BẢN ĐỒ TU PHẬT _ TẬP 09_ĐẠI THỪA BỒ TÁT-P04


CON ĐƯỜNG TU CỦA BẬC ĐẠI THỪA BỒ TÁT (Phần 04)

7.-Tứ-Nhiếp-Pháp là pháp tu của Bồ-tát
Người tu Đại-Thừa Bồ-tát, nhắm mục đích lợi-tha hơn tự-lợi, nên tìm mọi cách để làm lợi lạc cho chúng sanh. Một trong những pháp môn để hóa-độ chúng sanh một cách có hiệu quả nhất là “Tứ-Nhiếp-Pháp”. Tứ-Nhiếp-Pháp là bốn phương-pháp để cảm hóa chúng sanh. Bốn phương pháp ấy là:
a/. Bố-Thí, là dùng sự Bố-Thí để cảm hóa chúng sanh. Phương pháp này đã có nói ở đoạn trên rồi, tưởng không cần phải nhắc lại ở đây nữa.
b/. Ái-Ngữ, là dùng lời nói nhỏ nhẹ, thương yêu để cảm hóa chúng sanh. Tục ngữ ta có câu:
“Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Có nhiều người trong lòng không xấu, nhưng vì lời nói thiếu nhã-nhặn, thiếu dịu-dàng mà mất cảm tình, có nhiều khi gây thù oán với người chung quanh. Bởi thế, muốn chúng sanh nghe theo mình, hoan hỷ làm các điều thiện, Bồ-tát phải dùng lời nói nhẹ nhàng, chứa đầy yêu thương.
c/. Lợi-Hành, là làm những việc lợi lạc cho chúng sanh để cảm hóa họ. Người tu theo hạnh Bồ-tát, hễ thấy chúng sanh thiếu thốn cái gì thì mình cho cái ấy, không so-đo, tính-toán. Ra đường, hễ thấy ai cần dùng đến mình, thì dù khó khăn bao nhiêu cũng không từ nan. Hành-giả luôn luôn tìm cách giúp đỡ mọi người, để vớt cho họ gánh đau thương đang đè nặng trên hai vai họ. Ngày nay, những công việc từ-thiện xã-hội chính là những công việc rất thích hợp đối với người tu hạnh Bồ-tát.
d/. Đồng-Sự, là làm chung công việc với người, để cảm-hóa họ. Muốn làm lợi ích cho chúng sanh, phải hiểu rõ hoàn-cảnh, tâm-lý tư-tưởng của họ. Muốn thế, phải gần-gũi thân cận với họ, cùng chung gánh vác công việc với họ làm cho họ, thấy mình với họ không xa cách nhau, cùng chung sống trong một hoàn cảnh như nhau. Có thế, họ mới cảm mến mình và nghe theo những lời mình khuyên bảo.
8.- Ngũ-Minh là pháp tu của Bồ-tát
Tứ-Nhiếp-Pháp vừa nói ở trên là một pháp môn mà mọi người, với một thành tâm thiện-chí muốn giúp ích cho đời, đều có thể thực hành được. Nhưng muốn giúp ích một cách có nhiều hiệu quả hơn, hành-giả phải thông thạo các ngành chuyên môn mà Phật đã dạy trong Ngũ-Minh. Đó là:
a/. Nội-Minh, là thông hiểu giáo-lý nội-điển để truyền-bá sâu rông Phật-pháp.
b/. Nhơn-Minh, là thông hiểu phương pháp luận-lý, để biện-luận chống ngoại-đạo tà-giáo, vạch rõ cho mọi người thấy cái giá trị chơn-thật của Phật-pháp và cái sai quấy, thiếu sót của các học thuyết, giáo điều khác.
c/. Thanh-Minh, là thông thạo văn chương ngôn-ngữ, biết nhiều thứ tiếng để truyền bá Phật-pháp một cách có hiệu quả, từ trong nước đến ngoài nước, hầu hóa độ nhiều người.
d/. Y-Phương-Minh, là thông thạo về Y-khoa để chữa bệnh cho người. Sự thông thạo này rất ích-lợi cho việc hóa-độ, vì những bệnh nhân, một khi được chữa khỏi thì dễ dàng nghe theo, làm theo những lời chỉ dạy của người chữa. Vả lại, trong việc làm này, người đời nhận thấy rõ ràng thiện-chí, lòng vị tha của mình đối với họ. Do đó, họ sẽ cảm phục và nghe theo mình.
đ/. Công-Xảo-Minh, là thông thạo về nghề nghiệp. Người biết được nhiều nghề thì gặp hoàn cảnh nào cũng có thể giúp đỡ người đời được. Nếu có thiện chí giúp đời mà tay chân vụng về, thiếu chuyên môn, không biết việc, thì cũng chẳng giúp ích gì được cho ai. Bởi vậy, những kẻ muốn ra giúp đời một cách đắc lực, trước hãy tự luyện tập cho mình có nhiều khả năng chuyên môn hơn ai hết. Các vị tu hạnh Bồ-tát, để thực hiện được Đại-nguyện, cần phải trau dồi tay chân cho thật điêu luyện, nghề nghiệp cho thật tinh xảo để dù ở trong trường hợp nào, cũng có thể giúp ích cho đời.
Khi chế ra pháp môn Ngũ-Minh này, Đức Phật quả đã chứng tỏ rất tường tận tâm-lý quần-chúng. Ngày nay, nếu vị nào có phát tâm tu hạnh Bồ-tát mà áp dụng được pháp môn “Ngũ-Minh” này, chắc chắn sẽ được quần-chúng ngưỡng mộ, tin theo; và Đạo-Phật sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ.
9.- Tu sáu trần, sáu căn, sáu thức và bảy đại
Như chúng ta đã biết, pháp môn của Phật nhiều không xiết kể, kẻ lựa pháp môn này, người lựa pháp-môn khác, nhưng chung cục, nếu tu một cách rốt ráo, thì quả vị cuối cùng vẫn giống nhau. Đó là quả Bồ-tát hay quả Phật. Cũng như muôn ngàn lạch nước, cái nhỏ, cái lớn, cái cao, cái thấp, cái ở phương đông, cái ở phương tây, nhưng một khi đã được khai thông cho đến tận cùng thì cũng đều chảy ra biển cả. Vì lẽ đó, cho nên các vị Bồ-tát, có vị tu theo những pháp môn như đã nói ở đoạn trên; còn có vị lại chỉ tu riêng một Trần, một Căn, một Thức, hay một Đại mà cũng chứng quả.
Sau đây là những bằng chứng, rút trong Kinh Lăng Nghiêm:
a/. Các vị tu một trong sáu Trần mà chứng quả:
_ Ông Kiều-Trầm-Na, do tu Thanh-trần mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Ưu-Ba-Ni-Sa-Đà, do tu Sắc-trần mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Hương-Nghiễm đồng-tử, do tu Hương-trần mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Dược-Vương, Dược-Thượng, do tu Vị-trần mà chứng Bồ-tát;
_ Ông Bạt-Đà-Ba-La, do tu Xúc-trần mà chứng Thánh;
_ Ông Ma-Ha-Ca-Diếp, do tu Pháp-trần mà chứng A-La-Hán.
b/. Các vị tu một trong sáu Căn mà chứng quả:
_ Ông A-Na-Luật-Đà, do tu Nhãn-Căn mà chứng A-La-Hán;
_ Đức Quán-Thế-Âm, do tu Nhĩ-Căn mà chứng Bồ-tát;
_ Ông Châu-Lợi-Bàn-Đặc-Ca, do tu Tỷ-Căn mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Kiều-Phạm-Bát-Đề, do tu Thiệt-Căn mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Tất-Lăng-Già-Bà-Ta, do tu Thân-Căn mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Tu-Bồ-Đề, do tu Ý-Căn mà chứng A-La-Hán.
c/. Các vị tu một trong sáu Thức mà chứng quả:
_ Ông Xá-Lợi-Phất, do tu Nhãn-Thức mà chứng A-La-Hán;
_ Đức Phổ-Hiền, do tu Nhĩ-Thức mà chứng quả Bồ-tát;
_ Ông Tôn-Đà-La-Nan-Đà, do tu Tỷ-Thức mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Phú-Lâu-Na Di-Đa-La-Ni-Tử, do tu Thiệt-Thức mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Ưu-Bà-Ly, do tu Thân-Thức mà chứng A-La-Hán;
_ Ông Mục-Kiền-Liên, do tu Ý-Thức mà chứng A-La-Hán.
d/. Các vị tu một trong Bảy-Đại mà chứng quả:
_ Ông Trì-Địa Bồ-tát, do tu về Đất mà chứng quả Bồ-tát;
_ Ông Nguyệt-Quang Đồng-tử, do tu về Nước mà chứng quả Bồ-tát;
_ Ông Lưu-Ly-Quang, do tu về Gió mà chứng quả Thánh;
_ Ông Ô-Sô-Sắc-Ma, do tu về Lửa mà chứng quả A-La-Hán;
_ Ông Hư-Không-Tạng, do tu về Hư-Không mà chứng quả Bồ-tát;
_ Đức Đại-Thế-Chí Bồ-tát, do tu về Kiến-Đại (cái thấy) mà chứng quả Thánh;
_ Đức Di-Lặc, do tu về Thức-Đại (cái biết) mà chứng quả Bồ-tát.
Những bằng chứng mà kinh điển ghi chép về các vị Bồ-tát; chứng quả do tu một pháp-môn như trên, không sao kể xiết.
Noi gương các Ngài nói trên, về sau, có nhiều vị cũng tu riêng một căn hay một thức. Như có vị tu hai con mắt: thấy sắc không mê sắc; tu hai lỗ tai: nghe tiếng không nhiễm tiếng; tu lỗ mũi: ngửi mùi không vướng mùi; tu cái lưỡi: nếm vị không nhiễm vị; tu cái thân: xúc chạm làn da mà không cảm-xúc; tu cái ý-thức: tiếp nhận pháp-trần mà không nhiễm pháp-trần. Bởi thế, chư Tổ thường dạy những câu như: “Kiến sắc phi can sắc, văn thanh bất thị thanh” (thấy sắc đẹp không hệ lụy vì sắc; nghe tiếng hay không dính dấp gì đến tiếng); hay câu “Ngộ thanh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa; kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết” (nghe tiếng, thấy sắc như hoa trồng trên đá; thấy lợi thấy danh như bụi rơi trong mắt).
Tóm lại, từ mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân xúc, ý nghĩ v.v… Bồ-tát mỗi mỗi đều tu, cho đến đi, đứng, nằm, ngồi cũng đều là tu. Tất cả mọi sự mọi việc từ nội tâm đến ngoại cảnh, từ một vi trần đến sơn hà đại địa, đều là pháp tu của Bồ-tát. Ý-nghĩa trên đây, được diễn ra trong câu kinh sau đây:
Nhất thiết chư pháp vô phi Phật pháp
(Tất cả các pháp đều là Phật pháp).
10.- Xông pha vào nghịch cảnh, thử xem tâm mình còn phiền-não nhiễm-ô không, để trừ.
Khi mới tu, hành-giả phải tìm thuận cảnh và tránh xa nghịch cảnh, để sự tu hành được dễ dàng thuận lợi. Nhưng nếu cứ ở mãi trong thuận cảnh, thì sự tu hành khó tiến bộ, vì thiếu thử thách; cũng như một thủy thủ, khi mới vào nghề thì chỉ nên tập lái thuyền trên những khúc sông lặng lẽ, hiền lành, nhưng đã rèn luyện lâu dần, nếu cứ sợ sóng to gió lớn mà chỉ quanh quẩn mãi trong những dòng sông nhu hiền ấy thì không bao giờ trở thành thủy thủ giỏi. Muốn trở thành một thủy thủ tài ba đầy kinh nghiệm thì phải tập ra biển cả, đối diện sóng to gió lớn, có như thế mới hy vọng một ngày kia vượt đại dương đến bờ bên kia. Cũng vậy, người tu hành muốn đến mức độ cao phải tuần tự vượt qua thử thách các nghịch cảnh. Có như thế mới lượng được sức lực, khả năng, chí khí, sự tu luyện của mình đến đâu. Những thử thách ấy cho mình nhận thấy tâm còn phiền-não nhiễm-ô hay không, để trừ. Hành-giả đến giai đoạn này giống như ly nước đã quá giai đoạn để yên và lọc cặn rồi, bây giờ đến giai đoạn phải lắc mạnh để xem còn cặn nữa không để lọc lại cho hết sạch.
Bồ-tát xem các nghịch cảnh là những phương-tiện tốt để giúp cho mình chóng thành quả Phật. Bởi thế Phật dạy: Đề-Bà-Đạt-Đa là thiện-hữu của Ngài, vì nhờ có Đề-Bà-Đạt-Đa mà Ngài mau thành Phật. Nếu không có những hạng người như chàng Vô-Não, cô gái ngoại đạo vu oan cho Ngài, vua A-Xà-Thế tìm cách hãm hại Ngài thì làm sao thấy được đức tính “Đại-Hùng, Đại-Lực, Đại Từ-Bi” của Ngài? Cũng vậy, nếu không có nàng Kính-Tâm thì làm sao hiển lộ được đức tánh Nhẫn-nhục của gài Quan-Âm Thị Kính? Nếu không có sa-mạc Qua-Bích, núi Hy-Mã-Lạp-Sơn, thì làm sao thử thách được ý chí đi cầu Đạo dũng mãnh của Ngài Đường Tam-Tạng?
Người tu hạnh Bồ-tát mà sợ gian khổ, trốn tránh nghịch cảnh, tìm chốn an tịnh, thì khó mà thành tựu đại nguyện của mình. Nhiệm-vụ chính của Bồ-tát là giúp đời cứu chúng sanh, nếu không thắng được nghịch cảnh, làm chủ được tâm mình, thì còn cứu độ ai được? Cho nên, để thử thách và điêu luyện bản lĩnh của mình hành giả không ngại nghịch cảnh, vượt qua trở ngại, thông qua gian nguy. Sự tu luyện của các vị Bồ-tát, đi ngược với quan niệm thông thường về sự tu hành.
Đối với các vị Bồ-tát, thì những nơi tối tăm nhơ bẩn, cũng đều là cảnh tu thanh tịnh của họ. Do đó mới có câu: “Dâm phòng, tửu tứ vô phi thanh-tịnh đạo-tràng” (Phòng dâm, tiệm rượu, đều là đạo tràng thanh tịnh). Đứng trước một nghịch cảnh khó khăn ấy mà hành-giả thắng được, vượt qua được, thì sự tu hành mới thật là có giá trị lớn lao, siêu phàm, bạt tục. Người xưa có nói “Cây mọc trên đá sỏi, gỗ mới tốt; người gặp khó khăn, chí mới kiên”.
11.-Thọ khổ để cứu chúng sanh là hạnh tu của Bồ-tát
Các bậc tu theo hạnh Bồ-tát, đã có Đại-nguyện cứu độ chúng sanh, nên dù gặp khó khăn bao nhiêu, phải khổ sở bao nhiêu, dù phải hy sinh đến thân mạng đi nữa, các vị cũng vui lòng. Trong kinh điển, cũng như trong lịch sử truyền bá Phật-pháp, đã có không biết bao nhiêu trường hợp các vị Bồ-tát, thọ khổ để cứu độ chúng sanh.
a/. Bồ-tát vì chúng sanh mà phạm giới sát-sanh
Trong một tiền kiếp của Đức Phật Thích-Ca, Ngài làm một nhà lái buôn, cùng 500 người vượt biển đi buôn xa. Khi thuyền đang lênh đênh ngoài biển cả, thì một tướng cướp xuất hiện, định đánh chìm thuyền và giết cả 500 người lái buôn để đoạt của cải. Trước cảnh nguy nan ấy, Ngài đã giết tướng cướp và cứu 500 người kia khỏi chết. Như thế là Ngài đã phạm tội sát-nhơn, phải chịu quả báo; nhưng vì thương xót cho 500 người sắp bị chết oan, và cứu cho tên cướp kia khỏi bị đọa vào ác-đạo, mà Ngài phải ra tay, không do dự.
b/. Bồ-tát vì chúng sanh mà phạm giới trộm cắp
Kinh Lăng-Nghiêm đối với Ấn-Độ là một quốc bảo, nên các vua chúa thời xưa ngăn cấm nghiêm-nhặc, không cho phép một ai được đem ra khỏi nước. Ai đem trộm kinh ấy ra nước ngoài sẽ bị tội tử hình. Nhưng Ngài Bát-Thích-Mật-Đế, đã vì chúng sanh, xẻ bắp đùi, nhét bộ kinh ấy vào, may lại mà đem đến Trung Hoa để truyền bá.
c/. Bồ-tát vì chúng sanh mà phạm giới uống rượu và nói láo
Bà Mạt-Lợi Phu-Nhân, để cứu mạng cho quan Trù-Giám, đã phạm tội uống rượu và nói láo với vua.

Ở đây trước khi qua giai đoạn khác, chúng ta cũng nên phân biệt hai trường hợp khác nhau của sự phạm giới nói ở đoạn trên để khỏi sự ngộ nhận: Xét bề ngoài thì cũng đồng là phạm giới, nhưng xét về động cơ thúc đẩy bên trong thì phàm-phu và Bồ-tát khác nhau.
Bồ-tát thì vì lòng Từ-Bi và Trí-Tuệ, vì lợi tha, cứu độ mà phạm giới. Các vị sáng suốt thấy: nếu mình không gánh chịu cái quả khổ, do hành động mê mờ tội lỗi của chúng sanh gây ra, thì chúng sanh phải trôi lăn mãi trong vòng khổ não, nên đứng ra chịu đựng thay cho chúng sanh. Bởi thế, quý Ngài sát sanh không vì sân hận, trộm cắp không vì tham lam, uống rượu không vì thèm khát, nói láo không vì mưu lợi cho mình. Trái lại, chúng sanh phạm giới hoàn toàn do dục vọng thúc đẩy, phiền não kéo lôi. Họ sát sanh vì hung ác, sân hận; trộm cắp vì tham lam; uống rượu vì ham dục lạc; nói láo vì khoe khoang; kiêu mạn là vì lợi riêng. Do động lực thúc đẩy khác nhau đó mà quả báo của sự phạm giới, mặc dù không tránh khỏi, nhưng đối với các vị Bồ-tát, thì nhẹ nhàng hơn.

_Hết Phần 04_Tập 09_