BẢN ĐỒ TU PHẬT HAY LÀ CHỌN ĐƯỜNG TU _ TẬP I _ Phần 03


CHƯƠNG III

CON ĐƯỜNG TU THÔNG THƯỜNG CỦA PHẬT TỬ
(HAY LÀ TU VỀ PHƯỚC HỮU LẬU VÀ VÔ LẬU)

Đoạn trước đã nói đến sự cần thiết của sự tu đối với người thế gian. Đến đây, xin nói đến sự tu của người Phật tử. Pháp môn của Phật nhiều không kể xiết, thì sự tu hành của người Phật tử cũng nhiều không kể xiết. Chúng tôi sẽ tuần tự nói đến các lối tu, từ thấp đến cao của người Phật tử. Trong bài này, xin nói trước đến con đường tu thông thường mà bất luận là ở tầng bậc nào, khi đã tự xưng là Phật tử, đều không thể bỏ qua được. Con đường tu này là một con đường tu phổ thông cho cả Phật tử tại gia lẫn xuất gia Tiểu-thừa lẫn Đại-thừa, sơ cơ lẫn thuần thục.
Nó gồm có các sự tướng chính yếu sau đây: quy y, thọ giới, thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, sám hối, làm chùa, tạo tượng, đúc chuông, bắc cầu, làm đường, bố thí, v.v… làm các việc này đều gọi là tu cả.
Vẫn biết đã là Phật tử thì phải thực hành các điều nói trên, nhưng không phải người nào cũng thực hành với một tâm lý, một ý nghĩa, hay một mục đích giống nhau, mà trái lại với nhiều tầng bậc, cao thấp rộng hẹp khác nhau. Và do đó, lợi ích của sự tu hành cũng chia làm hai loại: phước hữu lậu và vô lậu khác nhau. Dưới đây chúng tôi sẽ tùy theo trình độ hiểu biết và tâm lý của hành giả mà chia ra làm hai hạng Phật tử khác nhau, trong khi thực hành lối tu thông thường này.

1.- Quy y là một phương pháp tu
(Bỏ mê theo ngộ hay bỏ tà về chánh)
a) Có người quy y với tâm lý là ký bán cho thánh thần, để tánh mạng được phò hộ, bảo đảm, hay để cầu được mạnh khỏe ăn chơi. Có người quy y vì sự truyền thống của ông bà đã mấy đời theo đạo Phật hoặc vì sự quyến rủ của bạn bè hay vì sợ mất cảm tình với một người thân.
Có người quy y vì tuân theo một phong trào, hoặc một thị hiếu nhất thời, hay vì thời cuộc hoàn cảnh bắt buộc, thấy chung quanh mình ai cũng quy y, thì mình cũng quy y cho luôn.
Những người quy y như trên, vì do một tâm lý tầm thường, nên chỉ được hưởng phước báo ở cõi nhơn thiên, thuộc về phước hữu lậu thế gian, chỉ hưởng có hạn định trong một thời gian mà thôi.
b) Hạng người thứ hai này, vì hiểu đạo lý, phát tâm mộ đạo cầu giải thoát mà quy y. Họ không cầu mạnh giỏi, không vì tập tục của gia đình, không vì cảm tình, không vì để làm vui lòng người thân, không vì thời thế, hoàn cảnh, không vì thị hiếu mà quy y. Họ chỉ có mục đích là trở về với Phật tánh sáng suốt, với Pháp tánh từ bi, bình đẳng, với tự tánh Tăng thanh tịnh hòa hiệp của mình.
Hạng người quy y này, vì tâm trong sạch, với mục đích cao thượng, nên hưởng phước vô lậu xuất thế gian, không có cùng tận.
2.- Thọ giới là một phương pháp tu.
(Ngăn ngừa các tội lỗi)
a) Có người thọ giới vì bắt buộc, không thể tránh được; có người thọ giới vì tự ái hay kiêu hảnh, tự bảo “những người kia họ thọ giới được, thì ta lại thua họ, không thọ giới được hay sao?” Có người thọ giới với tâm lý vì danh lợi, vì địa vị, v.v… thọ mà không giữ giới.
Thọ giới trong những trường hợp, hay với những tâm nhiễm ô như trên, chưa phải là thọ giới một cách đúng đắn. Nếu vì hoàn cảnh bắt buộc mà thọ giới, thì sự thọ giới ấy chỉ gây thêm khổ sở cho người thọ giới mà thôi, nếu vì tự ái, ngã mạn hay khinh thường mà thọ giới, thì sự giữ giới khó có thể lâu bền được.
Vì những lý do đó mà hạng người thọ giới nói trên, chỉ được hưởng phước báo nhỏ nhoi, hạn cuộc phước hữu lậu thế gian mà thôi.
b) Hạng người sau này, vì mục đích tránh tội lỗi, cầu giải thoát mà thọ giới. Với hạng người này, sự giữ giới là một bổn phận, là một sự cần thiết. Họ hiểu rằng người có giữ giới thì mới tránh được tội lỗi, khỏi bị pháp luật trừng phạt trong hiện tại, khỏi bị quả báo xấu xa trong tương lai.
Giới chẳng qua là những điều răn dạy, ngăn ngừa các tội lỗi, là những kỷ luật, mà một cá nhân hay một đoàn thể, nếu muốn yên ổn, tiến bộ, đều phải tuân theo: cá nhân có giữ giới thì cá nhân được tự tại giải thoát; gia đình có giữ giới thì gia đình mới có hạnh phúc; quốc dân có giữ giới thì quốc dân mới thạnh trị; nhân loại có giữ giới thì thế giới mới hòa bình an lạc.
Người Phật-tử thọ giới và giữ giới với tâm niệm trong sạch, chơn chánh và cao thượng như thế, thì sẽ hưởng được phước vô lậu xuất thế gian, không có cùng tận.
3.- Thờ Phật là một phương pháp tu.
(Phật giả ngự trị tại nhà để nhớ Phật thiệt thường ngự trị tại tâm. Phật tử ra vào trông thấy, để tập theo đức tánh của Phật)
a) Có người thờ Phật với tâm lý như thờ một vị thần linh để cầu ban ơn giáng phước. Thấy nhà kia thờ ông Độ mạng nhà nọ thờ bà Mẹ sanh, để cầu cho trong gia quyến được mạnh giỏi bình an, lại thấy nhà khác thờ ông Thổ thần để giữ gìn đất đai, phò hộ cho được mua may bán đắc, thì mình cũng thờ Phật để cầu Phật gia hộ cho mua may bán đắc, đất đai được yên ổn, con cái được ăn chơi. Hoặc có người vì thời cuộc, vì hoàn cảnh bắt buộc hoặc vì tự ái, thấy nhà bên cạnh thờ Phật thì mình lại thua hay sao? Thế là họ thỉnh Phật về thờ, nhưng chỉ được vài tháng đầu, rồi về sau không ngó ngàn gì đến nữa.
Thờ Phật với tâm lý và mục đích tầm thường như thế, thì được hưởng phước báo cũng tầm thường mà thôi, nghĩa là chỉ được hưởng phước báo hữu lậu của cõi người như mạnh giỏi, yên ổn, tạm thời, chứ không được phước vĩnh viễn.
b) Có hạng người thờ Phật, vì cảm phục đức cao dày, quý trọng trí tuệ sáng chói muôn đời của đấng Giác-ngộ mà thờ, chứ không phải vì mục đích danh lợi. Họ hiểu rằng thờ Phật là thờ chân lý cao siêu, thờ cái gương cao quý sáng chói của những đức tính tốt đẹp như từ bi, bình đẳng, trí tuệ, thanh tịnh, tinh tấn để hằng ngày cố gắng tập luyện noi theo cho được như thế.
Người thờ Phật với quan niệm trong sạch đúng đắn, với mục đích cao thượng như thế, sẽ được phước báo thanh tịnh vô lậu, không bao giờ hết.
4.- Lạy Phật là một phương pháp tu.
(Diệt trừ ngã mạn, cống cao và tỏ lòng tri ân Đức Phật)
a) Có người lạy Phật với tâm lý cầu cạnh, van xin Phật ban ơn giáng phước cho gia đình được bình an, khỏe mạnh, buôn may, bán đắc, một vốn mười lời. Có người lạy Phật để cầu mong Phật xe tơ, kết tóc cho mình; có người lạy Phật để cầu mong Phật gia hộ cho mau thăng quan tấn chức, v.v…
Lạy Phật với những tâm niệm nhiễm ô như thế, nếu có được toại nguyện, thì sự toại nguyện ấy cũng chỉ hạn cuộc, về phước báo hữu lậu của thế gian, nghĩa là chỉ hưởng nhất thời mà thôi, chứ không có thể được phước rộng rãi lâu dài.
b) Người lạy Phật với quan niệm trong sạch chơn chánh thì xem như đó là một phương pháp sửa mình, biết phục thiện, nép mình dưới đức độ cao dày của đấng Giác-ngộ, chứ không ngã mạn, cống cao. Lạy Phật còn là để tỏ lòng tri ân sâu xa của mình đối với đấng cha lành đã cứu độ biết bao sinh linh ra khỏi trầm luân khổ hải. Người đã hiểu biết ý nghĩa lạy Phật, thì không bao giờ bạ đâu lạy đó, không lạy bình vôi, ông táo, không lạy ma quỷ; không lạy những kẻ cuồng bạo vô luân.
Người lạy Phật với tâm niệm thanh tịnh cao cả vì mục đích sửa mình, chứ không vụ lợi thiển cận không vì phiền não nhiễm ô thúc đẩy như trên, sẽ được hưởng phước báo xuất thế gian vô lậu.
5.- Cúng Phật là một phương pháp tu.
(Tu phước)
a) Có người cúng Phật như đi lễ một ông quan, (cầu lợi) với tâm lý lo lót, hối lộ hay chuộc tội và tưởng rằng lễ mình càng to bao nhiêu thì Phật lại càng vui lòng bấy nhiêu.
Có người cúng Phật với tâm lý khoe khoang (cầu danh) để mọi người chung quanh đều biết mình giàu có, rộng rãi, chứ không có một chút thành tâm nào cả. Câu chuyện đứa bé đem đất sét cúng Phật mà được Phật độ, cũng đủ chứng tỏ sự cúng bái chú trọng ở lòng thành, chứ không phải ở vật thực. Người cúng Phật với tâm niệm nhiễm ô nói trên, tất nhiên chỉ hưởng phước báo giàu sang thuộc về hữu lậu ở trần gian mà thôi, chứ không được phước thanh tịnh vô lậu.
b) Người cúng Phật với tâm niệm trong sạch chơn chánh, không mục đích lo lót cầu đảo, (vì lợi) cũng không cần ai biết đến lễ vật của mình (vì danh). Họ cúng Phật cốt để tỏ lòng thành kính tri ân. Câu chuyện một bà lão chỉ cúng Phật một dĩa dầu nhỏ mọn, mà thắp suốt đêm không hết, hay người ăn xin cúng gói muối, bà Hoàng hậu cúng ba xe vàng, v.v… cũng đủ chứng tỏ rằng, với lòng thành kính thì vật hèn hạ nào cũng trở thành quý báu cả.
Người cúng Phật với một tấm lòng trong sạch thành kính như thế, sẽ được phước báo xuất thế gian vô lậu thanh tịnh.
6.- Ăn chay là một phương pháp tu.
(Trừ tâm sát hại, nuôi lớn lòng từ bi)
a) Có người ăn chay để đổi bữa cho ngon miệng; có người ăn chay để cho được mạnh khỏe, hay vì bệnh, thầy thuốc cấm ăn mặn; có người ăn chay để cầu tài, cầu lợi, cầu danh vọng, địa vị hoặc trả lời nguyện, v.v… có người ăn chay vì tự ái, không muốn thua sút người khác đang ăn chay, v.v…
Sự ăn chay vì những lý do trên, tuy vẫn có lợi ích; nhưng chưa phải là ăn chay với quan niệm chính đáng, cao thượng, nên chỉ được phước báo hữu lậu ở cõi trần gian này mà thôi.
b) Có người ăn chay vì lòng từ bi, không muốn sát hại sinh vật, không muốn sinh vật phải đau khổ vì miếng ăn của mình. Sự ăn chay vì lý do này, rất lợi ích cho sự tu hành, vì nó làm tăng trưởng lòng nhân từ, làm hiện rõ đức tánh bình đẳng giữa muôn loài, phù hợp với bản tâm thanh tịnh. Chỉ có lối ăn chay này mới có ý nghĩa và lâu bền. Chứ nếu vì sức khỏe, vì trả lời nguyện, hay vì khoe khoang, tự ái mà ăn chay, thì khó có thể giữ được lâu bền, một khi sức khỏe đã bình phục, lời nguyện đã trả xong, hay tánh khoe khoang tự ái được thỏa mãn.
Người ăn chay với quan niệm cao cả trong sạch, vì lòng từ bi bình đẳng, sẽ được phước vô lậu thanh tịnh không bao giờ hết.
7.- Niệm Phật là một phương pháp tu.
(Trừ tâm tán loạn, trở lại được thanh tịnh)
a) Có người niệm Phật với tâm lý ích kỷ tiêu cực, hẹp hòi chỉ cầu cho được lợi ích riêng mình, vì thế phước báo cũng ít ỏi, nhỏ nhoi, hữu hạn thuộc về hữu lậu.
b) Người niệm Phật đúng cách, bao giờ cũng hiểu rằng mình niệm Phật như thế là để ghi nhớ những đức tướng của chư Phật, chư Bồ tát; là để xóa lấp dần những ý nghĩ, những nhớ tưởng thấp thỏi; xấu xa của chúng sinh và thay thế vào đó những tư tưởng, đức tánh cao đẹp của chư Phật.
Người hiểu cao hơn một bực nữa, thì niệm Phật chính là để nhắc nhở cho mình nhớ lại tánh Phật (khả năng thành Phật) sáng suốt ngự trị sẵn trong mỗi chúng ta, như một viên ngọc quý, và cần phải trau chuốt, mài giũa hằng ngày cho nó sáng chói ra.
Người niệm Phật với quan niệm cao thượng tốt đẹp như thế, là hợp với bản tâm thanh tịnh của mình nên được phước vô lậu thanh tịnh, không bao giờ hết.
8.- Tụng kinh là một phương pháp tu.
(Tụng kinh để cho ba nghiệp được thanh tịnh)
a) Có người tụng kinh để cầu phước, cầu an, cầu tài, cầu lộc, cầu lợi, cầu danh. Có người tụng mà không để ý mình đang tụng gì, cứ nghêu ngao cho hết giờ, hết buổi, miệng đọc, tay quạt, mắt láo liêng hết chỗ này qua chỗ khác, thiếu hẳn lòng thành kính. Tụng như thế chỉ được phước hữu lậu ở cõi trần gian này mà thôi.
b) Người tụng kinh đúng đắn, trước tiên phải có lòng thành kính, chú tâm đến những câu kinh mình đang tụng. Họ tụng để nhớ đến những lời Phật dạy và để người chung quanh cùng nghe lời Phật dạy; cho nên họ cố gắng tụng một cách rõ ràng, nghiêm chỉnh, đúng đắn, không lầm lẫn. Họ tụng để cầu thanh tịnh ba nghiệp, (thân, khẩu, ý), để thâu nhiếp vọng tâm, sinh định và phát huệ.
Người tụng kinh với tâm thanh tịnh như thế, sẽ được phước vô lậu xuất thế gian, hưởng hoài không hết.
9.- Trì chú là một phương pháp tu.
(Để tiêu nghiệp chướng và làm cho thân tâm được thanh tịnh)
a) Có người xem trì chú như là một phép thuật thần bí, chỉ cốt để trừ tà, trị bệnh, cầu tiêu tai giải ách. Với những quan niệm trì chú như trên, người tu hành sẽ được lợi lạc ở trần gian thuộc về phước hữu lậu.
b) Người trì chú đúng đắn, nhận thức rằng đây là một phương tiện tu để đoạn hoặc hiển chơn. Nhờ trì chú mà tâm được định, nhơn định mà phát huệ, nhờ huệ mới phá trừ hết vô minh phiền não.
Người trì chú với quan niệm trong trắng như thế, xứng với bản tâm thanh tịnh của mình, không lộn chút gì phiền não ô nhiễm, nên được phước vô lậu thanh tịnh hưởng mãi không cùng.
10.- Sám hối là một phương pháp tu.
(Ăn năn các lỗi lầm đã qua và ngăn ngừa tội lỗi sắp đến)
a) Có người sám hối với tâm niệm cầu tha thứ tội lỗi của mình với Phật như với một quan tòa. Và khi sám hối xong, họ có cảm tưởng được tha tội, vui vẻ trở về với nếp sống cũ, và rồi lại gây tạo tội lỗi nữa như trước!
Có người sám hối để trả lễ; có người sám hối vì thói quen, theo lệ, chứ chẳng có thành tâm thiện chí hối cải gì hết.
Sám hối như thế, được phước hữu lậu lợi ích rất ít cho việc tu hành của mình.
b) Người sám hối đúng ý nghĩa, trước tiên phải rất thành thật với mình. Họ trịnh trọng đến trước Phật để xin Phật chứng minh cho sự ăn năn, hối cải của mình, do lời thệ nguyện quyết tâm bỏ lỗi trước và không tái phạm về sau; chứ họ không đến trước Phật với lòng mong ước được Phật ân xá hay giảm tội, vì Đức Phật không phải là một vị thần linh có nhiệm vụ cầm cân, nẩy mực cho những tội phước ở đời. Theo thuyết nhân quả, thì không có người thưởng phạt, mà trong mỗi nguyên nhân đã ngầm chứa một mầm thưởng phạt; nguyên nhân lành thì kết quả tốt, nguyên nhân dữ thì kết quả xấu. Sám hối là cốt để đừng quá thắc mắc, quá ưu tư với lỗi trước, làm loạn động sự yên tĩnh của lòng mình và nhất là để đừng phạm lại lỗi ấy về sau nữa.
Nói một cách giản dị, thì sám hối cốt để diệt trừ tội lỗi và làm cho ba nghiệp được thanh tịnh.
Sám hối với tâm niệm chơn chánh như trên thì được phước vô lậu, hưởng mãi vô tận.
*****
Các lối tu thông thường trên này, như đoạn đầu đã nói, không phải chỉ để dành riêng cho những người Phật-tử sơ cơ, mà cho tất cả mọi Phật tử. Chỉ khác là đối với hàng sơ cơ thì thời gian thực hành ít hơn người đã ở lâu năm trong đạo.
Sự thực hành nhiều hay ít còn tùy theo hoàn cảnh, sức lực và lòng phát nguyện. Nhưng điều quan trọng là cần phải hiểu rõ ý nghĩa của lối tu đó, rồi phát tâm Bồ đề rộng lớn mà tu hành, thì kết quả mới rộng lớn và tốt đẹp. Muốn hiểu rõ ý nghĩa và phương pháp tu thông thường này, quý vị nên đọc Phật-học-phổ-thông khóa thứ nhứt. Mỗi khi thực hành các lối tu đó, nếu chúng ta nhắm mục đích cao thượng, tâm niệm trong sạch, có những ý nghĩ rộng rãi vị tha, từ bi, bình đẳng, v.v… thì mặc dù chúng ta thực hành ít mà phước báo vẫn nhiều và lâu dài (phước vô lậu). Trái lại, nếu chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa đúng đắn của các lối tu đó, hay nếu chúng ta đem một tâm lượng nhiễm ô hẹp hòi, vị kỷ, nhắm một mục đích thiển cận mà tu hành, thì lẽ dĩ nhiên, chúng ta vẫn được hưởng phước báo, nhưng phước này không được lớn lao và lâu bền (phước hữu lậu).

Chúng tôi xin tóm tắt ở đoạn này: Nếu chúng ta đem tâm niệm phiền não nhiễm ô (tham, sân, si v.v…) mà tu hay làm các việc phước thiện, thì sẽ được phước báo hữu lậu, chỉ giàu sang phú quý ở trần gian. Trái lại, nếu chúng ta đem tâm niệm trong trắng, tốt đẹp, thanh tịnh cao thượng (từ bi, trí huệ, v.v…) mà tu, hoặc làm các điều phước thiện, thì sẽ được phước báo vô lậu thanh tịnh, hưởng hoài không hết.
Vậy, nếu quý vị là một độc giả đang đi tìm hiểu Đạo Phật và muốn trở thành một Phật tử, thì chúng tôi mong quý vị hãy đọc lại kỹ ý nghĩa của các lối tu thông thường này, rồi phát tâm rộng lớn, cao thượng mà tu hành. Chúng tôi tin chắc rằng nếu quý vị làm theo lời khuyên của chúng tôi, thì mặc dù quý vị là người mới bước chân lên đường đạo, nhưng quý vị sẽ tiến rất nhanh và gặt được quả tốt đẹp rất sớm.
Nếu quý vị là một Phật tử đã thực hành lâu năm các lối tu hành đó, thì quý vị hãy đối chiếu xem xét lại trong các lối tu hành nói trên, quý vị thuộc vào hạng người thứ nhất hay thứ hai (nghĩa là hạng người nói ở mục a hay mục  b), thì quý vị sẽ thấy mình được phước hữu lậu, giàu có sang trọng, v.v.. ở trần gian hay phước vô lậu thanh tịnh thuộc về xuất thế gian.
Nếu trong cả các lối tu đó, quý vị thuộc vào hạng người thứ hai (mục b), thì chúng tôi xin bái phục quý vị, vì quý vị sẽ được giải thoát trong nay mai, nếu không thì cũng chắc chắn sẽ vãng sanh Tịnh độ.
Nếu trong các lối tu đó, phân nữa quý vị thuộc về hạng người dưới (hạng b), thì quý vị là một Phật tử trung bình.
Nếu quý vị là một Phật tử nằm dưới mức trung bình quá (chỉ có một vài điểm giống hạng b thôi), thì quý vị hãy mau mau cải đổi lại tâm niệm tu hành của mình.
Nhưng xin đừng hoảng hốt! Quý vị còn đủ thời giờ để cải đổi. Đức Phật có dạy: “Biển khổ mênh mông, nhưng nếu chúng ta quay đầu lại, thì bờ Giác-ngộ đã ở đấy rồi”.
Quý vị còn đủ thì giờ để làm cái cử chỉ quay đầu đó.
Trước khi ngừng bút, tôi xin quý vị hãy suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi trả lời câu hỏi sau đây:
“Con đường tu hành thứ hai trong Bản Đồ Tu Phật này, có xa thực tế không? và đối với chúng ta, có cần thiết không?”.

Xin chào quý vị và hẹn sẽ gặp lại trong “Bản Đồ Tu Phật” tập II.

HẾT TẬP I