LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN: A-DUYÊN KHỞI TẠO LUẬN (I)


LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

• Ngài Mã-Minh Bồ-tát tạo Luận vào thế kỷ thứ II
• Ngài Chơn-đế Tam-Tạng dịch Phạn ra chữ Hán vào giữa thế kỷ thứ VI
• Sa-môn Thích Thiện Hoa lược dịch chữ Hán ra Việt và lược giải năm 1967
• A-Xà-Lê dòng pháp Nhất-Thừa Kim Cang diễn-giảng

A. DUYÊN KHỞI TẠO LUẬN

Trong 45 năm hoằng-pháp của Đức Phật được chia làm hai thời-kỳ: một-thời Đức Phật diễn-giải về cảnh-giới sanh-tử gọi là hệ tục-đế và một-thời Ngài diễn-giải về cảnh-giới Niết-bàn gọi là hệ Chân-đế. Chân-đế và tục-đế đều nằm trong Tâm Chân-Như và Tâm Chân-Như là Thể của Tâm Đại-thừa.
Sau khi Đức Phật thị-hiện nhập Niết-bàn, ngoại-pháp ngoại-đạo phát-triển hưng-thịnh với lượng tín-đồ ngày càng đông-đảo. Theo xu-hướng số đông những tín-đồ này cho rằng giáo-pháp của họ đúng chân-lý và điều đó lại càng làm cho họ rời-xa Chân-lý. Còn những người theo Phật giáo lại cho ngoại-đạo là tà-giáo, tà-pháp. Kể từ đó và càng về sau, số-lượng người thấy được và hành theo Chân-lý rất ít. Chân-lý chỉ rõ rằng: không có bất-kỳ đạo nào là chánh-đạo hoặc tà-đạo và Chân-lý là Chân-lý. Khi người ta chưa giác-ngộ thì những điều họ làm chưa đảm-bảo đúng Chân-lý, những gì không đúng Chân-lý lại bị cho đó là ngoại-pháp, ngoại-đạo.
Vì vậy, Đại Bồ-tát Mã Minh đã thị-hiện nơi thế-gian, Ngài lập ra bộ Luận Đại-thừa Khởi Tín nhằm mục-đích lấp-bằng hố ngăn-cách giữa tất-cả các ngoại-đạo và chánh-đạo để thống-nhất chung trở-lại. Ngài chỉ cho thấy rằng: ngoại-đạo và chánh-đạo đều nằm trong tâm Đại-thừa bởi vì tất cả các hữu-tình, vô-tình đều có Phật-Tánh và đều có tâm Đại-thừa ấy. Luận nêu rõ: tâm chúng-sinh là tâm Đại-thừa, là tâm Chân Như. Tâm Chân-Như chứa hai hệ: hệ sinh-tử phân-đoạn và hệ sinh-tử hoàn-diệt, và Luận cũng chỉ ra tất-cả những-gì mà Tâm Đại-thừa hàm-chứa.
Do đó cần minh-định từ-ngữ, Luận Đại-thừa Khởi Tín chứ không phải Đại-Thừa Khởi Tín Luận. Một từ-ngữ của kinh điển đặt sai vị-trí thì nó mang nghĩa khác và làm tất-cả tư-tưởng của các thế-hệ sau bị đảo-lộn. Luận Đại-thừa Khởi Tín nghĩa là một người phàm-phu bình-thường có quyền luận cái lý Đại-thừa. Khi luận đã sáng-tỏ, người-ta tin-rằng mình có Phật-tánh và mạnh-mẽ phát-tâm tu-hành. Do vậy, không-có bất-kỳ sự-khác-biệt nào giữa phàm-tục hay tu-sĩ. Ai hiểu được Chân-lý và hành được Chân-lý thì người đó chứng-đạo.
Nếu người nào lắng-tâm tịnh-ý nghiên-cứu thì sẽ thấy Chân-lý không của riêng ai, cho nên không có ngoại-đạo hay chánh-đạo, không có biên-giới giữa đạo này và đạo khác. Đó là Chân-lý như-thật. Điều này được minh-chứng bởi lịch-sử Phật giáo đã được tồn-tại hơn hai ngàn năm trăm năm nay trên thế-giới và được toàn thế-giới thừa-nhận về giá-trị tinh-thần tâm-linh. Mặt khác, càng-ngày nền văn-minh khoa-học lại càng phát-hiện thêm nhiều những điều mà tư-tưởng của Phật giáo đi trước khá xa so với sự tiến-bộ của nền văn-minh khoa-học hiện-đại.

Nhóm Kim Cang Tử đời chữ Nhật
Ghi chép bài giảng: Nhật Hương