BẢN ĐỒ TU PHẬT _ TẬP 09 _ ĐẠI THỪA BỒ TÁT – P03


CON ĐƯỜNG TU CỦA BẬC ĐẠI-THỪA BỒ-TÁT   (Phần 03)

3.-Trì-giới Ba-la-mật là hạnh tu của Bồ-tát:
Trong luận Đại-thừa Khởi Tín có chép: “Bồ-tát biết tánh Phật nơi mình không có phiền não, nhiễm ô, xa lìa các tội lỗi ngũ dục, nên tùy thuận theo Phật tánh, tu pháp Trì-giới Ba-la-mật”.
Trì-giới Ba-la-mật tức là giữ giới một cách rốt-ráo, đầy đủ, hoàn toàn trong mọi phương diện, chớ không hạn cuộc trong một vài phạm vi nào.
Giới đầy đủ nhất là “Tam tụ-tịnh-giới”; nghĩa là 03 phần giới thanh tịnh sau đây:
-Nhiếp luật nghi giới: nghĩa là bỏ các điều tội lỗi. Giới này thuộc về phần tiêu cực, mục đích ngăn ngừa không cho các điều ác phát hiện. Giới này hàng Thanh Văn (Tiểu-thừa) là sở trường.
-Nhiếp thiện pháp giới: nghĩa là làm các việc lành. Giới này thuộc về phần tích cực, mục đích thúc dục làm các điều thiện, ích lợi cho mình và người. Giới này hàng Thanh Văn cũng thường giữ.
-Nhiêu ích hữu tình giới: nghĩa là làm lợi ích cho toàn thể chúng sanh. Giới này thuộc về phần tích cực, phạm vi vô cùng lớn lao, bao trùm tất cả, rốt ráo vô cùng; giới này bắt buộc kẻ tu hành phải nỗ lực làm tất cả mọi việc ích lợi, không riêng gì trong phạm vi nhân loại mà chung cho tất cả loài hữu tình (nghĩa là có sự sống, biết vui mừng và đau khổ). Vì nó bao quát, vô hạn lượng như thế, nên hàng Thanh Văn không thể làm được, mà chỉ hàng Đại-thừa Bồ-tát mới giữ nổi.
4.-Bố-thí Ba-la-mật là hạnh tu của Bồ-tát:
Luận Đại-thừa Khởi Tín có chép: “Bồ-tát biết tánh Phật nơi mình không có tham lam, bỏn sẻn, nên tùy thuận theo tánh Phật ấy, mà tu Bố-thí Ba-la-mật”.
Tại sao tu hạnh Bố-thí mà phải viện dẫn và căn cứ vào tánh Phật là tánh vốn không tham lam, bỏn sẻn? – Vì tu hạnh Bồ-tát là phải rốt ráo, nếu còn một phần nào hạn cuộc, thì đó chưa phải là hạnh Bồ-tát. Người làm Bố-thí mà chưa hoàn toàn thanh tịnh, vẫn còn vướng vít một phần nào nhiễm ô, thì tánh Phật vẫn còn bị che lấp, chưa hoàn toàn biểu lộ được. Cũng như viên ngọc quý, nếu chưa hoàn toàn chùi rửa hết bụi nhơ, thì viên ngọc vẫn chưa phục hồi đầy đủ, trọn vẹn giá trị của nó.
Do đó, khi nói đến Bố-thí Ba-la-mật là người ta phải liên tưởng đến một sự Bố-thí hoàn toàn, trọn vẹn, không thấy có nhân, ngã, bỉ, thử, không một chút tiếc muốn, dù cho vật Bố-thí quý giá bao nhiêu, thân thiết bao nhiêu,  dù cho đó là thân mạng mình chăng nữa. Bố-thí này là Bố-thí không vì danh, không vì lợi, không cầu người cảm ơn, không mong mỏi phước báo. Trong khi cho Bồ-tát không phân biệt ta đây là người cho, nên không sanh tâm kiêu mạn; kia là kẻ được cho, nên sanh tâm khinh rẻ họ, không thấy có giá trị của vật đem cho, cho nên không tiếc nuối.
Bố thí có ba thứ: thí tài, thí pháp, thí không sợ.
a/.Thí tài: tức là cho của cải vật chất, sức cần lao, v.v.. Loại Bố-thí này có chia làm hai:
-Đem tiền bạc giúp của cải cho người, thì gọi là thí ngoại tài (cho của ngoài thân).
-Đem sức lực, haowjc thân mạng mình để cứu người, như cho máu, nhảy vào lửa, xuống nước để cứu người lâm nạn, thì gọi là thí nội tài (thí tự thân).
b/.Thí pháp: tức là chỉ bày phương pháp, thí pháp cũng chia làm hai loại:
-Chỉ dạy cho người những phương pháp (dạy nghề nghiệp) chơn chánh để họ tự nuôi sống, làm lợi lạc cho đời họ, thì gọi là thí pháp thế gian.
-Chỉ dạy cho người những phương pháp tu hành để giải thoát sanh tử luân hồi, thì gọi là thí pháp xuất-thế-gian.
c/.Thí sự không sợ hãi: tức là làm cho người khác vững tâm, không sợ sệt. Loại Bố-thí này cũng có hai phần:
-Về phương diện tiêu cực, không làm cho người khác phải sợ hãi vì mình.
-Về phương diện tich cực, đem cho người khác sự gan dạ, vững tâm để đối phó với những nỗi nguy nan, hoạn nạn đang xảy ra.
Hạnh Bố-thí đem lại kết-quả lớn lao trên đường tu hành, đó là: trừ được tâm ích kỷ, tham lam, bỏn sẻn, và nuôi lớn tánh Phật Từ-Bi, Hỷ-Xả, Vị-Tha. Đối với người thọ thí, thì hạnh này đem lại nguồn an ủi, trút hết nỗi khổ đau, tạo niềm hoan lạc khai trí sáng suốt.
5.-Nhẫn-nhục Ba-la-mật là hạnh tu của Bồ-tát:
Luận Đại-thừa Khởi Tín có chép: “Bồ-tát biết Tánh Phật của mình không sân hận, xa lìa các khổ não, nên thuận theo Tánh Phật, tu pháp Nhẫn-Nhục Ba-la-mật”.
Nhẫn-Nhục có hai phần:
a/.Cam chịu những điều khổ não, nhục nhã, xót đau người ta làm cho mình mà mình không hờn giận, phẫn uất và nghĩ đến sự trả thù, như Đức Phật đã nhẫn chịu những âm mưu phá hại Ngài của Đè-bà-đạt-đa khi lăn đá từ trên núi cao xuống chân Phật; của bọn ngoại đạo khi cho cô gái độn bụng đến vu oan cho Phật, để làm tổn thương đến uy danh Ngài; của vua A-xà-thế khi cho voi uống rượu say chạy đến để sát hại Ngài. Ngài đã không hờn giận, trừng phạt, mà trái lại, còn Từ-Bi hóa độ cho tất cả đều được giải thoát.
b/.Bình thản, không xao động trước tất cả các cảnh thuận và nghịch của cuộc đời mà mình gặp phải. Chẳng hạn, khi gặp nghịch cảnh, Bồ-tát không oán hận, trách móc, phiền não, để cho tâm mình phải vướng bận, đảo điên. Khi gặp thuận cảnh, Bồ-tát cũng không mừng rỡ, thích thú, để cho tâm mình phải bị xao động, vương vấn theo.
Nhẫn-nhục Ba-la-mật là một thứ nhẫn nhục cùng tột, không một sự vui buồn, sướng khổ, vinh nhục nào trong đời có thể làm lay động, xáo trộn tâm tư được. Thứ nhẫn nhục này, chỉ có hạng Đại-thừa Bồ-tát mới thực hiện nỗi; vì các Ngài đã nhận chân được bản-tánh thanh-tịnh, bình-đẳng, không thấy có nhân-ngã, có người làm nhục và kẻ bị nhục.
6.-Tinh-tấn Ba-la-mật là hạnh tu của Bồ-tát:
Tinh-tấn tức là cố-gắng không dừng nghỉ để mau mau đạt được quả vị tối thượng trong việc tu-hành. Tinh ở đây có nghĩa là tinh-thuần ; Tấn là đi tới. Tinh-tấn là cố gắng không ngừng, luôn luôn nỗ-lực để tiến tới cảnh giới tinh-thuần, tức bản-thể thanh-tịnh. Muốn đạt được quả vị mong muốn, kẻ tu-hành phải có tâm lý và thái độ của một kẻ bộ-hành trên đường thiên-lý vạn dặm: đi ngày, đi đêm, luôn luôn không biết mệt mỏi, tranh thủ thời-gian tranh thủ không-gian. Người bộ-hành ấy, bên trong thì tâm tâm niệm niệm phải đi cho đến đích, dù gặp gian nguy, khổ ải cũng quyết không dừng; bên ngoài thì phải nỗ-lực dẹp phá những trở ngại trên đường, khắc phục được mọi khó khăn.
Nói một cách khác, người tu Đại-Thừa Bồ-tát, phải luôn luôn tinh-tấn tu hành, để thắng giặc nội-tâm và ngoại-cảnh.
Giặc nội-tâm là những gì? – Đó là lục-tặc, tam-độc, thất-tình, lục-dục v.v… Bồ-tát tích-cực lo xoay vọng thức trở lại bản tâm thanh-tịnh, không cho rong ruỗi theo sáu trần. Bồ-tát tinh-tấn giữ tâm thanh-tịnh, không cho khởi vọng-niệm; vọng-niệm không khởi thì ba-độc không sanh, ba-độc không sanh thì ba-nghiệp không tạo, ba-nghiệp không tạo thì không thọ sanh-tử luân-hồi. Nhưng giặc nội-tâm không phải dễ thắng. Người xưa nói: “Thắng người thì dễ, mà thắng mình rất khó”. Những kẻ thiện chiến, ở chiến trường, có thể trăm trận trăm thắng; nhưng khi chiến đấu với giặc lòng, chưa chắc đã thắng được dễ dàng. Bởi thế, kẻ tu hành phải luôn luôn cảnh-giác đề-phòng sự khởi-loạn của nội-tâm, và phải cương-quyết mở một mặt trận để tiêu trừ nội-loạn cho đến tận gốc.
Giặc bên ngoài là những gì? – Đó là những cạm bẫy lợi danh, món ngon vị lạ; đó là những giường êm, nệm ấm; đó là những sắc đẹp, lời hay v.v… Người tu theo hạnh tinh-tấn phải luôn luôn đề phòng, xa tránh mọi thứ giặc nguy hiểm ấy, và quyết tâm đi thẳng đến mục đích đã vạch sẵn.

_Hết-Phần 03_Tập 09_Đại Thừa Bồ Tát_