KHAI THỊ TRỰC NGỘ CHÂN TÂM : PHÁP MÔN KHÔNG HAI THƯỜNG HẰNG BẤT BIẾN


KHAI THỊ TRỰC NGỘ CHÂN TÂM :
PHÁP MÔN KHÔNG HAI THƯỜNG HẰNG BẤT BIẾN
***oOo***

Tam-giới Hữu-tình trong thế-gian không tự-biết Phật-Tánh Thường-Lạc-Ngã-Tịnh, nên mãi tìm-kiếm các niềm-vui ngắn-ngủi của cõi-trần, không hay-biết mình đang tạo vô-lượng nghiệp dẫn đến quả-khổ trong 3 nẻo 6 đường. Vì thương-xót chúng-sinh, từ nơi Tự-Tánh Thanh-Tịnh, Đức Phật thị-hiện thuyết-pháp theo thứ-lớp để soi-đường cho hữu-tình được an-lạc, giải-thoát, giác-ngộ. Đến khi đã đủ-duyên lãnh-hội Pháp-Phật khá sâu, hữu-tình vẫn chưa trực-nhận chổ Chân-thật-đúng – chổ bất-biến thường-hằng vốn viên-dung trong bản-thân mình và vạn-vật muôn-loài, nên vẫn hoài tin-dùng ý-thức của thế-giới nhân-duyên để tìm-cầu Pháp. Vì chưa thấu-suốt thâm-ý của Đức Phật mượn ngón-tay để chỉ mặt-trăng, hữu-tình không trực-ngộ rằng mỗi cái-hiểu, cái-đúng, cái-đắc, cái-được là mỗi sự trói-cột, bởi Phật-Tâm hoàn-toàn không-có-chổ-trụ. Vì muốn hóa-mở-giải chấp-ngã chấp-pháp, và khai-thị trực-ngộ Chân-Tâm cho đại-chúng, cư-sĩ tại-gia Duy-Ma-Cật đại-diện Đức Phật nói với Ngài Xá-Lợi-Phất rằng: “Nếu cầu-pháp thì đối với tất-cả các pháp nên không-có-chỗ-cầu” (vì Pháp bất-khả-đắc).
Đây là sự nhắc-nhở cảnh-tỉnh những hữu-tình đã có Tâm mong-cầu lìa-thoát bể-khổ sanh-tử đến thế-giới Giải-thoát Giác-ngộ, nhưng chưa trực-nhận Chân-lý, nên vọng-tưởng một kết-quả mà huyễn ý-thức nghĩ rằng có-thể đắc-được, gọi là pháp Hữu-vi. Nếu là pháp Hữu-vi thì pháp có sinh ắt có diệt, nên không-có-chỗ-cầu vì Pháp do duyên sanh không-thật-có.
Về từ “Pháp” là một danh-từ, một tên-gọi gán cho một sự-vật, hành-động, tính-chất. Từ một hạt lân-vi-trần cho đến sơn-hà đại-địa hữu-tình vô-tình 3 cõi 6 loài, cả trái-đất, tất-cả dải ngân-hà và toàn vũ-trụ suốt quá-khứ, hiện-tại, vị-lai đều là Pháp. Kể cả văn-tự ngữ-nghĩa trong kinh-điển và lời thuyết-giảng của Đức-Phật cũng là Pháp. “Pháp” hàm-nhiếp vật và tên-gọi của vật.
Đức Phật thuyết: “Thật-Tướng vạn-pháp là Vô-Tướng”. Tại sao vậy? Vì nếu tướng-pháp là có thì phải thường-hằng bất-biến, không biến-đổi hay hoại-diệt. Hơn nữa, nếu pháp có Tự-Thể thì pháp phải tự sinh ra nó chứ không phải từ duyên mà hợp-thành. Tuy nhiên, các pháp không tự sanh ra mà vay-mượn nơi duyên (đất, nước, gió, lửa) giả-hợp mà thành, nên Không Tự-Tánh, Vô-Sanh. Như vậy, ngay từ đầu đã thấy pháp không-có. Tuy theo duyên hiện ra tướng-có nhưng hoàn-toàn không-có-chủ-thể, hay còn gọi là Pháp Vô-Ngã. Đó là một lớp-Không. Lớp thứ hai, tất-cả pháp đều thành, trụ, hoại, diệt trở về không. Như vậy là Hai-Không. Hai-Không này nhập về một-Không của Pháp gọi là Không Trung-Đạo.
Về Pháp gồm có ngoại-pháp, tức các pháp bên-ngoài; Còn nội-pháp là chính bản-thân mình, là sáu-căn (nhãn-căn, nhĩ-căn, tỷ-căn, thiệt-căn, thân-căn, ý-thức-căn) và năm-ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng như vậy. Nói cách khác: “Nhân-Pháp hai Vô-Ngã”. “Nhân” là “người”, “pháp” là bên-ngoài; lớp thứ hai, “nhân” là mình, pháp năm-ấm cũng là mình, hai thứ đều Vô-Ngã. Như vậy, người tầm-cầu pháp và pháp-được-cầu đều Vô-Ngã. Tất-cả các pháp (gồm nội-pháp và ngoại-pháp) ví như những đám-mây trong bầu-trời mênh-mông bao-la. Tùy-duyên mà nước bốc-hơi ngưng-tụ thành mây, đến khi hết duyên thì mây sẽ tan ra trong bầu hư-không. Bầu hư-không cũng vẫn như-vậy, không vì mây mà có tăng hay giảm.
Phật-Đạo duy-trì Chân-lý duy-nhất là Chân-lý bất-biến thường-hằng. Điều gì bất-biến thường-hằng thuộc về Chân-lý. Còn cái gì có biến-đổi, có sinh ắt có già, có hoại, có diệt thì là pháp thế-gian chứ không phải của Chân-Đế. Ngài Duy-Ma-Cật đại-diện cho Chân-lý Thường-Hằng Bất-Biến, nên các vị đệ-tử của Đức Phật vọng khởi-niệm là đã có-sinh, đã có-biến-đổi, thì Ngài nhắc-nhở hãy trở-về với Tự-Tánh Thường-Hằng Bất-Biến. Đó là cốt-lõi của bộ Kinh Duy-Ma-Cật, bộ Kinh mang nội dung Trung Đạo nhập Pháp Môn Không Hai.
Đó là lời thức-tỉnh cho những vị đã thâm-nhập Pháp-Đạo sâu-sắc. Tuy nhiên, đối với những hữu-tình chưa biết đến Phật-đạo, cần phải đi cầu-pháp. Vì mặc dù chúng-sinh có Phật-Tánh, nhưng nếu không khởi-niệm tầm-cầu Phật-Tánh của mình thì không thể thấy lại được Chân-lý của Tự-Tâm. Khi khởi tầm-cầu là đã vọng, vọng tức là chấp, vì cho rằng điều mình mong-cầu là thật-có. Nhờ Thiện-Tri-Thức nhắc-nhở lại sẽ tan cái ngã để trở-lại vô-ngã, rồi cứ như-vậy mà hành. Cho nên trong kinh, ngài Duy-Ma-Cật trả-lời như vậy để các vị nhập vào Không-Hai. Vì các vị đã có sẵn căn-bản, đã được qua Đức Phật dạy một thời-gian khá lâu.
Điều đó cho thấy rằng tuy các vị đệ-tử đã theo Đức Thế-Tôn trong nhiều năm, nhưng vẫn còn dính-mắc pháp mình đang tu-học. Đó là nhân-duyên Đức Thế-Tôn khéo-léo để lại ấn-chứng con-đường-đạo cho hữu-tình chúng-sinh thời mạt-pháp được thuận-lợi. Ấn-chứng đó là cư-sĩ tại-gia Duy-Ma-Cật, phá-chấp hoàn-toàn giữa tăng và tục. Vì hữu-tình vẫn còn thấy chỉ có tăng-đoàn mới đại-diện Phật-Pháp-Tăng, còn cư-sĩ thì không, nên không dám tin rằng mình có Phật-Tánh hay có-thể Giải-thoát Giác-ngộ. Chân-lý là Chân-lý, ai sáng-tỏ và hành theo thì đạt được Chân-lý. Đó mới là Ấn-Truyền Tâm-Ý Phật ở bộ-Kinh Duy-Ma-Cật. Nhưng như vậy không có nghĩa là không tôn-trọng Phật-Pháp-Tăng. Phải nhờ ba-ngôi Tam-Bảo làm chổ cho hữu-tình nương-dựa quy-y, để sớm ly-thoát các nghiệp của 3 nẻo 6 đường mà hướng về Chân-lý.
Suốt 49 năm thuyết-pháp của Như-Lai là hệ-thống Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa thậm-thâm sâu-sắc, vì Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa kết-nối với thế-giới mười-phương Chư-Phật ba-đời. Khi Đức Phật thị-hiện nhập Niết-Bàn, các đời-Tổ vẫn y-cứ nơi Chân-Không của Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa lập ra một tông-phái để giữ-gìn Chân-lý, vì biết tam-giới này (Dục-Giới, Sắc-Giới, Vô-Sắc-Giới) diễn-biến liên-tục, thành-trụ-hoại-diệt trong từng sát-na. Nên để phù-hợp với sự tuần-hoàn lưu-chuyển trong nghiệp-hoặc của loài-người trong cộng-nghiệp, các vị Tổ quyền-biến, chuyển-ngữ, dùng văn-tự ngữ-nghĩa hoàn-toàn vẫn trong Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa.
Trong kinh Duy-Ma-Cật, các vị Bồ-tát lần-lượt nói ra quan-điểm của mình về Pháp-môn Chẳng-Phân-Hai, các Ngài đều đưa ra những cặp-đối. Đơn cử Bồ-Tát Pháp Tự-Tại nói rằng: “Sanh với Diệt là hai. Các pháp xưa vốn chẳng-sanh, nay tất-nhiên chẳng-diệt. Được pháp nhẫn vô-sanh ấy là vào pháp-môn Chẳng-Phân-Hai”. Chư Bồ-Tát trong Pháp-hội cũng nêu ra các cặp-đối như “Ta với Vật-của-Ta”, “Dơ-nhớp với Trong-sạch”, “Một-Tướng với Không-Tướng”, “Sinh-Tử với Niết-Bàn”, “Hữu-vi với Vô-vi”, “Ngã với Vô-Ngã”, v.v…Ngài Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát nói rằng “Đối với tất-cả các Pháp, mình không nói, không thuyết, không chỉ, không nhớ, lìa-khỏi sự vấn-đáp. Đó là vào Pháp-môn Chẳng-Phân-Hai”. Khi Chư Bồ-Tát hỏi cư-sĩ Duy-Ma-Cật hiểu như-thế-nào về Pháp-môn Chẳng-Phân-Hai thì Ngài lặng-thinh không nói. Lúc đó, Ngài Văn-Thù Sư-Lợi khen rằng “Lành-thay, lành-thay! Cho đến không có cả ngữ-ngôn, văn-tự, đó mới thật là vào Pháp-môn Chẳng-Phân-Hai”.
Nguyên-văn của cặp-đối là Tứ-Cú Và Bát-Bất. Các vị Bồ-tát, Đại Bồ-tát thống-hợp kinh-điển và diễn-giải cho phù hợp với căn-cơ trình-độ của một thời-kỳ nào đó, nhưng vẫn y-cứ nơi Chân-Không của cặp-đối. Tuy nhiên, chỉ có các vị chứng Tu-Đà-Hoàn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La-Hán, và Bồ-Tát mới học Tứ-Cú Và Bát-Bất. Đó là vì tuy kinh-điển nhà-Phật rộng-mở cho đại-chúng, nhưng đều có nhắc-nhở một cách nghiêm-túc phải tôn-sư trọng-đạo, phải đi tìm Minh-Sư Thiện-Tri-Thức mà học. Vì nếu lưu-giữ Kinh-Điển thì không có lợi cho chúng-sinh, còn lưu-truyền ra bên-ngoài không cẩn-thận thì cũng hại cho chúng-sinh, nên người tu-hành cần phải cẩn-trọng, tinh-ý và khéo-léo. Khi đã được sinh lên làm người thì đã đủ-duyên thành-Phật, nhưng đại đa-số không có duyên-may để gặp Minh-Sư Thiện-Tri-Thức hay các vị chứng-đạo – các vị biết được các pháp-môn phù-hợp với từng căn-cơ của hữu-tình, khai-phá và diễn-giải được nghĩa-lý sâu-mầu của kinh-điển.
Cặp-đối là Chân-lý mà quá-khứ và vị-lai mười-phương Chư-Phật ứng-dụng. Còn hiện-tại nếu muốn thành-Phật cũng phải ứng-dụng trong Bát-Bất Và Tứ-Cú. Bát-Bất là kim-chỉ-nam, là bản-đồ cho một chuyến hải-hành dài-hạn vượt đại-dương để trở-về với Bản-Giác.

Bất-Sinh Diệc Bất-Diệt
Bất-Thường Diệc Bất-Đoạn
Bất-Nhất Diệc Bất-Dị
Bất-Lai Diệc Bất-Khứ
Bát-Bất nghĩa là “Tám-điều-không-phải”. Pháp không-có-sinh làm sao nói có-diệt. “Bất-thường” nghĩa là không phải thường-hằng bất-biến, “bất-đoạn” là không phải chết là hết mà sẽ đầu-thai chỗ khác. Trong một cặp này đã giải-quyết toàn-bộ Tám-thức: nhãn-thức, nhĩ-thức, tỷ-thức, thiệt-thức, thân-thức, ý-thức, Mạt-Na thức, A-Lại-Da thức. Các tông-phái khác còn gọi thức-thứ-8 là Tâm-Vương, còn 6 thức gọi là Tâm-Sở. Từ 7 địa Bồ-Tát cho tới một chúng-sinh, tới một loài phiêu-vi-khuẩn vẫn có đủ Bát-Thức, vì trong thân-phận chúng-sinh vẫn có Phật-Tánh. Cho nên Bồ-tát cứu-độ cả hữu-hình và vô-hình, hữu-tình và vô-tình.
Còn như thế nào gọi là Tứ-Cú? Đó là hệ-thống của Triết lý, nghĩa là mỗi một cú trong Tứ-Cú bao-hàm cả một chủ-thuyết nhiếp hết tất-cả pháp thế-gian và xuất-thế-gian. Lập-trình Tứ-Cú nhằm mục-đích cảnh-tỉnh các chủ-thuyết luận: Thực-tại Luận, Duy-vật Luận, Biện-chứng Luận của thế-gian, hay nói cách khác là chuyển-đổi nhận-thức của 95 loại ngoại-đạo. Những nhóm chưa theo Chân-lý cũng nói về 4 đại, 5 ấm, 6 căn, nhưng còn ngã, còn thấy mình và chủ-thuyết của mình có thật, nên Tổ Long-Thọ muốn nhắc-nhở rằng dù ngoại-đạo hay Phật-Đạo đều nên buông-bỏ nhận-thức sai-lầm mới trở-về được Chân-Tánh.
Trong Tứ-Cú, cú thứ-nhất là “Sanh”. Khi hữu-tình chấp vào “Sanh”, bất-kỳ một điều gì cho là có, thì Ngài Long-Thọ nói là “Bất-Sanh”, vì nếu có-sanh thì tự sanh ra, sao phải mượn cái khác mới sanh?! Nên “Sanh” không được thành-lập. Ngài nhắc-nhở để tỉnh-giác trở-lại, đừng nhận-định sai-lầm về Thật-Tướng của vạn-pháp. Thật-Tướng của vạn-pháp là giả-hợp, do vay-mượn mà có nên không-thật-có, nên nói là “Bất-sanh”.
Sau đó chuyển-đổi nhận-thức qua lớp thứ-hai. Khi đã chấp-nhận triết-thuyết Bất-Sanh thì hữu-tình lại trụ nơi pháp Bất-Sanh, nên Ngài phá “Bất-Sanh”. Vì trụ-chấp vào “Bất-Sanh” không khác gì buông lông-rùa chụp sừng-thỏ, nên nói rằng “Chẳng-Sanh Chẳng-Bất-Sanh”. Đó là cú thứ-ba.
Trong cú thứ-tư nói rằng nếu có sanh thì phải tự-sanh, nhưng các Pháp lại do vay-mượn nên Bất-Sanh. Tuy nhiên, nếu là Bất-Sanh thì tại sao hiện-tượng lại có? Là do giả-hợp mà có, cho nên nói “Cũng-Sanh Cũng-Bất-Sanh”.
Trong lập-trình Tứ-Cú và Bát-Bất để trả các pháp về nguyên-để là Chân-Không, tùy-duyên cảm-ứng điều gì hiện ra điều đó. Sự trả-về như vậy mới đưa hữu-tình trở-về với Bát-thức trong-sạch. Song, nếu không giữ kiên-định trí-sáng này thì Bát-thức sẽ duyên theo cảnh, khi trụ vào cảnh nào thì nghiệp duyên triển nở lưu chuyển sanh tử.
Như vậy, Tứ-Cú không dễ lãnh-hội vì hàm-nhiếp và giải-quyết mọi tầng vọng-chấp từ thô tới tế của tất-cả pháp thế-gian và xuất-thế-gian. Do đó, cần phải hiểu thông-suốt về cặp-đối. Nếu bỏ-sót một cú nào rất dễ rơi vào chấp-mọi-thứ-đều-là-không trong khi lại thấy-mình-có, có cái-đắc, cái-hiểu-của-mình, không biết cách để “mình” cùng hòa vào Chân-Không. Vì thế, cần kỹ-lưỡng trong nghiên-cứu kinh-điển tu học.
Tự-Tánh của cả thế-giới này vô-cùng thanh-tịnh, quang-đãng, trong-suốt giống như bầu hư-không. Còn mọi tướng của các pháp chỉ là hiện-tượng từ nơi Tự-Tánh duyên với điều gì mà có, hết duyên tan trở về bầu hư-không. Khi chưa Giác-ngộ về Tự-Tánh hay Tứ-Cú và Bát-Bất, theo duyên mà hữu-tình nhìn thế-giới trong lăng-kính nghiệp của cõi-loài. Cái-nhìn của chúng-sinh muôn-sai vạn-biệt đúng-sai thuận-nghịch hay-dở tốt-xấu cao-thấp giàu-nghèo khôn-ngu; Bậc Duyên-Giác nhìn cõi này là một thế-giới phẳng Tịch-Tịnh; Các vị Thanh-Văn thấy mọi-thứ chỉ là một bức-tranh của 4 chiều, đó là thành-trụ-hoại-diệt trở-về không; Chư Bồ-Tát nhìn thế-giới này quá đau-khổ, nên thương-yêu và lo cho chúng-sanh Giác-ngộ như mình. Còn đối với một Bậc Viên-Giác, mọi sự ở hành-tinh này chỉ là một sự thanh-tịnh, tĩnh-lặng Nhất-Như. Tất-cả là Vô-Tự-Tánh Vô-Sanh nên Tùy-Duyên, nếu có sanh ra một điều gì là theo duyên. Tùy tâm của chúng-sanh mà các Ngài ứng-pháp, tùy nguyện của chúng-sanh mà ứng-hạnh, Tâm các Ngài không dính-mắc.
Khi đã Giác-ngộ Chân-Tâm, thì không còn sợ bệnh-hoạn hay đau yếu, vì đó là lẽ-tất-nhiên theo Chân-lý. Chân-lý có-sanh ắt có-diệt, có-thường ắt phải có-đoạn, có-khứ ắt phải có-lai, có-nhất ắt phải có-dị. Tám điều này đã không-có thì trở-về Chân-lý. Đó là Bát-Bất Và Tứ-Cú.

DÒNG MẬT PHÁP VAJRA PANI
GURU A-XÀ-LÊ Thuyết Giảng
NHÓM KIM CANG TỬ ĐỜI CHỮ NHẬT
Ghi Chép Bài Giảng: NHẬT NGÂN