THIỀN ĐẠI NIỆM XỨ: PHÁP QUÁN _ SÁU CĂN SÁU TRẦN
PHƯƠNG PHÁP HÀNH THIỀN ĐẠI NIỆM XỨ
PHÁP QUÁN
SÁU CĂN SÁU TRẦN
VĂN:
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại xứ Kuru.
Xứ này có một thị trấn tên là Kamma-sadamma. Tại đó, Đức Phật đã dạy các Thầy Tỳ Khưu như vầy:
“Này các thầy tỳ khưu”.
Và các Thầy Tỳ Khưu thưa:
“Xin vâng, Bạch Thế Tôn”.
Và Đức Thế Tôn đã nói như sau:
“Đây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và Giác Ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ.”
Bốn cách quán sát (hay bốn niệm xứ) đó là gì?
Này các thầy tỳ khưu, ở đây (trong lời dạy này); tỳ khưu quán sát thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại bỏ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Tỳ khưu quán sát thọ trong thọ, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Tỳ khưu quán sát tâm trong tâm, tinh cần tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời. Tỳ khưu quán sát pháp trong pháp, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời.
…
“Này các thầy tỳ khưu, ở đây thầy tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua sáu căn và sáu trần.
Và này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua sáu căn và sáu trần là như thế nào?
Tỳ khưu biết mắt, biết vật thấy và cũng biết được những thằng thúc (dây trói buộc) khởi sinh tùy thuộc vào cả hai. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) chưa sinh được sinh khởi. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) đã sinh được loại trừ. Và tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã bị loại trừ không còn khởi sinh nữa trong tương lai.
Tỳ khưu biết tai, biết âm thanh và cũng biết được những thằng thúc (dây trói buộc) khởi sinh tùy thuộc vào cả hai. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) chưa sinh được sinh khởi. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) đã sinh được loại trừ. Và tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã bị loại trừ không còn khởi sinh nữa trong tương lai.
Tỳ khưu biết mũi, biết mùi và cũng biết được những thằng thúc (dây trói buộc) khởi sinh tùy thuộc vào cả hai. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) chưa sinh được sinh khởi. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) đã sinh được loại trừ. Và tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã bị loại trừ không còn khởi sinh nữa trong tương lai.
Tỳ khưu biết lưỡi, biết vị và cũng biết được những thằng thúc (dây trói buộc) khởi sinh tùy thuộc vào cả hai. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) chưa sinh được sinh khởi. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) đã sinh được loại trừ. Và tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã bị loại trừ không còn khởi sinh nữa trong tương lai.
Tỳ khưu biết thân, biết vật xúc chạm và cũng biết được những thằng thúc (dây trói buộc) khởi sinh tùy thuộc vào cả hai. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) chưa sinh được sinh khởi. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) đã sinh được loại trừ. Và tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã bị loại trừ không còn khởi sinh nữa trong tương lai.
Tỳ khưu biết tâm, biết pháp (đối tượng của tâm) và cũng biết được những thằng thúc (dây trói buộc) khởi sinh tùy thuộc vào cả hai. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) chưa sinh được sinh khởi. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc (dây trói buộc) đã sinh được loại trừ. Và tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã bị loại trừ không còn khởi sinh nữa trong tương lai.
Như vậy, tỳ khưu quán sát pháp trong nội pháp hay tỳ khưu quán sát pháp trong ngoại pháp hay tỳ khưu quán sát pháp trong nội pháp và ngoại pháp.
Tỳ khưu quán sát yếu tố sinh khởi (sự sinh khởi) của pháp, hay tỳ khưu quán sát yếu tố diệt tận (sự diệt tận) của pháp, hoặc tỳ khưu quán sát yếu tố sinh khởi và diệt tận (sự sinh khởi và sự diệt tận) của pháp.
Hoặc tỳ khưu chánh niệm rằng “chỉ có pháp mà thôi”. (Nghĩa là chỉ thuần chánh niệm trên pháp mà thôi).
Và chánh niệm này cần được thiết lập để giúp cho sự phát triển trí tuệ và chánh niệm về sau.
Tỳ khưu không tham ái và tà kiến mà lệ thuộc hay dính mắc vào bất cứ điều gì.
Tỳ khưu không dính mắc vào bất cứ điều gì trên thế gian do ngũ uẩn hợp thành này.
Như vậy, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua sáu căn sáu trần.
LUẬN GIẢI:
Đôi khi Đức Phật mô tả thế giới này qua Ngũ Uẩn, đôi khi qua Mười Hai Căn Trần. Được gọi là Mười Hai Căn Trần bởi vì chúng là nơi cư ngụ hay có mặt của tất cả mọi sự vật khác. Đây là những nơi mà Tâm Vương và một số Tâm Sở có mặt. Có sáu nội căn (sáu căn) và sáu ngoại trần (sáu trần).
Sáu Căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Chúng được gọi là nội căn hay nội xứ bởi vì chúng là thành phần ích lợi nhất của chúng sinh. Chúng là nội căn của cơ thể. Sáu trần (còn gọi là sáu ngoại căn hay sáu ngoại xứ) là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (hình sắc, âm thanh, mùi, vị, đối tượng hữu hình và pháp). Pháp ở đây gồm có Tâm Sở, Sắc Vi Tế và Niết Bàn.
Sáu Căn tương hợp với Sáu Trần hay Sáu Trần tương hợp với Sáu Căn.
Trước tiên là mắt và vật thấy.
Mắt được gọi là Căn, bởi vì tùy thuộc vào mắt mà Nhãn Thức phát sinh. Nếu bạn không có mắt thì sẽ không có Nhãn Thức. Mắt là Căn của Nhãn Thức hay là chổ ở của Nhãn Thức. Vật Thấy là điều kiện để Nhãn Thức phát sinh. Nếu không có Vật Thấy thì cũng không có Nhãn Thức. Một người mù không thấy được gì vì không có Nhãn Căn. Nếu không có Vật gì để thấy thì Nhãn Thức cũng chẳng thể phát sinh.
Đối với Âm Thanh và các Vật khác cũng tương tự như vậy.
Bạn có Tai hay Nhĩ Căn. Chữ Tai ở đây không có nghĩa là phần ngoài của Tai mà là phần trong của Tai, “chổ nhạy cảm của Tai”. Do có Nhĩ Căn nên bạn có Nhĩ Thức, do có Âm Thanh hay Tiếng Động nên bạn có Nhĩ Thức. Nhĩ Thức tùy thuộc vào Nhĩ Căn và Âm Thanh.
Đối với Mùi, Vị, Vật Chạm Xúc và Pháp cũng vậy.
Thức tùy thuộc vào Căn và Trần: tùy thuộc vào Mắt và Vật Thấy, tùy thuộc vào Tai và Âm Thanh, tùy thuộc vào Mũi và Mùi, tùy thuộc vào Lưỡi và Vị, tùy thuộc vào Thân và Vật Chạm Xúc, tùy thuộc vào Tâm và Pháp. Do đó ta gọi chúng là “Căn, Trần” hay Nội Căn và Ngoại Căn.
Tất cả có Mười Hai Căn Trần. Làm thế nào thiền sinh biết được các Căn Trần này?!
Ở đây, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu biết mắt, biết vật thấy, biết yếu tố khởi sinh tùy thuộc vào hai điều đó.
Khi bạn biết Căn Trần một cách trọn vẹn, bạn không những biết Căn Trần mà bạn còn biết được những yếu tố khởi sinh tùy thuộc vào Căn Trần đó. Điều này có nghĩa là khi Mắt thấy một Vật thì liền khi đó Nhãn Thức khởi lên. Nếu đó là một vật đáng yêu, đẹp mắt thì bạn dính mắc vào chúng, muốn nắm giữ chúng. Nếu đó là vật không đáng yêu, bạn sẽ cảm thấy ghét, giận hay bực mình. Như vậy tùy thuộc vào Mắt và Vật Thấy mà tham ái, sân hận, … phát sinh … Thiền sinh biết rằng tham ái và sân hận khởi sinh tùy thuộc vào Mắt và Vật Thấy…
Những tham ái hay sân hận này được gọi là những thằng thúc (dây trói buộc). Chúng chẳng khác nào những sợi dây cột chúng ta vào vòng tái sinh, vào vòng luân hồi. Có tất cả mười loại thằng thúc được mô tả trong vi diệu pháp.
- Tham dục:
Khi bạn thấy (nghe, nếm…) một vật gì đáng yêu, tốt đẹp bạn sẽ kinh nghiệm được tham ái.
- Sân hận:
Sân hận sẽ khởi sinh khi bạn thấy vật gì mà bạn không muốn thấy hay khi bạn nghe điều gì mà bạn chẳng muốn nghe.
- Kiêu mạn:
Khi thiền sinh nghĩ rằng: “Chỉ có người như ta mới thấy được những điều này” thì thiền sinh kinh nghiệm sự kiêu mạn.
- Tà kiến (hay có kiến thức sai lầm):
Thiền sinh có tà kiến về những gì mà họ thấy hay nghe, họ có thể nghĩ rằng một vài vật nào đó là trường tồn hay những vật đó là thật đáng yêu, tốt đẹp cần phải có. Khi bạn nắm giữ những tà kiến này thì chúng sẽ trở thành những thằng thúc, những sợi dây cột chặt bạn vào vòng tái sinh.
- Hoài nghi:
Hoài nghi có thể khởi sinh khi thiền sinh thấy hay nghe. Khi bạn có những hoài nghi này thì những hoài nghi này trở thành thằng thúc hay dây trói buộc.
(nếu hoài nghi phát sinh bạn hãy tự hỏi: “Phải chăng đó là một chúng sinh?” hay “Phải chăng đó là của cải của chúng sinh?”)
- Giới Cấm Thủ:
Tiếng Pāḷi để chỉ giới cấm thủ là silabbata paràmàsa có nghĩa là có ý tưởng sai lầm cho rằng có những nghi thức, lễ lạc nào đó nếu được đem ra thực hành thì sẽ loại trừ được phiền não và giác ngộ chân lý.
Trong thời Đức Phật có nhiều lối thực hành kỳ lạ mà người thực hành tin rằng sẽ dẫn đến giải thoát. Họ chấp nhận sự thật rằng có an vui hay đau khổ trong cuộc sống này là do nghiệp mà họ đã tích tụ. Nhưng họ tin rằng muốn thoát khỏi các hiệu quả của nghiệp họ phải làm cái gì đó trên thân thể họ để cho những hiệu quả của nghiệp này tiêu tán đi. Họ làm như chó, sống như chó, ăn như chó để loại trừ phiền não. Một số người khác sống như bò, ăn như bò, ngủ như bò để loại bỏ phiền não. Tin tưởng vào những lối thực hành sai lầm đó là Giới Cấm Thủ. Hiện nay vẫn còn nhiều người tin và thực hành những đường lối sai lầm mà họ tin là sẽ dẫn đến giải thoát giác ngộ. Loại tin tưởng sai lầm này có thể khởi sinh nơi bạn mỗi khi bạn tiếp xúc với các đối tượng qua Sáu Căn.
- Ham muốn hiện hữu (còn gọi là hữu):
Có hai loại tham ái: tham ái vào các dục lạc ngũ trần và tham ái vào sự hiện hữu. Tham ái vào hiện hữu là tham muốn có được sự hiện hữu một cách tốt đẹp hay khả quan hơn. Có nghĩa là tin rằng sẽ tái sinh trong tuơng lai và muốn kiếp tái sinh tốt đẹp hơn kiếp sống này.
- Ganh tỵ:
Ganh tỵ về sự giàu có hay của cải của người khác. Chức năng của thằng thúc này là không bằng lòng với những gì mà người khác có. Cũng còn có nghĩa là không muốn cho người khác làm chủ một vài vật gì đó, không thích có ý nghĩ rằng người khác có một vật gì đó. Sự biểu hiện của ganh tỵ là: “Cảm thấy khó chịu về sự giàu có hay của cải của người khác”. Đối tượng của ganh tỵ hay nguyên nhân gần của ganh tỵ là của cải của kẻ khác. Khi thấy vật gì tốt, cái gì đáng yêu thuộc về người khác bạn cảm thấy ganh tỵ thì bạn sẽ có thằng thúc này. Bạn cũng cảm thấy ganh tỵ trước những của cải vô hình của người khác như hạnh phúc, hay sức khỏe của họ …
Trong những trường hợp như vậy bạn cần phải vun bồi tâm hỷ, nghĩa là phải phát triển tâm hoan hỷ với sự thành công và hạnh phúc của người khác.
- Bủn xỉn (macchariya):
Đây là một chữ rất khó dịch. Bủn xỉn có đặc tính là dấu kín của cải hay sự giàu có của mình. Khi bạn có tâm bủn xỉn thì bạn không muốn san sẻ của cải cho người khác, bạn không muốn ai dùng đồ đạc của bạn. Chẳng hạn tôi có máy thu băng này, nếu tôi không muốn người khác dùng nó như vậy là tôi đã bủn xỉn. Có nghĩa là tôi không thích thú hay hài lòng nhìn thấy đồ vật của tôi bị người khác dùng. Biểu hiện của bủn xỉn là sự “co lại” hay “bần tiện”. Nguyên nhân gần của bủn xỉn là của cải của mình. Ganh tỵ và bủn xỉn có đối tượng khác nhau. Bạn có ganh tỵ về của cải người khác và bạn có bủn xỉn về của cải của chính mình. Bủn xỉn có những điểm giống như hà tiện, nhưng thực ra bủn xỉn và hà tiện không giống nhau. Hà tiện đến từ tham, trong khi đó ganh tỵ và bủn xỉn đi với sân. Khi có ai dùng đồ vật gì của bạn, bạn giận dữ, sự giận dữ này có nguyên nhân là bủn xỉn. Nhưng khi có ai xin thứ gì bạn không cho, thì chưa chắc đó là bủn xỉn. Ngay cả vị A-La-Hán cũng gặp trường hợp này.
Vào thời Đức Phật có một vị tỳ khưu đến hỏi xin y nội nơi một tỳ khưu ni. Ông ta hỏi xin như vậy vì muốn thấy tỳ khưu ni thay y, nhưng tỳ khưu ni từ chối và nói rằng: “Tôi không thể dâng sư y này bởi vì đây là chiếc y nội độc nhất của tôi”. Thầy tỳ khưu năn nỉ mãi nên cuối cùng tỳ khưu ni này phải dâng y nội cho thầy. Tỳ khưu ni này là một vị nổi tiếng trong số những tỳ khưu ni có thần thông nên cô dùng thần thông trao y cho vị tỳ khưu mà không để lộ một phần nào của cơ thể mình. Thoạt đầu, cô không cho y nội không có nghĩa là cô bủn xỉn. Cô đã là một vị A-La-Hán nên cô không còn tâm bủn xỉn hay bất kỳ phiền não nào. Như vậy khi có ai xin gì mà không cho đó không phải là bủn xỉn. Trường hợp tỳ khưu ni trên không cho y nội cũng không phải là hà tiện hay keo kiệt bởi vì đó là tấm y nội độc nhất mà cô có.
- Vô minh:
Vô minh thường xuất hiện cùng với các thằng thúc khác. Khi có tham ái thì sẽ luôn luôn có vô minh. Vô minh luôn luôn đi kèm với các bất thiện tâm sở.
Trên đây là Mười Thằng Thúc.
Mười thằng thúc này có thể bị loại trừ bởi bốn sự giác ngộ. Đó là giác ngộ các quả thánh từ thứ nhất đến thứ tư. Khi đạt quả Tu-Đà-Hoàn thiền sinh loại bỏ được tà kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, ganh tỵ và bủn xỉn. Đạt quả Tư-Đà-Hàm thì loại bỏ được thô tướng của tham ái và thô tướng của sân hận. Khi đạt đến quả A-Na-Hàm thì loại bỏ được phần vi tế của tham ái và vi tế của sân hận. Khi đạt quả A-La-Hán thì sẽ loại bỏ được kiêu mạn, tham muốn hiện hữu và vô minh.
Như vậy. Tỳ khưu biết mắt, biết vật thấy và cũng biết được những thằng thúc khởi sinh tùy thuộc vào cả hai. Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc chưa khởi sinh được khởi sinh.
Thiền sinh đạt được điều này nhờ vun bồi sự suy tư sáng suốt.
Tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã sinh khởi được loại trừ.
Thiền sinh đạt được điều này nhờ vun bồi sự suy tư sáng suốt.
Và tỳ khưu cũng biết lý do những thằng thúc đã bị loại trừ sẽ không khởi sinh nữa trong tương lai.
Đây là thiền sinh đã đắc đạo quả. Thiền sinh loại trừ các thằng thúc nhờ đắc được đạo tâm. Các thằng thúc này, một khi đã bị loại trừ vào lúc đạo tâm xuất hiện, thì sẽ không bao giờ khởi sinh trong tương lai nữa. Thiền sinh biết được điều này khi thiền sinh đạt thánh quả.
Khi quán sát, bạn quán sát sự vật trong giây phút hiện tại và bạn sẽ thấy các Căn Trần cũng như những thằng thúc khởi sinh tùy thuộc vào các Căn Trần này. Bạn cũng sẽ thấy sự sinh khởi và sự diệt tận của các thằng thúc và của những Căn Trần. Khi thấy sự khởi sinh và sự diệt tận của chúng thì bạn sẽ không còn tìm thấy cái gì trên thế gian này (tức ngũ uẩn thủ) để bám víu, nắm giữ nữa.
Như vậy, tỳ khưu quán sát pháp trong pháp trên sáu căn và sáu trần.
Khi thấy chúng một cách rõ ràng là bạn đã quán sát trên sáu nội ngoại xứ.
Trích dẫn: Kinh Đại Niệm Xứ
Thiền Sư U SILANANDA
Dịch giả: Tỳ Kheo Khánh Hỷ
(Aggasami Trần Minh Tài)
Đăng bài chuyển tải:
Nhóm Kim Cang Tử đời Chữ Nhật
Dòng Mật Pháp VajraPani