TUẦN HOÀN TIẾN HÓA VÀ CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ BỔN GỐC
TUẦN HOÀN TIẾN HÓA
VÀ CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ BỔN GỐC
********
Trong 49 năm thuyết pháp Đức Phật chỉ muốn thắp sáng Chân Lý rằng hữu tình vô tình đều có Phật Tánh. Ngài nói với các đệ tử: “Ta là Phật đã thành. Các ông là Phật sẽ thành. Vì đại sự nhân duyên các ông có Phật Tánh nên Ta mới thị hiện xuống cõi này”. Như vậy tại sao từ Phật Tánh mà lại trở thành hữu tình vô tình, thế giới, vũ trụ, vạn vật cùng muôn vạn trần lao phiền não? Làm sao trong đời sống thực tại con người có thể sống trong Phật Tánh và hành trong Phật Tánh?
Theo Thuyết Tiến Hóa của Darwin, từ một loài đầu tiên đơn giản nhất là loài đơn bào, phải trải qua thời gian rất dài mới tiến hóa thành loài đa bào, dần dần chuyển hóa lên tới thực vật, động vật, động vật cao cấp, rồi tới loài người. Trong mỗi một loài lại có sự phân chia ra thành các cấp độ nhỏ hơn. Cuộc sống loài người bắt đầu từ thời kỳ đồ đá, chỉ biết hái lượm và săn bắt, dùng thức ăn sống và ở trong các hang đá. Đến khi vô tình phát hiện ra cách tạo lửa thì chuyển qua ăn chín. Dần dần kinh qua lao động, thì cơ thể vật lý, bộ não và trí thông minh phát triển, qua hàng ngàn năm trở thành người văn minh, có thể thiết lập các hệ thống kinh tế, văn hóa, xã hội v.v…
Khi con người bắt đầu tu cũng trải qua một quá trình tiến hóa tuần hoàn qua nhiều đời nhiều kiếp. Như lúc ban đầu, khi phải chịu quá nhiều đau khổ phiền não trong cuộc sống, con người đến với tôn giáo chỉ để tìm cầu sự an lạc cho mình và cho gia đình mình, chứ chưa biết về sự giải thoát. Đến khi Đức Phật thị hiện xuống cõi này Ngài mới chỉ cho thấy các thứ lớp để thăng hoa trở về gốc cũ của mình: tu Tam Quy Ngũ Giới để kiếp sau được làm người, tu Thập Thiện thì sẽ được sanh về 33 tầng trời, tu Tứ Diệu Đế để được quả vị A La Hán là quả giải thoát, tu Thập Nhị Nhân Duyên thì thành Duyên Giác, và phát Tâm Đại Thừa hành Lục Độ Ba La Mật cứu độ chúng sinh thì thành Bồ Tát từ một địa đến bảy địa, khi lên đến Bất Động Địa cũng là Phật Hóa Thân. Tất cả các thứ lớp trên đều nằm trong Phật Tánh. Khi ta đã giác ngộ được như vậy, thì trong sự tuần hoàn tiến hóa của Pháp Đạo, đã có những vị giác ngộ trước ta rồi mới để lại Chân Lý cho người sau, như Chư Phật, Chư Bồ Tát, và các bậc minh sư thiện tri thức.
Tại sao từ gốc Phật Tánh mà lại đào thai thành ba nẻo sáu đường, phải gánh chịu vô lượng trần lao phiền não? Ở nơi Chân Không cũng là Tự Thể của vạn vật muôn loài, nó không có ngằn mé không có cùng tận, bỗng khởi một niệm, thì chính định lực của nguyên cả một khối Đại Không đưa vào một hạt vật chất là hạt nặng hoặc hạt nhẹ bay tự do nơi Đại Không tạo thành một trường lực. Qua một khoảng thời gian lâu xa các hạt nặng kết tụ trở lại, và các hạt nhẹ cũng kết tụ trở lại, đến khi thành hai khối to lớn không thể tính đếm được, chúng va đập vào nhau gọi là vụ nổ Big Bang, tạo thành những ngôi sao. Khi các vì sao hoại, qua hàng trăm ngàn tỷ năm các hạt bụi tụ trở lại thành các hành tinh, trong đó có trái đất, và rồi ba cõi sáu loài được hình thành. Toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ vạn vật đều diễn ra nơi Chân Không – Bổn Giác của tất cả hữu tình vô tình.
Nghiệp là một trong những yếu tố duy trì chuỗi tuần hoàn tiến hóa. Nghiệp là Tác Ý, là niệm khởi tạo ra hành động và lời nói. Nghiệp do Ái mà có. Vì có Ái nên mới có Thủ, Hữu, Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Toàn bộ nhãn nghiệp, nhĩ nghiệp, tỷ nghiệp, thiệt nghiệp, thân nghiệp, ý nghiệp trong một kiếp sống đan tréo nhau kết dệt thành một khối, nghiệp của một thời một kiếp này lại liên quan tới ba thời tất cả các kiếp của quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngay tại thời điểm sắp kết thúc mạng sống của một kiếp, tất cả vô lượng vô biên các nghiệp của ba thời kết tụ lại thành cận tử nghiệp. Vì tình thức – Ái – vẫn còn, một hình ảnh nào đó trong sáu nghiệp này (nhãn nghiệp cho đến ý nghiệp) sẽ tái hiện, nếu Tâm mê đắm hình ảnh đó thì sẽ đào thai trong ba nẻo sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, người và trời. Như vậy, thế giới có là từ một niệm khởi bất giác ban đầu. Nếu giác ngộ được một niệm đó chỉ là duyên của năm đại: đất, nước, lửa, gió, không, nên vô tự tánh, là tánh không, tức nó đã diệt ngay từ lúc nó sanh, thì tất cả nghiệp đều không thật có.
Mục đích của Đức Phật thị hiện ở cõi này để chỉ cho thấy tất cả hữu tình vô tình đều có Phật Tánh. Phật Tánh đó chưa bao giờ bị diệt đi dù thế giới này có muôn vàn diễn biến, và cũng không gì sanh ra Phật Tánh. Phật Tánh bất biến thường hằng chưa từng rời xa một hữu tình vô tình nào. Ví Phật Tánh như một tấm gương trong suốt và phẳng lặng, dù có vô lượng hình sắc phản chiếu trong gương đến đi liên tục không ngừng nghỉ, Tánh gương vẫn trong suốt và phẳng lặng như vậy từ vô thỷ đến vô chung. Đó là cái Chơn Thật của mỗi hữu tình vô tình. Còn tất cả những gì của thế giới vật lý này cho đến toàn bộ các hành tinh, dải ngân hà, vũ trụ của ba thời quá khứ hiện tại vị lai chỉ là ảnh hiện lên trong gương. Chúng chưa từng đeo bám được vào gương. Hay nói cách khác, tánh nhiêu động của chúng sinh là ảnh hiện nơi tánh Phật thanh tịnh trong suốt.
Tuy nhiên, Tánh trong suốt phẳng lặng đó không phải là không biết gì. Tâm Chơn Như thấy biết hết thực tướng của vạn pháp là vô tướng. “Pháp” là một tên gọi gắn cho một vật gì đó. “Pháp” là từ chung chỉ cho tất cả sự vật, hành động, tính chất. Từ một hạt lân vi trần cho đến sơn hà đại địa cây cỏ ba cõi sáu loài, hàng tỷ các hành tinh, dải ngân hà, cho đến toàn vũ trụ đều gọi là pháp, thực tướng của chúng chỉ là năm đại (đất, nước, gió, lửa, không) theo duyên mà giả hợp nên tất cả các vật đều không thật có, và tên gọi của chúng do vậy chỉ đều là giả danh. Cũng vậy, tất cả những gì trước đây cho là “ta” và “cái của ta”, từ thân vật lý, sáu giác quan, cảm thọ vui buồn, suy nghĩ, hoạt động, hiểu biết, gia đình, sự nghiệp, hay dở tốt xấu… đều chưa từng thuộc sở hữu của ta. Luôn cả một niệm vừa sáng tỏ các điều trên trong tích tắc đã thành trụ hoại diệt trở về không trong Chân Tâm chân thật của ta. Chân Tâm của ta và của mọi hữu tình vô tình không có ngằn mé, chưa hề dừng trụ ở một pháp nào. Trở về thế giới phẳng của Tự Tâm. Trong từng phút từng giây đều giữ y được cái trí sáng như vậy thì không còn gì để dính mắc. Còn thế giới này với muôn sai vạn biệt các diễn biến vẫn cứ tiếp tục tuần hoàn, đủ duyên thì sanh, hết duyên thì diệt trong Chân Tánh bất sanh bất diệt của nó.
Đã biết ta, người, vạn vật muôn loài và mọi thứ trên thế gian chỉ là nhân duyên của năm đại, thành trụ hoại diệt trở về không trong Phật Tánh, nhưng hiện tại hiện tượng của thế giới này vẫn đang diễn ra trong sự tuần hoàn của nó. Vậy chúng ta nên sống như thế nào đây để không rời xa Chân Lý mà có thể dụng lại tất cả những thứ huyễn ảo của nhân duyên để làm lợi lạc? Cũng như Đức Phật đã thị hiện thuyết pháp và để lại Chân Lý mà ngày nay chúng ta nương vào để sáng tỏ trở lại gốc Phật Tánh của mình, thì chúng ta cũng học theo những gì Đức Phật đã làm, là giúp cho mọi người thấy lại Chơn Tâm bất biến thường hằng của mình, thấy lại thực tướng của tất cả các pháp là vô tướng, và huân tập trở lại tánh từ bi hỷ xả với vạn vật muôn loài để sớm hoàn nguyên Bổn Giác. Nếu có ai trong chúng ta đang đủ duyên ở tại gia đình cùng các quyến thuộc thế gian, thì ta nên giúp các vị chuyển đổi nhận thức, cho họ thấy thế giới thật và giả ra sao, và định hướng cho họ đi vào con đường đạo, vậy cũng là Bồ Tát trợ duyên cho Bồ Tát. Khi họ đã định tâm vào Chân Lý thì dần dần họ sẽ không còn bị tác động bởi các nỗi khổ của kiếp sống làm người.
Tóm lại, khi chúng ta ở trong thân phận của loài người hôm nay tức chúng ta cũng đã từng trải qua vô số các kiếp sống trước đây trong các thân phận của ba cõi sáu loài: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, cõi trời. Trái đất đã có từ cách đây hơn 2 tỷ năm, tức chúng ta cũng đã trôi lăn trong ngần ấy thời gian. Và nếu ngay lúc này chúng ta không sống lại với Phật Tánh đã được Đức Phật khai thị, thì chúng ta sẽ còn phải tuần hoàn lưu chuyển qua ba a tăng kỳ kiếp mới hoàn nguyên Bổn Giác. Được đủ phước báu để làm thân người đã khó, được biết đến Phật Pháp và đủ sức tin hiểu Chân Lý càng khó hơn. Vì thế chúng ta hãy nương vào ngọn hải đăng Chân Lý mà giúp cho mình, mọi người và vạn vật muôn loài kết thúc sự tuần hoàn lưu chuyển trong biển khổ sanh tử mà sớm quay trở lại với thế giới Niết Bàn của Tự Tâm./.
DÒNG MẬT PHÁP VAJRA PANI
GURU A-XÀ-LÊ thuyết giảng
Ghi chép bài giảng: Nhật Ngân