LÝ THUYẾT VÔ SANH TRONG HỆ THỐNG KINH LĂNG GIÀ (Phần 02)


LÝ THUYẾT VÔ SANH TRONG HỆ THỐNG KINH LĂNG GIÀ 
(Phần 02)

“Đừng chấp vào văn tự!” là lời khuyên mà bộ Kinh thường nhắc nhở chúng ta. Đức Phật 49 năm thuyết pháp, nhưng Ngài nói rằng Ngài chưa từng nói câu nào. Chưa từng nói câu nào là bởi vì giáo pháp mà Đức Phật thuyết giảng là giáo pháp vô sanh và vượt khỏi ngôn từ. Chân lý thì nằm ngoài ngôn ngữ, vì ngôn ngữ tự nó vẫn còn là phân biệt. Nhờ vào ngôn từ biểu đạt ý nghĩa mà chúng ta trực nhận, thực hành và kinh nghiệm được chân lý. Khi tương ưng được chân lý nghĩa là nó đã thấm sâu vào tâm thức chúng ta. Và khi chúng ta bất thoái chuyển với chân lý thì đó là sự thể chứng chân lý nơi tự tâm. Nếu chúng ta còn có ý niệm thấy rằng chúng ta đã hiểu chân lý, nhờ hiểu như vậy mà chúng ta hành đúng; thì chính cái thấy, cái hiểu và thấy có hành là hiện tượng đang sanh lại trong Tâm chúng ta. Mà những gì do nhân duyên sanh thì ắt sẽ do nhân duyên diệt, chúng ta lại tiếp tục rơi vào nhị biên xa rời Chân Tâm. Vì thế chúng ta phải thường sống với Chân Tâm, để làm sáng tỏ lại những gì Chân Tâm hàm chứa mà chúng ta từng bỏ quên.
Chúng ta thường bị vận hành theo thói quen tập khí, sống trong các cặp phạm trù đúng-sai, tốt-xấu, thuận-nghịch v.v… mà bỏ quên Chân Tâm. Từ một niệm phân biệt sai lầm dẫn chúng ta lưu chuyển sanh tử; ngược lại, cũng từ một niệm mà cả pháp giới trong tự tâm chúng ta được chuyển hóa và tịch lặng. Hồi quy các sự vật về nơi vô sanh thì pháp giới trong tự Tâm sẽ được tịnh lạc, vì chúng ta thường sống với Chân Tâm Thường_Lạc_Ngã_Tịnh. Lúc này, tự những gì là bản thể của Như Lai tánh sẽ được kích hoạt. Đó là một trái tim Đại Từ Bi cùng với Trí Tuệ được khai mở để thực hiện lại Đại-Hạnh Đại-Nguyện của chính tự Tâm.
Các hiện tượng đến, đi, dời, đổi… trong cuộc đời mỗi người chỉ như những đám mây, còn Phật Tâm của chúng ta ví như bầu trời. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào hiện tượng sanh diệt của mây thì không nhìn thấy bầu trời Phật Tâm rộng lớn bao la không ngần mé. Các đám mây cứ tuần hoàn sanh diệt trong bầu trời, còn bầu trời vẫn luôn như như bất biến, vô sanh vô diệt. Bầu trời dung nhiếp hết tướng của các đám mây lớn-nhỏ, dài-ngắn, đen-trắng, …., và ngược lại, trong mỗi đám mây cũng chứa đựng cả bầu trời. Vì Tự Tánh của mây là Tánh Không. Tánh Không này hòa nhập vào Chân Không bất biến thường hằng của bầu trời. Nếu chúng ta phân biệt rằng đó là mây và kia là bầu trời thì vẫn chưa thấy được sự nhất thể của chúng. Do phân biệt đối đãi thì mới gọi đó là mây, chứ mây không thực sự là mây, mà nhìn đúng như thực vào thật tánh của nó thì nó là Chơn Như, cũng đồng với bầu trời. Nhờ có hiện tượng đến, đi, sanh, diệt của mây thì mới thấy được bầu trời vô sanh vô diệt. Khi chúng ta nhìn mọi sự vật như vậy thì Tâm_Cảnh_Tướng chỉ là một, đều là như như. Như vậy chúng ta đã tạo được một thế giới phẳng trong Tự Tâm.
Thông đạt chân lý vô sanh thì vị Bồ-tát đi hành đạo sẽ không còn thấy có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; hay Bồ-tát không còn thấy có Ta (ngã) độ, có người thọ nhận cứu độ và có sự cứu độ. Bồ-tát thấy rằng nhờ có thế giới đau khổ này thì Ngài ấy mới thi triển Tâm Đại Từ Bi của mình, chứ thực ra Chân Tánh của thế giới này vốn dĩ đã tịch nhiên, do chút mê lầm nhất thời mà hữu tình chúng sanh chưa nhận ra được Chân Tánh. Vì thế Bồ-tát hiểu được việc làm của mình là như nhiên trong bản chất, như mặt trời chiếu sáng cho vạn vật muôn loài, chứ không có gì là cứu độ. Vì hữu-tình vô-tình Bồ-tát Chư-Phật và Chân-Lý đều có đồng một bản thể vô sanh thường hằng bất biến. Hiểu như vậy nên Bồ-tát sẽ ly rời được Ngã-chấp Pháp-chấp, khi đó chỉ còn lại Tâm Đại Từ Bi bao la vô tận tỏa ra cho pháp giới chúng sanh.
Bên cạnh đó, khi tỏ ngộ tự tánh của các pháp là vô sanh, là chơn như, là vô sở đắc, nên Bồ-tát sẽ không thủ cũng không xả các pháp. Vì hiểu rằng “ Như Lai có ra đời hay Như Lai không ra đời thì các pháp vẫn thường hằng như thị”, nên Bồ-tát thường trụ trong chân tâm, trong Bồ-đề Tâm để làm hạnh nguyện lợi tha. Khi triệt ngộ được tánh chơn như tịch tịnh của các pháp, Bồ-tát đi hành đạo sẽ đạt được sự ung dung vô ngại tự tại; sẽ được tự do trong sự giác ngộ chân lý từ tư duy đến hành động.
Tóm lại, Chân lý Vô Sanh trong Kinh Lăng Già, Đức Phật khai thị nhằm giúp chúng ta có cái nhìn như thực về thế giới hiện hữu, đó là thấy được thật tánh của sự vật là Vô Sanh, Vô Diệt và Như Như bất biến thường hằng. Từ đó không còn sự phân biệt sai lầm và chúng ta sẽ thường an trú trong chân tâm, trong cảnh giới vô phân biệt. Khi đó, năng lực của Chân Tâm là Tâm Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả; sẽ tỏa ra cho tứ loài sanh mà không có dấu vết nào của vị kỷ và thiên chấp. Đó cũng là mục đích khai thị của Đức Phật nhằm giúp chúng ta sáng tỏ chân lý và thể chứng lại chân lý trong chính Tự Tâm.

Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử đời Chữ Nhật
Nhật Hương