BẢN ĐỒ TU PHẬT : DUY THỨC TÔN_TẬP 05_PHẦN 02


III.-CHỦ TRƯƠNG CỦA DUY THỨC TÔN
Chủ trương của Duy Thức tôn là phá trừ vọng chấp ngã, pháp (biến kế sở chấp), bằng cách chỉ cho chúng sanh thấy tất cả các pháp đều nương nơi thức hiện ra (y tha khởi), và mục đích cuối cùng là đưa chúng sanh trở về với tánh chân thật (viên thành thật). Thế giới hiện tượng này, vì mê mờ, chúng ta tưởng là chắc thật, nhưng theo chủ trương của Duy thức học, thì vũ trụ vạn hữu đều là Duy thức biến hiện. Cũng như sơn hà, đại địa trong cảnh chiêm bao đều do tâm chiêm bao hiện ra, ngài tâm chiêm bao, không có cảnh vật ấy.
Vậy, nếu chỉ cho chúng sanh thấy được một cách rõ ràng, vũ trụ vạn hữu do thức biến hiện ra như thế nào, thì chắc chắn chúng sanh sẽ không còn chấp thật ngã, thật pháp nữa. Cũng như khi biết cảnh vật trong chiêm bao là do tâm chiêm bao sanh ra thì không còn mê muội nơi cảnh chiêm bao nữa. Mà không chiêm bao tức là đã thức tỉnh. Cũng thế, khi không còn chấp thật ngã, thật pháp nữa, tất sẽ thấy được tánh chân thật của vũ trụ vạn hữu, (tánh viên thành thật). Đó là chủ trương của Duy Thức tôn.
Nói một cách vắn tắt, chủ trương của Duy Thức tôn là: quy vũ trụ vạn hữu trở về Duy thức tướng, rồi từ Duy thức tướng trở về Duy thức tánh (tâm chơn như hay viên giác tánh).
IV.-THÀNH PHẦN CỦA HIỆN TƯỢNG GIỚI
(Vũ trụ vạn hữu gồm cả Tâm và Pháp)
PHÂN LOẠI THEO DUY THỨC TÔN:
Hiện tượng giới, tức là vạn sự vạn vật trong vũ trụ (gồm cả tâm lẫn vật), tuy nhiều không thể kể xiết được, nhưng dưới nhãn quan của nhà Duy thức học, có thể phân ra thành năm loại lớn; năm loại này lại chia thành 100 thành phần hay 100 pháp.
Năm loại lớn ấy là:
1.Tâm vương tức là “tướng” của thức thuộc về tâm giới.
2.Tâm sở tức là “dụng” của thức, cũng thuộc về tâm giới.
3.Sắc pháp tức là “ảnh tượng” của thức thuộc về sắc giới.
4.Bất tương ưng hành tức là “phận vị sai khác” của thức, không phải thuộc hẳn về tâm mà cũng không thuộc về sắc giới, nhưng gồm cả hai phần mà thành.
5.Vô vi tức là “tánh” của thức, cũng gọi là “chơn như”.
Bốn loại trên: tâm vương, tâm sở, sắc pháp, bất tương ưng hành thuộc về “hữu vi”, tức là “tướng” có sanh diệt.
Loại thứ năm, là pháp “vô vi” không sanh diệt, không tạo tác, tức là “tánh” của các pháp, hay chơn như.
Năm loại lớn trên này, mỗi loại lại chia làm nhiều thành phần, có những tác dụng hành tướng riêng biệt, mà chúng ta cần nghiên cứu kỹ sau đây:
1.-Tâm vương
Tâm vương gồm có tám món, mỗi món có những đặc tánh, khả năng và nhiệm vụ riêng biệt, như mỗi ông vua làm chủ mỗi nước, nên gọi là tâm vương. Tám phần của tâm vương là:
a) Nhãn thức
b) Nhĩ thức
c) Tỹ thức
d) Thiệt thức
đ) Thân thức
e) Ý thức
g) Mạt-na-thức
h) A-lại-da thức
Chúng ta có năm giác quan, mỗi giác quan có một sở năng, một cái biết riêng: khi ta nhìn một cái hoa, biết cái hoa ấy màu vàng hay đỏ v.v…cái biết ấy thuộc về con mắt, nên gọi là Nhãn thức. Khi chúng ta nghe tiếng đàn, biết tiếng đàn ấy cao hay thấp, to hay nhỏ v.v…cái biết ấy thuộc về tai, nên gọi là Nhĩ thức. Khi ta ngửi một mùi gì, biết được mùi ấy thơm hay hôi, cái biết đó thuộc về mũi, nên gọi là Tỹ thức. Khi chúng ta nếm một món ăn gì, biết được món ăn mặn hay lạt, chua hay ngọt, cái biết ấy thuộc về lưỡi, nên gọi là Thiệt thức. Khi chúng ta đụng vào một vật gì, biết được vật ấy cứng hay mềm, nóng hay lạnh, cái biết ấy thuộc về thân thể ta, nên gọi là Thân thức.
Năm cái biết trên này: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt và Thân thức, thuộc về năm giác quan bên ngoài nên chúng ta dễ nhận.
Ba cái biết sau này: Ý thức, Mạt-na-thức, A-lại-da thức, thuộc về nội tâm, và theo thứ lớp, ẩn sâu vào trong, tế nhị hơn, nên khó nhận khó biết. Tuy nhận biết được rành rẽ hành tướng, phân biệt được phạm vi hoạt động, sở trường, sở đoản và công năng của mỗi thứ.
Trước tiên, chúng ta nói đến thức thứ sáu hay “Ý thức”, Ý thức có hai phạm vi hoạt động:
-Khi nào nó hiệp với năm thức trước, tiếp xúc với cảnh, thì gọi là “Ngũ câu Ý thức”, hay là “Minh liễu Ý thức”. Trong lúc mắt thấy sắc, tai nghe tiếng v.v…mà không có Ý thức phụ vào (để ý) thì mặc dù mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng thấy nghe không được rõ ràng. Sách chép: “Tâm bất tại diên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn” (nếu không chú ý, thì dù xem cũng chẳng thấy, lắng cũng chẳng nghe). Trái lại, khi có Ý thức phụ vào, thì thấy nghe v.v… đều minh bạch.
-Khi nào Ý thức làm việc một mình, không cùng hợp tác với năm thức trước, thì gọi là “Đơn độc Ý thức” hay “Độc đầu Ý thức”. Như trong lúc năm thức trước không tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị và xúc, mà trong tâm trí ta vẫn lưu lại bóng dáng (pháp trần) của năm trần. Khi chúng ta nhớ tưởng lại, thì cảnh ngũ trần in như hiện rõ ràng ở trước, đó là công dụng của “Độc đầu Ý thức”. Thức thứ sáu này, khi tính toán, suy nghĩ việc gì, thiện hay ác, hay hay dở, cũng đều lanh lợi đảm đang hơn các thức khác, nên trong Duy thức nói: “công vi thủ, tội vi khôi” (công đứng đầu, mà tội cũng đứng đầu).
Thức thứ sáu, tuy sở trường là khôn ngoan lanh lợi, nhưng lại có sở đoản là bất thường, không phải lúc nào cũng hiện diện, mà lại có khi gián đoạn, ẩn phục, như trong lúc bị chụp thuốc mê, chết giả, ngủ say, hay nhập “vô tưởng định” v.v… Qua những giai đoạn ấy, ý thức lại hiện trở lại.
Vậy trong lúc ý thức không hiện, nó núp ở đâu?
Theo Duy thức khi đó, thức thứ sáu trở về gốc của nó là Ý căn, tức là thức thứ bảy hay thức Mạt-na. Theo Tâm lý học thì cũng có thể gọi tạm là tiềm thức.
Thức thứ bảy này có hai công năng:
-Chấp ngã;
-Làm căn bản cho Ý thức thứ sáu.
Nó có công năng là đem các pháp hiện hành bên ngoài “truyền” vào tạng thức và đem các pháp chủng tử bên trong “tống” ra ngoài, nên cũng có tên là “truyền tống thức”. Sự chấp ngã của thức này và của thức thứ sáu, có thô và tế khác nhau. Khi nào để ý bảo thủ bản ngã, như khi ra trận, bắn nhau với địch quân, khi đánh lộn, hay tìm một mưu kế gì để sanh nhai, thì sự chấp ngã ấy thuộc về thức thứ sáu, thô phù, dễ thấy. Nhưng ngoài những lúc ấy, không phải là chúng ta không chấp ngã. Thật ra, không có lúc nào là chúng ta không chấp ngã, sự chấp ngã vẫn thường trực trong chúng ta. Nhưng nó âm thầm, sâu kín, tiềm phục, nên chúng ta không thấy được. Đến lúc bất ngờ, đột nhiên xảy đến một sự việc gì có nguy hại đến tánh mạng ta, như bất thần có người rình rập, hay đi ra đường bị nhánh cây gãy rơi xuống đầu v.v…trong những lúc ấy, tuy thức thứ Sáu không kịp để ý can thiệp, đối phó, mà ta vẫn tự tránh né, bảo thủ cái Ngã. Đó là sự chấp ngã của thức thứ Bảy.
Ngoài bảy thức nói trên, còn có một thức thứ Tám tế nhị, sâu kín mênh mông hơn nữa, đó là thức A-lại-da, tàu dịch là Tàng thức, nghĩa là thức “Tích chứa”.
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đọc rất nhiều sách, tiếp xúc với rất nhiều sự vật, rồi thời gian cứ tuần tự trôi qua, chúng ta tưởng đã quên mất rồi. Thế mà không! Mỗi khi nghĩ đến, thì danh từ, hình ảnh của những sự vật xưa cũ hiện ra một cách rõ ràng như một cuốn phim quay lại ở trước mắt. Những danh từ hình ảnh ấy, vì sao đã mấy chục năm rồi mà vẫn còn lại? Tất nhiên phải có một cái kho vô tận chất chứa lại, nên mới không mất vậy! Kho vô tận này, trong Duy Thức tôn gọi là Tàng thức (thức chứa).
Để cho dễ nhớ hành tướng và công năng của tám thức nói trên, cổ nhân có làm bài kệ rằng:
Bát cá đệ huynh, nhứt cá si
Độc hữu nhất cá, tối linh tinh
Ngũ cá môn tiền tố mãi mại
Nhất cá gia trung tác chủ y.
Dịch nghĩa:
Anh em tám chú, một người si (thức thứ 7)
Một mình ý thức rất tinh ranh (thức thứ 6)
Năm chàng ngoài cửa lo buôn bán (5 thức trước)
Làm chủ trong nhà, thức Lại-da.
2.-Tâm sở
Tâm sở là tánh sở hữu, phụ thuộc của Tâm vương, cũng như những ông quan trong triều, phụ thuộc dưới quyền sai sử của ông Vua, hay những nhân viên phụ thuộc dưới quyền sử dụng của vị Bộ trưởng. Tâm sở có tất cả là 51 pháp, chia làm sáu loại như sau:
-Biến hành tâm sở: -Biến là phổ biến, Hành là lưu hành; Biến hành tâm sở nghĩa là những tâm sở có công năng phổ cập lưu chuyển khắp cả tám thức (tâm vương), với thức nào nó cũng tương ưng được cả. Biến hành thức tâm sở gồm có 5 pháp là: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư.
-Biệt cảnh tâm sở: -Biệt là riêng biệt, biệt cảnh tâm sở là những tâm sở duyên mỗi cảnh khác nhau. Như Dục tâm sở duyên riêng với cảnh mà mình quan sát … chứ không phải như Biến hành tâm sở. Biệt cảnh tâm sở gồm có 5 pháp là: Dục, Thắng giải, Niệm, Định và Huệ.
-Thiện tâm sở: -Thiện tâm sở là tâm sở lành, và có công năng phát sanh những điều lành mà thôi. Thiện tâm sở gồm có 11 pháp là: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng vật, Hành xả, Bất hại.
-Căn bản phiền não tâm sở: -Những tâm sở này gây phiền não, rối loạn cho chúng sanh. Đây là những phiền não làm cội gốc cho các phiền não khác phát sinh, nên gọi là căn bản phiền não. Căn bản phiền não gồm có sáu pháp là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến.
-Tùy phiền não tâm sở: -Những tâm sở này nương tựa, phát sanh từ các phiền não căn bản tâm sở nói trên, nên gọi là Tùy phiền não. Những tâm sở căn bản phiền não trên là gốc, mà những tâm sở Tùy phiền não này là ngọn. Tùy phiền não tâm sở gồm có 20 pháp là: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuốn, Siểm, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quý, Trạo cữ, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.
-Bất định tâm sở: -Bất định nghĩa là không nhất định; Bất định tâm sở là những tâm sở không nhất định thiện hay ác; không đứng hẳn về một phía thiện hay ác như các pháp nói trên. Bất định tâm sở gồm có bốn pháp là: Hối, Miên, Tầm, Tư.
3.-Sắc pháp
Sắc pháp tức là những pháp có thể hư nát và có tánh cách chướng ngại. Sắc pháp là sự phối hợp của năm căn và sáu trần, cộng tất cả lại là 11 pháp:
Năm căn là: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân.
Sáu trần là: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc và Pháp trần.
4.-Bất tương ưng hành pháp
Các pháp này không thuộc về sắc mà cũng không thuộc về tâm; nhưng chúng nó không thể rời sắc và tâm mà có được. Thí dụ như “đắc” (được) là một “bất tương ưng hành pháp”. “Được” không thể là sắc mà cũng không thể là tâm. Nhưng khi nói “được”, tức hàm cái nghĩa “được” một cái gì, như “được” một đồng bạc chẳng hạn, và phải có một yếu tố thứ hai là “ai” được. Đồng bạc thuộc về sắc, “ai” thuộc về tâm. Còn “được” thì không phải là sắc và tâm, nhưng phải nương vào sắc và tâm mới có. Đó là một thí dụ để chúng ta suy ngẫm về những pháp bất tương ưng khác như mạn căn, sanh, trụ, dị, diệt, phương, thế tốc v.v… gồm tất cả là 24 pháp.
5.-Vô vi pháp
Như đoạn trên đã có nói, pháp vô vi là pháp không sanh, không diệt, không tạo tác, không thay đổi, xa lìa tướng hư vọng, tức là thể tánh của các pháp. Các pháp vô vi, đối với phàm phu thì khó có thể nói năng, nghĩ bàn so sánh được. Tuy thế, để có một ý niệm về thể tánh chơn như, nhà chủ trương duy thức dựa vào sắc tướng, danh tự để hình dung các pháp vô vi. Do đó, mà đặt thành sáu pháp vô vi sau đây:
a). Hư không vô vi: Muốn nói thể tánh chơn như, xa lìa các điều chướng ngại giống như hư không.
b). Trạch diệt vô vi: Trạch là lựa chọn. Diệt là diệt trừ, nghĩa là nhờ sự lựa chọn đứng đắn của trí huệ vô lậu mà diệt trừ được sự phiền não nhiễm trước, chứng ngộ cứu cánh.
c). Phi trạch diệt vô vi: Trên thì nói nhờ sự lựa chọn đứng đắn của trí huệ mà diệt trừ được sự phiền não nhiễm trước. Nhưng nói thế không có nghĩa rằng pháp tánh nhờ có sự diệt trừ phiền não mới có được. Pháp tánh vốn đã có sẵn, xưa nay vốn là thanh tịnh, không có nhiễm ô, không có sanh diệt, cho nên gọi “Phi trạch diệt vô vi”. Lại có nghĩa thứ hai là vì thiếu duyên, nên các phiền não nhiễm ô không hiện; vì thế mà pháp vô vi thanh tịnh tự hiện ra, không cần có sự trạch diệt.
d). Bất động vô vi: Khi đã xa lìa các phiền não, về cõi tịnh lự thứ ba, thuộc về Sắc giới, dứt bỏ những sự vui buồn, thường tương ưng cùng xả thọ, không còn bị lay động bởi một sắc tướng gì nữa, nên gọi là “Bất động vô vi”.
đ). Tưởng thọ diệt vô vi: Khi đã xa lìa được phiền não ở cõi thứ ba thuộc về Vô Sắc giới, các tâm sở “tưởng, thọ” đều tịnh diệt, chơn như hiện ra, nên gọi là “Tưởng thọ diệt vô vi”.
e). Chơn như vô vi: Năm pháp vô vi trên này là hình dung các đức tánh của chơn như; pháp thứ sáu này chơn như vô vi là chỉ đích danh bản thể chơn như.
Để người học dễ nhớ 100 pháp vừa kể trên này, cổ nhân có làm một bài kệ, tóm tắt như sau:
Sắc pháp thập nhất, tâm pháp bát,
Ngũ thập nhất cá tâm sở pháp,
Nhị thập tứ chủng bất tương ưng,
Lục cá vô vi thành bá pháp.
Dịch nghĩa:
Sắc pháp mười một, tâm pháp tám,
Năm mươi mốt món tâm sở pháp,
Hai mươi mốt món bất tương ưng,
Sáu pháp vô vi, thành trăm pháp.

HẾT TẬP 05 – PHẦN 02