BẢN ĐỒ TU PHẬT _ TẬP 10_CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA _ P.06


TẬP X: CON ĐƯỜNG TU CỦA 05 THỪA

B.-BA THỪA HAY BA CỔ XE
Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, Phật giáo có chia làm năm thừa, như năm cấp bậc để người tu hành dễ bước lên.
Người không có chí nguyện cao xa, chỉ muốn được làm người, thì bước lên cấp thứ nhất; người muốn vượt cao hơn cõi người, lên cõi trời thì bước lên cấp thứ hai; người muốn thành A-La-Hán, không còn bị trôi lăn trong cõi sanh tử luân hồi nữa thì bước lên cấp thứ ba; người muốn thành một vị Duyên Giác, hay Bích Chi Phật thì bước lên cấp thứ tư; người muốn thành một vị Bồ-tát, cứu đời giúp người, hóa độ chúng sanh, thì bước lên cấp thứ năm.
Năm cấp này, nếu giản dị hóa lại thì chỉ còn có ba bậc, tức là Ba Thừa, nghĩa là Tiểu-thừa, Trung-thừa và Đại-thừa.
Chữ Thừa, hay là Thặng, có nghĩa là cái xe. Tiểu-thừa tức là cái xe nhỏ; Trung-thừa là cái xe vừa; Đại-thừa tức là cái xe lớn. Người đi đường, muốn đỡ mệt và mau đến đích, tức phải dùng đến chiếc xe. Xe có chiếc nhỏ, chiếc vừa và chiếc lớn. Xe nhỏ thì chỉ chở được một người, xe vừa thì chở đôi ba người, xe lớn thì chở được nhiều người.
I.-TIỂU THỪA
Thừa này gồm Nhân, Thiên và Thanh-Văn thừa. Như trên đã nói:
Muốn đến cõi Người, thì phải đi xe Người, tức là Nhơn-thừa; nghĩa là hành-giả phải giữ Ngũ-giới.
Muốn đến cõi Trời, thì phải đi xe Trời, tức là Thiên-thừa; nghĩa là hành giả phải tu Thập-thiện.
Muốn đến cảnh giới Thanh-Văn, thì phải đi xe Thanh-Văn, tức là Thanh-Văn thừa; nghĩa là hành giả phải tu pháp Tứ-Diệu-Đế. Sở dĩ liệt Nhân, Thiên và Thanh-Văn vào làm một, gọi là Tiểu-thừa, là vì ba hạng này tu chỉ mong cứu độ cho mình mà thôi, cũng như chiếc xe nhỏ chỉ chở một vài người.
II.-TRUNG THỪA
Trung-thừa là chiếc xe vừa, có thể chở được 5, 7 người. Muốn đến cảnh giới Duyên-Giác, hành giả phải đi xe Duyên-Giác, tức là Trung-thừa (xe vừa), nghĩa là phải quán 12 Nhân Duyên, Lưu-chuyển và Hoàn-diệt. Bởi thế nên thừa này cũng gọi là Duyên-Giác thừa. Duyên-Giác thừa được gọi là Trung-thừa, vì nó rộng hơn, cao hơn Thanh-Văn thừa, nhưng còn thấp hơn, hẹp hơn Bồ-tát thừa. Đây là một nấc thang trung gian, để cho hàng Tiểu-thừa dễ bước lên hàng Đại-thừa. Quả vị của Thừa này là Bích Chi Phật cũng gọi Duyên Giác hay Độc Giác. Vị này đã hoàn toàn giác ngộ được phần mình, nhưng chưa giác ngộ được nhiều cho chúng sanh.
III.-ĐẠI THỪA
Đây là con đường rộng lớn nhất, cao xa nhất trong Ba Thừa tức là Bồ-tát thừa. Muốn đến quả vị Bồ-tát, hành giả phải đi xe Bồ-tát, nghĩa là tu Lục-độ Vạn-hạnh. Sở dĩ thừa này được gọi là Đại, vì đã cung cấp cho chúng sanh một phương pháp tu hành rộng lớn, có thể độ cả mình lẫn chúng sanh đi đến bờ Giác-ngộ hoàn toàn (xem Bản Đồ Tu Phật tập IX).
Tóm lại, Ba-Thừa này cũng như ba loại xe. Tiểu-thừa là loại xe nhỏ như xe đạp, chỉ chở được một người, nếu ráng lắm là thêm một người nữa là cùng. Trung-thừa là loại xe vừa, như xe hơi, có thể chở được 3, 4 người. Đại-thừa là loại xe lớn như cam nhông, xe lửa, tàu thủy, máy bay v.v… có thể chở một lúc từng trăm, ngàn người.
C.-HAI THỪA HAY HAI CỖ XE
Kẻ tu hành, muốn chóng đến đích và đỡ mệt, tất phải dùng các loại xe, hoặc Tiểu-thừa, hoặc Trung-thừa hay Đại-thừa. Các xe, xe nào cuối cùng rồi cũng đến đích là Thành Phật. Nhưng Tiểu-thừa thì đi chậm và chỉ độ được cho một ít hành giả mà thôi. Còn Trung-thừa thì đi mau hơn và độ được năm bảy người. Đến Đại-thừa thì đi nhanh hơn nữa và độ được nhiều người trong một lúc, nghĩa là tự độ và độ tha.
Bây giờ, để đi sâu vào nội dung vấn đề, chúng ta hãy tuần tự so sánh, những sự sai khác và giống nhau, giữa hai thừa như thế nào.
Những điểm dị, đồng giữa Tiểu-thừa và Đại-thừa.
I.-TƯ TƯỞNG
1.-Quan niệm về nhân sanh và vũ trụ
_Quan niệm về nhân sanh, Đại-thừa hay Tiểu-thừa gì cũng cho rằng cõi đời là khổ. Biển khổ mênh mông ấy bắt nguồn từ vô minh, từ vô thỉ, chứ không phải do một đấng nào tạo ra.
Đối phó với cái khổ ấy, Tiểu-thừa tìm cách để xa lánh cõi đời, rời bỏ gia đình, chối từ công danh, sự nghiệp, cho rằng mọi sự vật trong đời này đều không đáng bận tâm đến. Chỉ cốt làm sao tự tu tự luyện để giải thoát cho mình.
Đại-thừa cũng nhận thấy cõi đời là khổ, cần phải dứt trừ. Nhưng họ không xa lánh cõi đời, trái lại lăn lộn trong bể khổ ấy để cứu vớt chúng sanh. Họ thấy có thể dùng phương tiện sẵn có trong cõi đời để tự giác và giác tha, chứ không cần phải trốn tránh cõi đời, đi tìm một nơi am thanh cảnh vắng để tu luyện. Cõi đời là khổ, nhưng cảnh khổ ấy chẳng khác gì trong giấc mộng; hết mộng là hết khổ. Bởi vậy, không cần trốn lánh cõi đời, mà chỉ cần chuyển đổi cảnh mê thành ngộ. Cho nên cảnh giới Ta-Bà này cũng có thể là cảnh giới thanh tịnh đối với kẻ biết sống, với người đã giác-ngộ. Do đó có câu: “biển khổ mênh mông, nhưng quay đầu lại thì liền thấy bờ bến”.
Tiểu-thừa và Đại-thừa đều cho vũ trụ là mênh mông, vô bờ bến, vô thỉ vô chung, và không do một đấng nào sáng tạo cả. Nhưng trong khi Tiểu-thừa cho rằng vũ trụ ấy có thật, ngoài tâm, thì Đại-thừa cho rằng vũ trụ như huyễn, như hóa, và cảnh với tâm không thể rời nhau mà có, nghĩa là tâm cảnh chỉ là một, bất khả phân.
2.-Quan niệm về Phật:
Theo quan niệm của Tiểu-thừa, thì chỉ có một Đức Phật duy nhất, xuất hiện cách đây 2.564 năm (kể đến năm 2020 D.L) tại Ấn Độ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước đó, không có Đức Phật nào cả, và sau này cũng chẳng có Đức Phật nào nữa.
Theo quan niệm của Đại-thừa, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là một trong vô số vị Phật đã xuất hiện trong pháp-giới này. Trước Ngài đã có nhiều vị Phật, sau Ngài sẽ có nhiều vị Phật khác ra đời. Đức Phật Thích Ca là Ứng-thân của Phật, thị hiện tỏng cõi Ta-bà này để cứu độ chúng sanh. Ngài cũng là Hóa-thân của Phật, cần có mặt ở cõi đời này để làm giáo chủ trong hiện tại, cũng như bảy Đức Phật (thất Phật) của thế giới trong quá khứ và Đức Phật Di Lặc sẽ là vị Phật trong tương lai.
Ngoài ra, nói một cách tổng quát, mỗi chúng sanh đều có Phật-tánh, thì nếu tu hành viên mãn, đều sẽ thành Phật cả.
II.-HÌNH THỨC
1.-Tiểu Thừa
Phái này thường cũng được gọi là Nguyên-thủy, nghĩa là giáo phái giữ đúng những hình thức, giới luật mà Đức Phật đã quy định từ ngàn xưa, lúc Đức Phật còn tại thế. Các Tu-sĩ đắp y vàng, để hở vai và cánh tay phải, không ăn quá ngọ, không giữ tiền bạc trong người. Họ đi khất thực, và trong người chỉ có tám vật dụng cần thiết là: bộ y, cái quạt để che nắng, đôi dép, bình bát, cái gậy, cái đãy lọc nước, cây kim để may vá.
Nói chung, về phương diện hình thức, Tiểu-thừa không chủ trương biến cải cho hợp thời đại, hợp trào lưu, không mượn hình thức làm một phương tiện để hóa độ và truyền bá Phật pháp.
2.-Đại Thừa
Phái này, trái lại, không có tánh cách bảo thủ, nhất là bảo thủ hình thức. Tùy theo địa phương, hoàn cảnh, thời đại mà hình thức được thay đổi cho thích hợp. Từ ngôi chùa, y phục, cho đến cách sinh hoạt, Đại-thừa đều khác Tiểu-thừa. Tu-sĩ Đại-thừa không đi khất thực, mà thọ trai tại chùa, họ chế nhiều loại y phục màu sắc khác nhau, tùy theo mỗi xứ, mỗi nước. Mỗi chùa đều có ruộng đất để nuôi sống tăng chúng. Họ bày ra nhiều lễ lược, nhiều nghi thức để làm phương tiện hóa đạo, truyền bá chánh pháp.
Nói một cách tổng quát, Đại-thừa có tính cách tích cực nhập thế, nên dùng nhiều phương tiện để hóa độ chúng sanh. Họ không câu nệ hình thức; mọi hình thức có lợi cho đạo, đều có thể chấp nhận được cả. Nhờ thế mà họ theo kịp sự tiến triển của thời đại, và có thể quảng bá đạo pháp bất luận ở đâu vào lúc nào.
III.-PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH
1.-Tiểu Thừa
Pháp môn tu hành của Tiểu-thừa gồm có: Ngũ-giới, Thập-thiện, Tứ-diệu-đế, Thập-nhị-nhân-duyên, các pháp Thiền-quán, như quán Sổ-tức, quán Bất-tịnh, quán Từ-bi, quán Vô-thường, quán Vô-ngã,…
2.-Đại Thừa
Đại-thừa tuy vẫn học hỏi, tu tập những pháp môn của Tiểu-thừa nói trên, nhưng họ thấy chừng ấy chưa đủ để tiến xa trên đường giải thoát và đạt đến quả vị Phật, nên ngoài các pháp môn trên, họ còn tu pháp Lục-độ, Tứ-nhiếp-pháp, Ngũ-minh v.v… Cũng vì thế, các vị Tổ Sư lại còn dựa vào những kinh điển của Đức Phật để phát huy, lập ra những pháp môn như Tịnh-độ tông, Thiền tông, Duy-thức tông, Hoa-nghiêm tông, v.v… Nhờ sự phát huy này mà giáo lý Đại-thừa rất sung mãn, đủ mọi khía cạnh, thích hợp cho mọi căn cơ, đáp ứng cho mọi xu hướng tu luyện của mọi xứ sở, mọi xã hội, mọi giai tầng.
IV.- QUẢ VỊ TU CHỨNG
Giáo lý và pháp môn của hai thừa tuy không khác nhau ở căn bản, nhưng vì có thấp, có cao không đồng, nên kết quả tu chứng cũng không giống nhau:
1.-Tiểu Thừa :
Tiểu-thừa chú trọng đến cá nhân hơn đoàn thể, tự độ hơn độ tha, nên quả vị tu chứng cũng thấp hơn, hẹp hơn quả vị của Đại-thừa. Như chúng ta đã thấy trong phần nói về quả vị của năm thừa, quả vị thấp nhất là sanh trở lại làm người (Nhơn-thừa) và quả vị cao nhất của Tiểu-thừa là A-La-Hán. Các vị này chỉ chứng được cõi Hữu-dư-y Niết-Bàn, nghĩa là cõi Niết-Bàn chưa hoàn toàn, rốt ráo.
2.-Đại Thừa :
Đại-thừa vì có nhiều giáo lý, pháp môn cao thâm hơn, nên quả vị chứng được cũng rốt ráo hoàn toàn. Đó là quả vị Bồ-tát, chứng được quả Vô-dư-y Niết-Bàn. Cùng tột hạnh nguyện của Bồ-tát, hành giả sẽ chứng quả Phật, là quả vị cùng tột trong đạo Phật.
V.-ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA TRONG CÁC NƯỚC
Đại-thừa và Tiểu-thừa hiện nay là hai giáo phái lớn nhất của đạo Phật. Hai giáo phái này đều phát triển và thạnh hành song song, nhưng có thể chia làm hai khu vực rõ ràng:
1.-Tiểu Thừa hay Nam Tông :
Sở dĩ Tiểu-thừa cũng gọi là Nam-Tông, vì ảnh hưởng của phái này được mạnh mẽ nhất ở các nước miền Nam Á-Châu như: Ấn-Độ, Tích-Lan, Miến-Điện, Thái-Lan, Lào, Cao-Miên.
2.-Đại Thừa hay Bắc-Tông :
Nếu Tiểu-thừa phát triển mạnh ở phía Nam, thì Đại-thừa trái lại được thạnh hành ở phía Bắc. Do đó mà có danh từ Bắc-Tông để gọi Đại-thừa. Những nước thuộc Đại-thừa như là: Trung-Hoa, Triều-Tiên, Nhật-Bản, Việt-Nam v.v…
VI.-KẾT LUẬN VỀ HAI THỪA
Thật ra, giáo pháp của Đức Phật chỉ có nhứt vị, không phân chia Đại-thừa và Tiểu-thừa gì cả. Chẳng qua những lời dạy của Ngài, tùy theo căn cơ của người nghe mà có sâu có cạn, có rộng có hẹp. Và người nghe, thấy giáo lý nào hợp với mình, thì theo giáo lý ấy mà tu hành. Bởi thế Mura Kami, một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, có nói:
“Đức Phật không phải Đại-thừa hay Tiểu-thừa, vì những danh từ này được đặt ra về sau. Sự thật, Đức Phật Nguyên Thủy không có phân biệt Đại-thừa hay Tiểu-thừa”.
Thật ra, đây chỉ như là 02 nấc thang mà các vị Tổ muốn đặt ra để cho Phật-tử dễ bước và tùy sức mình mà bước. Nếu thấy mình mạnh, chân mình dài, thì bước hai nấc một lần; còn nếu thấy mình không đủ sức thì cứ bước dần từng nấc một, vừa ít tốn sức mà vừa chắc chắn.
Để kết luận đoạn này, chúng tôi xin trích lại đoạn văn sau đây của Giáo-sư Macda: “Lời dạy của Đức Phật Thích Ca như hạt giống, lời dạy của Tiểu-thừa như cành cây và lá, và lời dạy của Đại-thừa như hoa và quả. Sau khi hạt giống đã được che đậy và khi thời gian chín mùi, các kết quả hiện ra”.

HẾT_TẬP 10_P.06