TỰ LỰC – THA LỰC


TỰ LỰC THA LỰC
**

Chân-Lý Phật-đạo hằng soi-tỏ: Tất cả hữu-tình vô-tình đều có Phật-Tánh. Tại sao nơi Phật-Tánh lại buông cả biển Tâm rộng lớn bao la bất-khả-tư-nghì để rồi trụ lại trong thân-phận nhỏ bé của cảnh-cõi-nghiệp-loài, phải chịu 84,000 phiền-não sinh-diệt không ngừng? Đó là vì nhận lầm các thứ của nhân-duyên lại cho là “Ta” và “của Ta”, không sáng-tỏ rằng “Ta” không hề có Thật-Thể, hay Tự-Tánh, chỉ là sự giả-hợp của các đại-chủng, mà trong kinh Đức Phật ví như lau sậy gác vào nhau. Khi cơn gió mạnh thổi qua thì đống lau sậy cũng tan rã, như khi nhân-duyên đã hết thì phải bỏ thân này mà đào-thai qua các kiếp khác trong 3 nẻo 6 đường vô cùng vô tận.
Như vậy, hữu-tình khi chưa Giác-Ngộ không tự biết rằng mình và các pháp không có Tự-Thể, rằng các pháp không tự nó là nó. Cho đến khi đủ đại duyên được thấy ngọn hải-đăng của Phật-Đạo và tu học theo giáo-lý của Đức Phật, hữu-tình cũng không biết để nương vào sự hỗ-trợ của Phật, Pháp, Tăng để trở về với nơi Chân-Thật Tâm của chính mình. Vì thế, cần làm sáng-tỏ từ “Tự” và “Tha”, “Tự-lực” và “Tha-lực” để không lầm lạc trên con đường trở về Bổn-Gốc (Tâm Chân-Như).
Theo ngôn-ngữ của loài người thế-gian, từ “Tự” thường được hiểu là “một mình, chính mình, không cần sự hỗ-trợ từ bên ngoài”. Trong kinh-điển nhà Phật, “Tự” nghĩa là “chính nó là nó”, “không do cái khác sanh ra”, “không từ tứ-duyên sanh”. Còn “Tha” là “từ cái khác đưa tới”. Trong thế-gian, bất kỳ một vật gì cũng phải chờ đủ duyên mới có, từ một hữu-tình phải nhờ qua tinh cha huyết mẹ; một cái cây phải nhờ hạt giống, đất, ánh nắng, không khí, nước; cho đến trái-đất và hàng tỷ hành-tinh trong khắp các vũ-trụ cũng phải nhờ sự tương tác cộng sinh vụ nổ Big Bang mới được hình thành. Tri tìm đến tận cùng vẫn không thấy có thứ gì tự nó sinh ra nó. Vậy đâu mới là cái Chân-Thật chính nó là nó, không do thứ khác sanh ra?
Nghĩa rốt-ráo tận-cùng của “Tự” là Bổn-Giác-Tánh, hay còn gọi là Phật-Tánh, là Chơn-Như, là Niết-Bàn, là Phật. Trong giáo-lý nhà Phật chỉ chấp-nhận duy-nhất điều gì bất-biến thường-hằng, đó là Tự-Thể – Tự-Tánh của tất cả hữu-tình vô-tình 3 cõi Tam-Thừa và Như-Lai hồi-quy về chỉ một. Còn mọi chúng-sinh nơi khắp các hành-tinh trong toàn vũ-trụ hoàn-toàn là thế-giới nhân-duyên. Như thế nào là thế-giới nhân-duyên? Và tại sao thế-giới nhân-duyên lại đang dung-hòa trong Tự-Tánh bất-biến thường-hằng?
Đức Phật tuyên-thuyết vạn-vật muôn-loài đều hồi-quy về 5 đại: địa-đại, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại, không-đại. Tính từ vật nhỏ nhiệm nhất là một hạt lân-vi-trần (gần tương-đồng với hạt nguyên-tử trong khoa-học) vẫn có đất, nước, gió, lửa, không.
Tại sao gọi là “đại”? “Đại” nghĩa là “lớn”, “phổ-quát”, “phủ-trùm khắp”. Như vậy “địa-đại, thủy-đại, hỏa-đại, phong-đại, không-đại” nghĩa là đất, nước, gió, lửa, không ở cùng khắp các nơi, trong thân-thể của mỗi hữu-tình vô-tình cảnh-cõi-nghiệp-loài và cả trái-đất. Một tỷ hành-tinh thành một dải ngân-hà cũng là 5 đại. Một tỷ dải ngân-hà thành một vũ-trụ – nhà Phật gọi là một Dhatu – cũng 5 đại. Không những một vũ-trụ, mà vô-lượng vô-số vũ-trụ trong 10 phương 3 đời cũng do 5 đại. Trong 5 đại này, mỗi đại đều dung-thông không ngăn-ngại thâu-nhiếp lẫn nhau, làm nhân làm duyên cho nhau sinh ra các Pháp. Vì 5 đại sinh-diệt theo duyên, nên vạn-vật muôn-loài cũng theo duyên mà sinh-diệt rồi tuần-hoàn lưu-chuyển.
Như vậy, vạn-vật muôn-loài trả về cho 5 đại. Đất trả về đất, nước trả về nước, gió trả về gió, lửa trả về lửa, không trả về không. Còn Tự-Tánh không phải nhân-duyên thì không trả về đâu cả, nên đó là Tự-Thể Chân-Thật bất-biến thường-hằng trong mỗi hữu-tình vô-tình cảnh-cõi-nghiệp-loài trong 10 phương 3 đời.
Như vậy, vì không có nhân-duyên, không có nhân-tố duyên-tố nào sinh ra Tự-Tánh, hay “Tự”, nên “Tự” là bất-biến thường-hằng, cũng gọi là Kim-Cang Bất-Hoại.
“Tự” là Bổn-Giác. Bổn-Giác có năng-lực bất-khả-tư-nghì gọi là “Tự-Lực”. Vậy, tại sao lại có từ “Tự-Tha”? Trong mỗi hữu-tình có “Tự”, tức Bổn-Giác và năng-lực bất-khả-tư-nghì. Bổn-Giác gốc của hữu-tình là Túc-Mệnh-Minh, thấy hết 3 thời, nhưng do một niệm sai-lầm đã trùng-trùng duyên-khởi, trong vô-lượng kiếp huân-tập nghiệp-lực che mờ Bổn-Giác không thể tự mở ra được. Vì thế, chúng-sinh không thể phát-huy được năng-lực của Bổn-Giác. Ngay tại mỗi hữu-tình có Phật-Tâm và có chúng-sinh-Tâm. Nếu Giác-Ngộ thì hữu-tình sẽ dần sử-dụng được năng-lực Phật-Tánh của mình. Nếu không, hữu-tình chỉ dùng được năng-lực của ý-thức mà thôi. Do đó, hữu-tình cần nương Tha-Lực của Chư Phật. Như vậy, “Tự-Tha” ám chỉ Bổn-Giác Phật – là “Tự” – cứu-độ Tha-nhân – là “Tha”.
Như chúng-sinh nếu không nương nhờ vào Tha-Lực của Chư-Phật thì không thể hoàn-nguyên Bổn-Giác. Tha-Lực của Chư-Phật được chuyển-tải qua giáo-lý và ba tạng kinh: kinh, luật, luận. Trong các Lý đều có Lực. Hữu-tình nương vào Tam-Quy Ngũ-Giới để thành người tốt đẹp, không phải đào-thai trong 3 nẻo ác (địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sinh); nương vào Thập-Thiện để thành Chư-Thiên 33 tầng trời; nương vào Tứ-Diệu-Đế, Tứ-Niệm-Xứ để thành Tứ Quả Sa-Môn: Tu-Đà-Hoàn, Tu-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-la-hán, và lý Thập-Nhị Nhân-Duyên để thành Duyên-Giác, được sanh về các quốc-độ Phật khác tốt đẹp hơn cõi Ta-Bà; nương vào lý Bát-Chánh-Đạo, Lục-Độ Ba-La-Mật để hành Bồ-Tát đạo Bồ-Tát Hạnh cứu-độ vạn-vật muôn loài. Hữu-tình có đủ đại-duyên thì được nương Tha-Lực của Đà-La-Ni và Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa để hóa mở giải vô-minh và nghiệp-chướng. Nếu được Minh-sư Thiện-tri-thức khai-thị trực-ngộ Chân-Tâm và hướng Tâm hướng Nguyện, hữu-tình có thể nương vào Lý, Trí, Hạnh, Nguyện, Đức, Lực của Chư Phật và Minh-sư để hành lại Tánh-Giác của mình, thì con đường hoàn-nguyên Bổn-Giác không phải trải qua vô-lượng a-tăng-kỳ kiếp.
Khi hữu-tình nương vào Tha-Lực của Chư-Phật trở về được Bổn-Giác, thì từ Tánh-Giác, là chổ không-tăng không-giảm không-khứ không-lai không-tại, Hoàn Nguyên y nhiên lại nơi Bổn-Giác./.

DÒNG MẬT PHÁP VAJRA PANI
GURU A-XÀ-LÊ thuyết giảng
Ghi chép bài giảng: Nhật Ngân