TÂM _ TÂM THỨC _ CHÂN TÂM_ LÝ THUYẾT DUY TÂM TRONG HỆ THỐNG KINH LĂNG GIÀ


 TÂM _ TÂM THỨC _ CHÂN TÂM_
LÝ THUYẾT DUY TÂM
TRONG HỆ THỐNG KINH LĂNG GIÀ

Trong kinh Lăng-Già chúng ta thường gặp các khẳng định tổng quát như: Chỉ có Tâm mà thôi, thế giới chỉ là sự biểu hiện của Tâm, Tâm sinh ra ba cõi… Do đó chúng ta cần phải hiểu rõ về Tâm để thoát khỏi sự phân biệt sai lầm là nguyên nhân dẫn đến luân hồi sinh tử, để thể nghiệm được chân lý một cách nội tại, để áp dụng và hành theo lời dạy của Đức Phật vào trong đời sống tu hành.
Trước hết chúng ta cần hiểu rằng Tâm trong giáo lý của kinh Lăng-Già được Đức Phật khai thị là Chân tâm, là Phật Tâm, là Như Lai Tánh… Khi đã thấu triệt về Chân Tâm thì tất cả chúng sinh hữu tình, vô tình và Chư Phật đều đồng nhau không khác. Chân Tâm, sự biểu hiện của nó là không ngần mé, trong suốt, hoàn toàn tĩnh lặng, không trong không ngoài, không có chỗ trụ và không thể thủ đắc được. Tướng của Chân Tâm là vô tướng, có thể mượn tướng của hư không để tạm miêu tả về nó, do đó nó hàm chứa mọi sự vật hiện tượng của ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới và tất cả các quốc độ Phật trong mười phương pháp giới. Cho nên mọi sự vật hiện tượng gì cũng chỉ là một phần biểu hiện của Chân Tâm.
Sau đây là một vài trích dẫn từ bộ Kinh:
“Tâm vượt khỏi mọi kiến giải triết học, nó tách khỏi sự phân biệt, nó là không thể đạt được, nó cũng không từng được sinh ra: Ta bảo rằng chỉ có Tâm mà thôi”.
“Nó không phải là một sự hiện hữu, cũng không phải là một phi hiện hữu, quả thực nó vượt khỏi cả hiện hữu lẫn phi hiện hữu; nó là như như, nó tách khỏi cái tâm thức. Ta bảo không có gì ngoài cái Tâm”.
Theo lời dạy của Đức Phật trong kinh thì Tâm tách khỏi cả cái Tâm Thức. Do đó chúng ta cần hiểu rõ về sự liên hệ giữa Tâm và hệ thống Tâm Thức, đặc biệt là A-lại-da thức. Trong kinh Lăng-Già, Tâm Thức bao gồm tám thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, Mạt-na thức (ý thức), Mạt-na (ý) và A-lại-da thức. A-lại-da thức chứa bảy thức trước và nó thấy hết mọi hoạt động của bảy thức này. A-lại-da thức và các thức thì khác nhau mà không khác nhau, chúng là một, khi phân biệt sinh khởi thì có bảy thức, khi không có sự phân biệt thì bảy thức hòa nhập vào A-lại-da thức, thì khi đó thức là Tâm.
A-lại-da thức về bản chất thì trong sạch, không bị nhiễm ô mặc dù nó là kho chứa tất cả các chủng tử (hạt giống) thiện cũng như bất thiện. Chức năng của nó là nhận thức và nó không bao giờ hoạt động; nó vốn thanh tịnh nghĩa là nó không tự phân biệt trong chính nó; nó còn được gọi là Như Lai tạng. Sau mỗi hành động hoặc ấn tượng suy nghĩ của chúng ta đều tạo thành những chủng tử hay tập khí. A-lại-da vẫn luôn thường hằng không sinh diệt nên nó mới có thể chứa đựng được tất cả các tập khí diễn tiến từ thời vô thỷ, và gìn giữ không mất. Do bởi các tập khí này mà chúng ta bị dẫn đi trong lục đạo luân hồi. Khi chưa có sự tác động của các thức phân biệt, các chủng tử này nằm yên trong A-lại-da và A-lại-da thức thì vẫn giữ sự nhất tính của nó là vô phân biệt.
Nhờ A-lại-da thức mà Mạt-na (ý) phát sinh. Sự phân biệt xảy ra khi Mạt-na xuất hiện và khi nó vận hành thì tất cả các thức khác cũng đang hoạt động. Không có Mạt-na thì sẽ không có Tâm Thức. Chức năng của Mạt-na chủ yếu là suy nghĩ về A-lại-da thức, nó phân biệt các tập khí tích tập trong A-lại-da thành chủ thể và đối tượng rồi đưa ra những phán đoán thành nhị biên tính. Tính chất của Mạt-na là nhị biên. Chính cái nhị biên này làm mất đi cái thực tính vốn có của sự vật. Nếu sự phân biệt theo chiều hướng chấp vào cái ngã thể của sự vật cho là có thực và tin vào cái thực tính của ngã thể thì nó sẽ trở thành nguồn gốc của những đau khổ về tinh thần.
Mạt-na thức (ý thức) được sinh khởi nhờ vào Mạt-na và liên kết với A-lại-da. Chức năng của Mạt-na thức là tiếp nhận thông tin bên ngoài từ năm căn thức sau đó tổng hợp sắp xếp và báo cáo về cho Mạt-na. Khi Mạt-na thức phân biệt các sự vật bên ngoài và chấp vào đó như là thực tính thì sinh ra các tập khí. Mạt-na thức được sự hỗ trợ của năm căn thức mà tạo thành một thế giới của người thấy và cái được nhìn thấy. Mạt-na đưa các tập khí mới tạo thành vào chứa trong A-lại-da thức, và nó khởi dậy các tập khí cũ. Khi đó A-lại-da thức bị Mạt-na và Mạt-na thức làm nhiễm tức là mất đi tính trong sạch vốn có. Cứ như vậy các thức vận hành như một bộ máy phức tạp và chúng ta không thể phân biệt được rõ ràng các thức.
Mạt-na thức bản chất của nó là phân biệt chấp ngã và là nguyên nhân dẫn đến sinh tử. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi ý thức theo chiều hướng không còn chấp ngã thì chúng ta sẽ biến Sanh-tử thành Niết-bàn, biến Ngã-tánh thành Phật Tánh cũng nơi chính ngay tại chúng ta. Thay vì chúng ta chỉ suy nghĩ hành động theo chiều hướng vị kỷ cho những gì thuộc về “ta” và “của ta”, thì giờ đây chúng ta hãy mở rộng tâm từ ái cho bốn loài sanh, cho những người không quen biết, cho pháp giới chúng sinh như những người thân thuộc. Khi những chủng tử tốt được sinh ra dần dần từ các hành động suy nghĩ không có tính cách vị kỷ thì đại bi tâm của chúng ta sẽ triển nở, và chúng ta đang tiến dần đến Như Lai tánh. Vì một trái tim đại từ bi luôn là mục đích hướng tới cho những ai đang trên hành trình trở về hoàn nguyên Chân Tâm. Vì vậy chúng ta không nên diệt các thức phân biệt này mà hãy diệu dụng nó để phục vụ lại cho Phật Tánh, cho Bồ-đề Tâm. Nếu chúng ta cố tình diệt nó là chúng ta đang diệt chính Bồ-đề Tâm, chúng ta sẽ không có cách nào để viên mãn Phật Tánh. Vì thế Đức Phật đã dạy Bồ-tát Mahàmati rằng:
“Này Mahàmati, khi Mạt-na thức phân biệt và thủ chấp vào một thế giới của các đặc thù ở bên ngoài thì tất cả các loại tập khí được sinh ra theo, và A-lại-da được chúng nuôi dưỡng cùng với cái ý tưởng về “tôi và của tôi”, Mạt-na nắm giữ nó, bám vào nó, suy nghĩ về nó mà thành hình và phát triển. Tuy nhiên trong bản chất Mạt-na và Mạt-na thức không khác gì nhau, chúng nhờ A-lại-da làm nguyên nhân và sở duyên. Và khi một thế giới bên ngoài thực vốn chỉ là sự biểu hiện của chính cái tâm mình bị chấp chặt cho là thực, thì cái hệ thống tâm thức liên hệ hỗ tương được sinh ra trong tổng thể của nó. Này Mahàmati, giống như những cơn sóng biển, được vận hành bởi cơn gió của một thế giới bên ngoài là thế giới do chính cái tâm người ta biểu hiện ra, các thức sinh khởi và biến diệt. Do đó này Mahàmati, bảy thức diệt theo với sự diệt của Mạt-na thức. Cho nên bảo rằng:
“Niết bàn của Ta không có liên hệ gì đến Hữu với Hành hay với Tướng cả. Cùng với sự diệt của cái thức do phân biệt gây nên thì có sự diệt của Ta (tức Niết-bàn)”.
Mạt-na làm trung gian giữa Mạt-na thức và A-lại-da thức, nó là gạch nối giữa thế giới Sanh-tử và thế giới Niết-bàn. Mạt-na và Mạt-na thức bản chất của chúng đều phân biệt, chúng luôn đi kèm với nhau. Mạt-na thức là yếu tố tri thức còn Mạt-na ngoài tri thức còn chứa đựng yếu tố tình cảm, ý chí. Hai thức này được định tính là sự tạm bợ vì chúng hoạt động phân biệt chấp thủ dựa vào các sự vật vốn không hề có thật. Nếu Mạt-na thức được chuyển đổi theo chiều hướng ngược lại với trước đây tức là vượt khỏi sự phân biệt, chấp thủ, vượt khỏi cái nhị biên và khi chúng ta thực hiện được điều này nghĩa là cái trí vô phân biệt được khai mở thì A-lại-da thức sẽ hiển lộ ra trong sự thanh tịnh vốn có. Và khi đó, A-lại-da không còn là thức nữa mà là Phật Tâm trong suốt bất biến thường hằng bất khả tư nghì, không còn bị hạn cuộc bởi yếu tố không gian thời gian.
Sự khai mở cái trí vô phân biệt nơi A-lại-da hay sự ngưng dứt của bảy thức được gọi là sự đột biến nội tại. Để gây nên sự đột biến này thì phải luôn có cái nhìn như thực vào sự vật, và khi sự vật được nhìn đúng như thực thì chúng chỉ là sự biểu hiện của Tâm.
Chân lý Duy Tâm được thông hiểu nghĩa là chúng ta không còn chấp vào các sự vật bên ngoài là có thực nên không có cái nhìn hư vọng điên đảo, và sẽ không còn luân hồi sinh tử. Vì tướng của sự vật là do duyên hợp chứ bản thân của nó không hề có thật, nên thật tướng của sự vật là vô tướng. Tánh của sự vật là tánh không, cái tánh không này hòa nhập vào chân không bất biến thường hằng của Tâm. Chính cái chân không tịch tịnh của Tâm thâu nhiếp ba cõi. Hay nói cách khác giữa Tâm và ba cõi có sự tương dung, tương thông, tương nhiếp lẫn nhau. Do đó chúng ta thấy rằng Tâm vô lượng nên không trụ chấp vào bất cứ hiện tượng nào của Tâm. Vì các hiện tượng do duyên sanh thì ắt sẽ do duyên diệt, còn duyên là chân không, là vô tự tánh. Chính cái chân không này là một lực hấp dẫn bất khả tư nghì của Chân Tâm. Khi xa rời Chân Tâm nghĩa là không tỉnh giác thì chúng ta lại phân biệt sai lầm các sự vật rồi chấp cho là thật thì chúng ta đang biến Tâm thành thức. Do vậy Tâm, Thức và sự vật chỉ là một.
Tất cả các sự vật, hiện tượng hữu vi và vô vi cũng đều nằm trong Tâm chúng ta. Hữu vi là các sự vật hiện tượng bên ngoài, còn vô vi là cái ấn tượng tư duy trong đầu. Hiện tượng của chính tự Tâm được minh họa là giọt bong bóng. Bong bóng có các hình tướng to, nhỏ… nhưng hình tướng đó không thật có. Chúng ta phải tỉnh giác thì thấy bong bóng chính là sóng, sóng chính là nước, chúng đều hồi quy trở về tánh ướt, trở về Chân Tâm. Chân Tâm nhiếp thâu tất cả nên chúng ta thấy rằng mọi hiện tượng trên thế giới này không có gì cả, mà chỉ là hiện tượng của chính tự Tâm. Các kinh điển Đại thừa cũng thường nói: “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm” chính là như vậy, trở về với nghĩa Duy Tâm. Khi trở về Chân Tâm thì thức là trí.
Đức Phật mượn ngôn ngữ để chỉ cho chúng ta trực nhận ra chân lý, chứ ngôn ngữ tự nó không phải là chân lý. Do đó khi Ngài dạy về Duy Tâm thì chúng ta cũng đừng nên chấp cho là có Tâm thực sự, vì nếu chấp thì lại tiếp tục rơi vào phân biệt. Không nên chấp vào văn tự vì tất cả cũng chỉ là danh tự giả danh, mượn ngón tay để chỉ Mặt Trăng.
Lý thuyết Duy Tâm nhằm giúp chúng ta tỉnh giác để thấy được pháp vô ngã, để không còn phân biệt sai lầm và trụ chấp vào ngã thể của sự vật. Vì sự chấp ngã và chấp pháp cản trở con đường tu tập tâm linh của chúng ta. Bên cạnh đó, quán sát các sự vật bằng sự tỉnh giác, giác tức là luôn có cái nhìn như thực thì thấy được sự như như của sự vật, hay thấy được sự bình đẳng giữa Chư Phật và thân phận mỗi hữu tình vô tình. Từ đó trong mỗi chúng ta từ thời vô thỷ. Khi sự phân biệt tan biến, chúng ta thấy rằng giữa các sự vật, hữu tình vô tình và ta không hề khác, nên chỉ còn lại tình thương yêu bao trùm khắp tất cả mà không có dấu vết nào của vị kỷ. Đó là Tâm đại từ bi vốn đã có sẵn là gốc Tâm trong mỗi chúng ta. Chỉ cần chúng ta tỉnh giác thì sẽ sống lại được với bản Tâm. Đó là mục đích hướng đến của việc tu tập tâm linh của mỗi chúng ta.
Vị Bồ-tát thông hiểu chân lý Duy Tâm nên không còn phân biệt giữa thế giới Sanh-tử và Niết-bàn. Khi vị Bồ-tát đã đạt cái tuệ thấu suốt chân lý thì Ngài sống trong vô tướng. Vị Bồ-tát thấy rằng các sự vật chưa bao giờ sinh ra cũng chưa bao giờ diệt đi, hay thấy được sự thường hằng vô sinh vô diệt của các sự vật. Cùng với một trái tim đại từ bi đối với pháp giới chúng sinh và với ý thức về bổn nguyện của mình nên vị Bồ-tát không nhập Niết-bàn.
Tóm lại lý thuyết “Duy Tâm” trong kinh Lăng-Già nhằm giúp chúng ta nhận biết rằng trong mỗi chúng sinh hữu tình đều có Chân Tâm thường hằng bất biến, không ngần mé, nhiếp thâu tất cả sự vật hiện tượng trong ba cõi. Khi nhận ra điều này thì chúng ta sẽ không bị lạc lối trong rừng Tâm thức, không bị cột trói bởi sự phân biệt sai lầm, và chúng ta được giải phóng khỏi sự chấp thủ để thực sự tiến đến giải thoát. Bên cạnh đó, khi chúng ta đã trực nhận được Chân Tâm thì hãy hành lại Chân Tâm trong Tứ vô lượng tâm là từ vô lượng tâm, bi vô lượng Tâm, hỷ vô lượng Tâm, xả vô lượng Tâm để sớm viên mãn Chân Tâm giống như Chư Phật và Chư Bậc Giác.

Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử đời Chữ Nhật
Nhật Hương