lại có người lại đơn giản hóa sự tu hành; họ chỉ thực hành qua loa một vài việc cho có lệ, và cho như thế là tu rồi.
Có người chấp nhặt ở một phương pháp tu hành này, rồi bài xích tất cả những phương pháp khác mà họ cho là quấy.
Thậm chí có nhiều người hiểu nghĩa chữ “TU” một cách mơ hồ hay sai lạc, rồi dựa vào đó mà thực hành một cách mù quáng, sai đường, và đôi khi lại còn trở lại công kích những kẻ đi đúng đường là khác!
Đứng trước tình trạng buồn thảm ấy, ai lại chẳng đau lòng! Vì thế chúng tôi bạo dạn soạn loạt bài nầy, để cống hiến cho quý vị nào còn bỡ ngỡ trên bước đường tu hành, một “BẢN ĐỒ” chỉ đường tu về cõi Phật.

Trong loạt bài này, chúng tôi in thành từng tập sách nhỏ, chúng tôi sẽ tuần tự đề cập đến những điểm quan trọng sau đây:

  1. Thanh toán những quan niệm chật hẹp sai lầm, những sự bài xích lẫn nhau của các tôn phái về chữ “TU”;
  2. Giải thích và phân tích rành rõ về nghĩa chữ “TU”;
  3. Nhấn mạnh vào sự cần yếu của sự tu hành, đối với hết thảy mọi người, mọi giai cấp trong xã hội và chỉ rõ về cách “TU” của quảng đại quần chúng;
  4. Trình bày về lối tu thông thường, nhưng cần yếu của giới Phật tử xuất gia và tại gia từ xưa đến nay;
  5. Trình bày về lối tu chuyên môn riêng biệt của các tôn phái Phật giáo (10 tôn). Các lối tu này nhằm mục đích đi sâu vào đạo, nên các tu sĩ xuất gia rất cần biết rõ;
  6. Trình bày cách tu rộng lớn của Đại-…Thừa Bồ-tát trong mọi ý nghĩ, lời nói, cử chỉ và hành động, v.v..
  7. Cuối cùng, giải rõ về lối tu của năm thừa, phân biệt so sánh lối tu của Đại-thừa và Tiểu-thừa để quy về nhất thừa.

Chúng tôi trông mong, sau khi đọc xong loạt bài này, quý vị độc giả sẽ có một ý niệm rõ ràng về ý nghĩa của sự tu hành, một quan niệm tổng quát, chính xác về các lối tu và sẽ lựa một đường lối tu hành thích hợp với hoàn cảnh, khả năng, hoài bão của mình, và sẽ vui vẻ tự báo: “Từ đây về sau chắc chắn không còn sợ lạc đường nữa, vì ta đã có trong tay một bản đồ chỉ rành rẽ đường tu về cõi Phật”.

Sa-môn THÍCH THIỆN HOA

*****

PHẦN MỞ ĐẦU

THANH TOÁN NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM và CHẬT HẸP VỀ CHỮ “TU”

Chữ “tu” có lẽ là một chữ đã có từ lâu lắm trong danh từ của người Trung Hoa và Việt Nam. Thế mà cho đến ngày nay, còn không biết bao nhiêu người, cả trong giới Phật tử lẫn người ngoài, còn quan niệm chữ “tu” một cách sai lầm, chật hẹp, mập mờ … Ít ai hiểu được một cách đúng đắn, toàn diện chữ “tu”. Người đứng ở khía cạnh này của chữ “tu” công kích người đứng ở khía cạnh kia; người cho mình tu như thế này là đúng, kẻ khác lại bảo như thế là sai. Người này chấp chặt quan niệm thế này là phải, kẻ nọ chấp chặt quan niệm trái ngược lại, cuối cùng không ai biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là chánh, đâu là tà, đâu là hay đâu là dở.
Những quan niệm sai lầm hay chật hẹp của người đời về chữ “tu”, không thể kể xiết được. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin nêu lên một số quan niệm sai lầm hay chật hẹp thông thường nhất, cần đả phá mà thôi. Đại loại chúng ta thường nghe phát biểu những ý kiến sau đây:

1. “Trong thời khoa học, văn minh vật chất này mà tu cái gì?”
Người nói như thế là có ý nghĩ rằng, chỉ trong thời đại dã man, lạc hậu người ta mới tu; chứ không ngờ rằng càng văn minh, người ta càng tu và càng tu người ta càng tiến bộ.
Cũng có thể, những người phát biểu ý kiến như trên, nghĩ lầm rằng thời đại này là thời đại chỉ để dành cho vật chất, là thời đại độc quyền của vật chất, chứ tinh thần không có chỗ đứng nữa. Nhưng xét cho đúng thì không có thời đại nào, có thể gọi là văn minh mà không chú trọng đến tinh thần. Vật chất càng phát triển mạnh, thì tinh thần càng phải được đề cao, để giữ cán cân thăng bằng cho xã hội nhân loại, nếu không thì sự sụp đổ không thể tránh được.

2. “Già mới tu, chứ còn trẻ mà tu cái gì?”
Những người thốt ra câu nói này đã hiểu lầm chữ “tu”. Họ xem nhà chùa như một nhà dưỡng lão, dành riêng cho ông già, bà cả không còn đủ sức để vật lộn với đời, nhựa sống sắp héo khô, hay mùi đời đã nếm trải, chán chường rồi, không còn thấy có sinh thú nữa. Họ cho rằng tu hành là một cách an hưởng cảnh già trong khi chờ chết, chứ người trẻ trung ai lại đi tu. Còn hạng thanh niên thì phải tranh đấu với đời, để tận hưởng những lạc thú, chứ sao lại lo chuyện tu hành?
Họ không ngờ rằng, người già hay trẻ gì cũng cần phải tu; và sự trẻ trung, hăng hái cũng cần cho sự tu hành như cho bao nhiêu việc khác ở đời. Vả lại, chắc gì chúng ta còn có một tuổi già để tu hành hay tử thần đã tàn nhẫn đến gõ cửa ngay khi chúng ta còn ở tuổi hoa niên?

3. “Những người tật nguyền, bệnh hoạn, côi cút mới tu, chứ còn khỏe khoắn lành mạnh, làm ăn được mà tu cái gì?” 
Nói như thế là quan niệm rằng, nhà chùa cũng giống như một bệnh viện, một dưỡng đường, một nhà thương điên, hay một nhà tế bần để cho những kẻ bị đời sa thải, vào chùa để nương nhờ tấm thân. Họ không ngờ rằng tu cũng rất cần cho những người khỏe mạnh, có năng lực, có tài ba lỗi lạc, chứ không riêng cho hạng tật nguyền, yếu đuối, côi cút …

4. “Tu là phải xuất gia như chư Tăng, Ni, chứ ở tại gia, vợ còn con đủ mà tu cái gì?”
Những người nói như thế là vì đã quan niệm một cách sai lầm rằng, tu là nhiệm vụ của những người thoát trần, lìa tục, dành riêng cho những hạng tăng, ni là những người chán đời, yếm thế.
Họ không hiểu rằng: tu không phải chỉ có một hình thức là bỏ nhà đi ở chùa, mà chính ở đâu tu cũng được; và cũng không phải chỉ dành riêng cho hạng tăng, ni mà tất cả mọi người đều cần phải tu.

5. “Tu là phải ở núi, ở non, ở am, ở cốc; chứ ở chùa cao, Phật lớn, ngay giữa thành thị đâu có phải là chơn tu”.
Người nói như thế, vì tưởng rằng tu là phải xa lánh đời, trốn đời, không còn liên lạc gì với xã hội nữa.
Tu như thế là đứng về phương diện tiêu cực, chỉ lo riêng phần mình. Chứ còn tu một cách tích cực, thì phải nhập thế, độ sanh, hoằng truyền chánh pháp.

6. “Tu là phải ép xác; ăn chay nằm đất, ăn ngọ, ngủ ngồi, v.v.. mới là chơn tu”. 
Nói như thế là hiểu chữ “tu” một cách phiến diện, hình thức, lấy những hình tướng không quan trọng, hay sai lạc mà cho là chính yếu.
Phật đâu có dạy tu là phải ép xác. Chính Ngài là người đầu tiên bài xích lối tu này nhất.
Ăn chay như phái Đại-thừa là một hình thức tu đã đành; nhưng không ăn chay, như phái Tiểu-thừa, đâu phải là không tu.
Ăn ngọ thì tốt, nhưng không ăn ngọ thì không phải là không tu được. Còn ngồi để tham thiền, niệm Phật thì mới quý, chứ ngồi mà ngủ, thà là nằm ngủ còn khỏe hơn. Nếu ngủ ngồi mà thành Phật được, thì hóa ra những kẻ ngủ gật đều thành Phật cả hay sao?

7. Có người nói “những người tịch cốc, chỉ ăn hoa, quả, khoai, chuối mới là chơn tu”. 
Nếu cho những người chỉ ăn hoa quả là chơn tu, thì những người ăn cơm là không chơn tu sao? Thế thì Đức Phật khi còn tại thế, mỗi ngày đều mang bình bát đi khất thực, làm sao thành Phật được? Và tất cả các đệ tử của Ngài, từ Tổ Ca-Diếp trở xuống, có một vì nào cử cơm đâu?
Vả lại, xét cho cùng, ăn cơm hay ăn hoa quả gì cũng giống nhau cả, vì lúa cũng là một giống quả, cũng là loài thảo mộc. Cử một thứ quả này mà ăn một thứ quả khác, thì cũng chẳng khác gì nhau. Những người làm những hình thức trên, chẳng qua vì thiếu học, không biết nên tu như thế nào, và lại có tánh lập dị, muốn cho những kẻ hiếu kỳ chú ý, nên mới làm như vậy.

8. Có người nói “tu như ông đạo ớt, đạo sả … kia mới là chơn tu, vì chỉ độ ớt, ăn muối tiêu, muối sả … chứ tu gì còn ăn đồ ngon bổ”. 
Những người nói như thế, cũng như những người tu như thế, rõ ràng là không hiểu gì về chữ “tu” hết. Nếu ăn ớt chẳng hạn là chơn tu, thì những con chim sáo, chim nhồng chắc đã thành Phật cả rồi.

9. Có người nói “tu sao còn đau, còn uống thuốc?”. 
Nói như thế là hiểu lầm đạo Phật với đạo Tiên. Người ta theo đạo Tiên thường phô trương rằng, họ có phép thuật trường sinh, dùng sức nội công, luyện thần khí làm cho thân không già, không bịnh. Những điều ấy, chúng ta chỉ nghe nói thôi, chứ chưa có thể chứng thực được.
Nhưng theo giáo lý đạo Phật, thì thân này là giả tạm, vô thường, chỉ tạm dùng trong một thời gian để tu hành; cũng như chiếc thuyền tạm dùng để đưa người qua sông, rốt cuộc rồi cũng phải hư hoại. Mọi sinh vật trên đời đều phải tuân theo luật vô thường: sanh, già, bịnh, chết. Chính xác thân của Đức Phật cũng không vượt ra ngoài bốn trạng thái ấy, huống chi là những người thường như chúng ta!

10. Những người đi khất thực, đầu không đội nón che dù, chân không đi giày dép, không ngồi ghế, chẳng nằm ván, v.v… mới thật là chơn tu. 
Về việc tu hành, Phật chế có đến 84.000 pháp môn, mà khất thực chỉ là một trong các hạnh. Nếu chỉ có hành khất là chơn tu, thì còn vô số pháp môn khác không phải là chơn tu hay sao?
Còn che dù, đội nón, mang giầy, guốc, ngồi ghế, nằm ván, Phật đâu có ngăn cấm. Trong 10 giới Sa-di, 250 giới Tỳ-kheo, 58 giới Bồ-tát không có một giới nào Phật cấm che dù, đội nón, mang guốc, ngồi ghế và nằm ván cả; chỉ trừ khi vào Phật điện hay đi qua tháp.

11. Ngoài ra, có một số người hẹp hòi, chấp chặt pháp môn của mình tu là đúng, còn bao nhiêu pháp môn của người khác là sai.
_ Người tu pháp môn Tịnh Độ, họ cho chỉ có mình là theo đúng chánh pháp và tu như thế mới thành Phật được, ngoài ra cho những người tu theo bao nhiêu pháp môn khác hay làm các Phật-sự khác đều là lạc đường, không phải tu.
_ Người Trì-giới cho rằng trì-giới mới là tu, còn các pháp môn khác đều không có hiệu quả.
_ Người tu Thiền cho rằng chỉ có tu Thiền mới chứng được Phật-quả, còn bao nhiêu pháp môn khác đều vô bổ, chẳng đưa đến đâu cả.
_ Người tu theo hạnh Bồ-tát làm việc lợi tha, từ thiện xã hội, v.v.. cho như thế mới là tu, và bài xích các lối tu khác.
Các quan niệm, thái độ trên đều là hiểu phiến diện hẹp hòi, vì chưa hiểu rốt ráo toàn diện chữ “tu”. Tình trạng này trong nhiếp Đại-Thừa-luận có thí dụ, như người mù rờ voi, rờ được phần nào thì cho phần ấy là voi. Nếu tu chỉ có một pháp môn như họ chấp, thì Phật nói tam tạng kinh điển, ngũ thừa Phật-giáo và tám mươi bốn ngàn (84.000) pháp môn để làm gì?

12. Cuối cùng, có người cho rằng tu sẽ làm cho con người nhu nhược, dễ bị người lấn át, bốc lột; nếu tất cả dân chúng trong nước đều tu, thì nước sẽ mất. 
Nói như thế là quan niệm rằng người tu hành chẳng khác gì một cục đất, mặc tình cho ai muốn lăn đi đâu thì lăn, bóp méo vo tròn như thế nào cũng được. Thật ra, tu đâu có phải là khiếp nhược, đầu hàng, yếu đuối; mà trái lại là hùng lực, là dõng mãnh, là tinh tấn, không sợ đau, không sợ chết, không sợ hy sinh. Đức Phật Thích Ca đã dám ruồng bỏ tất cả để theo chí nguyện mình, xuất gia tìm đạo, trải bao gian khổ, vượt bao trở ngại, đâu có nhu nhược, có bị ai lấn át được đâu? Đời Lý, đời Trần mà toàn dân đều theo Phật-giáo có phải là những thời đại yếu hèn đâu? Nước Nhật Bản ngày nay mà phần lớn dân chúng là Phật-tử lại là một nước đứng trong hàng ngũ những nước hùng cường nhất thế giới.

Tóm lại, tất cả các quan niệm sai lầm hay chật hẹp nói trên, đều do ở chỗ chưa rõ biết một cách đầy đủ, chính xác về toàn diện chữ “tu”.
Để quý độc giả có một ý niệm đúng đắn, toàn diện, rõ ràng về vấn đề này, chúng tôi xin lần lượt trình bày ở những chương sau, tất cả những ngành ngọn, từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, từ thấp đến cao, trong đường lối tu hành mà chúng tôi đặt dưới một đầu đề chung là “Bản đồ tu Phật”.
Với bản đồ này, quý độc giả, nhất là độc giả Phật-tử sẽ nhìn thấy một cách tổng quát, toàn diện những đường lối tu hành đi đến cõi Phật; và nếu quý vị muốn, quý vị sẽ lựa chọn lấy một lối đi thích hợp với mình; nên loạt bài này còn có tên thứ hai là”chọn đường tu”. Hay nếu quý vị đã dấn bước trên con đường lối nào rồi, thì với bản đồ chỉ dẫn này, quý vị cũng có thể định hướng được vị trí mình đang đi, và còn bao xa nữa thì đến đích. Cuối cùng, cũng với bản đồ này, quý vị có thể biết rõ được ai là kẻ lạc lối, ai là kẻ đồng hành với mình, nhưng cuối cùng sẽ đến đích như mình; vì đường lối tu hành đến quả Phật không phải chỉ có một mà rất nhiều, chỉ khác nhau ở sự rộng hẹp, gần xa, cao thấp, mau chậm, dễ hay khó mà thôi.

*****
(Hết Tập 01 – Phần 01 – Còn tiếp)