BẢN ĐỒ TU PHẬT_TẬP 10_CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA_P.04


TẬP X : CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA

IV.- CON ĐƯỜNG TU CỦA DUYÊN GIÁC THỪA
Con đường tu này lấy pháp môn “Mười hai Nhân Duyên” làm phương tiện tu hành. Con đường này đi xa hơn Thanh Văn thừa, và do đó, quả vị chứng được cũng cao hơn. Hành giả đi hết con đường này, đến tuyện đích tức là đến quả vị Bích Chi Phật, quả vị giác ngộ cao nhất của Tiểu Thừa.
“Mười hai Nhân Duyên” là một pháp môn chỉ bày cho người tu hành thấy rõ được nguyên nhân của sự sinh tử luân hồi của chúng sanh để mà dứt trừ. Mười hai Nhân Duyên được trình bày, như là một cái vòng luẩn quẩn, gồm có 12 giai đoạn nối tiếp theo nhau và giam giữ chúng sanh trong biển khổ trần gian.
Mười hai Nhân Duyên là:
1.-Vô Minh: nghĩa là mê lầm, không hiểu rõ được bản chất của sự vật và tâm mình, lấy giả làm thật, lấy quấy làm phải. Thí dụ: thân ta là vô thường mà cho là thường; tâm ta là vô ngã mà cho là tự tại. Vô Minh được hình dung như là một tấm vải đen, che mắt người bộ hành, làm cho người bộ hành đi lạc và rơi vào hố sâu tăm tối.
2.-Hành: là hành động, gây tạo ra những việc bất thiện, sai lầm, tạo nghiệp.
3.-Thức: là vọng thức phân biệt, chấp trước có năng và sở, nội tâm và ngoại cảnh riêng biệt. Do sự chấp trước này nên sanh lòng bảo thủ cái ta, tìm cầu một thân mạng, để phát triển cái ta ấy.
4.-Danh Sắc: Danh là chỉ cho phương diện tinh thần, Sắc là chỉ cho phương diện vật chất. Danh Sắc tức là chỉ cho tổng báo, thân của loài hữu tình, khi còn ở trong thai tạng.
5.-Lục Nhập: Lục Nhập tức là sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của cái thai, dần dần được thành hình và phát triển, để sửa soạn tiếp xúc với ngoại cảnh, khi ra đời.
6.-Xúc: là xúc chạm, tiếp xúc với ngoại cảnh. Đây là nói khi cái thai thoát khỏi bào thai và tiếp xúc với ngoại cảnh. Trong giai đoạn này, các giác quan của hài nhi còn thô thiển, chưa bén nhạy, tinh vi, nên chỉ có “tiếp xúc” mà thôi.
7.-Thọ: là nhận lãnh. Đây là giai đoạn khi đứa bé đã bắt đầu có lý trí, biết phân biệt vui và khổ, thấy vui trước những cảnh vừa lòng, buồn trước những cảnh trái ý.
8.-Ái: là tham ái. Khi đã biết vui buồn, thương ghét, thì tất nhiên sẽ sanh lòng tham ái, đắm trước đối với những gì tốt đẹp, thích thú, và ruồng bỏ những gì xấu xa, nhàm chán.
9.-Thủ: là nắm giữ lấy. Khi đã ưa thích những gì tốt đẹp, quý báu, thì sẽ sanh lòng giữ gìn những thứ ấy. Cái mà chúng sanh quý nhất là thân mạng.
10.-Hữu: là có. Ở đây muốn nói do lòng tham ái, và ý muốn giữ gìn (thủ) mà tạo ra thân hậu hữu, tiếp nối cuộc đời sau.
11.-Sanh: là sanh mạng, là khởi đầu một cuộc sống khác.
12.-Lão Tử: là già và chết. Khi đã có sống, tất phải có già và chết.
Trong 12 giai đoạn nối tiếp cuộc sanh tử luân hồi này, nếu đem phân tích theo thứ tự thời gian trong ba đời (quá khứ, hiện tại, và tương lai) thì sẽ thấy như sau:
Vô Minh và Hành là thuộc về nghiệp nhân quá khứ, nghĩa là hai món này làm nhân trong quá khứ để kết thành quả báo trong hiện tại là: Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ.
Còn Ái, Thủ và Hữu là nghiệp nhân trong hiện tại để tạo những quả báo trong tương lai, là Sanh và Lão Tử.
Như thế, chúng ta thấy 12 Nhân Duyên này nối tiếp chặt chẽ, làm nhân làm quả, từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai không một lúc nào gián đoạn.
Hành giả tu theo pháp môn này, trước tiên phải quán sát cho rõ ràng hành tướng của 12 nhân duyên này; khi đã thấu rõ tường tận hành tướng của mỗi nhóm, hành giả phải tìm một nhược điểm nào trong vòng dây 12 nhân duyên ấy, để cắt đứt nó ra, không cho nó tiếp tục làm nhân làm quả nữa.
Nhược điểm trong vòng dây ấy, là “Ái” (tham ái, đắm mê). Vậy hành giả phải nhắm đối tượng là “Ái” để tấn công vào, như ông tướng quân hành quân, sau khi dò la mặt trận của địch, biết được chỗ yếu, liền đổ dồn lực lượng tấn công vào đấy. Muốn tiêu diệt được “Ái”, hành giả phải luôn luôn tự kiểm soát lòng mình, không để cho nó say mê, đắm trước vào những sắc tướng, giả ảnh bên ngoài. Một khi đã kềm chế, tiêu diệt được “Ái” rồi, thì nguyên nhân của “Thủ” không có nữa. “Thủ” đã không có thì “Hữu” cũng không thể do đâu mà phát sinh. “Hữu” không có, thì “Sanh” , “Lão Tử” cũng không xuất hiện được.
Các vị Duyên Giác sau khi đã đoạn trừ được những nghiệp nhân lậu, chấm dứt được vòng luẩn quẩn sanh tử luân hồi, sẽ chứng được quả vị Bích Chi Phật là quả vị cao nhất của Tiểu Thừa.

_HẾT P.04 Tập 10_