BẢN ĐỒ TU PHẬT _ TẬP 8 – CÂU XÁ TÔN


CON ĐƯỜNG TU THỨ CHÍN TRONG MƯỜI TÔN
CÂU XÁ TÔN
*****

I.-DUYÊN KHỞI LẬP TÔN
Tôn này thuộc về Tiểu thừa, xuất phát từ bộ luận Câu-Xá của Ngài Thế Thân. Bộ luận Câu-Xá lại dựa theo ý nghĩa của bộ Kinh Đại Tỳ-bà-sa (Maha vibhasacastra) mà thành lập. Bộ luận Câu-Xá được ngài Trần-Chân-Đế dịch và truyền sang Tàu rất sớm, nhưng về sau bị thất truyền.Trong giai đoạn đầu này, Câu-Xá tôn chưa thành một tôn phái riêng biệt ở Trung Hoa. Chỉ đến khi ngài Huyền Trang đi thỉnh Kinh ở Ấn-Độ trở về, đem dịch lại bộ luận Câu-Xá và đệ tử của ngài là Đại-sư Phổ-Quang dựa theo bộ luận nói trên mà làm ra bộ “Câu Xá thuật ký”, và ngài Pháp-Bảo làm bộ “Câu-Xá luận sớ” thì Câu-Xá tôn mới thành một tôn và được thạnh hành ở Trung Hoa. Nhưng hết đời Đường (từ đầu thế-kỷ thứ VII đến cuối thế-kỷ thứ XI) thì tôn này lại dần dần suy tàn và nhường địa vị quan trọng cho những tôn phái Đại-thừa khác, thích hợp với triết-học và tâm lý của người Trung Hoa hơn.

II.-TÔN CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN
1.-Tôn chỉ: Tôn này chủ trương “Ngã không, pháp hữu”, nghĩa là không có thật ngã nhưng có thật pháp.
Đối với các tôn giáo khác thì chủ trương có một cái thật ngã, chủ-tể thường nhất, một cái linh hồn trường-tồn bất-biến, mặc dù mọi sự vật đổi thay, sống hay chết. Theo Câu-Xá tôn thì một cái ngã như thế không thể có được, vì mọi sự mọi vật trong vũ-trụ, kể cả con người đều là giả hợp mà thành, chứ không có một vật gì đồng-nhất và bất-biến. Đây cũng là chủ trương chung của các giáo phái khác trong Phật-giáo. Điểm sai khác giữa Câu-Xá tôn với các tôn phái khác là: Câu-Xá tôn thì chủ trương Pháp-hữu, trong khi các giáo phái khác thì bảo rằng Pháp-không; Pháp-hữu, nghĩa là bản-thể thật-tại của các pháp, hay nói một cách dễ hiểu hơn, nguyên-liệu sanh ra các sự vật trong vũ-trụ, là thường có, là có thật. Thí dụ: con người không có thật ngã, nhưng những nguyên-liệu làm ra con người, như ngũ-uẩn, tứ-đại là thật có.
2.-Vũ trụ quan: Câu-Xá tôn phân-biệt vũ-trụ vạn-hữu ra làm vô-vi pháp và hữu-vi pháp. Hữu-vi pháp chỉ về vạn tượng trong hiện-tượng giới, có sanh-diệt, chuyển biến. Vô-vi pháp chỉ về cảnh-giới thường-trụ, không sanh diệt, chuyển-biến, cũng tức là chỉ về lý-thể.
Hữu-vi pháp gồm có 72 món, và vô-vi pháp gồm có 3 món, cộng tất cả là 75 món, hay 75 pháp.

ĐỒ BIỂU VỀ 75 PHÁP
*72 Pháp hữu-vi:
_11 Sắc Pháp (05 Căn: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân. 05 Cảnh: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc. Và 01 Vô-biểu sắc).
_01 Tâm-Pháp hay Tâm-Vương (Nhãn-thức, Nhĩ-thức, Tỷ-thức, Thiệt-thức, Thân-thức. Ý-thức).
_46 Tâm-sở Pháp (10 Đại-địa pháp. 10 Đại-thiện-địa pháp. 06 Đại-phiền-não-địa pháp. 02 Đại-bất-thiện-địa pháp. 10 Tiểu-phiền-não-địa pháp. 08 Bất-định-địa pháp).
_14 Bất tương-ưng-hành pháp.
*03 Pháp vô-vi:
_Trạch-diệt vô-vi.
_Phi trạch-diệt vô-vi.
_Hư-không vô-vi.

Trong phạm vi nhỏ hẹp của tập sách, chúng tôi không thể đi sâu để giải thích từng pháp một được. Tuy thế, để có một ý niệm về các loại pháp ấy, chúng tôi xin sơ lược giải thích đại khái sau đây:
Sắc Pháp: Phàm cái gì có thể hư nát và có tánh cách chướng ngại đều thuộc về sắc pháp. Trong 11 món thuộc về sắc-pháp, gồm có 5 căn và 5 cảnh, thì độc giả cũng đã biết rồi, không cần phải giải nữa; còn món thứ 11 là Vô-biểu-sắc, cần phải giải thích. Vô-biểu-sắc là cái sắc-pháp không biểu hiện ra ngoài (pháp trần); nó là đối tượng của ý căn.
Tâm Pháp: Cúng gọi là Tâm-vương, vì nó có năng lực chủ động như ông vua có quyền chủ trương trong một nước. Tâm-vương có ba tên: Tâm, Ý và Thức. Theo Câu-Xá-Luận thì: “Nhóm góp các tập quán mà khởi ra gọi là Tâm; nghĩ ngợi gọi là Ý; phân-biệt gọi là Thức”.
Tâm-Sở-Pháp: Là cái pháp sở hữu phụ thuộc của Tâm-vương, như các ông quan phụ thuộc dưới quyền sai sử của ông vua, hay các nhân viên phụ thuộc dưới sự điều khiển của ông chủ.
Bất Tương Ưng Hành Pháp: có thể gọi tắt là cái pháp Bất-tương-ưng, nghĩa là các pháp không hẳn thuộc về Sắc, mà cũng không hẳn thuộc về Tâm, nhưng là kết quả của sự tiếp xúc giữa Tâm và Sắc. Thí dụ như “sự được” là một pháp Bất-tương-ưng. Khi ta được một cái gì, sự được ấy không thuộc về Sắc-pháp, cũng không thuộc về Tâm-pháp. “Cái mà ta được” là Sắc-pháp; “cái nỗi vui mừng” khi được là Tâm-pháp; còn “sự được” không thể liệt vào Sắc-pháp hay Tâm-pháp được, vì thế cho nên gọi là Bất-tương-ưng-hành pháp.
Vô Vi Pháp: Nghĩa là những pháp không sanh-diệt, chuyển-biến, vượt ra ngoài sự đối đãi. Vô-vi gồm có ba pháp là: trạch-diệt vô-vi, phi-trạch-diệt vô-vi và hư-không vô-vi.
Bảy mươi lăm pháp này bao gồm tất cả sự vật trong vũ trụ.
Sự vật trong vũ trụ chia ra làm hai loại lớn là: Hữu-tình thế-gian và Khí-thế gian.
-Hữu-tình thế-gian tức là toàn thể chúng sanh, có sự sống.
-Khí-thế-gian tức là hoàn-cảnh mà chúng sanh nương vào để sống như đất, cát, núi, sông, nhà cửa v.v…
Xét về phương diện thời-gian, thì vũ-trụ là Vô-thỷ và Vô-chung, nghĩa là không có lúc bắt đầu và cũng không có lúc chung cục, mà chỉ có sự thay đổi, biến chuyển thôi. Trong vũ-trụ vó hằng-hà-sa thế-giới, thế-giới này thành, thì thế-giới kia hoại, đắp đổi cho nhau. Tuy thế, riêng mỗi thế giới, từ khi sanh thành cho đến khi tiêu diệt, phải trải qua bốn giai đoạn (thành, trụ, hoại, không) gồm một đại kiếp, tức là một tỷ hai trăm tám chục triệu năm (1.280.000.000).
Xét về phương diện không gian, thì vũ trụ rộng lớn không thể tưởng tượng được. Trước tiên đơn vị nhỏ nhất của vũ trụ là thế-giới (như thế giới nhỏ mà chúng ta đang ở đây). Họp một ngàn thế-giới mới thành được một tiểu-thiên thế-giới; Họp một ngàn tiểu-thiên thế-giới mới thành một trung-thiên thế giới; Họp một ngàn trung-thiên thế-giới mới thành một đại-thiên thế giới; Như thế một đại-thiên thế-giới gồm (1.000 x 1.000 x 1.000) một ngàn triệu thế-giới nhỏ (như thế giới chúng ta đang ở đây). Nhưng trong vũ-trụ không phải chỉ có một đại-thiên thế-giới mà có vô-lượng vô-số đại-thiên thế-giới; cho nên trong kinh thường nói là : thập phương vi-trần thế-giới (mười phương thế-giới nhiều như cát bụi) hay thập phương hằng-hà-sa thế-giới (mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng).
Xét về phương diện phẩm chất thì vũ-trụ chia làm ba từng bực cao thấp khác nhau, cũng gọi là tam-giới, hay ba-cõi là: dục giới, sắc giới, vô-sắc giới.
Dục giới là cõi của loài hữu-tình chưa xa lìa được dâm dục và thực dục. Trong dục giới có 05 loại chúng sanh là Thiên, Nhơn, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục.
Sắc giới là cõi của loài hữu-tình có hình sắc tốt đẹp, đã rời bỏ được dâm dục và thực dục. Cõi này có 04 bực là: Ly sanh hỷ-lạc-địa, Định sanh hỷ-lạc-địa, Ly hỷ diệu-lạc-địa, và Xả niệm thanh-tịnh-địa.
Vô Sắc giới là cõi không có hình sắc. Các loài hữu-tình sanh trong cõi này chỉ có tâm-thức mà thôi. Cõi này cũng chia làm 04 từng bực cao thấp, thông-thường gọi là Tứ-không-thiên: Không vô-biên-xứ, Thức vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu xứ, và Phi-tưởng phi-phi-tưởng xứ.
3.-Nhân sanh quan:
Chúng sanh nói chung và con người nói riêng, do đâu mà có? Và đời sống của chúng sanh có giá trị như thế nào?
a/.Theo Câu-Xá tôn, thì chúng sanh sở dĩ bị xoay chuyển trong vòng sanh-tử luân-hồi, là do “nghiệp cảm duyên khởi”, nghĩa là do mê-hoặc mà tạo nghiệp, do tạo nghiệp làm nhân mà cảm thọ các quả báo.
Thế nào gọi là hoặc? Hoặc nghĩa là mê-mờ, không sáng-suốt, không biết đâu là phải, đâu là trái, tức là vô-minh, mê vọng. Hoặc có hai loại: bổn hoặc và tùy hoặc. Bổn hoặc là sự mê lầm cội gốc, cũng gọi là căn-bản phiền-não, như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tùy-hoặc là những mê lầm dựa theo bổn hoặc mà phát sinh; cũng gọi là tùy-phiền-não.
Trong 06 bổn hoặc nói trên, thì năm hoặc đầu: tham, sân, si, mạn, nghi, vì tánh chất chậm lụt, ăn sâu gốc rễ trong thâm tâm chúng ta, rất khó dứt trừ, nên gọi là ngũ-độn-sử (sử là sai sử, xúi sử; những hoặc này sai khiến một cách tiềm tàng, sâu kín loài hữu tình làm cho chúng sanh cứ luẩn-quẩn trong chỗ mê lầm nên gọi là độn-sử).
Còn hoặc thứ sáu là ác-kiến, thì vì tánh chất lanh-lẹ, không ăn sâu gốc rễ trong thâm tâm và dễ dứt trừ, nên gọi là lợi-sử. Ác-kiến hay lợi-sử gồm có 05 thứ là: Thân-kiến, Biên-kiến, Tà-kiến, Kiến-thủ và Giới-cấm-thủ.
Thân-kiến là chấp một cách sai-lầm rằng cái thân do ngũ-uẩn giả hiệp này là có thật ngã.
Biên-kiến là chấp sai-lầm rằng cái thân này chết rồi thì tiêu diệt hẳn, không còn gì cả (đoạn kiến) hay trái lại, chấp cái thân này chết rồi, linh hồn vẫn còn mãi mãi (thường kiến). Những sự chấp ấy làm mất hẳn lý trung-đạo, nên gọi là Biên-kiến.
Tà-kiến là chấp những đạo-lý mơ-hồ và bài-bác những lý nhơn-quả chơn chánh.
Kiến-thủ là chấp chặt kiến-giải sai-lầm của mình, mà không chịu theo đòi các bậc hiền thánh.
Giới-cấm-thủ là giữ giới sai-lầm như giữ những giới khổ hạnh của ngoại-đạo v.v…
Do những bổn-hoặc và ác-kiến nói trên sai-sử, chúng sanh tạo ra các nghiệp, làm nhân quả cho nhau và khiến cho chúng sanh phải xoay vần mãi trong sanh tử luân-hồi.
Nghiệp có ba thứ: ý-nghiệp, tức là sự suy nghĩ, hành động của ý niệm; ngữ-nghiệp, tức là sự nói năng; thân-nghiệp tức là những hành động về thân xác.
Nghiệp có ba tánh: là lành, dữ và vô-ký (nghĩa là trung-bình, không lành, không dữ). Nghiệp lành thì có quả báo lành, nghiệp dữ thì có quả báo dữ. Còn nghiệp vô-ký thì quả-báo không lành không dữ.
Nghiệp lành, cũng như nghiệp dữ, đều có mười thứ:
Mười nghiệp dữ là: giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối gạt, nói thêu dệt, nói chia rẽ, nói ác độc, tham lam, giận dữ, si mê.
Mười nghiệp lành là: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối gạt, không nói thêu dệt, không nói chia rẽ, không nói ác độc, không tham lam, không giận dữ, không si mê.
Quả báo của Mười nghiệp lành và Mười nghiệp dữ có mau và có chậm, nghĩa là có khi xảy ra ngay trong một đời, có khi hai ba đời sau mới thọ quả báo.
Khi thời kỳ cảm quả chịu báo đã xác định, thì gọi là định-nghiệp. Trái lại, thì gọi là bất-định-nghiệp. Bất-định-nghiệp có hai thứ: một là quả báo đã định mà thời kỳ chịu quả báo chưa định; hai là cả quả báo và thời kỳ chịu quả báo đều chưa định.
b/.Trên đây là nói lý do vì sao có sự hiện diện của chúng sanh trong thế giới này. Dưới đây, chúng ta sẽ nói đến giá-trị của sự hiện-diện ấy theo quan điểm của Câu-Xá tôn, tức cũng là quan niệm của Tiểu-thừa Phật-giáo.
Quan niệm ấy không xa lạ gì đối với chúng ta. Đó là: cõi đời là một biển khổ, trong ấy chúng sanh đang lặn hụp, trôi lăn, sống chết. Con người khổ vì sanh, lão, bệnh, tử. Con người khổ vì yêu nhau mà phải xa lìa, ghét nhau mà phải chung sống, muốn một đàng mà thực tế đưa đi một nẻo. Con người khổ vì tai trời, nạn nước: bão, lụt, chiến tranh, trộm cướp v.v… Con người khổ vì sống trong một hoàn cảnh mê-mờ, tối-tăm, không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là ảo ảnh giả dối. Con người khổ vì mong được trường-tồn mà cõi đời lại vô-thường, luôn luôn biến đổi, có đó không đó, còn đó mất đó, như một trò mộng huyễn. Con người khổ vì tưởng rằng có một cái thật-ngã làm nòng cốt cho sự sống, thuần nhất, tự tại, ngờ đâu cái Ngã ấy là giả dối, không có thật, và bị hoàn cảnh chi phối làm cho điêu đứng, đảo điên.
Tóm lại, cõi đời là một bể khổ làm bằng nước mắt của tất cả chúng sanh.

III.-PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH
1.-Tứ-diệu-đế:
Muốn giải thoát ra ngoài bể khổ mênh mông của cõi đời, Câu-Xá tôn chủ trương phải tu theo pháp “Tứ-diệu-đế”. Tứ-diệu-đế tức là bốn lẽ chân thật đưa người tu hành từ cảnh mê đến cảnh ngộ, từ cõi Ta-bà đau khổ, đến cảnh giới Niết-bàn tịch tịnh.
-Diệu-đế thứ nhất chỉ rõ cho người tu hành thấy cõi đời là đau khổ.
-Diệu-đế thứ hai chỉ rõ cho người tu hành thấy được nguyên nhân của sự đau khổ trong cõi Ta-bà.
-Diệu-đế thứ ba chỉ rõ cảnh giới an lạc sau khi ra khỏi cõi đời đau khổ.
-Diệu đế thứ tư chỉ rõ con đường tu hành để đi đến cảnh giới an lạc của Niết-bàn.
Bốn Diệu-đế ấy tức là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo vậy.
2.-Thập-nhị-nhân-duyên:
Đối với những căn cơ lanh lợi, thì có thể tu theo pháp Thập-nhị-nhân-duyên. Thập-nhị-nhân-duyên là 12 nhân duyên kế tiếp theo nhau, làm nhân làm quả khiến cho chúng sanh phải mãi mãi xoay vần trong biển khổ sanh-tử luân-hồi. Mười hai nhân duyên ấy là: Vô-minh, Hành, Thức, Danh-sắc, Lục-nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão, Tử. Mười hai nhân duyên này như 12 vòng xích nối liền với nhau làm thành một chuỗi xích, không biết đâu là đầu, đâu là cuối. Nếu cắt đứt được một vòng xích thì chuỗi xích ấy tất phải đứt đoạn. Đối với kẻ tu-hành, muốn chấm dứt sanh-tử luân-hồi, thì cái mắc-xích cần phải cắt đứt là “Ái”. Ái ở đây tức là luyến-ái. Vì luyến-ái nên mới cố thủ cho mình, “Thủ” sanh “Hữu”; Và từ đó, cái vòng sanh-tử lại tái diễn. Vậy không có “Ái” thì không có “Hữu”, không có “Hữu” thì không có “Sanh”, không có “Sanh” thì không có “Lão tử”, nghĩa là không có khổ đau.
IV.-QUẢ VỊ TU CHỨNG
1.-Người tu theo pháp Tứ-diệu-đế, nếu mau lắm thì cũng phải trải qua ba đời, còn nếu chậm, thì phải trải qua 60 kiếp, mới chứng được quả A-la-hán, là cõi cao nhất của hàng Thanh-Văn.
Trước khi chứng được quả vị A-la-hán, hành giả tuần tự chứng các quả dưới đây:
Tu-đà-hoàn, Tàu dịch là Nhập-lưu, hay Dự-lưu, nghĩa là bắt đầu nhập vào dòng Thánh.
Tư-đà-hàm, Tàu dịch là Nhất-lai, nghĩa là còn phải đầu thai vào cõi Dục-giới một lần cuối cùng nữa, để tu hành cho rốt ráo, trước khi vĩnh viễn xa rời cõi này.
A-na-hàm, Tàu dịch là Bất-lai, nghĩa là không còn đầu thai vào cõi Dục-giới nữa.
Hết bực này là đến quả vị A-la-hán, A-la-hán, Tàu dịch là Ứng-cúng hay Vô-sanh, nghĩa là dứt bỏ được các điều mê lầm trong cõi Sắc-giới và Vô-sắc-giới, không còn phiền não, không còn chịu sanh tử luân hồi, vượt ra khỏi ba cõi, hưởng sự cúng dường của Thiên và Nhân. Bậc này cũng gọi là bậc Vô-học, nghĩa là không còn phải học pháp gì nữa.
2.-Đối với lối tu Duyên-Giác:
Nghĩa là tu theo lối quán 12 nhân-duyên, thì quả vị không có chia ra nhiều tầng bậc, chẳng qua khi đang tu-hành thì gọi là Duyên-Giác hướng, nghĩa là đi lần tới mục đích của sự tu-hành là quả Duyên-Giác. Còn khi tu-hành được đầy đủ, dứt mối mê lầm chứng được chân-lý, thường hưởng được cái vui giải-thoát trong cảnh Niết-bàn, thì gọi là Duyên-Giác quả. Vị chứng được quả này thì gọi là Bích-Chi-Phật, tức là vị Phật đã tự giải thoát cho mình, nhưng chưa có thể giác-tha. Từ khi bắt đầu tu hành cho đến khi chứng quả Duyên-Giác, thời gian dài ngắn khác nhau tùy theo căn cơ của kẻ tu hành: với căn cơ lanh-lợi thì ít ra cũng phải trải qua 04 đời tu luyện; với căn cơ chậm-lụt thì phải trải qua 100 kiếp tu hành.

V.-KẾT LUẬN
Câu-Xá tôn, mặc dù chỉ là một tôn phái trong nhiều tôn phái của Tiểu-thừa, nhưng có thể đại diện một cách gần đầy đủ cho phái Tiểu-thừa Phật-giáo. Bởi thế, đọc Câu-Xá tôn, chúng ta có thể hiểu được một cách khá tường tận giáo-lý căn bản và phương pháp tu hành của hàng Tiểu-thừa trong quá khứ xa xưa.
Nhưng từ khi tôn này được thành lập ở Trung-hoa đến bây giờ, thời gian đã trôi qua hơn một ngàn năm. Trong thời gian ấy, chắc cũng có nhiều sự biến đổi trong chi tiết. Chúng tôi rất tiếc không có nhiều tài liệu để nghiên cứu một cách đầy đủ những biến-chuyển của tôn này qua thời gian và sự tồn tại của nó trong hiện tại như thế nào. Do đó, chúng tôi thành thật đề nghị với quý đọc-giả hãy xem tập sách nhỏ này như một tập nghiên cứu về một trong mười tôn phái ở Trung-hoa, chứ chưa phải là một “con đường” hoàn-bị, hướng-dẫn trực-tiếp quý vị vào sự tu luyện. Chúng tôi muốn nói, nếu quý vị thấy căn-cơ mình thích-hợp với giáo-lý Tiểu-thừa, mà muốn bắt tay vào sự tu luyện, thì cũng cần phải tìm đọc thêm nhiều nữa và nghiên cứu cho đến nơi đến chốn để khỏi lạc hướng sai đường.