BẢN ĐỒ TU PHẬT HAY LÀ CHỌN ĐƯỜNG TU _TẬP I_ Phần 02


SOẠN GIẢ :
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA

BẢN ĐỒ TU PHẬT HAY LÀ CHỌN ĐƯỜNG TU

_TẬP I_

*****

PHẦN CHÍNH
CHƯƠNG I

GIẢI THÍCH NGHĨA CHỮ “TU”

Tu” là một tiếng nguồn gốc từ chữ Hán, dịch nghĩa thông thường là “sửa”. “Tu” có ba phương diện: Tu tâm, tu thân, và tu bổ; nghĩa là sửa tâm cho tốt, sửa thân cho đẹp và sửa nhà cửa ruộng vườn v.v… cho được thạnh lợi.
Nghĩa chữ “Tu” rất rộng, có thể áp dụng cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, cá nhân lẫn đoàn thể, thông thường lẫn chuyên môn. Đã gọi là “sửa” thì bất luận những cái gì xấu xa hư dở đều phải sửa. Mà ở đời có cái gì là hoàn toàn, không hư không dở? Nhất là đối với bản thân, mỗi chúng ta có biết bao nhiêu điều xấu xa hèn dở, cần phải sửa:

_ Sửa cái dở thành cái hay: như bỏ cờ bạc rượu trà, đàng điếm, phóng túng trở lại lo việc gia đình, xã hội là tu.
_ Sửa cái xấu trở lại tốt: Như bỏ sát nhân hại vật, trộm cướp (xéo xắt, cân non, đong thiếu, lấy thừa), dâm loạn, nói dối (nói lời hung dữ hổn ẩu, nói cộc cằn thô tục, nói thêm bớt, đâm thọc, thèo lẽo, dua nịnh) trở lại nhân từ, lễ nghĩa, ngay thẳng, chân thật, bố thí, giúp người là tu.
_ Sửa tà theo chánh: Như bỏ mê tín, dị đoan, xin xăm, bói quẻ, đốt giấy tiền vàng mã, lên đồng, xuống bóng, trở về chánh đạo là tu.
_ Sửa quấy trở lại phải: Như bỏ ngỗ nghịch với bề trên, bất hiếu với cha mẹ, dâm nộ hung ác v.v… trở lại thuận hòa hiếu đạo v.v… là tu.
_ Sửa vọng thành chơn: Như bỏ tánh xảo quyệt, dối trá, lường gạt trở lại chơn thật, trung chính là tu.
_ Sửa vọng thức thành bốn trí: Như nhận thấy được vì tám món vọng thức mà chúng sinh phải trầm luân mê muội; và chư Phật được tự tại giải thoát là do chuyển tám thức ấy thành bốn trí. Nay chúng ta cũng noi theo Phật, chuyển vọng thức thành trí tuệ; sửa thức thứ tám trở lại Đại-viên cảnh Trí; sửa thức thứ Bảy trở lại Bình-đẳng tánh Trí; sửa thức thứ Sáu trở lại làm Diệu-quan-sát Trí; sửa Năm thức trước trở lại Thành-sở-tác Trí, như thế là tu.
_ Sửa phiền não thành Bồ đề: Như bỏ tham lam, sân hận, si mê, tật đố, thất tình, lục dục trở lại thành Bồ đề thanh tịnh, là tu.
_ Sửa sanh tử trở lại Niết bàn: Như ngược dòng sông mê sanh tử luân hồi trở về nguồn Niết bàn tịch mịch, là tu.
_ Sửa triền phược trở lại thành giải thoát tự tại: Như bỏ thê thằng tử phược, cảnh hồng trần hệ lụy, bước lên đường giải thoát, tự tại như Thái tử Tất-đạt-đa, là tu.
_ Sửa phàm thành Thánh: Như bỏ tư tưởng, hành vi và tánh tình ô nhiễm của phàm phu, trở lại trong sạch như thánh hiền, là tu.
_ Sửa chúng sinh thành Phật: Như chuyển cái tánh vô thường, chấp ngã, bất tịnh, phiền não thành ra bốn đức Niết bàn: thường, lạc, ngã, tịnh, là tu.

Tóm lại, tu là sửa cái hư vọng dối trá trở lại “chơn”; sửa những cái xấu xa tồi tệ mục nát trở lại “mỹ”; sửa các tội ác tàn bạo trở thành “thiện”. Tu không có cầu kỳ và rất thật tế như vậy, thì ở thời đại nào, xứ sở nào, hạng người nào lại chẳng nên tu?

 *****
CHƯƠNG II

CON ĐƯỜNG TU THÔNG THƯỜNG CỦA QUẢNG ĐẠI QUẦN CHÚNG

Người đời, dù sống trong hoàn cảnh nào, ai cũng ước ao đạt được chân, thiện, mỹ. Do lòng ước ao đó, mà chữ “tu” đối với mọi người rất cần thiết. Chưa nói đến những hạng người đi theo một tôn giáo này hay một tôn giáo khác mới gọi là tu, những người thường không theo tôn giáo nào cũng có cách tu của nó.

 I.- Trong phạm vi cá nhân, đối với họ, tu cả ba phương diện: đức, trí và thể.
Đức: Họ chú trọng sửa chữa những tật xấu của tâm tánh như: tham lam, sân hận, khinh mạn, cống cao, nghi ngờ, dối trá, nịnh bợ, bỏn xẻn, khó khăn, lười biếng, buông lung, nhỏ mọn, tiểu nhơn, v.v… (Xem quyển Tu tâm, Dưỡng tánh). Họ cố bài trừ những tật xấu ấy và thay thế vào những đức tánh tốt đẹp như: từ bi, hỷ xả, nhu hòa, nhẫn nhục, tin tưởng, ngay thật, vị tha, cần mẫn, hăng hái, quảng đại, quân tử, v.v…
Họ cố kiềm hãm, ngăn chặn những hành vi tội lỗi như sát nhân, hại vật, trộm cướp, tà dâm và thay thế vào bằng những hành vi đẹp đẽ như cứu người, độ vật, bố thí, trung trinh, v.v… như thế là tu về Đức.
Trí: Về phương diện trí dục, họ cố gắng trau giồi trí tuệ, mở rộng kiến thức, phá tan thành kiến hẹp hòi, thêm nhiều sáng kiến để có thể phán đoán các việc hay dở, lợi hại, v.v…. vượt qua mọi trở ngại khó khăn, cùng bí, như thế là tu về Trí.
Thể: Về phương diện thân thể, họ cố gắng luyện tập cho thân thể được khoẻ mạnh, nở nang, dẻo dai, để có thể chịu đựng bền bỉ trước những sự tấn công của bệnh tật, lao nhọc, những cuộc vật lộn với đời để mưu sống, như thế là tu về Thể.
Không những mỗi người chỉ cần lo tu dưỡng thân tâm, mà còn phải tu bổ những vật sở hữu của mình nữa. Họ sửa sang nhà cửa hư dột, may vá lại áo quần rách nát, (tu bổ) vun xới lại ruộng vườn hoang phế (sửa), tu bổ lại đường xá cầu cống hư sập v.v…như thế gọi là tu cả.
Tóm lại, mỗi cá nhân, bất luận lớn bé, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, sang hèn, đều phải lấy việc tu luyện thân tâm (tu tâm, tu thân) sửa sang (tu bổ) những vật sở hữu làm trọng. Nếu xem thường vấn đề này, thì cuộc đời thành mục nát xấu xa và sẽ bị đào thải một cách mau lẹ ra khỏi cuộc sống.

II.- Trong phạm vi đoàn thể: Nếu muốn tồn tại và tiến triển, thì vấn đề tu luyện cũng phải được xem là vấn đề chính yếu.
Một gia đình có tu, thì được hòa thuận, yên vui, hạnh phúc. Trái lại, một gia đình thiếu tu, thì cha mẹ thường xung đột, con cái bất hòa, anh em ly cách, chồng vợ chia lìa, nghĩa là gia đình sẽ trở thành địa ngục trần gian.
Một xã hội có tu, thì dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà không cần đóng cửa, của rớt ngoài đường không mất, phong tục được thuần lương, nước nhà được thịnh trị. Trái lại, một xã hội không tu thì trộm cướp hoành hành, mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, giàu bóc lột nghèo, nước nhà loạn lạc.
Một thế giới có tu, thì hòa bình được thực hiện, thế giới được đại đồng, trần gian sẽ trở thành Cực Lạc. Trái lại, thế giới không tu thì giặc giã hoành hành, thế giới bất bình đẳng, và trần gian sẽ thành địa ngục.
Vấn đề “tu” quan trọng như thế, cho nên không thể không tu, mặc dù mình không theo tôn giáo nào cả. Đã sống là phải tu, hoặc tu cách này hay cách khác. Không tu thì không thể sống được, không tu là xem cuộc sống như đồ bỏ, và cuộc sống sẽ trở thành đồ bỏ thật, vì có ai săn sóc tới nữa đâu?

Để tóm tắt đoạn này, chúng ta hãy nhớ lại câu nói của Thánh nhơn sau đây:
“Tâm có tu thân mới tốt, thân có tu gia đình mới được chỉnh đốn, gia đình có tu quốc gia mới thạnh trị, quốc gia có tu thì thế giới mới hòa bình an lạc. (Tâm chánh nhi hậu thân tu, thân tu nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trị, quốc nhi hậu thiên hạ bình).
Vậy muốn thế giới hòa bình an lạc thì bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta cần phải nghĩ và thực hành ngay việc tu dưỡng thân tâm.
Xem qua đoạn này quý vị hãy nhận xét kỹ về lối tu này có cần thiết và thật tế cho chúng ta không?

 *****
(Hết Tập 01 – Phần 02 – Còn tiếp)