BẢN ĐỒ TU PHẬT _ TẬP 10 _ CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA -P.01


TẬP 10 : CON ĐƯỜNG TU CỦA NĂM THỪA
SOẠN GIẢ : CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA

I.-LỜI NÓI ĐẦU
Như quý đọc giả đã biết, Phật ra đời mang một nhiệm vụ duy nhất là hướng dẫn chúng sanh chóng thành Phật quả. Kinh Pháp-Hoa có dạy: “Phật ra đời vì một nhân duyên lớn, là khai thị cho chúng sanh tỏ ngộ Phật tánh ở nơi mình”. Như thế thì con đường đi từ chúng sanh đến Phật quả, chỉ có một hướng, chỉ có một chiều, chỉ có một mục tiêu, như trăm sông đều hướng về biển cả, nhưng nếu trong thực tế, không có con sông nào giống con sông nào, có con lớn, con nhỏ, con sâu, con cạn, có con quanh co, khúc khuỷu, có con bằng phẳng, thẳng tắp vì địa cuộc; thì con đường tu của chúng sanh cũng vì căn cơ sai khác mà có con đường lớn đường nhỏ, đường cao đường thấp, đường thẳng đường cong …
Những con đường ấy, nếu phân loại một cách có hệ thống, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao thì chỉ còn lại có năm, tức là “Ngũ Thừa Phật Giáo”.
Nếu phân loại một cách rốt ráo hơn nữa thì chỉ còn có ba, tức là “Tam Thừa Phật Giáo”.
Nhưng nếu tóm tắt nữa thì chỉ còn có hai thừa tức là “Đại Thừa” và “Tiểu Thừa”; và rốt cuộc chỉ còn có một, đó là “Nhất Thừa” hay “Tối Thượng Thừa”, cũng gọi là “Phật Thừa”.
Tập sách này có nhiệm vụ hệ thống hóa, và giản dị hóa các con đường đưa đến Phật quả nói trên, để độc giả có một ý niệm tổng quát về sự tu hành của Phật pháp.

A.- NĂM THỪA, HAY NĂM NẤC THANG
Giáo lý của Phật tuy nhiều đến thiên kinh, vạn quyển, pháp môn của Phật tuy có đến tám muôn bốn ngàn loại, chung quy cũng không ngoài năm thừa, hay năm nấc thang chính để tiến tới địa vị Phật.
Năm nấc thang này, đối với những căn cơ chậm lụt thời cứ tuần tự mà bước, hết nấc này đến nấc khác. Còn đối với những căn cơ thông lợi thì có thể bước hai ba bốn nấc một lần cũng được. Mỗi nấc đều có những phương pháp tu hành riêng biệt và quả vị khác nhau. Nấc thấp thì phương pháp tu hành dễ dàng, giản dị, và quả vị cũng bình thường. Càng lên cao thì việc tu luyện mất nhiều công phu hơn, và do đó, quả vị cũng cao xa hơn. Nhưng dù cao dù thấp, dù nhanh dù chậm, quả vị cuối cùng cũng là Phật quả. Do đó mà Đức Phật bảo đảm một cách chắn chắn rằng: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Người tu hành luôn luôn nên nhớ đến câu nói ấy, để vững tâm tiến bước trên đường đạo.
Trước tiên hãy nói đến nấc thang thứ nhất, hay là:

I.- CON ĐƯỜNG TU CỦA NHÂN THỪA
Con đường này tương đối dễ dàng nhất trong các con đường tu hành; do đó quả vị cũng không vượt quá cõi người. Phương tiện tu hành để được sống trong cõi người là “Ngũ giới”. Ngũ giới tức là năm điều ngăn cấm mà người tu hành sau khi thọ giới xong, cần phải triệt để tuân theo.
1.-Giới thứ nhất là không sát sanh:
Nếu giữ được giới này một cách triệt để thì hành giả không được sát hại một sinh vật nào, dù nhỏ bao nhiêu. Nếu chưa có thể giữ được một cách triệt để, thì ít nhất cũng không được giết người, hay các sinh vật mà mình thấy không cần thiết vô cớ phải giết. Muốn cho sự giữ giới này được thi hành một cách không quá khó khăn, hành giả nên luôn luôn nghĩ đến đức tánh “Từ Bi” thương xót tất cả chúng sanh, tự đặt mình vào địa vị của những sinh vật sắp bị giết, để thấy những khổ đau của chúng. Riêng đối với người, hành giả không bao giờ nên nuôi cái ý niệm sát hại, dù đó là kẻ thù của mình đi nữa.
Nếu cõi đời này mà những hành vi giết hại không hiện ra nữa, thì những nỗi khổ đau, những dòng lệ và tiếng kêu thương sẽ giảm đi rất nhiều vậy.
2.-Giới thứ hai là không tham lam trộm cắp:
Sau thân mạng là của tiền, tài sản. Người ta thường nói: “đồng tiền là huyết mạch”. Do đó mà khi mất tiền của, người ta thấy khổ đau vô cùng. Có nhiều người đã phát điên khùng, có nhiều người đã tự tử vì tiếc của. Nói như thế để nhận thấy cái giá trị, cái mãnh lực của đồng tiền, đối với đại đa số người đời. Cho nên người giữ giới, phải triệt để loại tánh tham lam ra khỏi lòng mình. Vì tánh tham vừa làm khổ cho mình, vừa làm khổ cho người. Người mất của đã khổ, mà người đêm ngày toan tính để cướp của, trộm cắp, lừa gạt của người cũng không tìm được một cuộc đời an vui.Vả lại, của phi nghĩa không thể bền lâu được. Tục ngữ có câu: “…của đánh bạc đẻ ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. Luật nhân quả không bao giờ sai chạy: mình lấy của người, thì người khác lấy của mình, cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt. Do đó mà Phật cấm ngặt không được trộm cắp, dù vật nhỏ nhặt đến bao nhiêu.
3.- Giới thứ ba là không tà dâm:
Sự dâm dục làm đảo lộn luân thường, đạo lý, làm rối loạn gia cang. Người đa mê sắc dục, khó có thể thành công trên đường đời, vì những mưu toan, những ý nghĩ đen tối cứ khuấy rối tâm hồn, không bao giờ để cho người trong cuộc có thì giờ làm những công việc hữu ích, đẹp đẽ hơn. Trong báo chí hằng ngày, những tin tức về những cuộc đâm chém, bắn giết nhau vì ghen tuông không thể kể xiết. Một gia đình, trong ấy người vợ cũng như người chồng, có một đời sống lành mạnh, đàng hoàng, trong sạch, sẽ được người chung quanh kính nể, và gia đình được êm ấm hòa vui; còn trái lại, thì gia đình là một địa ngục trần gian.
4.- Giới thứ tư là không nói dối:
Nói dối tức là có ý làm sai lạc sự thật vì tư lợi, tư thù, hay khoe khoang, kiêu mạn; nghĩa là vì những dục vọng riêng tư không đẹp đẽ. Cho nên nói dối tức là dùng một cái bình phong giả dối để che đậy một sự thật, không được tốt đẹp. Sự nói dối, bởi lẽ ấy, là một sự khuyến khích người ta đi sâu vào dục vọng, làm cho người ta tiếp tục làm quấy mà không sợ trừng phạt, vì nghĩ rằng tội lỗi của mình sẽ được che giấu. Trong một gia đình, nếu những người thân thuộc dối trá nhau, thì khó có thể giữ được lòng tin yêu, yếu tố căn bản của hạnh phúc gia đình. Trong xã hội, nếu mọi người sử dụng sự dối trá với nhau, thì xã hội dễ bị tan rã, vì thiếu sự tín nhiệm, yếu tố căn bản của mọi sự hợp tác trong cuộc sống chung.
5.- Giới thứ năm là không uống rượu:
Uống rượu, riêng nó không phải là một cái tội. Nhưng tai hại là ở hậu quả, ở ảnh hưởng của rượu đối với người uống. Rượu làm cho lý trí bị rối loạn, con người không tự làm chủ được mình nữa. Người nghiện rượu không thể có được trí huệ sáng suốt; mà trí huệ, đối với đạo Phật là một trong những yếu tố căn bản để đạt đến Phật quả. Rượu làm cho con người vốn đã si mê, lại càng si mê thêm. Rượu làm cho xã hội, vốn đã rối loạn, càng rối loạn thêm. Do đó mà Đức Phật cấm uống rượu, để cho con người được tỉnh táo mà tu hành, xã hội bớt được nhiều kẻ điên cuồng, náo loạn.

Năm giới này, nếu người tu hành không phạm đến, đời sau sẽ được sanh lên làm người; do đó mà con đường tu hành này có tên là “Nhân Thừa”. Nhưng chưa nói đến tương lai vội, ngay trong hiện tại, nếu người đời tuân theo năm điều răn dạy này, thì cõi người mới xứng đáng với cái danh hiệu ấy, con người mới đáng được gọi là “Người”. Còn nếu không, thì cõi đời này là địa ngục và con người chỉ có cái tên, cái lốt người mà thôi.

HẾT PHẦN 01 _ TẬP 10