BẢN ĐỒ TU PHẬT : DUY THỨC TÔN_TẬP 05_PHẦN 01


CON ĐƯỜNG TU THỨ TƯ TRONG MƯỜI TÔN
DUY THỨC TÔN
(CŨNG GỌI LÀ PHÁP TƯỚNG TÔN)

********

 Tất cả chúng sanh từ vô thỷ đến nay, vì chấp có thật ngã, thật pháp mà tạo ra các nghiệp, rồi bị các nghiệp dắt dẫn nên xoay vần mãi theo bánh xe sanh tử luân hồi.
Nếu con người hiểu rõ một cách chắc chắn rằng tất cả các pháp trong vũ trụ, nhân và ngã, đều không thật có, chỉ do thức biến hiện như cảnh trong chiêm bao, mà không còn gây phiền não, tạo nghiệp chướng nữa, thì tất không còn bị ràng buộc trong bánh xe sanh tử luân hồi.
Để phá trừ hai món chấp thật ngã và thật pháp, Đức Phật có rất nhiều phương pháp, có rất nhiều phép tu, mà Duy Thức tôn, hay Pháp Tướng tôn là một phép tu rất cần thiết, rất hiệu nghiệm để đi đến sự giải thoát.
Theo Bản Đồ Tu Phật mà chúng tôi đã trình bày từ trước đến nay, thì đây là con đường thứ sáu, một trong 15 con đường chính yếu để đi đến cõi Phật.
I.-ĐỊNH NGHĨA
Tôn này thuộc về Đại Thừa, phân tách vũ trụ, vạn hữu đều do Thức biến hiện.
Duy Thức tôn, hay Pháp Tướng tôn, như danh từ đã chỉ định, không nói về Tâm tánh chơn như, mà chỉ nói về tướng của Thức, tức cũng là tướng của các pháp. Biết rằng từ chơn vọng hòa hiệp biến thành hình tướng Thức A-lại-da, rồi từ Thức A-lại-da sanh ra các tướng tâm pháp (7 thức trước và 51 món tâm sở) sắc pháp v.v… tôn này quán sát hành tướng của các pháp ấy, nên gọi là “Pháp thức tôn”.
Đứng về phương diện nguyên nhân mà nghiên cứu, tôn này chủ trương rằng vũ trụ vạn hữu, hay là tất cả các pháp đều duy thức biến hiện, ngoài thức không có một yếu tố  nào khác nữa nên gọi là “Duy Thức tôn”.
Vậy “Pháp Thức tôn” hay “Duy Thức tôn” cũng đều để gọi pháp môn mà tôn chỉ chính là nghiên cứu, quan sát hành tướng và nguyên nhân sanh khởi của vạn pháp. Nguyên nhân sanh khởi ấy là THỨC.
II.-DUYÊN KHỞI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DUY THỨC TÔN QUA CÁC KINH SÁCH CHÍNH YẾU
Như tất cả các tôn phái khác, Duy Thức tôn cũng căn cứ vào kinh luận của Phật mà được thành lập ra. Đó là sáu bộ kinh và 11 bộ luận sau đây:
Sáu bộ kinh:
1.-Kinh Giải thâm mật
2.-Kinh Hoa nghiêm
3.-Kinh Như Lai xuất hiện công đức trang nghiêm
4.-Kinh A-tỳ-đạt-ma
5.-Kinh Lăng nghiêm
6.-Kinh Hậu nghiêm (hay Mật nghiêm)
Mười một bộ luận:
1.-Luận Du già Sư địa
2.-Luận Hiển dương Thánh giáo
3.-Luận Đại thừa trang nghiêm
4.-Luận tập lượng
5.-Luận Nhiếp Đại thừa
6.-Luận Thập địa kinh
7.-Luận Phân biệt du già
8.-Luận Quán Sở duyên duyên
9.-Luận Duy thức Nhị thập tụng
10.-Luận Biện trung biên
11.-Luận Tạp luận
Vị sáng lập ra Duy Thức chính là Bồ tát Di Lặc. Đức Di Lặc sau khi tu chứng được Duy Thức, đã ứng theo lời thỉnh cầu của Ngài Vô Trước, nói Luận Du già Sư địa.
Hai vị có công lớn trong việc phát triển tôn này ở Ấn Độ là hai anh em ngài Vô Trước và ngài Thế Thân. Ngài Vô Trước dựa theo bộ “Du già Sư địa” làm ra bộ luận “Hiển dương thánh giáo”, và “Nhiếp Đại Thừa”. Ngài Thế Thân lại có công đức lớn lao hơn nữa, tóm tắt lại nghĩa lý Duy Thức, làm ra bộ luận “Duy thức Tam thập tụng”. Về sau, có mười vị Đại Luận sư, sớ giải bộ Duy thức Tam thập tụng, làm thành mười bộ luận chính về Duy Thức.
Đến đời Đường, ngài Huyền Trang từ Trung Hoa sang Ấn Độ thỉnh kinh và tham cứu về Phật giáo. Môn học sở trường của Ngài là Duy Thức. Sau khi trở về Trung Hoa, ngài lượm lặt tinh hoa của mười bộ đại luận nói trên, dịch thành Hán văn dưới nhan đề là: “Thành Duy Thức luận” gồm cả thảy mười quyển. Ngài Khuy Cơ là đệ tử lớn của ngài Huyền Trang sớ giải thêm rõ nghĩa lý bộ “Thành Duy Thức luận” làm ra thành 60 quyển, dưới nhan đề là “Thành Duy Thức thuật ký”.
Tóm lại, ở Ấn Độ, vị có công lớn nhất trong sự phát huy Duy Thức tôn là Ngài Thế Thân. Còn ở Trung Hoa, vị có công lớn trong việc truyền bá Duy Thức tôn là Ngài Huyền Trang.
Về phương diện sách vở dạy về Duy Thức, thì có ba bộ sau đây từ xưa đến nay được các học giả xem là chánh tôn Duy Thức:
1.-Đại thừa Bá pháp Minh môn luận (tác giả là Ngài Thế Thân)
Nội dung bộ luận này giải thích các danh từ chuyên môn của Duy Thức, nói rõ 100 pháp và hai món vô ngã. Người học Duy Thức nếu không học bộ luận này trước, thì không dễ gì hhieeru được Duy Thức. (Bộ luận này đã được dịch ra Việt Ngữ và chúng tôi lấy nhan đề là: Duy Thức nhập môn).
2.-Duy thức Tam thập tụng (cũng do Ngài Thế Thân tạo)
Trong bộ luận này, Ngài Thế Thân dùng 30 bài tụng để giải thích về lý nghĩa chánh của Duy Thức. Luận này có thể chia làm bốn phần:
a). Phần thứ nhất nói về ba thức năng biến:
-Thức năng biến thứ nhất là thức A-lại-da (thức thứ tám)
-Thức năng biến thứ hai là thức Mạt-na (thức thứ bảy)
-Thức năng biến thứ ba là sáu thức trước.
b). Phần thứ hai nói về các tâm sở:
-Biến hành (5 món)
-Biệt cảnh (5 món)
-Thiện (11 món)
-Căn bổn phiền não (6 món)
-Tùy phiền não (20 món)
-Bất định (4 món)
c). Phần thứ ba giải đáp các nghi vấn:
-Làm sao biết được phận vị sanh khởi của các thức?
-Nếu không có ngoại cảnh, thì sao có sanh tử và các sự phân biệt?
-Nếu không có ngoại cảnh, thì sao có chúng hữu tình sanh tử?
-Nếu chỉ có thức, sao Phật lại nói có ba tánh?
-Nếu có ba tánh, sao Phật lại nói ba món vô tánh?
d). Phần thứ tư nói về thứ đệ tu Duy thức:
Từ khi phát tâm tu Duy thức cho đến khi chứng được Duy thức tánh thành Phật, hành giả phải trải qua năm địa vị, thứ lớp như sau:
-Vị Tư lương (như lương thực của người đi đường)
-Vị Gia hạnh (gia công tấn hành)
-Vị Thông đạt (thấu suốt đường lối)
-Vị Tu tập (tu hành tập luyện)
-Cứu cánh (đến cùng tột địa vị tu chứng)
3.-Bát thức qui cũ tụng (tác giả là Ngài Huyền Trang)
Nội dung của quyển này, ngài Huyền Trang dùng 12 bài tụng để toát yếu lại nghĩa lý Duy thức, gồm bốn phần:
a)Phần thứ nhất nói về năm thức đầu;
b)Phần thứ hai nói về thức thứ sáu;
c)Phần thứ ba nói về thức thứ bảy;
d)Phần thứ tư nói về thức thứ tám.
Mỗi một phần có ba bài tụng, hai bài tụng đầu nói hành tướng các thức, khi hành giả còn ở địa vị phàm phu; bài tụng thứ ba nói hành tướng các thức, khi lên quả vị Thánh.

Tóm lại, ba bộ phận trên này, người muốn tu học Duy Thức, không thể bỏ qua được.

HẾT TẬP 05 _ PHẦN 01