LUẬN ĐẠI-THỪA KHỞI TÍN: I-TÂM CHÂN-NHƯ : CHÁNH VĂN (II)


LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

• Ngài Mã-Minh Bồ-tát tạo Luận vào thế kỷ thứ II
• Ngài Chơn-đế Tam-Tạng dịch Phạn ra chữ Hán vào giữa thế kỷ thứ VI
• Sa-môn Thích Thiện Hoa lược dịch chữ Hán ra Việt và lược giải năm 1967
• A-Xà-Lê dòng pháp Nhất-Thừa Kim Cang diễn-giảng

B. NỘI DUNG 
I. TÂM CHÂN-NHƯ

CHÁNH VĂN :

Tâm Chân-Như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt, Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp (Nhất pháp-giới đại Tổng-Tướng pháp-môn Thể). Sở dĩ các pháp sai khác là do vọng-niệm, nếu rời vọng-niệm thì không còn các cảnh tướng sai khác. Bởi thế nên tất cả pháp từ hồi nào đến giờ không thể dùng danh-tự để kêu gọi, không thể dùng lời nói để luận-bàn, không thể dùng tâm để suy nghĩ được, không có biến-đổi và cũng không phá hoại vì nó rốt-ráo bình-đẳng, chỉ có một “Tâm Chân-Như” mà thôi”.

GIẢNG DIỄN :

Phật-tử và các vị Tăng-ni đều nghe và hiểu về từ “Chân-Như”, nhưng thông-thường chỉ hiểu một cách mơ-hồ, lướt-qua thoang-thoáng mà không đi sâu vào hiểu thực-nghĩa của từ này. Nhân-duyên bộ Luận Đại-thừa Khởi Tín được diễn-giảng, chúng-ta sẽ được hiểu và sáng-tỏ từ “Chân-Như”. Khi đi sâu vào hiểu được từ “Chân-Như” bao-nhiêu thì sẽ giác-ngộ chân-lý được bấy-nhiêu, vì từ “Chân-Như” bao-hàm hoàn-toàn ý-nghĩa của sự Đại-Giác. Giác gồm có từng-phần-giác rồi mới đến Đại-Giác. Trong cái Giác đó phải hành, rồi đến Đại-Hành thì mới đến Đại-Giác, khi đó sẽ viên mãn từ “Chân-Như”.

Khi nói đến “Chân-Như” tức là nói đến quả, là cái gốc của Bổn-Giác, bổn-gốc của sự Giác-ngộ. Như vậy, đối với Đại-thừa từ “Chân-Như” được ví như một ngọn hải-đăng được các tàu thuyền đi biển nhìn-thấy từ rất xa. Tuy mới đứng từ xa nhìn-thấy ngọn hải-đăng, nhưng một số thuyền-trưởng và những người trên tàu lại tưởng rằng đã tới nơi cho nên họ không tiếp-tục cuộc hành-trình của mình. Do vậy, cần hiểu từ “Chân-Như” theo định-danh và định-nghĩa, tránh hiểu một cách hời-hợt và cạn-cợt như trước đây.

Từ “Chánh-văn” là một từ-nguyên, vô-lượng nghĩa gom về một-từ gọi là từ-nguyên. Từ-nguyên là ngữ-pháp nhà Phật và ngữ-Pháp nhà Phật là tiếng Phạn. Nếu lời-văn thuộc nghĩa-lý Trung-Đạo không còn tồn-đọng lại cái ngã là chánh-văn và ngược-lại lời-văn không thuộc Trung-Đạo, nghĩa của nó còn tồn-đọng lại cái ngã gọi là tà-văn. Nếu nghĩa-chánh thì văn sẽ chánh. Tâm của chúng-ta thì không hình-tướng, không ngần-mé, nó viên-dung giữa chánh và tà trong Nhất-Thể của nó. Nếu Thể của nó nghiêng về bên tà thì Tâm tà, còn nghiêng về bên chánh thì Tâm chánh.

Luận nói rằng “Tâm Chân-Như là cái tâm tánh bất-sanh bất-diệt”: Tâm của Chân-Như rộng-lớn không có ngần-mé, vô-cùng-tận và không-có chỗ-trụ cho nên nó không-sinh không-diệt; Tánh của Chân-Như trong-suốt và phẳng-lặng; nếu cái-gì không-có chỗ-trụ, không-có ngần-mé thì nó không-sinh và không-diệt gọi là Chân-Như. Mật giáo gọi nó là Thể-tánh Kim-Cang.

Thể và Tướng nó to lớn bao-trùm tất-cả các pháp ”: Thể và Tướng của Tâm Tánh to-lớn, bao-la, bởi vì sử-dụng cả thức và trí của Bồ-tát cũng không-thể thấy được mức-độ to-lớn bao-la của nó. Điều này hàm-ý chỉ cho sự vô-cùng-tận, rộng-lớn bao-la không-có ngần-mé. Hoặc gọi là nó nhiếp hết tất-cả các pháp, quá-khứ, vị-lai và hiện-tại. Cho nên, Tâm Chân-Như còn được gọi là “Nhất pháp-giới đại Tổng-Tướng pháp-môn Thể”.

Theo nghĩa của Đại-thừa, vô-lượng vô-biên tất-cả các pháp đồng Thể-tánh là Tánh-Không nên gọi là “Nhất”, chứ không nên hiểu “Nhất” là “đơn”, là “một” theo nghĩa phàm-tục. “Nhất” là Thể-tánh Chân-Tâm rộng-lớn vô-biên không-có ngần-mé, không-có-chỗ-trụ; là Chân-Như Pháp-tánh thường-hằng bất-biến, bất-sinh_bất-diệt, bất-tăng_bất-giảm, bất cấu_bất tịnh, không-trụ_không-rời, chỉ cho Thể-Tánh Nhất-Như. Vì tất cả các hữu-tình, vô-tình ba cõi quá-khứ_hiện-tại_vị-lai đều có Phật-tánh đồng-nhất như vậy gom chung lại quy về một gọi là “Nhất”. Theo nghĩa rộng, “Nhất” là Pháp-thân thường-trụ vô-tướng của mỗi hữu-tình, vô-tình, hoặc đối-với Bồ-tát “Nhất” là Pháp-thân Bồ-tát.

Từ “Pháp” tiếng Phạn là Dharma, là một từ-nguyên nên nó gom-chung vô-lượng nghĩa về một một từ. “Pháp” bao-gồm tất-cả nội-hàm và ngoại-hàm của các-vật và những-gì có-thể thấy_nghe_hay_biết gồm phần-trong (nội-hàm) và phần-ngoài (ngoại-hàm), hay gọi là nội-điển và ngoại-điển. Từ “Pháp” vừa là động-từ, vừa là tính-từ; động-từ chỉ sự biến-chuyển, tínhtừ chỉ tínhchất của nó là TánhKhông; nên nó vừa tịnh, vừa biến. Do đó “Pháp” là một từ chung, là từ chủ-thể. Nó phủ-trùm cùng-khắp ba-thời quá-khứ_hiện-tại_vị-lai và tổng-nhiếp tất-cả muôn pháp, hay tổng-nhiếp cả Vũ-Trụ sự-vật gom-chung về một gọi là “Pháp”. Như vậy “Pháp” là một cái-tên cho một Pháp lớn bao-la nên “Pháp” lại là danh-từ, nó xuất-sinh ra các-pháp như: pháp-viên-phấn, pháp-cây-viết, pháp-nhãn, pháp-nhĩ… Ví-dụ phân tích cụm-từ “pháp-cây-viết” gồm: từ “pháp” rồi mới tới danh-từ “cây-viết”; danh-từ là sự vay-mượn để chỉ cho sự-vật, trả nó về không thì còn lại từ “pháp”. Liễu-nghĩa từ “Pháp”, hiểu từ thô cho đến tế, “Pháp” là sự-vật hay hiện tượng, danh-tự là tên-gọi của “Pháp”.

Pháp ngoại-điển là pháp do nhân-duyên sanh không-có-thật, xã-hội loài-người diễn-biến mãi-mãi, thay-đổi tương-tục và vận-hành theo nhân-duyên nhân-quả. Nơi thế-gian, chúng-ta nên biết thực-tướng của vạn-pháp được thống-nhất do nhân-duyên sanh. Các pháp đều là sự vay-mượn của bốn-đại đất_ nước_lửa_gió, do vậy pháp không-có tự-tánh, trả-về Tánh-Không cho nên gọi là “Pháp”. Mặt khác, tất-cả các pháp đều đồng-đẳng nhau và đồng-nhất trong bốn-đại gom-chung về một pháp thì gọi-chung là từ “Pháp”. Như vậy tất-cả những-gì thuộc nhân-duyên sanh là Pháp của thế-tục đế.

Pháp Nội-điển là Pháp Đệ-Nhất-Nghĩa-Không, là Chân-Như Pháp-Tánh, Phật-tánh bất-sanh bất-diệt trong mỗi hữu-tình chúng-sinh, gọi là Pháp Chân-đế.

Nhất Pháp” có nghĩa là hằng-hà sa-số pháp, đồng hồi-quy về Pháp, Pháp đó là Pháp-Tánh Vô-sanh gọi là “Nhất Pháp”. Hoặc như câu chuyện “Niêm Hoa vi tiếu” trong hội Linh-Sơn, một hôm Đức Phật cầm một đóa-sen đưa lên, ngài Ma-Ha Ca-Diếp nhìn hoa mỉm-cười. Bởi vì Ngài đã liễu-ngộ được hàm-ý của Đức Thế Tôn muốn dạy rằng nơi mỗi hữu-tình, vô-tình đều có Phật-tánh thanh-tịnh như đóa-sen, tất-cả sen-Tâm đều hồi-quy về Pháp-tánh Chơn-Như trong-suốt:

Pháp, pháp hà tằng pháp

Pháp, pháp vô lượng pháp,

vì tất-cả đồng Pháp-tánh Chơn-Như cho nên gọi là “Nhất Pháp”.

Giới” có nghĩa là không-biên-giới giữa pháp-này với pháp-kia, các pháp dung-thông vô-ngại tự-tại với nhau gọi là “giới”. Các pháp không chướng-ngại nhau gọi là “Nhất Pháp-giới”.

“ Pháp-giới” là một từ nguyên, ngữ pháp nhà Phật tiếng Phạn là Dharma-Dhatu. Bên khoa-học đồng-nghĩa với từ Dharma-Dhatu là Vũ-Trụ, hai từ này có phần tương-đồng với nhau. Trái-đất của chúng-ta là một Hành-tinh, một tỷ Hành-tinh thuộc một dãy Ngân-Hà. Trong mỗi một Hành-tinh thuộc dãy Ngân-Hà đều có sự-sống của sự-vật và có sinh-hoạt của sự-sống. Một tỷ dãy Ngân-Hà gom chung trở-lại thành một Vũ-Trụ đồng với Dharma-Dhatu. Như vậy “Nhất Pháp-giới Đại Tổng-tướng” là Tổng-tướng của các Hành-tinh và sự-sống của chúng. Nếu chỉ hiểu Tổng-tướng của một thế-giới này, của một Trái-đất này thì chưa tương-xứng với từ Dharma-Dhatu.

 “Đại” nghĩa là lớn, là Maha.  “Đại Tổng-Tướng” : chỉ cho thấy Thể và Tướng của Tánh và Tâm rộng-lớn bao-la. “Tướng” được hiểu là Tướng của Tâm và Tánh, chứ không phải Tướng của vật-lý. Cho nên chính Tướng lớn đó mới bao-nhiếp hết tất-cả các-pháp và các-vật. Có thể dẫn-dụ “đại tổng-tướng” như bầu hư-không nhiếp hết tất-cả sơn-hà, đại-địa, núi-sông, cây cỏ, vạn-vật. Tất-cả sơn-hà, đại-địa, núi-sông, cây cỏ, vạn-vật do bốn-duyên mà giả-thành, giả-trụ, giả-hoại, giả-diệt trở-về Thể-Tánh-Không của nó. Như vậy, hàm-ý muốn nói rằng “đại tổng-tướng” là tướng của Đại-Không chứ không phải chỉ là hư-không này.

Nhất pháp-giới đại Tổng-Tướng Pháp-môn Thể” hàm-chỉ “tâm Chân-Như” là tâm Chân-thật của mỗi hữu-tình, vô-tình; nó rộng-lớn giống như Đại-Không của Vũ-Trụ nhiếp hết tất-cả các dãy Ngân-Hà, Hành-tinh và tất-cả các sự-sống hồi-quy trở-về từ “Thể”; Thể là Chân-Không cho nên gọi là “Chân-Như”. Như vậy “Chân-Như” này đang diễn tả cái Đại-Không nên “Chân-Như” đó tịch-lặng, không chiếu. Còn “Chân-Như” của Tự-tánh chúng-ta gồm có Trí trong đó, do đó không nên nghĩ rằng Chân-Không là không-có-gì. Chân-Không là Chân-Trí, là Pháp-Tánh thường-hằng của mỗi hữu-tình và vô-tình, dung thông ba-thời quá_khứ, hiện_tại, vị_lai.

Đây chỉ mới vào phần-đầu của bộ Luận. Khi nghiên-cứu bất-kỳ bộ kinh nào, trong phần-đầu nếu chúng-ta không nắm-vững được nguyên-lý, nguyên-tắc căn-bản để tư-duy, nghiên-cứu thì khi vào đoạn-giữa và đoạn-cuối sẽ bị đứt văn-mạch. Vì vậy chúng-ta sẽ không thâm-nhập để liễu-ngộ được ý kinh-điển, cho dù tu 30-50 năm cũng chỉ như mù sờ voi vậy. Do đó chúng-ta hãy cẩn-thận, nhẹ-nhàng không quá nóng-vội khi nghiên-cứu kinh. Cũng giống như các chương-trình kiến-thức học-vấn : xong chương-trình cấp-một rồi mới đến cấp-hai, hoàn-tất chương-trình cấp-hai, lấy đó làm nền-tảng để đi vào cấp-ba, theo thứ-tự liền-nhau gọi là không bị đứt văn-mạch. Đặc-biệt kinh-điển của Phật giáo thì tự-do nghiên-cứu và người nào cũng có-thể tự tu-học. Nếu phần-đầu học chưa xong, phần-sau không xong mà học ngay đoạn-giữa thì sẽ không có hệ-quả tốt-đẹp trong chân-lý. Đa số người tu đều như vậy, bị đứt-văn-mạch nên không nắm được mạng-mạch của kinh-điển.

Nên hiểu về nghĩa Đại-thừa, các kinh điển Đại-thừa liền-nhau, không bị đứt văn-mạch gọi là thông ba-thời quá-khứ_hiện-tại_vị-lai. Cái lý của kinh điển Đại-thừa mười-phương ba-đời các pháp đều nhập về Nhất-Thể, chứng được lý Đại-thừa là Đại-Bồ-tát.

Trên đây “Tâm Chân-Như” đã được làm rõ nghĩa đôi-phần, tất-cả cũng chỉ mới là khái-niệm ban-đầu. Do vậy chúng-ta cần tiếp-tục đi sâu vào nội-dung của bộ Luận trong các phần-sau để hiểu và sáng-tỏ tường-tận về Tâm Chân-Như. Từ đó chúng-ta có-thể ứng-dụng Chân-lý giữa dòng-đời để tinh-tấn và dũng-mãnh hơn trên con đường giải-thoát, giác-ngộ cho mình, cho người.

Nhóm Kim Cang Tử đời chữ Nhật
Ghi chép bài giảng: Nhật Hương