LÝ THUYẾT VÔ SANH TRONG HỆ THỐNG KINH LĂNG GIÀ (Phần 01)


LÝ THUYẾT VÔ SANH TRONG HỆ THỐNG KINH LĂNG GIÀ 
(Phần 01)

Luận đề chính của Kinh Lăng Già tập trung nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự thể chứng chân lý tự nội, hay sự đột biến nội tại nơi chính tự tâm. Đó là cảnh giới được hiển bày khi con người tỏ ngộ được sự vô-sanh vô-diệt của sự vật trong ý nghĩa chân thật nhất, bằng trí tuệ thâm sâu nhất. Khi sáng tỏ điều này thì chúng ta sẽ vô ngại tự tại trước mọi hoàn cảnh và mọi diễn biến của thế giới hiện hữu. Vậy, chúng ta cần hiểu rõ về quan điểm vô-sanh hay bất-sanh của sự vật (nhất thiết pháp bất sanh) được bàn đến trong bộ Kinh, để chúng ta nhận ra những năng lực tiềm ẩn nơi chính chân tâm và để có thể phóng xuất những năng lực của Chân Tâm cho muôn loài vạn vật được nương nhờ mà tồn vong tiêu tội.
Chúng ta biết rằng lý thuyết vô-sanh trong Kinh Lăng Già mà Đức Phật khai thị vượt ngoài nhị biên tính, nghĩa là thoát khỏi các cặp phạm trù đối lập như hữu và phi hữu, sanh và diệt, …; không thuộc mệnh đề nào trong bốn mệnh đề của Tứ Cú (Sanh, Bất Sanh, Chẳng sanh Chẳng bất sanh, Cũng sanh Cũng bất sanh); và không bị chi phối bởi luật nhân duyên, nhân quả. Nghĩa là chân lý vô sanh cần được nhận thức bằng kinh nghiệm, trong sự tuyệt đối thì đó là sự thường hằng bất khả tư nghì; được thể chứng bằng trí vô phân biệt, là trí tuệ thấy biết như thực và thông suốt ba thời quá-khứ hiện-tại vị-lai.
Sự vật được nhìn thấu suốt đúng như thực nó trong chính nó là thấy sự vật đó vô-sanh, nghĩa là nó không thật được sinh ra. Vì nó chỉ là những biểu hiện của chính tâm thức chúng ta do nhân duyên sanh, không có ngã thể và vô tự tánh. Hiểu rằng sự vật là vô sanh thì chúng ta thấy được sự vật đó trong trạng thái như như của nó; còn các hình tướng biểu hiện bên ngoài như sanh_trụ_hoại_diệt tuần hoàn trong thể tánh chơn như của sự vật đó. Cách nhìn sự vật đúng như thực giúp chúng ta thoát khỏi sự phân biệt sai lầm là nguyên nhân dẫn đến chấp trước và tạo nên những nhận định lầm lạc. Sự phân biệt sai lầm dẫn đến nhị biên nên chúng ta không thể hội được sự nhất thể tịch nhiên của mọi sự vật. Nhìn sự vật từ quan điểm vô sanh giúp chúng ta thấu rõ được tánh vô ngã của sự vật hay pháp vô ngã.
Sự vật được nhìn thấy là vô sanh, nghĩa là thấy rằng sự vật đó chỉ do duyên giả hợp của bốn Đại: đất_nước_gió_lửa; còn duyên cũng vô tự tánh và vô sanh. Như vậy, cách nhìn sự vật vô sanh ở đây có thứ lớp: sự vật được nhìn thấy là vô sanh, duyên để tạo nên sự vật đó vô sanh, nhân (ngã) vô sanh, và ý niệm về sự vô sanh này cũng vô sanh. Khi chúng ta nhìn sự vật trong tự tánh vô sanh thường hằng bất khả tư nghì thì Trí vô phân biệt được khai mở và Phật Tánh bất-sanh bất-diệt sẽ hiển lộ. Và kết quả là chúng ta thấy rằng tất cả các sự vật là không sanh ra, không bị diệt đi; chính nó là nó từ thời vô thỷ, nó là Chơn Như.
Khi bốn Đại giả hợp từ một hạt lân vi trần cho đến toàn thể các sự vật ở vũ trụ này ba thời quá-khứ hiện-tại vị-lai gom chung trở lại là thế giới. Thế giới này không hề có thật mà chỉ là giả có theo duyên, nên thành_trụ_ hoại_diệt trở về không. Do vậy, các biểu hiện của thế giới danh và tướng đến ấn tượng của sự cảm thọ bên trong đều chỉ là thế giới cảm quan của chúng ta, hay đó là sự phóng chiếu của tâm thức chúng ta. Vì thế, để có cái nhìn như thực tế về thế giới thì chúng ta hồi quy chúng trở về vô sanh và thấy rằng tự tánh của thế giới này là tánh không, là như như, nên tất cả mọi hành tác của thế giới cũng đều tịch tịnh trong bản thể của nó.
Khi dùng thức để phân biệt thì chúng ta không thể thấy được thực tướng của sự vật là vô tướng, và tánh của nó là tánh không, vô tự tánh, vô sanh. Nhìn các sự vật là vô sanh, nếu đến đây thì chỉ thấy một sự rỗng không, không có gì cả. Tuy nhiên, không phải là không có gì, mà chính sự vô sanh bất-biến thường-hằng bất-khả-tư-nghì của sự vật nhiếp thâu tất cả các tướng có của nó, do đó tướng của nó tùy duyên biến hiện. Nếu chúng ta không tỉnh giác, nghĩa là không trụ lại Chân Tâm thì sẽ bị cuốn theo duyên biến hiện của sự vật nên không thấy được sự vô sanh tịch tịnh của nó. Do đó, tỉnh giác là nhìn thấy sự vật đúng như thực nó trong chính nó, hay thấy được thể tánh chơn như của sự vật. Khi đó sự phân biệt sai lầm chấm dứt và mọi cái thấy của chúng ta đều được quán sát bằng trí tuệ vô phân biệt.
Đức Phật đã dạy Bồ-tát MahàMati trong Kinh Lăng Già như sau:
“Này MahàMati, sự không đúng thực có nghĩa rằng tự tánh của các sự vật không được nhận ra một cách đúng thực như nó trong tự nó. Tuy nhiên, khi một kiến giải không đúng mà thù thắng thì có một sự chấp vào tự tánh của các sự vật mà không nhìn thấy chúng nó trong sự tịch tịnh của chúng; và hễ chừng nào không nhìn thấy sự tịch tịnh này, thì sự phân biệt sai lầm sẽ không bị mất đi. Do đó, này MahàMati, một kiến giải được đặt căn bản trên sự phi sắc tướng thì cao hơn kiến giải được đặt căn bản trên sắc tướng, vì sắc tướng là nguyên nhân của sự sanh. Khi có sự phi sắc tướng thì sự sanh khởi của phân biệt bị chấm dứt, và có một trạng thái bất tử tức Niết Bàn. Này MahàMati, người ta tìm thấy Niết Bàn tại nơi mà người ta nhìn thấy chỗ ở của thực tính trong ý nghĩa chân thực của nó và từ bỏ sự phân biệt tất cả những gì là tâm và tất cả những gì thuộc về tâm. Bấy giờ có sự thể chứng cái trí tuệ tối cao nằm trong tâm thức sâu thẳm nhất của Như Lai. Điều này Ta gọi là sự Tịch Tịnh và Niết Bàn.”
Nhìn từ quan điểm vô sanh thì thấy rằng tất cả sự vật đều bình đẳng nơi thể tánh chân như của chúng. Tuy vậy, tánh chơn như của sự vật là bất khả đắc. Nếu chúng ta còn thấy rằng có chơn như và đi tìm để đạt được chơn như thì chưa phải là chơn như, vì chơn như không có hình tướng, không thể đắc được. Trong nó vẫn có sự vận hành của thế giới danh và tướng. Và cái hiểu của chúng ta về sự bình đẳng của các sự vật, về sự vô sanh tịch tịnh của chúng vẫn đang vận hành. Do đó, chúng ta chỉ nên hiểu như vậy và hành lại Bổn Nguyện của Phật Tâm chúng ta đối với bốn loài sanh, lan tỏa tâm từ ái đối với tất cả pháp giới để sớm viên mãn Tâm Bồ Đề và hoàn nguyên Bản Giác.

Dòng Mật Pháp VajraPani
Nhóm Kim Cang Tử đời Chữ Nhật
Nhật Hương